TÓM TẮT:

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có vai trò rất lớn trong quá trình tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia hay các vùng miền. Các DNNVV hoạt động trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân như sản xuất công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ,… nhằm đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng, phong phú của người tiêu dùng.

Chính vì vậy, “Phân tích hiệu quả hoạt động kinh doanh của DNNVV: Minh họa trường hợp cụ thể tại thành phố Cần Thơ” nhằm nghiên cứu thực trạng hoạt động và các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của DNNVV trên địa bàn Thành phố, từ đó đề xuất giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của các DNNVV trong thời gian tới.

Từ khóa: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiệu quả, kinh doanh, phân tích, thành phố Cần Thơ.

1. Đặt vấn đề

Trong những năm qua, chính sách đổi mới và phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước ta đã và đang tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp mở rộng thị trường, tiếp cận khoa học - công nghệ tiên tiến.

Theo sự nhận định của các nhà kinh tế, DNNVV có vai trò rất lớn trong quá trình tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia hay các vùng miền, kể cả ở các quốc gia phát triển và đang phát triển. Các DNNVV hoạt động trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân từ sản xuất công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ,… đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng, phong phú của người tiêu dùng.

Theo Tổng cục Thống kê (2017), cả nước có gần 517.900 doanh nghiệp đang tồn tại, tăng 51,6% so với năm 2012, trong đó số DNNVV chiếm tới 98,1%, đóng góp khoảng 48% GDP và tạo ra hơn 50% việc làm cho toàn xã hội. Tuy nhiên, số lượng DNNVV bị ngừng hoạt động, phá sản cũng tăng theo thời gian. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại là do năng lực quản lý vốn hạn chế, dẫn đến tình trạng thiếu vốn, mất tính thanh khoản, sử dụng vốn sai mục đích, hiệu quả sử dụng vốn thấp.

Để các DNNVV nói chung và các DNNVV tại thành phố Cần Thơ (TP. Cần Thơ) nói riêng phát triển trong điều kiện như hiện nay thì việc quản lý vốn hiệu quả là vấn đề cốt yếu.

Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, nên "Phân tích hiệu quả hoạt động kinh doanh của DNNVV: Minh họa trường hợp cụ thể tại TP. Cần Thơ" là cấp thiết, cần được nghiên cứu.

2. Cơ sở lý thuyết

Phan Đình Khôi, Trương Đông Lộc và Võ Thành Danh (2008) tiến hành phân tích "Tổng quan về kinh tế tư nhân ở đồng bằng Sông Cửu Long" đã cho thấy, trình độ học vấn của chủ doanh nghiệp và chính sách hỗ trợ của Chính phủ có ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNVV. Kết quả cho thấy, khu vực doanh nghiệp tư nhân có tốc độ tăng trưởng khá nhanh dưới tác động của các chính sách khuyến khích, ưu đãi, cùng với sự thông thoáng của Luật Doanh nghiệp mới. Kết quả cũng chỉ ra rằng, vấn đề tiếp cận tín dụng là một trong những khó khăn chính đối với hoạt động của các DNTN.       

Đoàn Ngọc Phi Anh (2009) tiến hành nghiên cứu về “Các nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc tài chính và hiệu quả tài chính: Tiếp cận theo phương pháp đường dẫn”. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, cấu trúc tài chính tối ưu sẽ đem lại hiệu quả tài chính cao. Những nhân tố tác động đến cấu trúc tài chính gồm: Tỷ suất nợ, tỷ suất nợ ngắn hạn, tăng trưởng doanh thu bình quân, tăng trưởng tài sản bình quân, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu, số lượng nhân viên, doanh thu bình quân, tài sản bình quân, tỷ lệ tài sản dài hạn trên tổng tài sản.

Nguyễn Quốc Nghi và Mai Văn Nam (2010) phân tích về “Các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNNVV ở TP. Cần Thơ”. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm xác định các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNVV ở TP. Cần Thơ. Phương pháp thống kê mô tả và phân tích hồi quy tuyến tính đa biến được sử dụng trong nghiên cứu. Kết quả cho thấy, các nhân tố mức độ tiếp cận chính sách hỗ trợ của Chính phủ, trình độ học vấn của chủ doanh nghiệp, quy mô doanh nghiệp, các mối quan hệ xã hội của doanh nghiệp và tốc độ tăng doanh thu ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của DNNVV tại TP. Cần Thơ.

