Phân tích các phương thức giải quyết tranh chấp trong liên doanh quốc tế

ThS. NGUYỄN HỮU KHÁNH LINH (Khoa Luật Quốc tế - Trường Đại học Luật Huế)

TÓM TẮT:

Liên doanh quốc tế là một trong những phương thức chính để các công ty đa quốc gia tiếp cận thị trường nước ngoài. Bài báo nêu lên một số xung đột thường gặp trong liên doanh quốc tế và phân tích một số tranh chấp điển hình cũng như những giai đoạn của liên doanh có thể xảy ra tranh chấp. Tiếp theo đó, bài báo phân tích các phương thức giải quyết tranh chấp trong liên doanh quốc tế và đưa ra những ưu nhược điểm của các phương thức này; đề cập đến một số khía cạnh quan trọng của thỏa thuận chọn luật áp dụng cho hợp đồng liên doanh; nêu lên tầm quan trọng của việc có được một điều khoản giải quyết tranh chấp và chọn luật áp dụng đầy đủ, hiệu quả, phù hợp cho các hợp đồng liên doanh quốc tế.

Từ khóa: Liên doanh quốc tế, tranh chấp, các phương thức giải quyết tranh chấp, trọng tài, thỏa thuận chọn luật áp dụng, điều khoản giải quyết tranh chấp.

1. Mở đầu

Liên doanh quốc tế được hiểu là thỏa thuận giữa các bên về hợp tác kinh doanh theo hình thức liên doanh, trong đó quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các bên liên doanh. Hình thức liên doanh được phân thành hai loại: Liên doanh gắn liền với việc hình thành doanh nghiệp liên doanh và liên doanh không gắn với thành lập doanh nghiệp liên doanh.

Hình thức liên doanh không gắn với thành lập doanh nghiệp liên doanh là hình thức đầu tư được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phầm mà không thành lập pháp nhân. Hình thức liên doanh gắn liền với việc thành lập doanh nghiệp liên doanh là một hình thức đầu tư mà các bên ký hợp đồng liên doanh để thành lập ra một pháp nhân để tiến hành hoạt động chung cho cả hai bên liên doanh. Công ty này hoạt động độc lập, có tư cách pháp lý riêng biệt.

Thực tiễn hoạt động liên doanh diễn ra trên thế giới chỉ ra rằng hình thức liên doanh gắn liền với thành lập doanh nghiệp liên doanh đạt được những hiệu quả nhất định trong quan hệ đầu tư giữa các quốc gia trên thế giới.

Một vài lợi ích khi tham gia liên doanh với các đối tác địa phương có thể kể đến như có thêm kiến thức địa phương, có thêm kết nối chính trị, chia sẻ rủi ro và được tiếp cận ngay với hệ thống cơ sở hạ tầng sở tại. Đối với các đối tác địa phương, liên doanh đem lại cơ hội tiếp cận công nghệ, sản phẩm và kĩ năng của các công ty đa quốc gia.

2. Xung đột thường gặp trong các liên doanh quốc tế

Ngoài một số liên doanh hiệu quả, các liên doanh quốc tế thường không thành công như kế hoạch. Nhiều liên doanh quốc tế tồn tại khá ngắn ngủi trước khi bị giải thể và các bên liên doanh đưa nhau vào kiện tụng.

Một lý do chính của những thất bại này đơn giản là các đối tác không phù hợp với nhau. Họ có thể có những tầm nhìn, mục đích và vai trò khác nhau. Phía đối tác nước ngoài thường tự nhìn nhận mình như một bên liên doanh chiến lược, rất chủ động trong việc đưa ra những quyết định quan trọng, trong khi những đối tác địa phương lại không tự nguyện nhường quyền kiểm soát và quản lý, trông đợi bên kia là một nhà đầu tư thụ động.

