Phân tích hiệu quả sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách của hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Bình Dương

NGUYỄN NGỌC QUYỀN (Học viên Sau đại học, Trường Đại học Bình Dương), TS. PHẠM VĂN TÀI (Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại)

TÓM TẮT:

Bằng phương pháp thu thập thông tin hộ nghèo có vay vốn tín dụng chính sách tại chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Bình Dương và các Huyện, Thị xã, Thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương và thông qua phương pháp định tính kết hợp phân tích tài liệu, thống kê, diễn giải nhằm đi sâu phân tích thực trạng và tính hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách. Từ đó, tìm ra giải pháp, những cơ chế chính sách thích hợp giúp cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Bình Dương thuận lợi hơn trong việc tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chính sách, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Từ khóa: Hộ nghèo, tín dụng chính sách, giảm nghèo.

  1. Giới thiệu

Giảm nghèo là một trong những chính sách của Việt Nam trong nhiều năm qua, là vì mục tiêu an sinh và công bằng xã hội. Đảng, Nhà nước xem giảm nghèo vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu để phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường an ninh, quốc phòng. Phát triển kinh tế kéo theo khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách giảm nghèo như thành lập ngân hàng chính sách, tài trợ vốn cho người nghèo làm giàu… Tuy nhiên, vấn đề hiệu quả sử dụng vốn tín dụng của nhà nước cho người nghèo tại các địa phương cũng đã có những nghiên cứu công bố, nhưng riêng phân tích hiệu quả sử dụng vốn tín dụng dành cho người nghèo/hộ nghèo tại tỉnh Bình Dương thì chưa có công trình nghiên cứu nào. Đó là lý do nhóm tác giả thực hiện nghiên cứu này.

  1. Cơ sở lý thuyết và các nghiên cứu trước đây

Nghiên cứu của Lê Thị Thúy Nga (2011), Giải pháp nâng cao hiệu quả tín dụng đối với hộ nghèo tại NHCSXH tỉnh Thanh Hóa. Tác giả xác định các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả của tín dụng hộ nghèo như cơ sở vật chất, đội ngũ nhân viên, về quy trình cho vay, về chính sách cho vay, về công tác kiểm tra và tư vấn. Nghiên cứu tập trung phân tích định tính.

Quách Khánh Ngọc và Trương Quốc Hảo (2012), Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến đối tượng vay của hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, (Tạp chí Kinh tế và Quản trị kinh doanh số 05). Tác giả phân tích nhân tố ảnh hưởng đến lượng vốn vay của hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng lượng vốn vay phụ thuộc vào 8 nhân tố là: số tiền vay, mục đích đầu tư, diện tích đất thế chấp, giá trị tài sản, thu nhập trước khi đi vay, tuổi chủ hộ, trình độ học vấn, công việc hiện tại. Trên cơ sở nghiên cứu này cho thấy, việc cải thiện lượng vốn của hộ dân trên địa bàn tỉnh Kiên Giang cần chú ý đến số lần vay tiền, mục đích đầu tư, diện tích đất thế chấp, giá trị tài sản, thu nhập trước khi vay, tuổi chủ hộ, trình độ học vấn, công việc hiện tại.

Bùi Văn Trịnh và Nguyễn Thị Thùy Phương (2014), “Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn vay của hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng”, (Tạp chí Phát triển và Hội nhập số 19). Kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu quả sử dụng vốn vay của hộ nghèo phụ thuộc các yếu tố như là lượng vốn vay, kỳ hạn, lãi suất, rủi ro, hướng dẫn khi vay, diện tích đất sản xuất, tỷ trọng vốn sử dụng cho sản xuất và lao động tổng số 5 yếu tố có mối tương quan thuận: lượng vốn vay, hướng dẫn sau khi vay, diện tích đất, tỷ trọng vốn sử dụng cho sản xuất và số lao động. Trong khi đó, các yếu tố, kỳ hạn vay, lãi suất rủi ro có mối quan hệ tương quan nghịch (-) với hiệu quả sử dụng vốn vay của hộ nghèo. Ngoài ra, nghiên cứu còn được sử dụng kiểm định t - Test và kiểm tra chi bình phương để đánh giá khả năng thoát nghèo của các hộ vay vốn. Trên cơ sở phân tích, đề xuất các giải pháp giúp hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng sử dụng vốn vay có hiệu quả hơn để có thể làm tăng thu nhập và sớm thoát nghèo.

