Phân cấp và mối quan hệ giữa Trung ương với chính quyền địa phương trong phát triển bền vững

TS. HÀ QUANG THANH (Phó trưởng Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính - Thường trực cơ sở , Học viện Hành chính quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Đổi mới cơ chế quản lý nhà nước, sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xu hướng mở cửa, hội nhập quốc tế tạo ra những tiền đề và đòi hỏi phải đổi mới, tăng cường phân cấp quản lý nhà nước giữa Trung ương và chính quyền địa phương nhằm phát huy mạnh mẽ tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Phân công, phân cấp là mối quan hệ mật thiết giữa trung ương với chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước là một chủ trương lớn, nội dung quan trọng được đề cập một cách có hệ thống và nhất quán trong các văn kiện của Đảng ta thời gian gần đây. Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VIII) đề ra phương hướng “phân định trách nhiệm, thẩm quyền giữa các cấp chính quyền theo hướng phân cấp rõ hơn cho địa phương, kết hợp chặt chẽ quản lý ngành và quản lý lãnh thổ, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ”.

Từ khóa: Quản lý nhà nước, phân cấp, phát triển bền vững.

1. Khái niệm quản lý nhà nước và phân cấp

1.1. Quản lý và quản lý nhà nước

Khái niệm Quản lý là một thuật ngữ khá đa dạng và phức tạp, hiện nay có nhiều cách giải thích khác nhau. Theo phương Tây, từ quản lý management có nguồn gốc Italia “managgiare” và bản thân từ này lại được rút từ chữ La tinh “manus”, nghĩa là bàn tay. Theo từ gốc, thực hiện quản lý là “nắm vững trong tay”, “điều khiển bàn tay”.

Quản lý là sự tác động lên một hệ thống nào đó với mục tiêu đưa hệ thống đó đến trạng thái cần đạt được. Quản lý là một phạm trù xuất hiện trước khi có Nhà nước với tính chất là một loại lao động xã hội hay lao động chung được thực hiện ở quy mô lớn. Quản lý được phát sinh từ lao động, không tách rời với lao động và bản thân quản lý cũng là một loại hoạt động lao động. “Bất kỳ lao động xã hội trực tiếp hay lao động chung nào đó mà được tiến hành trên quy mô tương đối lớn đều cần có sự quản lý ở mức độ nhiều hay ít nhằm phối hợp những hoạt động cá nhân và thực hiện những chức năng chung... Một nhạc công tự điều khiển mình nhưng một dàn nhạc cần phải có nhạc trưởng”.

Như vậy, quản lý xã hội không phải là sản phẩm của sự phân chia quyền lực, mà là sản phẩm của sự phân công lao động nhằm liên kết và phối hợp hoạt động chung của con người; Là một phạm trù gắn liền với sự xuất hiện của Nhà nước, quản lý nhà nước ra đời với tính chất là loại hoạt động quản lý xã hội.

“Quản lý nhà nước, hiểu theo nghĩa rộng, là sự tổ chức và quản lý sự vụ hữu quan của mội tổ chức và đoàn thể xã hội, được thực hiện bởi tất cả các cơ quan nhà nước. Theo nghĩa hẹp, là hoạt động quản lý hành chính do Chính phủ đại diện Nhà nước thực thi và đảm bảo bằng sức cưỡng chế của Nhà nước. Nó khác về tính chất với sự quản lý sự vụ hành chính trong toàn thể xã hội, đơn vị xí nghiệp. Quản lý hành chính tồn tại trong đời sống thực tế, đều là sự tổ chức và quản lý sự vụ cụ thể chuyên môn”.

Quản lý nhà nước là hoạt động chấp hành và điều hành được đặc trưng bởi các yếu tố có tính tổ chức; được thực hiện trên cơ sở và để thi hành pháp luật; được bảo đảm thực hiện chủ yếu bởi hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước (hoặc một số tổ chức xã hội trong trường hợp được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước). Quản lý nhà nước cũng là sản phẩm của việc phân công lao động nhằm liên kết và phối hợp các đối tượng bị quản lý.