Một số liên doanh giữa các nhà đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư Việt Nam cũng không tránh khỏi những thất bại trên. Một số bất đồng thường xảy ra trong các liên doanh quốc tế ở Việt Nam do sự khác biệt về môi trường làm việc, văn hóa, hệ thống kinh tế, trình độ phát triển, những mục tiêu và động lực của các bên liên doanh. Cụ thể hơn, đối tác nước ngoài thường quan tâm đến những khác biệt về văn hóa, vì những khác biệt này thường là nguồn gốc dẫn đến xung đột trong quản lý liên doanh. Một số xung đột cần có thời gian để giải quyết và sự rộng lượng của bên nước ngoài vì chỉ có bên này nhận ra được vấn đề. Những xung đột khác gây ra bởi tư tưởng chính trị lại thường không trầm trọng như nhiều người nghĩ vì các bên thường có nhận thức về chúng. Những xung đột này có thể được giải quyết dễ dàng dựa vào sự hợp tác gần gũi giữa các bên trong các hoạt động quản lý.

3. Những tranh chấp thường phát sinh trong hợp đồng liên doanh

Thứ nhất, tranh chấp về nghĩa vụ góp vốn trong liên doanh. Khi một bên hoặc nhiều bên đến thời hạn nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ về góp vốn quy định trong hợp đồng dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế của bên kia. Tranh chấp loại này có thể liên quan đến việc phạt do chậm góp vốn trong liên doanh.

Thứ hai, tranh chấp do một bên vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng liên doanh gây thiệt hại cho bên kia.

Thứ ba, tranh chấp liên quan đến vấn đề chia sẻ lợi nhuận.

Thứ tư, tranh chấp trong việc thanh lý, giải thể liên doanh. Tranh chấp loại này thường liên quan đến việc phân chia tài sản khi thanh lý giải thể công ty liên doanh.

4. Tranh chấp có thể phát sinh bất kỳ giai đoạn nào của quá trình liên doanh

- Tranh chấp trong giai đoạn trước hợp đồng liên doanh hợp tác: Các bên có thể không đồng ý một số điều kiện, điều khoản trong quá trình kí kết hợp đồng liên doanh. Ví dụ: Không đồng ý quy trình thành lập liên doanh, kế hoạch kinh doanh, cam kết tài chính của các bên cho liên doanh mà họ thành lập.

- Tranh chấp trong giai đoạn thực hiện liên doanh: Thông thường, tranh chấp xảy ra nhiều hơn trong quá trình quản lý liên doanh. Liên doanh thua lỗ thường làm gia tăng căng thẳng giữa các bên liên doanh. Một số tranh chấp thường xảy ra như sau:

+ Tranh chấp về quản trị doanh nghiệp: Bao gồm các tranh chấp về quyền kiểm soát công ty liên doanh và tranh chấp giữa các cổ đông. Ví dụ như một bên liên doanh tố cáo bên kia lạm dụng quyền gây thiệt hại cho công ty.

+ Tranh chấp về hợp tác thất bại, thường xảy ra khi các bên không thể làm việc với nhau nữa do sự khác biệt về ngôn ngữ và khác biệt về văn hóa kinh doanh.

+ Tranh chấp liên quan đến một bên không đóng góp nguồn lực vào liên doanh như đã cam kết, ví dụ như không cung cấp những người có trình độ nhất định, không thực hiện đầu tư cần thiết vào liên doanh.

+ Tranh chấp liên quan đến việc các bên nhận thấy rằng dự án hợp tác không thể thực hiện được, ví dụ như không thể phát triển được một sản phẩm vì lý do kĩ thuật. Các bên trở thành chống đối nhau.

+ Tranh chấp khi một bên lừa dối, không trung thực, làm lợi bất chính cho mình gây thiệt hại cho công ty liên doanh, ví dụ như thu lợi nhuận riêng khi thực hiện hợp đồng với đối tác.

+ Tranh chấp do biển thủ thông tin, ví dụ như một bên góp khoa học công nghệ nhưng phát hiện bên kia biển thủ bí quyết để sử dụng riêng mình thay vì sử dụng cho liên doanh.

5. Các bên thường yêu cầu bồi thường thiệt hại gì trong tranh chấp hợp đồng liên doanh

Thứ nhất, yêu cầu bồi thường thiệt hại bằng tiền khi vi phạm hợp đồng: Khi một bên cản trở việc thực hiện các điều khoản trong hợp đồng, lợi nhuận phân chia không đều, một bên thực hiện hợp đồng nhằm làm lợi bất chính gây ảnh hưởng đến lợi nhuận chung thì bên nguyên đơn thường sẽ yêu cầu bồi thường một khoản tiền.