Nguyễn Hoài Nam (2015), Đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội của chương trình chính sách tín dụng đối với hộ nghèo của NHCSXH, Tạp chí Ngân hàng số 23 (trang 46 - 49) năm 2015, tác giả nghiên cứu cho thấy hiệu quả kinh tế xã hội trong việc giảm nghèo đối với hộ nghèo thiểu số vùng Tây Bắc, NHCSXH tỉnh Hà Giang thể hiện vai trò “bà đỡ” cho người nghèo đặc biệt là người dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo làm giàu bằng chính nguồn vốn tín dụng chính sách thông qua các chỉ tiêu tăng trưởng, quy mô cho vay, khả năng sử dụng người vay, cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích cho kết quả khả năng thu hồi vốn đảm bảo. Tác động tích cực đến việc phát huy năng lực sản xuất kinh doanh người nghèo tạo được ý thức trách nhiệm trong quan hệ người nghèo với ngân hàng, số hộ được vay vốn, số hộ thoát nghèo, tác động vay vốn đến thu nhập hộ nghèo. Bên cạnh đó, tác giả cũng cho ta thấy những hạn chế và đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả cho vay hộ nghèo.

Nguyễn Đắc Hưng (2014), Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng và nhóm giải pháp việc đầu tư vốn tín dụng của NHCSXH, Tạp chí Ngân hàng (trang 22 - 23) số 23, năm 2014, tác giả đánh giá những thành công chính sách tín dụng cho hộ nghèo, trong đó có vai trò lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Ngành, sự phối hợp các Bộ ngành liên quan, cả hệ thống chính trị cụ thể như: vai trò lãnh đạo của Đảng, Chính phủ đưa hoạt động tín dụng chính sách vào hoạt động là chủ trương đúng, sáng tạo có tính đặc thù, phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam góp phần hết sức quan trọng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo và thực hiện mục tiêu an sinh xã hội; Hoạt động tín dụng chính sách dần tạo được lòng tin đối với một số tổ chức quốc tế, thu hút nhiều quốc gia trên thế giới, một số nước đang tìm hiểu mô hình của NHCSXH Việt Nam; Tín dụng chính sách NHCSXH góp phần tích cực vào đổi mới hoạt động ngân hàng, cũng như thực hiện mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của NHNN; Chất lượng tín dụng đầu tư cho tín dụng chính sách nói chung, đối với hộ nghèo nói riêng được đảm bảo, bên cạnh sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội, vai trò Ban đại diện HĐQT ở địa phương, các điểm giao dịch đặt ra tại xã, phường, các quy định niêm yết đúng về lãi suất, thủ tục vay, giải ngân, dư nợ, trả lãi… được thông báo công khai minh bạch rõ ràng tại nơi giao dịch.

  1. Phương pháp nghiên cứu

Sử dụng phương pháp định tính, kết hợp phân tích tài liệu, phương pháp tổng hợp, thống kê, chứng minh, diễn giải, sơ đồ, biểu mẫu, đánh giá thực trạng đầu tư vốn tín dụng đối với hộ nghèo. Xác định các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn vay chính sách của hộ nghèo tại tỉnh Bình Dương, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng chính sách trong thời gian tới.

  1. Kết quả nghiên cứu

Qua hơn 15 năm thành lập và phát triển, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Bình Dương đã phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Chính phủ giao. Đã góp phần giúp cho hàng ngàn hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống từ nguồn vốn tín dụng chính sách. Tính đến ngày 31/03/2019, tổng dư nợ toàn tỉnh đạt 2.372 tỷ đồng, tăng gần 55 lần so với lúc mới thành lập, NHCSXH tỉnh cùng với 4 tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã thành lập được 1.615 tổ Tiết kiệm và vay vốn, tuy nhiên tỷ lệ nợ quá hạn rất thấp chỉ có 0,18%. Với mô hình tổ chức và phương thức tín dụng đặc thù, NHCSXH tỉnh Bình Dương có được nhiều cán bộ tâm huyết từ cơ quan chính quyền và hội đoàn thể tham gia nhận quản lý và nhận ủy thác.

Xem Bảng 1 ta thấy, dư nợ bình quân 01 hộ nghèo tại chí nhánh còn thấp, giao động ở các năm 2016 đến năm 2018 từ 17.100.000 đồng đến 24.450.000 đồng. Năm 2014, NHCSXH Việt Nam thực hiện nâng mức cho vay tối đa một hộ nghèo lên đến 50 triệu đồng/hộ (theo Quyết định số 34/QĐ-HĐQT ngày 26/4/2014 của Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH Việt Nam, công văn số 1129/NHCS-TDNN ngày 29/4/2014 của Tổng giám đốc NHCSXH Việt Nam). Kết quả cho vay năm 2018 bình quân một hộ nghèo khoảng 31,8 triệu đồng và tính theo dư nợ bình quân cho một hộ nghèo là 23,67 triệu đồng. Từ kết quả hoạt động tín dụng cho thấy nguồn vốn cho vay còn ở mức trung bình, cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và NHCSXH chi nhánh tỉnh Bình Dương.

