Pháp luật giao dịch điện tử của Hàn Quốc và kinh nghiệm cho Việt Nam

ThS. Phí Mạnh Cường (Trường Đại học Mỏ - Địa chất)

TÓM TẮT:

Hiện nay, các quốc gia đều thừa nhận thương mại điện tử là bước phát triển tất yếu của thương mại truyền thống trong thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin và truyền thông. Bản chất của thương mại điện tử là các giao dịch thương mại truyền thống được thực hiện thông qua các giao dịch điện tử. Thực tiễn phát triển ở các nước trên thế giới đã chỉ ra rằng, để thúc đẩy các giao dịch điện tử phát triển, bên cạnh những yếu tố mang tính kỹ thuật như: thiết bị đầu cuối, cơ sở hạ tầng viễn thông... cần phải tạo lập một môi trường pháp lý vững chắc. Việc phân tích có hệ thống các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử ở một quốc gia có thương mại điện tử phát triển như Hàn Quốc sẽ giúp Việt Nam có điều kiện thuận lợi để hoàn thiện hơn nữa các quy định về giao dịch điện tử, từ đó thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử ở Việt Nam.

Từ khóa: Giao dịch điện tử, thông điệp dữ liệu, Hàn Quốc.

1. Đặt vấn đề

Hàn Quốc được đánh giá là một trong mười quốc gia có tốc độ tăng trưởng về doanh thu thương mại điện tử bán lẻ lớn nhất thế giới. Sự phát triển của thương mại điện tử ở Hàn Quốc được thể hiện rõ nét thông qua doanh thu của thương mại điện tử, nếu năm 2017 doanh thu của thương mại điện tử ở Hàn Quốc là 52.135 triệu USD thì dự kiến đến năm 2024, con số này là 106.707 triệu USD.

Bản chất của thương mại điện tử là các giao dịch thương mại truyền thống được thực hiện thông qua các giao dịch điện tử. Do đó, sự phát triển của thương mại điện tử như đã nêu ở trên đã chứng tỏ các giao dịch điện tử ở Hàn Quốc phải được diễn ra phổ biến và thường xuyên. Thực tiễn phát triển ở các nước trên thế giới đã chỉ ra rằng, để thúc đẩy các giao dịch điện tử phát triển, bên cạnh các yếu tố mang tính kỹ thuật như: thiết bị đầu cuối, cơ sở hạ tầng viễn thông... cần phải tạo lập một môi trường pháp lý vững chắc. Việc phân tích có hệ thống các quy định pháp luật của Hàn Quốc về giao dịch điện tử sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện hơn nữa các quy định về giao dịch điện tử, từ đó thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử ở Việt Nam.

2. Nội dung cơ bản của pháp luật giao dịch điện tử của Hàn Quốc và kinh nghiệm cho Việt Nam

Hiện nay, các vấn đề pháp lý về giao dịch điện tử ở Hàn Quốc được quy định trực tiếp trong Luật khung về tài liệu điện tử và giao dịch điện tử (Framework Act on Electronic Documents and Transactions) năm 2017 (sau đây gọi là Luật của Hàn Quốc) và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật khung về tài liệu điện tử và giao dịch điện tử (Enforcement Decree of the Framework Act on Electronic Documents and Transactions) năm 2018 (sau đây gọi là Nghị định của Hàn Quốc). Còn ở Việt Nam, các vấn đề pháp lý về giao dịch điện tử được quy định trực tiếp trong Luật số 51/2005/QH11 về Giao dịch điện tử năm 2005 (sau đây gọi là Luật của Việt Nam); các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật số 51/2005/QH11 về Giao dịch điện tử năm 2005.