Thứ hai, yêu cầu bồi thường thiệt hại bằng quyền sử dụng đất: Khi bên vi phạm góp vốn bằng quyền sử dụng đất và khi vi phạm hợp đồng không có tiền để bồi thường thì bên bị vi phạm sẽ yêu cầu bồi thường bằng việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

6. Những phương thức giải quyết tranh chấp trong hợp đồng liên doanh

Trọng tài là một lựa chọn phổ biến để giải quyết tranh chấp trong liên doanh quốc tế bởi những lợi thế so sánh của phương thức này so với tòa án như sau:

Thứ nhất, trọng tài cung cấp một cơ quan tài phán trung lập. Ví dụ như trong một liên doanh giữa một đối tác Đức và Ấn Độ liên quan đến một dự án ở châu Phi, sẽ khó có khả năng các bên đồng ý chọn tòa án Đức, Ấn Độ hoặc tòa án địa phương ở châu Phi để giải quyết tranh chấp. Khi đó, trọng tài là một lựa chọn trung lập hợp lý.

Thứ hai, tố tụng trọng tài mang lại cho các bên khả năng lựa chọn trọng tài có chuyên môn trong lĩnh vực kinh doanh cụ thể, có thể là một chuyên gia có khả năng làm việc với những con số và nguyên tắc kế toán.

Thứ ba, thủ tục tố tụng trọng tài mềm dẻo hơn tố tụng tòa án.

Thứ tư, quá trình tố tụng trọng tài và các tài liệu liên quan thường được giữ kín. Nhiều lúc thông tin rất nhạy cảm, đặc biệt khi có liên quan đến luật cạnh tranh. Phán quyết trọng tài và quá trình tố tụng thường không được công bố ra công chúng. Thêm nữa, khi hợp tác liên doanh thất bại, vì đây là một vấn đề tế nhị, các đối tác mong muốn giữ thông tin đối với các đối thủ cạnh tranh cũng như báo giới, đặc biệt là trong những dự án có doanh nghiệp nhà nước tham gia.

Thứ năm, phán quyết trọng tài thường có giá trị chung thẩm.

Thứ sáu, phán quyết trọng tài dễ dàng được công nhận và thi hành nhờ vào Công ước New York 1958 (với 156 quốc gia thành viên), khiến khả năng bị từ chối thi hành còn lại rất thấp. Thêm vào đó, các hiệp định đầu tư song phương cũng giúp đảm bảo cho phán quyết của trọng tài được thi hành trong những tranh chấp quốc tế giữa nhà đầu tư nước ngoài và nước nhận đầu tư. Ví dụ như những nước đã kí và phê chuẩn Hiệp ước Hiến chương Năng lượng (Energy Charter Treaty (“ECT”), với 51 nước thành viên) sẽ phải tuân theo thủ tục giải quyết tranh chấp của Hiệp ước.

Tuy nhiên, có một số lý do khiến một bên có thể ưa chuộng tố tụng tòa án hơn trọng tài. Tòa án thường có khả năng lớn hơn để ngăn chặn một bên có những hành vi cản trở tố tụng. Tòa án có khả năng đưa bên thứ ba tham gia tố tụng, trong khi đối với trọng tài, bên thứ ba nằm ngoài thỏa thuận trọng tài không phải tham gia tố tụng trọng tài trừ khi bên thứ ba và các bên tham gia tố tụng trọng tài đồng ý.

Thêm nữa, có một số trường hợp không cho phép xử bằng tố tụng trọng tài hoặc tố tụng trọng tài không phù hợp, ví dụ như phá sản hoặc giải thể. Vì vậy, có một lời khuyên danh cho các luật sư khi giao kết các liên doanh quốc tế là điều khoản trọng tài cần cân nhắc và dự liệu cả những trường hợp không cho phép tố tụng trọng tài hoặc tố tụng trọng tài không phù hợp.

Bên cạnh tố tụng tòa án và trọng tài, còn có một số phương thức giải quyết tranh chấp không chính thức khác, bao gồm quyết định của chuyên gia, hòa giải và tham vấn điều hành cấp cao của các bên liên doanh.