Về kết quả cho vay, trong giai đoạn 2016 - 2018 với sự nỗ lực của chi nhánh, sự cộng tác, giúp đỡ của các ngành, các cấp ủy, chính quyền địa phương, từ hội sở chi nhánh NHSXH tỉnh đã gặt hái được một số kết quả khả quan. Tính đến ngày 31/3/2018, tổng dư nợ cho vay hộ nghèo 122.289 triệu đồng, tăng 77.799 triệu đồng so với năm 2016 là 44.490 triệu đồng, tương đương 175%. Việc thực hiện hiệu quả kế hoạch nguồn vốn này cũng tạo thêm hiệu quả tín dụng cho hộ nghèo, tạo hiệu quả kế hoạch nguồn vốn này cũng tạo thêm hiệu quả tín dụng cho hộ nghèo, tạo hiệu quả về mặt xã hội, góp phần tăng tốc độ luân chuyển vốn và lưu thông hàng hóa.

Doanh số cho vay hộ nghèo tại NHCSXH chi nhánh tỉnh Bình Dương có sự tăng trưởng và biến động nhiều qua các năm do còn phụ thuộc vào nguồn vốn phân bổ và vốn thu hồi hàng năm. Nếu như năm 2016, doanh số cho vay chỉ đạt 6.282 triệu đồng, đến ngày 31/3/2019 doanh số cho vay lũy kế tăng lên 26.297 triệu đồng; tăng 20.015 triệu đồng, tương đương 318%. Mức cho vay bình quân một hộ không ngừng tăng lên từ 17,1 triệu đồng năm 2016  lên 24,45 triệu đồng năm 2019. Đến ngày 31/3/2019 có 973 hộ nghèo đang còn dư nợ giảm 1.629 hộ so với năm 2016. Điều này thể hiện tính hiệu quả trong công tác cho vay, khi mà hộ nghèo dần dần cải thiện cuộc sống, thoát nghèo trong những năm qua từ chương trình tín dụng của NHCSXH.

Chất lượng tín dụng thể hiện tỷ lệ nợ quá hạn đạt ở mức thấp. Cụ thể tỷ lệ nợ quá hạn qua các năm 2016, 2017, 2018 và đến hết tháng 3/2019 lần lượt là: 0,3%, 0,26%, 0,19%, 0,18%. Cho thấy tỷ lệ nợ quá hạn tại chi nhánh NHCSXH tỉnh Bình Dương giảm dần qua các năm có thể khẳng định chất lượng hoạt động tín dụng tốt, từ đó hiệu quả sử dụng vốn tín dụng cũng được phát huy cao.

Từ Bảng 2 ta thấy, dư nợ hộ nghèo giảm đều qua các năm. Cụ thể năm 2016 dư nợ hộ nghèo là 44.490 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 3,34%, trên tổng dư nợ cho vay tại chi nhánh; năm 2017 là 30.478 triệu đồng (chiếm tỷ trọng 1,72%), năm 2018 là 23.529 triệu đồng (chiếm tỷ trọng 1,04%), 03 tháng đầu năm 2019 là 23.792 triệu đồng (chiến tỷ trọng 1%). Xét về mặt tăng trưởng cuối kỳ trong giai đoạn từ năm 2016 - 2019, dư nợ hộ nghèo giảm qua các năm, năm 2017 giảm 31,49% so với năm 2016, năm 2018 giảm 22,8% so với năm 2017. Điều này cho thấy quy mô và dư nợ hộ nghèo giảm xuống rất nhanh, đây là tín hiệu tích cực và đáng khích lệ cho công tác giảm nghèo tại tỉnh Bình Dương trong thời gian qua.

Nhìn chung, tỷ trọng dư nợ cho vay hộ nghèo thấp so với các chương trình cho vay khác. Năm 2018 dư nợ cho vay hộ nghèo chỉ đạt 23 tỷ đồng, cho thấy quy mô tín dụng chính sách cho hộ nghèo tại NHCSXH tỉnh Bình Dương giảm dần thay vào đó là các chương trình cho vay khác để giúp người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Kết quả cho thấy tốc độ tăng trưởng năm 2017, 2018, 3 tháng năm 2019 lần lượt là: - 31,49%; - 22,8% và 1,12% thể hiện tốc độ càng giảm hộ nghèo vay vốn sử dụng đồng vốn có hiệu quả, trả được nợ ngân hàng và đã thoát nghèo.           