1.2. Phân cấp quản lý nhà nước

Hiện nay, có một số quan niệm khác nhau xung quanh khái niệm “phân cấp”. Theo một số tác giả, phân cấp chính là phân quyền giữa Trung ương và địa phương. Phân cấp là phân ra, chia thành các cấp, các hạng. Phân cấp có sự chuyển giao quyền lực quản lý xuống các cấp dưới để thực hiện cho sát dân và sát tình hình thực tiễn, đồng thời, để giảm bớt khối lượng cho cấp trên khỏi phải trực tiếp giải quyết những việc sự vụ. Việc phân cấp phải gắn trách nhiệm với quyền hạn rõ ràng và bảo đảm tính thống nhất từ Trung ương đến cơ sở.

Có quan niệm khác cho rằng, phân cấp có thể theo hai hướng: Một hướng nằm ngang là sự phân chia căn cứ vào sự khác nhau của các công việc của một cấp; hướng nằm dọc (thẳng đứng) là sự phân chia theo cơ cấu thứ bậc công việc giữa các cấp khác nhau. Có ý kiến cho rằng, cần phân biệt “phân cấp quản lý” với một số khái niệm gần với nó là phân công, phân nhiệm, phân quyền vì “phân công và phân nhiệm đều để chỉ sự xác định quyền hạn, trách nhiệm cả theo chiều ngang và chiều dọc. Thông thường, người ta sử dụng khái niệm phân công để chỉ quan hệ theo chiều ngang với dụng ý phân biệt nó với phân cấp. Nếu phân quyền được hiểu là phân giao quyền hạn cho một cơ quan hoặc một cấp chính quyền nào đấy thì thực ra sử dụng thuật ngữ phân công và phân cấp là đầy đủ và chính xác hơn”.

Như vậy, cho đến nay, mặc dù được sử dụng một cách rộng rãi, song cách hiểu về phân cấp còn chưa hoàn toàn thống nhất.

Dưới góc độ ngôn ngữ, “cấp” được hiểu là loại hạng trong một hệ thống (xếp theo trình độ cao thấp, trên dưới. Từ đó, phân cấp quản lý được cắt nghĩa là giao bớt một phần quyền quản lý cho cấp dưới, quy định nhiệm vụ và quyền hạn cho mỗi cấp. Như vậy, ở đây có hai nội dung cần lưu ý là chuyển giao thẩm quyền cho cấp dưới và xác định thẩm quyền của mỗi cấp trong đó. Hiện nay, căn cứ vào cách phân chia đơn vị hành chính - lãnh thổ mà ở Việt Nam hình thành các cấp chính quyền: Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Phân cấp quản lý nhà nước, trước hết được hiểu là phân cấp giữa trung ương với chính quyền cấp tỉnh; đồng thời, còn bao hàm cả phân cấp giữa các cấp chính quyền địa phương với nhau.

Theo các văn kiện của Đảng, phân cấp được tiến hành theo hướng “phân cấp rõ hơn cho địa phương, kết hợp chặt chẽ quản lý ngành và quản lý lãnh thổ và trên cơ sở nguyên tắc “chính quyền Trung ương quản lý tập trung một số lĩnh vực theo ngành dọc được xác định từ yêu cầu thực tế. Đối với một số lĩnh vực khác, Trung ương trực tiếp quản lý một phần, còn một phần phân cấp cho địa phương quản lý”. Cũng với tinh thần đó mà hiện nay, phân cấp được hiểu là việc chuyển giao nhiệm vụ, thẩm quyền từ cơ quan quản lý nhà nước cấp trên xuống cơ quan quản lý cấp dưới nhằm đạt mục tiêu chung là nâng cao hiệu quả quản lý.

Việc chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn chỉ có thể được tiến hành một khi thẩm quyền và trách nhiệm của cấp chuyển giao và cấp được chuyển giao đã được xác định hết sức rõ ràng. Vì vậy, bản thân khái niệm phân cấp phải hàm chứa trong đó nội dung phân định thẩm quyền của từng cấp hay nói một cách khác, phân định thẩm quyền là tiền đề cho việc chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn (hoặc rộng hơn nữa, điều chỉnh khối lượng nhiệm vụ, quyền hạn cho phù hợp với khả năng và điều kiện thực tế của mỗi cấp chính quyền).

Trên cơ sở những lập luận đó, có thể đưa ra khái niệm về phân cấp quản lý nhà nước như sau: Phân cấp quản lý nhà nước là sự phân định thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cấp chính quyền trên cơ sở bảo đảm sự phù hợp giữa khối lượng và tính chất thẩm quyền với năng lực và điều kiện thực tế của từng cấp nhằm tăng cường chất lượng, hiệu lực và hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước.