Tuy vậy, so với tố tụng tòa án và trọng tài với những quyết định ràng buộc, những phương thức giải quyết tranh chấp khác (“ADR”) về bản chất là tự nguyện thi hành. Nếu như không đạt được thỏa thuận, các bên tham vấn có thể bắt đầu tố tụng tòa án hay trọng tài. Vậy nên, các bên nên thỏa thuận để xác định một thủ tục tố tụng tiếp theo mà phán quyết có giá trị ràng buộc nếu phương thức ADR nhất định không cho ra được kết quả.

7. Luật áp dụng

Hầu hết các hệ thống pháp luật trên thế giới tôn trọng thỏa thuận chọn luật áp dụng rõ ràng của các bên cho hợp đồng liên doanh. Nếu không có một thỏa thuận chọn luật rõ ràng như vậy, tòa án có thẩm quyền đối với tranh chấp sẽ quyết định vấn đề này. Thông thường đây sẽ là luật của nước có mối liên hệ gần gũi và mật thiết nhất đối với hợp đồng. Tuy nhiên, tòa án thông thường cũng xem xét thỏa thuận chọn luật ngầm định của các bên, cho dù các bên không nêu rõ trong hợp đồng. Nếu có những bằng chứng rằng các bên ngầm định chọn luật của một nước nào đó, luật đó sẽ là luật áp dụng.

Đối với trọng tài, khi các bên không chỉ rõ luật áp dụng, tòa trọng tài thường có sự tự do hơn trong việc quyết định luật áp dụng và thường được dẫn dắt bởi ý định của các bên.

Theo Luật trọng tài của hầu hết các quốc gia, thỏa thuận trọng tài thường độc lập so với hợp đồng. Thỏa thuận này có thể được điều chỉnh bởi luật khác với luật áp dụng cho hợp đồng. Thông thường, luật áp dụng cho thỏa thuận trọng tài nếu các bên không chỉ rõ sẽ là luật áp dụng cho hợp đồng liên doanh hoặc luật nơi xét xử trọng tài.

Luật áp dụng sẽ điều chỉnh việc giải thích hợp đồng liên doanh, các quyền, nghĩa vụ cũng như các biện pháp khắc phục vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, ở đây có một điểm đáng lưu ý. Đối với liên doanh thành lập doanh nghiệp, vấn đề sở hữu và quản trị doanh nghiệp liên doanh, đến quyền và nghĩa vụ của các bên liên doanh trong chừng mực nhất định sẽ bị điều chỉnh bởi luật của nước nơi doanh nghiệp liên doanh được thành lập cho dù các bên liên doanh có chỉ định luật của một nước khác là luật áp dụng đi chăng nữa. Ví dụ như giới hạn của quyền và nghĩa vụ gắn liền với cổ phần sở hữu được quy định trong các Luật Công ty. Cho dù các bên liên doanh có muốn xác lập những quyền và nghĩa vụ vượt khỏi những quy định này, nỗ lực của họ có thể không thể thực hiện bởi luật nơi liên doanh thành lập và có thể sẽ không có giá trị pháp lý trước một hội đồng trọng tài hay một tòa án. Do vậy, việc chọn một luật áp dụng khác không thể giúp các bên đối tác thoát khỏi một số ràng buộc của luật nơi liên doanh thành lập. Nếu các bên liên doanh muốn vượt qua những rào cản này, họ có một cách là thành lập thêm một công ty con nội địa của công ty liên doanh nói trên mà công ty con này được luật nơi nó thành lập cho phép các bên xác lập cấu trúc của nó theo mong muốn của họ.

8. Kết luận

Liên doanh quốc tế thường phức tạp và nhiều rủi ro. Nếu các bên không lường trước được những rủi ro và thách thức ngay từ đầu thì dễ ảnh hưởng đến sự thành công của liên doanh.

