brexit
Tiến trình Brexit bế tắc đang tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực kinh tế và khiến nước Anh đánh mất dần vị thế của mình.

Nguy cơ nước Anh rời EU mà không có thỏa thuận nào, còn gọi là “Brexit cứng” (Anh rời EU không thỏa thuận) đã gia tăng trong những ngày gần đây khi các nhà lãnh đạo Anh và EU đều không chấp nhận nhượng bộ và bày tỏ quan điểm cứng rắn về vấn đề này.  Phát biểu tại một học viện cảnh sát ở thành phố Wakefield miền Bắc Anh, Thủ tướng Anh Boris Johnson mới đây tuyên bố ông "thà chết còn hơn” phải trì hoãn kế hoạch đưa Anh rời EU dự kiến vào ngày 31/10 tới. Thời gian qua, ông Boris Johnson luôn tìm cách đàm phán lại thỏa thuận Brexit mà EU đạt được với cự Thủ tướng Anh Theresa May cuối năm 2018, đặc biệt là “điều khoản chốt chặn" liên quan đến đường biên giới Bắc Ireland trong thỏa thuận nói trên.

Trong khi đó, EU vẫn thể hiện quan điểm cứng rắn, kiên quyết không đàm phán lại với Anh. Hôm 1/9 vừa qua, Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier đã tuyên bố khối liên minh này sẽ không thay đổi thỏa thuận "ly hôn" với Anh.  Ông Barnier khẳng định yếu tố gây tranh cãi nhất của thỏa thuận Brexit, gọi là cơ chế "chốt chặn" nhằm duy trì đường biên giới Bắc Ireland mở trong mọi hoàn cảnh hậu Brexit, là mức độ linh hoạt tối đa mà EU có thể đưa ra. Ông nhấn mạnh điều khoản này vẫn phải là một phần trong bất kỳ thỏa thuận Brexit nào.

thu tuong anh
Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố ông "thà chết còn hơn” phải trì hoãn kế hoạch đưa Anh rời EU dự kiến vào ngày 31/10 tới.

Các nhà lãnh đạo Anh và EU cũng đã liên tiếp đá “quả bóng trách nhiệm” về Brexit cho nhau về việc Brexit không thỏa thuận. Các hãng tin AFP và Reuters cho biết, trước và trong Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra tại Pháp vừa qua, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch EC Donald Tusk đã đấu khẩu gay gắt về tác nhân phải chịu trách nhiệm nếu Anh rời EU mà không có thỏa thuận. Hai bên cáo buộc nhau là “ngài không thỏa thuận” (chỉ người gây ra Brexit không thỏa thuận). Nhận định về tình hình Brexit hiện nay, giới phân tích cho rằng, trong vòng hai tháng tới, Anh và EU sẽ còn phải vượt qua “ngọn núi cao” nếu muốn điều hòa quan điểm của đôi bên về Brexit.

Việc tiến trình Brexit bế tắc đang tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực kinh tế và khiến nước Anh đánh mất dần vị thế của mình. Báo cáo của công ty tư vấn PwC  vừa công bố cảnh báo rằng "mây đen" từ Brexit đang khiến triển vọng ngành dịch vụ hàng hải của Anh vô cùng ảm đạm. Anh vốn có vị thế vững chắc là một trung tâm vận tải toàn cầu chủ chốt trong nhiều thế kỷ qua và “thống trị” lĩnh vực bảo hiểm hàng hải, tài chính vận tải biển và các dịch vụ hàng hải khác. Lĩnh vực này mỗi năm tạo việc làm chuyên môn cao cho hơn 10.000 lao động và mang lại nguồn thu 5,6 tỷ USD/năm cho nền kinh tế của “xứ sở sương mù”. Tuy nhiên, sự thay đổi trong hoạt động thương mại thông qua vận tải đường biển đến châu Á cùng với tác động tiêu cực từ Brexit đang làm giảm sức cạnh tranh và khiến lĩnh vực kinh tế nói trên của nước Anh suy yếu. Vị thế của nước Anh như một trung tâm hàng đầu về dịch vụ hàng hải đang bị xói mòn.

bo truong ngan sach Phap

Bộ trưởng Ngân sách Pháp Gerald Darmanin: Việc kiểm tra hải quan sau Brexit sẽ làm giảm đáng kể thương mại giữa Anh và Pháp, đặc biệt khi Anh rút khỏi EU mà không có thỏa thuận.

Hôm 12/9, tại cuộc kiểm tra hải quan thử tại cảng Ouistreham, trung tâm thương mại chính của Anh và Pháp, Bộ trưởng Ngân sách Pháp Gerald Darmanin cũng đã cảnh báo rằng việc kiểm tra hải quan sau Brexit sẽ làm giảm đáng kể thương mại giữa Anh và Pháp, đặc biệt khi Anh rút khỏi EU mà không có thỏa thuận. Một tài liệu do Chính phủ Anh công bố vừa cho biết, khoảng 85% số xe tải của Anh chưa sẵn sàng cho các thủ tục kiểm tra hải quan tại Pháp trong trường hợp Brexit không thỏa thuận. Theo đó, tình trạng gián đoạn hoạt động thông quan nghiêm trọng nhất có thể kéo dài đến 3 tháng. Tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển ở eo biển Manche  có nguy cơ đe dọa đến các nguồn cung dược phẩm và thực phẩm…

Trên thực tế, Brexit cũng đã khiến vị thế trung tâm tài chính cũng như toàn bộ nền kinh tế Anh đối mặt những thách thức nghiêm trọng. Brexit, đặc biệt là nguy cơ “Brexit cứng” đang khiến nhiều công ty tài chính lớn chuyển trụ sở từ Anh sang Đức, Pháp và các nước thành viên EU khác. Khi các lĩnh vực kinh tế u ám, toàn bộ nền kinh tế Anh cũng sa sút và đối mặt nguy cơ “xuống hạng”. Hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit vừa cảnh báo rằng kinh tế Anh có nguy cơ suy thoái vì Brexit khi, hoạt động kinh doanh ở Vương quốc Anh đã giảm sút trong tháng 8 do hoạt động yếu kém của các ngành chủ chốt như xây dựng, chế tạo và dịch vụ...  Chris Williamson một chuyên gia kinh tế trưởng của IHS Markit, cho biết: "Cuộc khảo sát về PMI cho đến nay là dấu hiệu cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý III/2019 giảm 0,1%". Trong quý II/2019, GDP của Anh đã giảm 0,2%.