2. Cơ sở lý luận và căn cứ pháp lý về mối quan hệ phân cấp giữa Trung ương và địa phương

2.1. Bản chất của mối quan hệ giữa Trung ương và địa phương

Mối quan hệ giữa Trung ương và địa phương là một vấn đề chính trị - pháp lý, liên quan đến việc xác định hình thức nhà nước và nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước trong mô hình nhà nước tương ứng.

Quy chế pháp lý của từng cấp chính quyền được thể hiện ở địa vị hiến định, ở khối lượng thẩm quyền mà cấp đó đảm nhiệm. Khi thực hiện những thẩm quyền của mình, mỗi cấp chính quyền có tính độc lập tương đối, song không biệt lập với các chủ thể quản lý nhà nước khác. Đồng thời, thực tiễn quản lý nhà nước không loại trừ trường hợp có nhiều chủ thể quản lý có cùng chung khách thể và đối tượng quản lý, nhưng phạm vi quản lý lại ở mức độ khác nhau.

Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là cần định rõ phạm vi hoạt động của mỗi cấp chính quyền nhà nước. Do đó, mối quan hệ giữa Trung ương và địa phương, xét về bản chất, thể hiện ở việc phân cấp quản lý nhà nước, có nghĩa là phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước trung ương với các cơ quan nhà nước ở địa phương mà trước hết là cấp tỉnh. Đối với một số trường hợp khác, phân cấp được tiến hành để giải quyết mối quan hệ trực tiếp giữa Trung ương và các cấp chính quyền thấp hơn - cấp huyện hoặc cấp xã.

Tuy nhiên, quá trình đổi mới phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp vừa qua xét về tổng thể vẫn chưa đáp ứng được những đòi hỏi bức xúc của thực tiễn, còn nhiều hạn chế, bất hợp lý:

Phân cấp nhưng chưa bảo đảm quản lý thống nhất, còn biểu hiện phân tán, cục bộ; kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm; chưa chú trọng việc thanh tra, kiểm tra đối với những việc đã phân cấp cho địa phương.

Chưa phân định rõ ràng, cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước, tổ chức cung cấp dịch vụ công, đại diện chủ sở hữu đối với các tổ chức kinh tế nhà nước và tài sản nhà nước. Chưa xác định rõ trách nhiệm của mỗi cấp, của tập thể và cá nhân đối với những nhiệm vụ đã được phân cấp.

Phân cấp nhiệm vụ cho cấp dưới, nhưng chưa bảo đảm tương ứng các điều kiện cần thiết để thực hiện, còn thiếu sự ăn khớp, đồng bộ giữa các ngành, các lĩnh vực có liên quan, chưa tạo điều kiện thực tế cho địa phương chủ động cân đối các nguồn lực và các nhu cầu cụ thể của mình.

Chính vì vậy, việc phân định thẩm quyền phải được ghi nhận trong các văn bản quy phạm pháp luật và nhiệm vụ cấp bách đặt ra hiện nay là hình thành cơ sở lý luận để xây dựng và tiếp tục hoàn thiện các nguyên tắc pháp lý, các quy định pháp luật về mối quan hệ giữa Trung ương - địa phương. Theo các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Đại hội Đảng IX, phân cấp được đặt trong bối cảnh “đẩy mạnh cải cách tổ chức và hoạt động của Nhà nước, phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế”. Nghị quyết cũng xác định “phân cấp mạnh và toàn diện giữa các cấp trong hệ thống hành chính nhà nước” là một trong những định hướng và giải pháp chủ yếu nhằm “đẩy mạnh cải cách hành chính” là công việc quan trọng quyết định thành công của công cuộc đổi mới. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ9 (khóa IX) đề ra yêu cầu, “Khẩn trương hoàn thành việc phân cấp, phân quyềngiữa Trung ương và chính quyền địa phương trên từng ngành, từng lĩnh vực một cách đồng bộ, bảo đảm hiệu lực quản lý thống nhất, xuyên suốt của trung ương đối với địa phương và khuyến khích tính sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các địa phương”.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện phân cấp, một số địa phương đã thể hiện những sai sót trong quản lý như sử dụng ngân sách, quyết định cấp phép khai thác tài nguyên thiên nhiên, xây dựng công trình cảng biển, cảng sông và cấp phép thành lập hàng trăm trường đại học mới. . . Do đó, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã nêu yêu cầu “Thực hiện phân cấp hợp lý cho chính quyền địa phương đi đôi với nâng cao chất lượng qui hoạch và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của Trung ương, gắn quyền hạn với trách nhiệm được giao”.