Phan Hồng Dẫn (2012) "Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các DNNVV trên địa bàn tỉnh Trà Vinh" nhằm phân tích thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các DNNVV trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Sử dụng phương pháp thống kê mô tả và so sánh để phân tích thực trạng và mô hình hồi quy đa biến, nhằm xác định các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động. Kết quả đã cho thấy, có sự khác nhau về các tỷ số tài chính giữa các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của các DNNVV. Qua kết quả phân tích hồi quy đa biến cũng cho thấy, các nhân tố như: Loại hình DN, lao động bình quân hàng năm, trình độ của chủ DN, kinh nghiệm chủ DN, vốn điều lệ, tỷ số nợ trên vốn chủ sở hữu, doanh thu thuần trên tổng tài sản và lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh là những nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các DNNVV.

Tăng Mậu Huê (2012) tiến hành nghiên cứu về "Các yếu tố ảnh hưởng đến tiếp cận vốn và hiệu quả kinh doanh của DNNVV tại TP. Cần Thơ". Mục tiêu nghiên cứu nhằm phân tích thực trạng tiếp cận vốn và hiệu quả sử dụng vốn của các DNNVV, đồng thời phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn và hiệu quả sử dụng vốn của các DNNVV trên địa bàn TP. Cần Thơ. Sử dụng phương pháp thống kê mô tả và hồi quy tuyến tính để phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn và hiệu quả sử dụng vốn của các DNNVV. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, tiếp cận vốn vay của DNNVV là chưa nhận được sự tin tưởng từ các tổ chức cung ứng vốn. Kết quả mô hình hồi quy cũng chỉ ra các yếu tố quy mô, hiệu suất tài sản cố định, tỷ lệ nợ ngắn hạn và tiếp thị quảng cáo có ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các DNNVV.

Mai Văn Nam (2013), "Thực trạng và các yếu tổ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các DNNVV tỉnh Đồng Tháp". Mục tiêu nghiên cứu nhằm phân tích thực trạng hoạt động kinh doanh và các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của DNNVV ở Đồng Tháp. Phương pháp phân tích thống kê và hàm phân biệt được sử dụng để phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh cua DNNVV. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các yếu tố như trình độ của lao dộng, thị trường của doanh nghiệp, chi phí đơn vị sản phẩm, trình độ công nghệ, quy mô nguồn vốn, năng suất lao động, trình độ của giám đốc, quy mô lao động, suất sinh lời của vốn chủ sở hữu (ROE), tỷ lệ vốn chủ sở hữu là những yếu tố ảnh hưởng và quyết định đến năng lực cạnh tranh của các DNNVV ở tỉnh Đồng Tháp.

Thông qua lược khảo các tài liệu nghiên cứu cùng với kết quả nghiên cứu sơ bộ, tác giả đã nhận thấy 5 nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của DNNVV trên địa bàn TP. Cần Thơ, đó là: (1) Vốn XH, (2) Tiếp cận các chính sách hỗ trợ, (3) Loại hình DN, (4) Học vấn của chủ DN, (5) Tốc độ tăng doanh thu.

3. Phương pháp nghiên cứu và kết quả phân tích

3.1. Phương pháp nghiên cứu

Đối tượng khảo sát là các DNNVV trên địa bàn TP. Cần Thơ. Dữ liệu nghiên cứu được thu thập theo phương pháp chọn mẫu thuận tiện từ 143 doanh nghiệp. Phân tích tần suất được sử dụng để mô tả các đặc điểm, tình hình sử dụng vốn và các số liệu tài chính của doanh nghiệp. Tiếp theo đó, hồi quy tuyến tính được sử dụng để phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các DNNVV. Cuối cùng giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của các DNNVV được đề xuất trên cơ sở kết quả phân tích.

3.2. Kết quả phân tích

Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của DNNVV trên địa bàn TP. Cần Thơ được phân tích qua Bảng 1.

Bảng 1. Các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của DNNVV

Chỉ tiêu

Giá trị nhỏ nhất

Giá trị lớn nhất

Giá trị trung bình

Độ lệch chuẩn

Loại hình DN

0,00

1,00

0,9650

0,18434

Quy mô DN

0,00

1,00

0,9650

0,18434

Trình độ học vấn của chủ DN

14,00

16,00

15,2028

0,48294

Số năm hoạt động DN

3,00

20,00

7,3916

3,17791

Vốn xã hội

0,00

1,00

0,9580

0,20120

Tốc độ tăng doanh thu

-96,25

484,46

33,4273

82,51548

Tiếp cận chính sách hỗ trợ

2,00

5,00

2,8531

0,83039

Nguồn: Phân tích từ số liệu khảo sát năm 2020

Kết quả hồi quy được thực hiện bằng phương pháp Enter (đưa cùng lúc tất cả các biến vào phân tích) được thể hiện ở Bảng 2.