Có một điều khoản giải quyết tranh chấp rõ ràng là rất quan trọng. Hơn nữa, điều khoản này cần được thiết kế phù hợp và các bên nên tham vấn luật sư. Những sai sót khi soạn thảo điều khoản trọng tài hay điều khoản chọn luật áp dụng có thể chỉ được phát hiện sau một thời gian và khi tranh chấp xảy ra, thường làm gia tăng chi phí, mức độ phức tạp và tính không chắc chắn của quá trình giải quyết tranh chấp đã được thỏa thuận. Lúc đó, việc sửa chữa dù chỉ là một câu, một chữ trong đó sẽ trở nên quá muộn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Aaron N. Wise; Nguyễn Trần Bạt: Kinh doanh tại Hoa Kỳ và Kinh doanh với đối tác Hoa Kỳ. Sách dành cho các doanh nghiệp Việt Nam, 2005. Tải về từ địa chỉ http://tinyurl.com/gvlbgtr, ngày tải: 10/01/2017. (Wise/Nguyễn Trần Bạt 2005)

2. Cao Minh Trí: FDI và Liên doanh nước ngoài - Nhìn từ năm 2010. Tạp chí Phát triển và Hội nhập; Số 3 - Tháng 2/2010, tr. 25-29. (Cao Minh Trí 2010)

3. Cao Minh Trí: Successful International Joint Ventures - Case Study of the Evergreen Vietnam Corporation. Tạp chí Phát triển và Hội nhập, số 6(16) - Tháng 9-10/2012, tr. 76-89. (Cao Minh Trí 2012)

4. Johanne Westcott: Cross-border joint ventures - getting the dispute resolution clause right. Bài viết trên trang The International Resource Journal, truy cập link http://tinyurl.com/zqr8a8m, ngày truy cập 28/11/2016. (Westcott 2016)

5. Konstantin Christie; Daniel Greineder: Joint Venture Disputes. Bài viết trên trang Global Arbitration Review, 17 March 2016. Truy cập từ link http://tinyurl.com/zlfvu4x. Ngày truy cập: 9/1/2017. (Christie/Greineder 2016)

6. Mark Speece; Nguyen Van Hai: Marketing Conflicts in Joint Ventures in Vietnams Lubricant Industry. Tạp chí der markt 1999/1. 38. Jahrgang, Nr.148, tr. 12-20. (Speece/Nguyen Văn Hai 1999)

7. Nguyễn Ngọc Bích: Hợp đồng liên doanh theo pháp luật nước ngoài và pháp luật Việt Nam. Luận văn Thạc sĩ ngành: Luật Quốc tế; Mã số: 60 38 60. Năm bảo vệ 2012. (Nguyễn Ngọc Bích 2012)

8. Phạm Duy Nghĩa: Xung đột lợi ích trong doanh nghiệp liên doanh - Một số góp ý nhằm thực thi Luật Đầu tư 2005. Tạp chí Khoa học Pháp lý số 4(35)/2006. (Phạm Duy Nghĩa 2006)

9. Phạm Đức Hiếu: Problems and Conflicts in Managing International Joint Ventures in Vietnam. Tạp chí Phillipine Management Review 2013, Vol.20, tr. 47-64. (Phạm Đức Hiếu 2013)

10. Richard Keck: Joint Venture Agreements - Part 18 - Planning for disputes. Butterworths Journal of International Banking and Financial Law, February 2012, tr. 114-116. (Keck 2012)

11. Robert Miller; Jack Glen; Fred Jaspersen; Yannis Karmokollias: International Joint Ventures in Developing Countries. Tạp chí Finance and Development, March 1997, tr. 26-29. (Miller et al. 1997)

12. Valerie Demont; Soumva Sharma: How to redude International Joint Venture Risk. Bài viết trên trang web của công ty CFO (March 2016). Truy cập từ Link http://tinyurl.com/he87aq5. Ngày truy cập: 10/01/2017. (Demont/Sharma 2016)

ANALYZING RESOLUTIONS TO DISPUTES RELATED TO INTERNATIONAL JOINT VENTURE CONTRACTS

Master. NGUYEN HUU KHANH LINH

Faculty of International Law, College of Law – Hue University

ABSTRACT:

International joint venture is one of the main methods for multinational companies to enter foreign markets. This study is to introduce some disputes that frequently occur in international joint venture companies and analyze some typical disputes as well as stages of international joint venture companies that are more likely to experience disputes. The study also analyzes both advantages and disadvantages of resolutions to disputes related to international joint venture companies. In which, the study introduces some important aspects of choice of law provisions and emphasize the importance of seeking an effective choice of law provisions in international joint venture constracts.  

Keywords: International joint ventures, disputes, disputes resolutions, arbitration, choice of law provisions, dispute resolution clauses.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 04 + 05 tháng 04/2017 tại đây