  1. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả tín dụng đối với hộ nghèo tại NHCSXH tỉnh Bình Dương

Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm, nhưng số hộ nghèo vẫn còn tương đối lớn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; Ranh giới giữa thoát nghèo và tái nghèo là hết sức mong manh nên nhiệm vụ giảm nghèo bền vững của tỉnh vẫn còn rất nặng nề và phải được tiếp tục đẩy mạnh.

Giai đoạn 2018-2020, tỉnh sẽ tiếp tục nâng mức chuẩn hộ nghèo lên 1,66 triệu đồng/người/tháng và  hộ cận nghèo 2,16 triệu đồng/người/tháng (chuẩn mức sống trung bình là 2,75 triệu đồng/tháng), lúc đó số hộ nghèo mới của tỉnh sẽ là 9.000 hộ (3% hộ dân).

Nguồn vốn tín dụng chính sách của hộ nghèo hỗ trợ đắc lực trong chiến lược giảm nghèo, là một giải pháp hữu hiệu đầy lùi căn bệnh đói nghèo và rút ngắn khoảng cách phân hóa giàu nghèo trong xã hội. Để thực hiện tốt các hoạt động tín dụng chính sách của hộ nghèo tại NHCSXH tỉnh Bình Dương, hướng đến thực hiện chính sách giảm nghèo có hiệu quả và bền vững cần thiết tập trung một số vấn đề sau:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai, thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 2306-CV/TU ngày 15/4/2015 và 936-CV/TU ngày 04/5/2017 của Tỉnh ủy, Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 19/5/2015 và văn bản 3756/UBND-VX ngày 10/10/2016 của UBND tỉnh; trong đó trọng tâm là chỉ đạo tập trung các nguồn vốn tín dụng có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước vào một đầu mối quản lý là hệ thống NHCSXH, để tránh cho vay chồng chéo, trùng lắp, kém hiệu quả và khó kiểm soát; Hằng năm, bố trí đủ nguồn vốn tín dụng để cho vay hộ nghèo và các ĐTCS khác trên địa bàn, hỗ trợ cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi cho chi nhánh NHCSXH tỉnh và các Phòng giao dịch huyện thị hoạt động ổn định, bền vững;   

- Thường xuyên kiện toàn Ban đại diện HĐQT các cấp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại địa phương và hoạt động của NHCSXH trên địa bàn.

Thứ hai, hàng năm, tổ chức điều tra và quản lý chặt chẽ danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Chủ động điều chỉnh, bổ sung kịp thời danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác để có căn cứ xác nhận đối tượng vay vốn NHCSXH.

Thứ ba, các cấp ủy, các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương các cấp phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chi nhánh NHCSXH trong việc lồng ghép có hiệu quả các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và các hoạt động của các hội, đoàn thể với hoạt động tín dụng chính sách, giúp người vay sử dụng vốn vay có hiệu quả để thoát nghèo bền vững.

Thứ tư, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện tốt hơn nữa những công việc đã được chi nhánh NHCSXH ủy thác; bảo đảm việc cho vay đúng chính sách, đúng đối tượng thụ hưởng; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng.

- Nâng cao trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc: Triển khai thực hiện chính sách tín dụng xã hội trên địa bàn; kiện toàn Ban giảm nghèo nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, thực hiện tốt việc tham mưu cho UBND cùng cấp quản lý, phê duyệt danh sách hộ nghèo và đối tượng chính sách vay vốn NHCSXH; chỉ đạo Trưởng thôn, ấp, tổ dân phố phối hợp cùng NHCSXH, các tổ chức chính trị - xã hội, Tổ tiết kiệm và vay vốn quản lý chặt chẽ vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn; theo dõi, giúp đỡ người vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả; đôn đốc người vay trả nợ, trả lãi ngân hàng đầy đủ, đúng hạn; tích cực tham gia xử lý các khoản nợ quá hạn, nợ xấu.

Thứ năm, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách đến các đối tượng thụ hưởng cũng như toàn thể xã hội... để vừa thu hút nguồn vốn cho NHCSXH khi nhiều người dân, tổ chức biết đến, tin tưởng gửi tiền, đồng thời khuyến khích các hộ nghèo tham gia vay vốn của NHCSXH một cách chủ động và sử dụng vốn có hiệu quả hơn;

- Tích cực, chủ động giám sát các hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội tham gia vào hoạt động ủy thác vốn NHCSXH, đặc biệt là công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả, lồng ghép với các chương trình, dự án của tổ chức chính trị - xã hội.

