Phân luồng học sinh trung học phổ thông tại một số nước trên thế giới và bài học cho Việt Nam

THS. PHẠM HỮU THÀNH HỘI (Bộ Công Thương)

TÓM TẮT:

Việt Nam đang đứng trước những mâu thuẫn và áp lực lớn trong thị trường lao động. Giải quyết việc làm là một trong những khâu cực kỳ quan trọng nhằm phát huy nhân tố con người, ổn định và phát triển kinh tế, làm lành mạnh xã hội, đồng thời đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu của nhân dân, trong đó đặc biệt là của lực lượng lao động trẻ - lực lượng lao động chính trong tương lai của đất nước. Chính vì vậy, việc học tập kinh nghiệm về giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh trung học phổ thông là hết sức cần thiết. Bài viết đưa ra một số kinh nghiệm về phân luồng học sinh trung học phổ thông tại một số nước trên thế giới và bài học cho Việt Nam.

Từ khóa: Giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh, trung học phổ thông.

1. Đặt vấn đề

Trong vài năm gần đây, việc phân luồng học sinh sau trung học phổ thông vẫn còn thấp so với mục tiêu đặt ra trong Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị và Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, đối với phân luồng học sinh sau THPT, năm học 2018-2019 số học sinh vào các trường đại học, cao đẳng đạt 48,9%; năm học 2017-2018 đạt 47,1%; năm học 2016-2017 đạt 45,1%...; số còn lại vào các trường trung cấp nghề, CĐ nghề, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh,... hoặc lao động tự do. Có một thực trạng có thể nhận ra rằng, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”.

Hiện nay, cả nước có 1.467 cơ sở dạy nghề, bao gồm 190 trường cao đẳng nghề, 280 trường trung cấp nghề, 997 trung tâm dạy nghề và 1.000 cơ sở giáo dục đào tạo, doanh nghiệp khác tham gia dạy nghề. Các tỉnh thành gần như đã có các trường đào tạo nghề. Nhiều trường nghề mở với quy mô đào tạo rất lớn và hiện đại để đáp ứng nhu cầu học tập, phù hợp với thực tiễn xã hội hiện nay. Tuy nhiên, hàng năm, đa số các trường rất khó tuyển sinh được học viên, bởi các em cũng như gia đình đều hướng con em mình vào các trường đại học, cao đẳng, với khát vọng sau này trở thành “thầy”, chứ không muốn làm “thợ”. Chỉ khi nào các em thi trượt đại học, hoặc một số em có hoàn cảnh khó khăn và một bộ phận ít học sinh có học lực trung bình mới đủ “can đảm” thi và đăng kí vào các trường, các trung tâm dạy nghề. Số lượng cử nhân ra trường không xin được việc làm, hoặc không muốn làm những việc không “xứng tầm” với tấm bằng của mình đã lên đến con số hàng trăm ngàn.  Đây quả là sự lãng phí vô cùng lớn cho xã hội. Vấn đề này đến từ việc phân luồng và hướng nghiệp cho các em từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

2. Phân luồng học sinh trung học phổ thông tại một số nước trên thế giới

- Phân luồng học sinh ở Hoa Kỳ

Tích hợp giáo dục văn hóa và giáo dục nghề đang là xu hướng chính hiện nay ở bậc học trung học phổ thông Hoa Kỳ. Nhằm giúp học sinh xác định đúng nghề, đội ngũ giáo viên cố vấn (3-5 người) sẽ đồng hành cùng học sinh ngay từ đầu năm lớp 11 đến cuối năm lớp 12. Giáo viên cố vấn không giảng dạy bất cứ môn học nào khác. Hầu hết các trường, trung bình một tuần sẽ có một tiết học với giáo viên cố vấn. Ngoài ra, các giáo viên này còn liên hệ với các trường đại học, công ty,… để thông báo và tạo điều kiện cho học sinh đến tham dự các sự kiện giống như một thành viên chính thức của đơn vị đó. Những định hướng này đã giúp học sinh xác định được hướng đi và có sự chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai.

-  Phân luồng học sinh ở Singapore

Nền giáo dục của Singapore được xây dựng trên nền tảng lâu đời của Anh quốc, chính vì thế đã đạt được thành tựu khổng lồ, là quốc gia trong mơ của những ai đang có giấc mơ du học. Hệ thống giáo dục tại Singapore được phát triển trên nền tảng: mỗi sinh viên đều có những năng khiếu đặc biệt và sở thích riêng biệt. Hệ thống giáo dục được áp dụng một cách linh hoạt để giúp học sinh thể hiện hết tài năng của bản thân một cách toàn diện nhất. Giáo dục phổ thông và đại học Singapore có rút ngắn thời gian, cụ thể là trung học phổ thông ở đây chỉ có 2 năm, đại học chỉ có 3 năm.