Bảng 2. Mức độ phù hợp của số liệu phân tích hồi quy

Model

Hệ số tương quan R

Hệ số xác định R2

Hệ số xác định điều chỉnh

Sai số chuẩn

 

Sig

Durbin-Watson

1

0,891

0,794

0,783

2,91662

 

0,000

2,246

Kết quả phân tích ở Bảng 2 cho thấy, hệ số xác định R2 điều chỉnh = 0,783 cho biết 78,3% sự biến thiên về hiệu quả hoạt động kinh doanh của các DNNVV trên địa bàn TP. Cần Thơ được giải thích bởi các biến được đưa vào mô hình.

Sig = 0,000 nhỏ hơn rất nhiều so với mức ý nghĩa α = 5% nên mô hình hồi quy phù hợp với dữ liệu thực tế và các biến độc lập có tương quan tuyến tính với biến phụ thuộc.

Bảng 3. Các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh

của các DNNVV trên địa bàn TP. Cần Thơ

 

Các hệ số hồi quy

Các hệ số hồi quy chuẩn hóa

t

Sig

VIF

Beta

Sai số chuẩn

Beta

Hằng số

-73,587

10,177

 

-7,231

0,000

 

LOAIHINH

4,120

1,615

0,121

2,551

0,012**

1,480

QUYMO

-1,205

1,404

-0,035

-0,858

0,392

1,118

HOCVAN

3,768

0,692

0,290

5,445

0,000***

1,864

SONAMHĐ

-0,027

0,081

-0,014

-0,337

0,737

1,102

VONXH

5,272

1,518

0,169

3,473

0,001***

1,557

TANGDT

0,012

0,003

0,163

4,056

0,000***

1,063

TIEPCANCS

4,187

0,413

0,555

10,148

0,000***

1.960

*,**, ***: Có ý nghĩa thống kê tương ứng ở mức α=10%, 5%, 1%

Nguồn: Kết quả xử lý số liệu điều tra năm 2020

Với mức ý nghĩa 5% cho thấy, có các biến Loại hình DN (Sig = 0,012 < 0,05), biến Học vấn của chủ DN (Sig = 0,000 < 0,01), biến Vốn XH (Sig = 0,001 < 0,05), biến Tốc độ tăng doanh thu (Sig = 0,000 < 0,01) và biến Tiếp cận chính sách hỗ trợ (Sig = 0,000 < 0,01) là có ý nghĩa thống kê. Các biến còn lại trong mô hình đều có mức ý nghĩa > 5% nên không có ý nghĩa thống kê.

Phương trình hồi quy thể hiện tác động của 5 yếu tố trên đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các DNNVV như sau:

HIEUQUAKD = -73,587 + 4,120 LOAIHINH + 3,768 HOCVAN + 5,272 VONXH + 0,012 TANGDT + 4,187 TIEPCANCS

Ý nghĩa của mô hình hồi quy trên là:

+ 1 = 4,120 có nghĩa là, trong điều kiện các biến khác không thay đổi, nếu là DN ngoài nhà nước thì hiệu quả KD sẽ cao hơn 4,120 tỷ đồng so với các DN Nhà nước. Điều này có thể lý giải là do các DNNVV thuộc khu vực ngoài nhà nước ngày càng có sự linh hoạt và đổi mới sáng tạo hơn trong hoạt động kinh doanh.

+ 2 = 3,768 có nghĩa là, trong điều kiện các biến khác không thay đổi thì khi trình độ học vấn của chủ DN tăng lên 1 đơn vị thì hiệu quả KD sẽ tăng 3,768 tỷ đồng. Trình độ học vấn là một trong những điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho nhà quản trị trong công tác lãnh đạo DN, từ đó đưa ra được các quyết định đúng đắn, khả thi, hiệu quả cho DN mình.

+ 3 = 5,272 có nghĩa là, trong điều kiện các biến khác không thay đổi, khi DN có các mối quan hệ XH tốt đẹp thì hiệu quả KD sẽ cao hơn 5,272 tỷ đồng so với các DN không có các mối quan hệ XH tốt. Các DN có mối quan hệ XH tốt với khách hàng, các nhà cung ứng,… sẽ dễ dàng hơn trong việc KD.

+ 4 = 0,012 có nghĩa là, trong điều kiện các biến khác không thay đổi thì khi tốc độ tăng doanh thu tăng lên 1% thì hiệu quả KD tăng lên 0,012 tỷ đồng. Doanh thu là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá hiệu quả kinh doanh của một doanh nghiệp.