2.1. Phạm vi điều chỉnh của luật

- Phạm vi điều chỉnh của luật: Nếu xem xét về phạm vi điều chỉnh của luật thì Luật của Hàn Quốc có sự quy định rộng hơn so với Luật của Việt Nam. Cụ thể, Luật của Hàn Quốc được áp dụng cho tất cả các giao dịch điện tử trừ khi có sự quy định rõ ràng trong các văn bản pháp luật khác. Còn Luật của Việt Nam không áp dụng đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác. Căn cứ vào các quy định như đã nêu ở trên thì phạm vi điều chỉnh của Luật Hàn Quốc có sự khái quát cao hơn so với Luật Việt Nam. Điều này sẽ giúp cho Luật của Hàn Quốc bao trùm được toàn bộ các giao dịch điện tử trên thực tế, đồng thời tạo được sự ổn định cho các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử khi có sự thay đổi của các văn bản luật khác.

- Khái niệm giao dịch điện tử: Luật của Hàn Quốc có sự quy định cụ thể hơn so với Luật của Việt Nam. Theo Luật của Hàn Quốc, giao dịch điện tử là việc thực hiện một phần hoặc toàn bộ giao dịch thông qua thông điệp dữ liệu khi mua bán/cung ứng hàng hóa/dịch vụ. Còn theo Luật của Việt Nam, giao dịch điện tử là giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử. Cách quy định này của pháp luật Việt Nam sẽ tạo ra cách hiểu khác nhau là các giao dịch được thực hiện một phần hay toàn bộ bằng phương tiện điện tử sẽ được coi là giao dịch điện tử.

2.2. Thông điệp dữ liệu

Các giao dịch điện tử được thực hiện thông qua các thông điệp dữ liệu. Chính vì vậy, thông điệp dữ liệu được coi vấn đề trọng tâm của pháp luật về giao dịch điện tử. Vấn đề pháp lý của thông điệp dữ liệu trong các giao dịch điện tử được xem xét ở các góc độ sau:

- Khái niệm thông điệp dữ liệu: Đối với khái niệm về thông điệp dữ liệu thì có sự tương đồng giữa Luật của Hàn Quốc và Luật của Việt Nam. Cả hai luật đều quy định thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được truyền tải, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử. Không chỉ đưa ra khái niệm về thông điệp dữ liệu, Luật của Việt Nam còn có quy định cụ thể về hình thức của thông điệp dữ liệu.

- Giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu: Về giá thị pháp lý của thông điệp dữ liệu, Luật của Hàn Quốc thừa nhận thông điệp dữ liệu có giá trị pháp lý như các văn bản. Giống như Luật Hàn Quốc, Luật của Việt Nam cũng thừa nhận thông điệp dữ liệu có giá trị pháp lý như văn bản. Ngoài ra, Luật của Việt Nam còn có quy định cụ thể như: thông điệp dữ liệu có giá trị như bản gốc, có giá trị làm chứng cứ,...

- Gửi thông điệp dữ liệu: Vấn đề gửi thông điệp dữ liệu được Luật của Hàn Quốc quy định như sau: Thông điệp dữ liệu được gửi tại thời điểm thông điệp dữ liệu đăng nhập vào hệ thống xử lý thông tin để người nhận hoặc đại diện của người nhận có thể nhận được thông điệp dữ liệu. Và một thông điệp dữ liệu được coi là người khởi tạo gửi nếu tài liệu đó được gửi bởi đại diện của người gửi hoặc được gửi bởi một chương trình máy tính được phát triển để gửi hoặc nhận thông điệp dữ liệu hoặc bằng các phương tiện điện tử khác. Như vậy, nếu Luật của Hàn Quốc quy định thời điểm gửi thông điệp dữ liệu là thời điểm thông điệp dữ liệu đăng nhập vào hệ thống của người nhận/đại diện của người nhận thì Luật của Việt Nam lại quy định, thời điểm gửi thông điệp dữ liệu là thời điểm thông điệp dữ liệu nhập vào hệ thống thông tin nằm ngoài sự kiểm soát của người khởi tạo. Cách quy định trong Luật của Việt Nam được đánh giá là phù hợp hơn vì thời điểm gửi thông điệp dữ liệu có thể được hiểu là thời điểm thông điệp dữ liệu ra khỏi hệ thống do người khởi tạo kiểm soát.

