OPEC tiến thoái lưỡng nan trước áp lực đòi gia tăng sản lượng khai thác của Hoa Kỳ

Tổng thống Hoa Kỳ Donal Trump mới đây đã đăng một dòng tweet mới thúc giục mạnh mẽ các nước khai thác dầu mỏ lớn trên thế giới phải gia tăng sản lượng khai thác nhằm kiềm chế đà tăng của giá dầu thô trên thị trường.

Dòng tweet mới này lại đặt Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) bao gồm Ả-rập Xê-út vào một lựa chọn khó khăn. OPEC có thể phớt lờ lời cảnh báo của ông Donald Trump và tiếp tục duy trì mức sản lượng thấp như hiện tại và chấp nhận nguy cơ Hoa Kỳ trả đũa trên một số lĩnh vực kinh tế. Ngược lại, OPEC có thể nâng sản lượng khai thác nhằm giảm bớt mức độ căng thẳng nhưng cũng sẽ đối mặt với tình trạng giá dầu thô sụt giảm mạnh, gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế của nhiều quốc gia thành viên như trong năm 2018.

Giá dầu tho đã tăng tới 20% kể từ đầu năm nay chủ yếu do OPEC tiến hành cắt giảm sản lượng khai thác
Giá dầu thô đã tăng tới 20% kể từ đầu năm nay do OPEC cắt giảm sản lượng khai thác

Mặc dù tổ chức OPEC chưa có phản hồi chính thức nào về cảnh báo của ông Donald Trump nhưng hãng tin Bloomberg dẫn lời 3 quan chức phụ trách khai thác dầu thô của khu vực Vùng Vịnh cho biết OPEC đã học được nhiều bài học sau sai lầm tăng sản lượng khai thác dưới áp lực của Hoa Kỳ, khiến cho thị trường rơi vào trạng thái dư cung và giá dầu sụt giảm mạnh.

Trong năm 2018, Hoa Kỳ đã thúc giục Ả-rập Xê-út tăng sản lượng khai thác trong khi áp đặt các lệnh cấm vận lên Iran. Điều này đã buộc Ả-rập Xê-út hành động theo lời thúc giục của Hoa Kỳ. Chỉ trong vài tháng, sản lượng khai thác của Ả-rập Xê-út đã chạm mức cao kỷ lục và bắt đầu đẩy thị trường vào trạng thái dư cung.

Khi OPEC nhóm họp vào tháng 12/2018, ông Donald Trump đã kêu gọi tổ chức này duy trì mức sản lượng khai thác cao. Tuy nhiên, OPEC và các nước khai thác dầu mỏ lớn ngoài khối OPEC đã không đồng ý với lời kêu gọi này, tuyên bố cắt giảm sản lượng khai thác 1,2 triệu thùng/ngày. Động thái cắt giảm này được triển khai trong đầu năm nay. Hiện ông Donald Trump vẫn tiếp tục gia tăng áp lực lên OPEC để buộc tổ chức này gia tăng sản lượng khai thác. Việc OPEC chủ động cắt giảm sản lượng khai thác cộng với các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ nhắm vào Iran và Venezuela đã góp phần khiến giá dầu thô tăng mạnh hơn 20% kể từ hồi đầu năm đến nay.

Trưởng ban chiến lược hàng hóa của tập đoàn tài chính RBC Capital Markets LLC (New York, Hoa Kỳ)  - ông Helima Croft nhận định OPEC sẽ phớt lờ lời cảnh báo của ông Donald Trump. “Ông Trump đang trừng phạt hai quốc gia thành viên của OPEC (Iran và Venezuela - PV) và hiện lại kêu gọi OPEC giúp đỡ Hoa Kỳ thoát khỏi vũng lầy mà do chính ông ta tạo ra”, ông Helima Croft nhận xét.

Ông Olivier Jakob – giám đốc điều hành tại Công ty tư vấn Petromatrix GmbH (Thụy Sĩ) cũng nhận định  Ả-rập Xê-út có thể sẽ kiên định trong việc cắt giảm sản lượng và bỏ qua các lời cảnh báo của ông Donald Trump. Nếu như Hoa Kỳ thực sự lo ngại tình trạng thiếu hụt cung dầu thô xảy ra thì nước này sẽ sử dụng nguồn dự trữ dầu thô chiến lược, ông Olivier Jakob nhận xét.

Tuy nhiên, một số nhà đầu tư nhận định việc ông Donald Trump ngày càng gia tăng áp lực lên tổ chức OPEC có thể sẽ khiến Ả-rập Xê-út giảm bớt mức độ cắt giảm sản lượng khai thác và duy trì sản lượng ở mức hợp lý.

OPEC có thể chịu rủi ro khi đối đầu với Hoa Kỳ. Khi giá dầu thô chạm mức cao nhất kể từ năm 2014 trong năm 2018, Quốc hội Hoa Kỳ đã ủng hộ việc thông qua một dự luật được gọi tắt là NOPEC (No Oil Producing and Exporting Cartels Act) - nhằm tiến hành các hành động pháp lý chống lại việc OPEC giữ giá dầu thô cao.

Dự luật NOPEC sẽ sửa đổi luật chống độc quyền của Hoa Kỳ để cho phép các thành viên OPEC bị kiện vì thông đồng. Hiện OPEC kiểm soát sản xuất từ các quốc gia thành viên bằng cách thiết lập mục tiêu sản lượng. Trước đây, các cựu tổng thống Hoa Kỳ gồm George W. Bush và Barack Obama đã đe dọa phủ quyết dự luật NOPEC. Tuy nhiên, một số nhà quan sát bên ngoài nói rằng Tổng thống Donald Trump có thể tạo đà cho dự luật sau khi liên tục tấn công nhóm này vì giữ giá dầu "cao một cách giả tạo".

Lịch sử chỉ ra rằng Ả-Rập Xê-út và OPEC không thể coi thường áp lực từ Hoa Kỳ, theo nhận định của ông Bob McNally – cựu quan chức phụ trách vấn đề dầu mỏ cho Chính phủ Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống George W. Bush. Việc giá dầu thô tăng cao cũng sẽ khiến mức độ căng thẳng chính trị giữa Hoa Kỳ và OPEC tăng theo, buộc OPEC phải xem xét điều chỉnh giá dầu thô.  

Các chính sách của OPEC đối với tình trạng giá dầu thô tăng cao sẽ trở nên rõ ràng hơn khi tổ chức này và một số quốc gia khai thác dầu mỏ lớn ngoài khối OPEC nhóm họp tại , Azerbaijan, vào ngày 18 tháng 3.

Duy Quang