Công tác giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông ở Singapore được lồng ghép và tích hợp trong các hoạt động giáo dục phù hợp với lứa tuổi từ bậc trung học đến cả bậc học sau phổ thông. Giáo dục hướng nghiệp gồm 3 giai đoạn: Nhận thức nghề nghiệp; khám phá nghề nghiệp; kế hoạch thực thi nghề nghiệp. Quá trình này giúp cho mỗi người nhận ra bản sắc riêng của chính mình, khám phá ra khả năng ưu thế của bản thân, nhận thức những quyền lợi giá trị nghề nghiệp cần theo đuổi, từ đó có những kế hoạch khả thi để phát triển nghề nghiệp nhằm hướng tới xây dựng năng lực tình cảm xã hội giúp học sinh trở thành chủ động, linh hoạt và dễ thích nghi với môi trường sống. 

- Phân luồng học sinh ở Trung Quốc

Hệ thống giáo dục của Trung Quốc bao gồm 3 cấp bậc: bậc tiểu học, bậc trung học và bậc cao (Cao đẳng, đại học và sau đại học). Bậc tiểu học: kéo dài 6 năm và là chế độ giáo dục bắt buộc được nhà nước bảo trợ. Bậc trung học: gồm trung học phổ thông và trung học dạy nghề. Trung học phổ thông kéo dài 6 năm gồm giai đoạn sơ trung và cao trung. Trung học dạy nghề kéo dài 3 năm, do 3 loại trường đảm nhiệm là: Trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật và dạy nghề. Giáo dục bậc cao: thường là 4 năm bao gồm nhiều ngành nghề khác nhau do các trường của nhà nước và trường tư thục thực hiện.

Giáo dục Trung Quốc hiện đang thay đổi theo xu hướng của các nước phát triển. Các trường đại học của nhà nước cũng phải tự hạch toán và không còn được nhà nước bao cấp hoàn toàn. Chất lượng giáo dục và phương pháp cũng được thay đổi theo kịp sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc đã hình thành thể chế phân luồng giáo dục theo 3 tầng bậc là: phân luồng sau tốt nghiệp tiểu học, phân luồng sau tốt nghiệp sơ trung (trung học cơ sở) và phân luồng sau tốt nghiệp cao trung (trung học phổ thông), trong đó phân luồng sau sơ trung là chủ yếu. Mục tiêu phân luồng sau giáo dục bắt buộc ở Trung Quốc là hai luồng giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp đạt tỷ lệ 1:1 và phát triển theo hướng quy mô giáo dục nghề nghiệp trung cấp lớn hơn giáo dục phổ thông; giáo dục nghề nghiệp và giáo dục phổ thông liên thông với nhau và phát triển hài hòa.

- Phân luồng học sinh ở Nhật Bản

Nhật Bản là một trong số các quốc gia phát triển trên thế giới với tỷ lệ người mù chữ thực tế gần như bằng không và 74.1% (năm 2010) số học sinh theo học lên đến bậc đại học, cao đẳng và trung cấp, một con số ngang hàng với Mỹ và vượt trội một số nước châu Âu. Hệ thống giáo dục Nhật Bản hiện hành lấy hệ thống của Mỹ làm kiểu mẫu. Nó bao gồm 9 năm giáo dục bắt buộc (6 năm tiểu học và 3 năm trung học cơ sở), tiếp theo đó là 3 năm trung học phổ thông không bắt buộc và 4 năm đại học.

Hiện nay, Chính phủ Nhật Bản có chính sách phát triển trường trung học kỹ thuật bậc cao và thành lập loại hình trường cao đẳng công nghệ đào tạo 5 năm với đối tượng là học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Trong một số chương trình, học sinh có thể tham gia vào các khóa đào tạo nghề thông qua liên kết giữa nhà trường và các nhà tuyển dụng địa phương. Sau trung học cơ sở, khoảng 70% học sinh học tiếp lên trung học phổ thông để vào đại học, cao đẳng; khoảng 30%  học sinh còn lại đi theo hướng đào tạo nghề.

- Phân luồng ở Malaysia

Giáo dục Malaysia có lịch sử lâu đời, các trường học đầu tiên là những trường Mã Lai và các trường Hồi giáo. Trong và sau thời gian là thuộc địa của Anh, xuất hiện các trường đào tạo bằng tiếng Anh và hệ thống giáo dục chuyển đổi mạnh mẽ theo xu hướng Tây hóa, với các trường đào tạo bằng tiếng Anh và bằng tiếng Trung Quốc. Nền giáo dục Malaysia được điều hành bởi hai bộ: Bộ Giáo dục và Bộ Đại học và tại mỗi bang thì có sở giáo dục bang để quản lý, điều hành. Chính sách giáo dục được thực hiện theo Bộ luật giáo dục được ban hành vào năm 1996. Học sinh có thể học ở trường công lập, miễn phí với các công dân Malaysia, hoặc trường tư, hoặc giáo dục từ gia đình. Theo luật, giáo dục tiểu học là bắt buộc. Giống nhiều nước châu Á khác, các bài kiểm tra chuẩn quốc gia.