- Nhận thông điệp dữ liệu: Về việc nhận thông điệp dữ liệu, Luật của Hàn Quốc có quy định: Thông điệp dữ liệu được coi là đã được nhận khi thông điệp dữ liệu đăng nhập vào hệ thống của người nhận hoặc của người đại diện. Trong đó hệ thống của người nhận hoặc người đại diện là hệ thống do người nhận hoặc người đại diện chỉ định; trong trường hợp người nhận hoặc người đại diện không chỉ định thì hệ thống của người nhận hoặc người chỉ định là hệ thống mà người nhận hoặc người chỉ định quản lý. Địa điểm nhận thông điệp dữ liệu là địa điểm kinh doanh của người nhận; nếu người nhận có ít nhất hai địa điểm kinh doanh thì địa điểm nhận thông điệp dữ liệu là địa điểm có liên quan trực tiếp nhất đến thông điệp dữ liệu; trong trường hợp người nhận không có địa điểm kinh doanh thì địa điểm nhận thông điệp dữ liệu là nơi cư trú thường xuyên của người nhận thông điệp dữ liệu. Ngoài ra, Luật của Hàn Quốc còn quy định tính độc lập của các thông điệp dữ liệu nhận được và việc xác nhận về việc đã nhận được thông điệp dữ liệu. Về vấn đề nhận thông điệp dữ liệu thì quy định trong Luật của Việt Nam có sự tương đồng với Luật của Hàn Quốc.

- Lưu trữ thông điệp dữ liệu: Giống như Luật của Việt Nam, Luật của Hàn Quốc đã quy định các điều kiện của việc lưu trữ thông điệp dữ liệu như: đảm bảo khả năng tham chiếu, giữ được định dạng của thông điệp dữ liệu, có khả năng xác định được thông tin khác liên quan đến thông điệp dữ liệu. Bên cạnh các quy định giống Luật của Việt Nam thì Luật của Hàn Quốc còn quy định thêm về việc số hóa các tài liệu mà trước đây không được tồn tại dưới dạng điện tử.

2.3. Bảo vệ thông tin cá nhân, bí mật thương mại và bảo vệ thông tin người tiêu dùng

- Bảo vệ thông tin cá nhân, Luật của Hàn Quốc có quy định: Các chủ thể thực hiện các giao dịch điện tử phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan khi thu thập, sử dụng, cung cấp hoặc quản lý thông tin cá nhân của người sử dụng giao dịch điện tử. Về vấn đề bảo mật thông tin trong giao dịch điện tử, Luật của Việt Nam có quy định khá chung chung: Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng, cung cấp hoặc tiết lộ thông tin về bí mật đời tư hoặc thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác mà mình tiếp cận hoặc kiểm soát được trong giao dịch điện tử nếu không được sự đồng ý của họ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Bảo vệ bí mật thương mại, Luật của Hàn Quốc có quy định: Các chủ thể thực hiện giao dịch điện tử bao gồm cả các chủ thể có liên quan đến giao dịch điện tử như bên vận hành hệ thống thông tin,... phải sử dụng biện pháp thích hợp để bảo vệ bí mật thương mại của các chủ thể sử dụng giao dịch điện tử. Vấn đề bảo vệ bí mật thương mại được cụ thể hóa trong quy định Nghị định của Hàn Quốc: Bí mật thương mại được bảo vệ không bao gồm các vấn đề nằm trong hiểu biết thông thường hoặc được các chủ thể giao dịch điện tử tiết lộ; các bên chủ thể của giao dịch điện tử cần áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ bí mật thương mại như: áp dụng các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật thương mại, giáo dục cho nhân viên,...