Chính phủ đã có Nghị quyết số 08/2008/NQ-CP ngày 30/06/2004 V/v Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền địa phương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; với mục tiêu: Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền cấp tỉnh, giữa chính quyền địa phương các cấp nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trên cơ sở phân định rõ, cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi cấp trong bộ máy chính quyền nhà nước, bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất và thông suốt của Chính phủ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước phục vụ tốt hơn nhu cầu và lợi ích của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương trong điều kiện chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 19/6/2015. Luật đã cụ thể vấn đề phân cấp bằng các điều luật: Điều 11. Phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương, Điều 12. Phân quyền cho chính quyền địa phương, Điều 13. Phân cấp cho chính quyền địa phương, Điều 14. Ủy quyền cho cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.

Đây là một trong những quy định mới của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 so với Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003. Triển khai Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 21/2016/NQ-CP ngày 21/03/2016 về phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực trên cơ sở thực hiện phân cấp hợp lý, rõ ràng về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ vàỦy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), bảo đảm sự quản lý thống nhất của Chính phủ, phát huy tính chủ động, trách nhiệm, tinh thần sáng tạo của chính quyền địa phương.

Cơ sở lý luận, căn cứ pháp lý và thực tiễn đã làm rõ mối quan hệ giữa Trung ương và địa phương về phân cấp quản lý nhà nước nhằm phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương theo hướng phát triển bền vững trên một số lĩnh vực về quản lý ngân sách, đất đai, tài sản công, cấp phép đầu tư xây dựng, quản lý doanh nghiệp, tổ chức bộ máy và quản lý đội ngũ công chức, viên chức và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là, tiền đề, cơ hội để Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phát huy năng lực, năng động, sáng tạo và chủ động quản lý nhà nước trên địa bàn.

2.2. Nguyên tắc, vai trò và ý nghĩa, nội dung phân cấp trong quản lý giữa giữa Trung ương và địa phương

Mối quan hệ giữa Trung ương và địa phương (trước hết là cấp tỉnh) được quyết định bởi mô hình tổ chức nhà nước và các nguyên tắc cơ bản trong tổ chức quyền lực nhà nước. Theo Hiến pháp và truyền thống tổ chức Nhà nước ta, Việt Nam luôn là một Nhà nước đơn nhất. Đặc trưng của mô hình Nhà nước này là quyền lực nhà nước được tập trung, thống nhất; Nhà nước là chủ thể duy nhất mang chủ quyền quốc gia và các cơ quan nhà nước được tổ chức theo thứ bậc và hoạt động theo trật tự hiến định, luật định.

Trên cơ sở đó, việc xác định, mối quan hệ giữa Trung ương - địa phương phải bảo đảm tuân thủ nguyên tắc về chủ quyền quốc gia, là nơi thể hiện tính tối cao của quyền lực nhà nước trong quan hệ đối nội và tính độc lập của nó trong quan hệ đối ngoại. Chủ quyền quốc gia đòi hỏi bảo đảm tính thống nhất, tập trung của quyền lực Nhà nước, đặc biệt trong việc quyết định những vấn đề quan trọng, có liên quan đến đời sống của một bộ phận lớn hoặc của toàn bộ xã hội, đến lợi ích của Nhà nước. Cũng chính xuất phát từ yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia mà các cơ cấu lãnh thổ địa phương trong Nhà nước đơn nhất không thể được thừa nhận quy chế độc lập tuyệt đối và không có khái niệm “Nhà nước trung ương” và “Nhà nước địa phương” trong mô hình Nhà nước đơn nhất. Nghiên cứu về mối quan hệ Trung ương - địa phương, cần phải giải quyết một vấn đề mang tính lý luận là kết hợp hai khía cạnh: Tập trung hóa quyền lực Nhà nước để bảo đảm chủ quyền quốc gia và dân chủ vốn là đặc trưng của chế độ nhà nước xã hội chủ nghĩa. Tập trung quyền lực là một yếu tố nhằm bảo đảm tính thống nhất của quyền lực Nhà nước, nhằm thực hiện triệt để nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Trong một số lĩnh vực và trường hợp, Nhà nước mà biểu tượng là các cơ quan Trung ương phải thể hiện rõ vai trò của mình bằng cách đưa ra quyết định cuối cùng để bảo vệ lợi ích của toàn quốc gia, dân tộc. Cũng chính vì vậy mà một số lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội không thể được phân cấp cho địa phương như lĩnh vực quốc phòng, tư pháp, ngoại giao, chính sách tiền tệ... Ngoài mục tiêu bảo đảm tính thống nhất của quyền lực Nhà nước, mối quan hệ Trung ương - địa phương phải được xác định sao cho phù hợp với nhu cầu, nguyên tắc dân chủ, bảo đảm quyền tự chủ, sáng tạo của địa phương và phát huy tối đa năng lực, tiềm năng của địa phương nhằm góp phần vào sự phát triển toàn diện và vững mạnh của cả nước.