Hệ thống giáo dục được thiết kế như sau: Nhà trẻ: từ 3-4 tuổi; Mẫu giáo: từ 4-6 tuổi; Tiểu học: từ 7- 12 tuổi; Trung học: từ  13- 18 hoặc 19 tuổi; Giáo dục bậc cao (cao đẳng/ đại học): ở nhiều độ tuổi khác nhau.

Công tác giáo dục hướng nghiệp hiệu quả từ 4 hoạt động sau: Giáo dục hướng nghiệp bắt đầu từ các giáo viên giảng dạy trong lớp học; các hướng dẫn nghề nghiệp ngay từ tiểu học; hướng dẫn nghề nghiệp thông qua các câu lạc bộ nghề nghiệp để học sinh có cơ hội thảo luận, tranh luận và hiểu sâu sắc cũng như tự tìm kiếm, khám phá, khai thác và đàm phán các vấn đề liên quan đến nghề nghiệp tương lai; khuyến khích tự tạo việc làm.

3. Bài học cho Việt Nam

- Nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông

a) Đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục phổ thông, cha mẹ học sinh, học sinh và trong các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông;

b) Đưa nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông vào chủ trương, kế hoạch chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương;

c) Xây dựng trang thông tin về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; hình thành cơ sở dữ liệu về nghề nghiệp, thị trường lao động và thông tin, dữ liệu liên quan đến ngành, nghề; mô tả ngành, nghề và thông tin tuyển dụng, sử dụng lao động của từng ngành, nghề, tương ứng với từng vùng miền, khu vực; kết nối giữa các trường phổ thông với cơ quan dự báo nhu cầu nhân lực, hội nghề nghiệp, hội doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp;

d) Tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh phổ thông, như: Ngày hội tư vấn, hướng nghiệp; thi tìm hiểu về thế giới nghề nghiệp; các hoạt động giao lưu của học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục với các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân.

- Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông

a) Đổi mới nội dung giáo dục hướng nghiệp thông qua các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường:

- Đối với Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành: Đổi mới nội dung dạy học trong Chương trình theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi; tăng cường thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; bổ sung, cập nhật các nội dung giáo dục hướng nghiệp trong các môn học và hoạt động giáo dục phù hợp với thực tiễn;

- Đối với Chương trình giáo dục phổ thông mới: Chú trọng đưa nội dung giáo dục hướng nghiệp tích hợp trong Chương trình các môn học và hoạt động giáo dục theo định hướng giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán (giáo dục STEM) trong Chương trình phù hợp với xu hướng phát triển ngành nghề của quốc gia, đáp ứng thị trường lao động, chuẩn bị Điều kiện đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4;

b) Đa dạng hóa, vận dụng linh hoạt các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với lứa tuổi học sinh; cung cấp kịp thời thông tin về cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chính sách đối với người học các trình độ giáo dục nghề nghiệp, chính sách ưu đãi trong giáo dục nghề nghiệp, cơ hội khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm, xu hướng thị trường lao động và nhu cầu sử dụng của thị trường lao động;

c) Tăng cường phối hợp giữa các cơ sở giáo dục phổ thông, các cơ quan quản lý giáo dục với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong hoạt động giáo dục hướng nghiệp và học sinh phổ thông sau khi tốt nghiệp vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

- Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông

a) Tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp, giáo dục STEM tại một số địa phương đại diện cho các vùng kinh tế;

b) Hỗ trợ các trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Thủ tướng Chính phủ (2018), Quyết định số 522/QĐ-TTg, Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2015.
  2. Ban Chấp hành Trung ương  (1996), Nghị quyết Hội nghị TW 2 Khóa VIII về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000.
  3. Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (1998), “Giáo dục trung học cơ sở: Thực trạng, dự báo, giải pháp về phổ cập và phân luồng học sinh”. Hội thảo khoa học, Hà Nội.
  4. Lê Vân Anh (2000), “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp thực hiện phân luồng học sinh sau trung học cơ sở”, Đề tài nghiên cứu khoa học.

 Creating separate educational tracks for students in some countries and lessons for Vietnam

Master. Pham Huu Thanh Hoi

Ministry of Industry and Trade

ABSTRACT:

Vietnam is facing great conflicts and pressures in the labor market. Creating jobs is one of the extremely important steps in order to promote the human resource, stabilize and develop the economy, and satisfy the aspirations and needs of people, especially the young – the country’s future primary workforce. Hence, it is very necessary for Vietnam to gain experiences in career-oriented education to create separate educational tracks for Vietnamese students. This paper presents some experiences in creating separate educational tracks for students in some countries and lessons for Vietnam.

Keywords: Career-oriented education, separate educational tracks for students, high school.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 20, tháng 8 năm 2020]