- Sử dụng sản phẩm mã hóa: Sử dụng sản phẩm mã hóa trong các giao dịch điện tử là một đòi hỏi của thực tiễn để bảo đảm sự an toàn trong các giao dịch điện tử. Về vấn đề sử dụng sản phẩm mã hóa, Luật của Hàn Quốc có quy định: các bên chủ thể trong giao dịch điện tử có quyền sử dụng sản phẩm mã hóa. Tuy nhiên, để bảo đảm an ninh quốc gia thì Chính phủ có thể hạn chế sử dụng các sản phẩm mã hóa và thực hiện các biện pháp cần thiết để có quyền truy cập vào văn bản gốc của thông tin được mã hóa hoặc công nghệ mã hóa. Với quy định này của Luật của Hàn Quốc đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng sản phẩm mã hóa trong các giao dịch điện tử nhưng đồng thời cũng bảo đảm được vấn đề an ninh quốc gia trong trường hợp cần thiết. Về quy định sử dụng sản phẩm mã hóa, pháp luật Việt Nam quy định: khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các chủ thể phải xuất trình hoặc cung cấp một thông điệp dữ liệu nhất định bao gồm cả mật mã và các phương thức mã hóa khác mà chủ thể đó có hoặc đang kiểm soát.

2.4. Giải quyết tranh chấp trong giao dịch điện tử

Theo quy định trong Luật của Hàn Quốc, các tranh chấp phát sinh trong các giao dịch điện tử có thể được giải quyết theo phương thức hòa giải thông qua việc bên/các bên tranh chấp nộp đơn xin hòa giải tranh chấp cho Ủy ban hòa giải tranh chấp (sau đây gọi là Ủy ban). Để đảm bảo cho việc giải quyết các tranh chấp phát sinh trong giao dịch điện tử, Luật của Hàn Quốc có quy định cụ thể về Ủy ban hòa giải tranh chấp như: Thành viên của Ủy ban do Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ thông tin và Truyền thông quyết định; số lượng thành viên từ 15 đến 50 thành viên; thành viên của Ủy ban gồm phó giáo sư hoặc người có vị trí tương đương hoặc cao hơn trong trường đại học, tổ chức nghiên cứu, có chuyên ngành liên quan đến giao dịch điện tử, công chức hạng IV có kinh nghiệm về giao dịch điện tử, thẩm phán hoặc công tố viên hoặc luật sư... Ngoài ra, để bảo đảm yếu tố khách quan, Luật của Hàn Quốc cũng có quy định, thành viên của Ủy ban phải từ chối tham gia vụ hòa giải nếu có liên quan đến vụ tranh chấp. Kết quả hòa giải của Ủy ban có giá trị pháp lý tương tự như trong tố tụng dân sự. Về giải quyết tranh chấp trong giao dịch điện tử, Luật của Việt Nam có quy định: Nhà nước khuyến khích các bên có tranh chấp trong giao dịch điện tử giải quyết thông qua hòa giải; Trong trường hợp các bên không hòa giải được thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp về giao dịch điện tử được thực hiện theo quy định của pháp luật. Luật của Việt Nam không có quy định cụ thể về hòa giải trong quá trình giải quyết tranh chấp phát sinh trong giao dịch điện tử.

3. Kết luận

Thương mại điện tử trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã và đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đồng thời đây cũng là một trong các trụ cột của xã hội thông tin và kinh tế tri thức. Chính vì vậy, việc hoàn thiện quy định của pháp luật Việt Nam về giao dịch điện tử là một đòi hỏi cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Pháp luật Việt Nam đã tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng cho các giao dịch điện tử là Luật số 51/2005/QH11 về Giao dịch điện tử năm 2005. Tuy nhiên, để thúc đẩy hơn nữa các giao dịch điện tử, đặc biệt là các giao dịch trong thương mại điện tử ở Việt Nam, pháp luật về giao dịch điện tử ở Việt Nam cần được hoàn thiện các vấn đề sau:

- Thứ nhất, cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của pháp luật về giao dịch điện tử để có thể bao quát được tất cả các giao dịch điện tử đang diễn ra nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế. Đồng thời, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của pháp luật về giao dịch điện tử cũng giúp cho pháp luật của Việt Nam ngày càng tương thích với pháp luật của các nước trên thế giới. Khi mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật, cần chú ý đến các quy định về số hóa các tài liệu mà trước đây không được tồn tại dưới dạng kỹ thuật số.