Ngoài tác động tiêu cực đến kinh tế, Brexit còn khiến nước Anh đang đánh mất vị thế chính trị, đối ngoại của mình, khi chính trị bất ổn, nội bộ bất đồng liên miên và một khi chính phủ Anh ở thế yếu, nước này khó có “tiếng nói trọng lượng” trong các vấn đề khu vực và toàn cầu. Mâu thuẫn giữa Chính phủ và Quốc hội gia tăng những ngày gần đây trong bối cảnh Thủ tướng Johnson quyết tâm đưa nước Anh rời EU vào ngày 31/10 bất chấp có đạt được thỏa thuận Anh - EU hay không. Trong khi đó nhiều nghị sĩ Anh quyết liệt phản đối điều này. Căng thẳng leo thang giữa Thủ tướng Anh Boris Johnson và các nghị sĩ chống Brexit đã khiến Quốc hội nước này bắt đầu tạm ngừng hoạt động sau khi kết thúc ngày làm việc 9/9.

Tháng 8 vừa qua, Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã chấp thuận đề nghị của Thủ tướng Johnson hoãn phiên họp quốc hội cho đến ngày 14/10. Quyết định nêu trên đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Quốc hội và khoét thêm mâu thuẫn trong nội bố nước Anh. Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow khẳng định việc chính phủ có kế hoạch hoãn thời gian làm việc của cơ quan lập pháp nước này tới ngày 14/10 là "vi phạm hiến pháp". Giới phân tích cho rằng, khi nội bộ Anh không đoàn kết, Anh không thể đàm phán hiệu quả với EU về Brexit.

ngoai truong ireland

Ngoại trưởng CH Ireland Simon Coveney: Brexit không thỏa thuận sẽ chỉ đánh dấu việc kết thúc giai đoạn 1 của Brexit, chứ không phải là sự ra đi dứt khoát.

Tuy nhiên, ngay cả khi nội bộ Anh thống nhất phương án rời EU không thỏa thuận và kịch bản “Brexit cứng” diễn ra, một hành trình dai dẳng và đau đớn được dự báo sẽ vẫn tiếp diễn, bởi giữa Anh và EU còn quá nhiều “duyên nợ”. Ngày 12/9, Ngoại trưởng CH Ireland Simon Coveney nhấn mạnh Brexit không thỏa thuận sẽ chỉ đánh dấu việc kết thúc giai đoạn 1 của Brexit, chứ không phải là sự ra đi dứt khoát. Ông Simon Coveney bày tỏ tin tưởng rằng EU sẽ phản hồi tích cực nếu Chính phủ Anh thay đổi quan điểm trong các cuộc đàm phán Brexit trong những tuần tới. Tuy nhiên, phía Anh chưa có đề xuất nào đáng kể hay gần với những gì quan trọng liên quan đến “điều khoản rào chắn” vốn gây bế tắc đàm phán nhiều tháng qua.

Với thực tế nêu trên, Brexit đang biến nước Anh trở thành một mớ hỗn độn không lỗi thoát. Thủ tướng Phần Lan, Antti Rinne sau cuộc gặp với Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli tại thủ đô Helsinki của Phần Lan hôm 6/9 đã nhận định rằng, tình hình nước Anh “đang trong mớ bòng bong”. Ông nhấn mạnh: "Tình hình tại Anh đang hỗn loạn. Chúng tôi không biết chuyện gì đang xảy ra ở Anh". 

brexit bế tắc
Việc tránh kịch bản “Brexit cứng” đang trở thành bài toán không có lời giải.

Vào năm 2016, nước Anh bắt đầu khởi động tiến trình Brexit. Ở thời điểm đó, những người ủng hộ Brexit cho rằng tiến trình này sẽ giúp “Xứ sở sương mù” tránh xa được những “vũng lầy khó khăn” của EU, từ khủng hoảng kinh tế tới nhập cư… và giúp Anh độc lập hơn, hùng mạnh hơn. Tuy nhiên, sau ba năm trôi qua, Brexit đang trở thành gánh nặng kéo nước Anh vào những rắc rối, khó khăn. Bi kịch của đa số người Anh hiện nay là họ không muốn Anh rời EU theo thỏa thuận chính quyền của cựu Thủ tướng Theresa May đã ký với EU tháng 11/2018, nhưng cũng không tìm được giải pháp thay thế thỏa thuận này. Theo đó việc tránh kịch bản “Brexit cứng” đang trở thành bài toán không có lời giải.

 Một khi Brexit kéo dài vô định kéo theo nước Anh tiếp tục “không tìm được chính mình”, đây không phải là tin vui đối với kinh tế thế giới trong bối cảnh hiện đã có quá nhiều yếu tố bất lợi, từ chiến tranh thương mại tới nguy cơ chiến tranh Trung Đông, đang “cản bước” tăng trưởng kinh tế toàn cầu.