Vấn đề đặt ra, để kết hợp hai khía cạnh nói trên là cần khai thác một cách khoa học và vận dụng thích hợp nguyên tắc phối hợp trong thực hiện quyền lực nhà nước vốn là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Nhằm có cơ chế phối hợp một cách hiệu quả, điều đầu tiên là cần phân định rõ thẩm quyền của từng chủ thể quản lý nhà nước hay nói một cách khác, tiền đề của phối hợp phải là tính rõ ràng trong việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn, thực chất là làm rõ sự phân công, phân cấp trong quản lý theo hướng hình thành cơ chế phân cấp mạnh mẽ cho chính quyền địa phương trong quản lý phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Tuy nhiên, để thực hiện nguyên tắc pháp chế, mối quan hệ Trung ương - địa phương phải được xây dựng dựa trên một nền tảng và cơ sở pháp lý vững chắc đã được thể hiện trong Hiến pháp 2013.

Những lý luận, cơ sở pháp lý và thực tiễn về phân cấp và phối kết hợp trong mối quan hệ giữa Trung ương và chính quyền địa phương, ngày càng được khẳng định, là căn cứ và điều kiện để chính quyền địa phương nâng cao trách nhiệm, chủ động và sáng tạo, có vai trò định hướng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thông qua xác định tầm nhìn chiến lược, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển, trực tiếp quản lý các công việc của địa phương, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của địa phương; tổ chức thực thi pháp luật, triển khai thực hiện các quyết định của Chính phủ Trung ương ở địa phương, phản ánh tâm tư nguyện vọng, lợi ích của nhân dân và tạo điều kiện để nhân dân địa phương có nhiều cơ hội tham gia vào công việc của Nhà nước; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân địa phương, thực hiện công bằng và bình đẳng xã hội tại địa phương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. GS. Mai Hữu Khuê: (2002) ” Từ điển giải thích thuật ngữ hành chính”. NXB Lao động. Hà Nội.

2. GS. Đoàn Trọng Truyến (Chủ biên) (1997) “Hành chính học đại cương”, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 744.

3. Trương Đắc Linh (2002) “Phân cấp quản lý trung ương và địa phương - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”. Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Số 3, tr. 24-25.

4. Bộ Nội vụ (2003) “Đề án phân cấp quản lý nhà nước trung ương - địa phương”, Hà Nội, tr. 1.

5. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX - NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 337.

DECENTRALIZATION AND THE RELATIONSHIP BETWEEN CENTRAL AND LOCAL AUTHORITIES IN SUSTAINABLE DEVELOPMENT

PhD. HA QUANG THANH

Head Deputy of Faculty of Administrative Technology and Document

National Academy of Public Administration Ho Chi Minh City campus

ABSTRACT:

Renovation of the state management mechanism, the development of a socialist-oriented market economy and international integration create premises and require reform as well as decentralization of the state management, which is between the central and local authorities, in order to promote dynamism, creativity, self-control, self-responsibility of local administrations at all levels in the management and also the implementation of socio-economics development tasks in the area.

Decentralization, having a close relationship between central and local authorities in state management, is a major policy with important content which has been systematically and consistently addressed in the documents of Communist Party of Vietnam recently. The resolution of the third plenum of the Central Committee of the Communist Party of Vietnam (the VIIIth Congress) set out the direction of "assigning responsibilities and powers among administrations at different levels towards closer decentralization to localities, branch and territorial management, strictly following democratic principles".

Keywords: State management, decent Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 08 tháng 07/2017 tại đây.