- Thứ hai, Việt Nam hiện nay có nhiều hoạt động giao dịch chỉ được thực hiện một phần bằng phương tiện điện tử, các phần còn lại vẫn được thực hiện theo phương thức truyền thống nhất là trong thương mại điện tử. Chính vì vậy, pháp luật của Việt Nam cần có quy định cụ thể về khái niệm giao dịch điện tử, theo đó chỉ cần thực hiện một phần giao dịch bằng phương tiện điện tử cũng được coi là giao dịch điện tử.

- Thứ ba, giao dịch điện tử có các đặc thù khác với giao dịch truyền thống nên để có thể bảo vệ một cách hữu hiệu thông tin cá nhân, quyền lợi của người tiêu dùng thì pháp luật về giao dịch điện tử cần có các quy định cụ thể về vấn đề này.

- Thứ tư, việc sử dụng các sản phẩm mã hóa trong các giao dịch điện tử là một vấn đề khách quan. Tuy nhiên, để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của các chủ thể tham gia giao dịch điện tử với lợi ích của Nhà nước thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền hạn chế việc sử dụng sản phẩm mã hóa, chẳng hạn như trong trường hợp để bảo đảm an ninh quốc gia. Vấn đề này có ý nghĩa quan trọng vì sự phát triển của công nghệ vô cùng nhanh chóng và nhiều sản phẩm mã hóa được sản xuất ở nước ngoài nên việc chuyển giao phương thức mã hóa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền như trong quy định hiện nay là không khả thi.

- Thứ năm, xuất phát từ các đặc thù của giao dịch điện tử nên việc giải quyết các tranh chấp phát sinh trong giao dịch điện tử đòi hỏi người giải quyết phải có sự am hiểu pháp luật, am hiểu về công nghệ và có kinh nghiệm trong các giao dịch điện tử. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả của việc giải quyết các tranh chấp phát sinh trong các giao dịch điện tử, đồng thời giảm tải cho hệ thống tòa án thì pháp luật của Việt Nam cần có quy định cụ thể về phương thức giải quyết các tranh chấp phát sinh trong các giao dịch điện tử ngoài tòa án. Hình thức hòa giải thông qua Ủy ban theo pháp luật của Hàn Quốc là một mô hình Việt Nam có thể học hỏi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2005). Luật số 51/2005/QH11 về Giao dịch điện tử của Việt Nam năm 2005.
  2. Framework Act on Electronic Documents and Transactions of Korea 2017.
  3. Enforcement Decree of the Framework Act on Electronic Documents and Transactions of Korea 2018.
  4. United States Department of Commerce. (2019). Korea - eCommerce. Retrieved March 25, 2020, from https://www.trade.gov/knowledge-product/korea-ecommerce
  5. Statista. Digital Market Outlook – eCommerce – South Korea. Retrieved March 25, 2020, from https://www.statista.com/outlook/243/125/ecommerce/south-korea#market-revenue

LEGAL PROVISIONS ON ELECTRONIC TRANSACTIONS AND EXPERIENCES FOR VIETNAM

MA. PHI MANH CUONG

Hanoi University of Mining and Geology

ABSTRACT:

In the current period, many countries recognize that e-commerce is an indispensable development step of traditional commerce in the new era of information and communication technology. In a nutshell, e-commerce is commercial transactions which are made via electronic means. Practical experience from countries around the world shows that besides technical factors such as terminal equipment and telecommunications infrastructure, a strong legal environment plays a key role in the development of electronic transactions. The systematic analysis of legal provisions on electronic transactions in developed e-commerce markets such as South Korea would help Vietnam gain useful experience to perfect the country’s laws on electronic transactions and to promote the development of e-commerce.

Keywords: Electronic transactions, data message, South Korea.