Thứ sáu, đội ngũ cán bộ chi nhánh NHCSXH tỉnh cần tiếp tục đề cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, phấn đấu thực hiện thành công Đề án Chiến lược phát triển NHCSXH trên địa bàn tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2017 - 2020; góp phần thiết thực, hiệu quả hơn nữa để thực hiện các chính sách an sinh xã hội mà Chính phủ và địa phương đã ban hành.

Thứ bảy, tích cực nghiên cứu, đề xuất tham mưu với cấp có thẩm quyền thực thi chính sách tín dụng xã hội một cách hiệu quả, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của người dân địa phương.

  1. Kết luận

Nghiên cứu đã hệ thống hóa những vấn đề lý luận cơ bản về hộ nghèo, tín dụng đối với hộ nghèo, sự cần thiết phải XĐGN, các chỉ tiêu tính toán hiệu quả tín dụng và rút ra sự cần thiết khách quan phải nâng cao hiệu quả tín dụng đối với hộ nghèo; Đánh giá thực trạng và hiệu quả cho vay hộ nghèo tại NHCSXH tỉnh Bình Dương, xác định các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn vay chính sách của hộ nghèo, gắn đánh giá tình hình đầu tư vốn của NHCSXH để thấy rõ hơn góc độ nghiên cứu. Đồng thời, chỉ ra những tồn tại, nguyên nhân của chương trình cho vay hộ nghèo tại Bình Dương trong thời gian vừa qua. Trên cơ sở mục tiêu hoạt động của NHCSXH tỉnh Bình Dương, nhóm tác giả đưa ra các nhóm giải pháp và một số đề xuất kiến nghị với lãnh đạo Đảng, Chính phủ, lãnh đạo NHCSXH Việt Nam, lãnh đạo địa phương với một số các giải pháp nhằm góp phần thực hiện tốt hơn công tác giảm nghèo cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Bình Dương, giảm dần tỷ lệ hộ nghèo, đưa hộ thoát nghèo cao hơn theo mục tiêu lãnh đạo các cấp đề ra trong giai đoạn đến năm 2020 và trong thời gian tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bùi Văn Trịnh và Nguyễn Thị Thùy Phương (2014), “Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn vay của hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng”, Tạp chí Phát triển và Hội nhập số 19.
  2. Khánh Vinh (2016). Đột phá công tác giảm nghèo ở Bình Dương, Báo Nhân dân, ngày 26/4/2018.
  3. Lam Phương (2018). Tìm giải pháp hiệu quả để giảm nghèo, Báo Đà Nẵng, ngày 30/3/2018.
  4. Lê Thị Thúy Nga (2011), Giải pháp nâng cao hiệu quả tín dụng đối với hộ nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa.
  5. Nguyễn Đắc Hưng (2014), Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng và nhóm giải pháp việc đầu tư vốn tín dụng của NHCSXH, Tạp chí Ngân hàng (trang 22 - 23) số 23, năm 2014.
  6. Nguyễn Hoài Nam (2015), Đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội của chương trình chính sách tín dụng đối với hộ nghèo của Ngân hàng chính sách xã hội, Tạp chí Ngân hàng số 23 (trang 46 - 49) năm 2015.
  7. Quách Khánh Ngọc và Trương Quốc Hảo (2012), Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến đối tượng vay của hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, Tạp chí Kinh tế và Quản trị kinh doanh số 05.

ANALYZING THE EFFICIENCY OF USING SOCIAL POLICY  CREDIT SOURCES OF POOR HOUSEHOLDS IN BINH DUONG PROVINCE

NGUYEN NGOC QUYEN

Postgraduate student, Binh Duong University

Ph.D PHAM VAN TAI

College of Foreign Economic Relation

ABSTRACT:

By collecting information on poor households having social policy credit loans at the branch of the Social Policy Bank in Binh Duong province and districts, towns and cities directly under Binh Duong province, and using the qualitative method combined with documents analysis, statistical analysis and interpretations, this study is to analyze in depth the situation and effectiveness of using social policy credit sources. Based on the findings, the study proposes appropriate solutions and policies to help poor households in Binh Duong province access scoail policy credit sources with more favourable conditions, contributing to the poverty reduction.

Keywords: Poor households, policy credit, poverty reduction.