Nỗ lực vì "mục tiêu kép" Chính phủ đề ra

Vì mức độ nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19, Chính phủ xác định mục tiêu mục kép, vừa bảo đảm sức khỏe, tính mạng người dân, vừa tìm mọi biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ổn định, giữ vững và phát triển kinh tế.

Dịch bệnh COVID-19 lan rộng khiến nhiều nước phải tạm đóng cửa biên giới, phong tỏa các thành phố…

Trong lúc chưa có vaccine, số người nhiễm bệnh và tử vong chưa giảm thì thực tế đáng lo ngại là kinh tế toàn cầu đang bước vào giai đoạn ngưng trệ.

Fitch Solutions, đơn vị nghiên cứu vĩ mô và là công ty liên kết của hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Fitch Ratings cho rằng dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2020 do các chuỗi cung ứng của khu vực bị gián đoạn. Hoạt động sản xuất của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề, lượng khách du lịch cũng giảm mạnh.

Các chuyên gia của Fitch Solutions dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,3% năm 2020 đã tính đến kịch bản dịch COVID-19 lắng xuống trong nửa cuối năm 2020.

Trong khi đó, ngày 12/2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Báo cáo đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh đối với kinh tế - xã hội Việt Nam. Theo đó, nếu dịch kéo dài tới quý II thì tăng trưởng năm 2020 của Việt Nam chỉ có thể là 5,96%. Mức tăng này khá thấp và giảm 0,84 điểm phần trăm so với mục tiêu 6,8% năm nay.

Ngay khi dịch bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc), Chính phủ Việt Nam đã có nhiều hành động kịp thời nhằm ngăn chặn dịch lây lan ở Việt Nam và bước đầu, chúng ta đã đạt kết quả khả quan.

Dự báo diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, khó lường, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020, tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là thận trọng, không chủ quan nhưng không bi quan, đồng thời nhấn mạnh cần huy động mạnh mẽ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thực hiện “mục tiêu kép”.

Đó là vừa quyết liệt phòng, chống, khống chế dịch, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.

dam bao cung cung hang hoa
Bộ Công Thương phối hợp các bộ, ngành liên quan đảm bảo phân phối, lưu thông, cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng

Trong tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể đến từng bộ, ngành.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí..

Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2020; khẩn trương trình Chính phủ về việc miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; rà soát, đề xuất các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà nước, trước hết là gói hỗ trợ khoảng 30 nghìn tỷ đồng.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phối hợp hướng dẫn các đơn vị kinh doanh cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics hàng hải, hàng không, đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt...

Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan đề xuất các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất trong nước; có phương án tổ chức sản xuất, phân phối, lưu thông, cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; đồng thời nghiên cứu cơ hội và chuyển đổi phương thức kinh doanh tiêu thụ, xuất khẩu các ngành nông, lâm, thủy sản chủ lực… Đặc biệt, đối với các ngành dịch vụ, cần khẩn trương phục hồi và phát triển du lịch, hàng không…

Với những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chúng ta có cơ sở để tin tưởng Việt Nam sẽ đạt được kết quả tốt trong việc thực hiện “mục tiêu kép” nói trên.