+ 5 = 4,187 có nghĩa là, trong điều kiện các biến khác không thay đổi thì khi DN tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước tăng lên 1 hình thức thì hiệu quả KD tăng lên 4,187 tỷ đồng. Để đạt được hiệu quả KD cao hơn, các DN phải tranh thủ tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về tín dụng, công nghệ, thông tin,...

Dựa vào kết quả hồi quy, ta xác định được các yếu tố tác động đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của DNNVV trên địa bàn TP. Cần Thơ theo thứ tự từ mạnh đến yếu như sau: Vốn XH (5,272) à Tiếp cận các chính sách hỗ trợ (4,187) à Loại hình DN (4,120) à Học vấn của chủ DN (3,768) à Tốc độ tăng doanh thu (0,012).

4. Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của DNNVV trên địa bàn TP. Cần Thơ

Xuất phát từ những kết quả phân tích đã được tóm tắt ở phần trên, tác giả xin đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của DNNVV trên địa bàn TP. Cần Thơ, cụ thể như sau:

4.1. Mở rộng vốn xã hội

- Tích cực và chủ động tham gia các Hiệp hội DN, các tổ chức tư vấn, các Hiệp hội ngân hàng, các tổ chức xã hội.

- Sự liên minh, liên kết của nhóm doanh nghiệp kinh doanh, hoạt động cùng ngành nghề dưới các hình thức như hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên danh,... cũng là những giải pháp phù hợp nhằm phát huy vai trò, thế mạnh của mỗi doanh nghiệp.

- Tận dụng tối đa những tiềm lực về vốn, nhân lực, thị trường, văn hóa, kinh nghiệm kinh doanh của các doanh nghiệp lớn, từ đó có nền tảng giúp các DNNVV học tập hoặc nhận được sự giúp đỡ trực tiếp từ các doanh nghiệp lớn. Đây cũng chính là sự tự thân vận động quan trọng của mỗi DNNVV trong kế hoạch thực hiện các chiến lược, mục tiêu kinh doanh của mình cùng với các đối thủ nặng ký trên thị trường. Hiểu về đối thủ và cân bằng hài hòa được các lợi ích với đối thủ trong kinh doanh sẽ tạo những cơ hội phát triển ổn định cho các DNNVV. Đồng nghĩa rằng, các DNNVV cần biết cách giữ mối quan hệ tốt đẹp với các doanh nghiệp lớn trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt.

4.2. Nhanh chóng tiếp cận các chính sách của Chính phủ hỗ trợ DNNVV

- Khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp để được hưởng nhiều lợi thế như:

+ Được miễn, giảm nhiều loại thuế, phí, lệ phí theo Luật Hỗ trợ DNNVV năm 2017.

+ Có tư cách pháp nhân, được vay vốn ngân hàng theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 20/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng.

+ Được thuê nhiều lao động: Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về thành lập DN. Ngoài các quy định trên, hộ kinh doanh chuyển sang DN còn được mở nhiều chi nhánh; Khi kinh doanh thua lỗ được áp dụng quy định của Luật Phá sản…

- Nâng cao trình độ quản lý, đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến quản lý sản xuất, hoàn thiện cơ chế quản lý, hệ thống kế toán minh bạch, rõ ràng.

- Thay đổi tư duy kinh doanh, xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn, tập trung vào các mảng sản xuất kinh doanh chủ chốt, có thế mạnh, liên tục đổi mới sáng tạo.

- Tăng cường liên kết trong kinh doanh, đặc biệt giữa các doanh nghiệp cùng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh để có thể hỗ trợ, bổ sung nguồn lực để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn và cùng phát triển bền vững.

- Tham gia các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp để học hỏi kinh nghiệm trong công tác quản lý và kinh doanh, cũng như tìm kiếm sự hợp tác giữa các doanh nghiệp để tận dụng nguồn lực của nhau cùng nhau phát triển.

- Chủ động, tích cực tham gia/cử cán bộ tham gia các chương trình trợ giúp của Nhà nước để nâng cao trình độ quản lý của đội ngũ lãnh đạo DN, trang bị kiến thức về pháp luật, nâng cao kỹ năng cho cán bộ về đổi mới công nghệ, phát triển thị trường.

4.3. Đổi mới, cơ cấu loại hình doanh nghiệp

Theo kết quả khảo sát cho thấy, DN ngoài nhà nước có hiệu quả hoạt động kinh doanh cao hơn doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của DN đối với vấn đề này cần phải:

- Định hướng, cơ cấu lại các DNNN. Để cơ cấu lại các DNNN cần nên tập trung vào các giải pháp sau:

+ Thực hiện đầy đủ và triệt để các nguyên tắc và cơ chế thị trường.

+ Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các DNNN.

+ Các DNNN phải đi đầu trong đổi mới, áp dụng công nghệ và phương thức kinh doanh theo hướng thông minh hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và năng lực cạnh tranh cao hơn. Áp dụng phương thức kinh doanh mới như kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử, thanh toán điện tử,...

- Nhà nước tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển DNNVV nhằm đảm bảo duy trì niềm tin và tăng cường đầu tư.

- Xây dựng các chương trình hỗ trợ, khuyến khích phát triển khởi nghiệp có định hướng trong những lĩnh vực ưu tiên, đề cao tính đổi mới sáng tạo và có tính quốc tế cao hơn.

4.4. Nâng cao trình độ học vấn của chủ doanh nghiệp

Chủ DNNVV là những người có bản lĩnh kinh doanh, tự đương đầu với thị trường, tự nâng cao trình độ qua học từ thực tiễn, đặc biệt có năng lực riêng từ truyền thống gia đình. Để nâng cao trình độ học vấn của chủ doanh nghiệp cần:

- Các chủ DN cần chủ động, tích cực trong việc học tập nâng cao trình độ thông qua các khóa học, các buổi tập huấn hay các hiệp hội của các DN để học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

- Thường xuyên tìm hiểu những cơ chế, chính sách của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là các tổ chức kinh tế thế giới mà Việt Nam tham gia.

- Chính phủ nên có chương trình đào tạo riêng, nhất là học tập, tham quan từ nước ngoài nhằm giúp DNNVV ở Việt Nam có thêm năng lực quản lý DN.

4.5. Tập trung nâng cao tốc độ tăng trưởng doanh thu của DN

Để nâng cao tốc độ tăng trưởng doanh thu thì các doanh nghiệp cần phải có những định hướng, kế hoạch kinh doanh cụ thể và dài hạn. Các giải pháp cụ thể như:

- Xây dựng chiến lược kinh doanh bao gồm: Đưa ra sản phẩm, bán hàng, quảng cáo, nhân viên, phát triển doanh nghiệp,...

- Mở rộng thị trường và đối tượng khách hàng.

- Tối ưu hóa doanh thu trên một khách hàng. Cung cấp các chính sách bảo hành, xây dựng đội ngũ nhân viên phục vụ và tư vấn chuyên nghiệp, thiết kế bao bì đẹp mắt,…

- Bán nhiều sản phẩm khác nhau cho một khách hàng. Đây là cách làm cho khách hàng của mình tiêu tiền nhiều hơn.

- Tìm nhà cung cấp rẻ hơn với cùng chất lượng và độ tin cậy.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đoàn Ngọc Phi Anh, 2009. Các nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc tài chính và hiệu quả tài chính: Tiếp cận theo phương pháp đường thẳng. Tạp chí Khoa học và Công nghệ, số 5, trang 40-41.
  2. Phan Hồng Dẫn, 2012. Phân tích hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Luận văn thạc sĩ. Đại học Cần Thơ.
  3. Tăng Mậu Huê, 2012. Các yếu tố ảnh hưởng đến tiếp cận vốn và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại TP. Cần Thơ. Luận văn thạc sĩ. Đại học Cần Thơ.
  4. Phan Đình Khôi, Trương Đông Lộc, Võ Thành Danh, 2008. Tổng quan về kinh tế tư nhân ở đồng bằng sông Cửu Long. NXB Giáo dục.
  5. Nguyễn Quốc Nghi, Mai Văn Nam, 2010. Các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở TP. Cần Thơ. Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ, số 19b, trang 122 - 129.
  6. Nguyễn Thiện Phong, 2004. Thực trạng về tài chính và chính sách hỗ trợ tài chính cho các DNNVV ngoài quốc doanh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Luận án tiến sĩ. Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

Analyzing the business performance of small and medium-sized enterprises: Case study of SMEs located in Can Tho City

Le Huu Tran

Vietnam Joint Stock Commercial Bank For Industry and Trade (VietinBank) - Can Tho Branch

Assoc.Prof. Ph.D Bui Van Trinh

Can Tho University

ABSTRACT:

Small and medium-sized enterprises (SMEs) play a huge role in the economic growth of many countries or regions. SMEs operate in all sectors of the national economy including industrial manufacturing, construction, trade and service to meet the increasingly diverse needs of consumers. This study is to analyze the current operation and the factors affecting the business performance of SMEs located in Can Tho City, thereby proposing solutions for improving the business performance of SMEs in the coming time.

Keywords: Small and medium-sized enterprises, efficient, business, analysis, Can Tho City.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 19, tháng 8 năm 2020]