Phát triển bền vững ngành thủy sản nước lợ ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam

ThS. PHẠM THỊ HẰNG (Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai) và PHẠM THỊ NGỌC (Trường Đại học Văn Lang)

TÓM TẮT:

Bài viết này phân tích thực trạng ngành thủy sản nước lợ tại huyện Thăng Bình tỉnh Quảng Nam, từ đó đưa ra các giải pháp cho tỉnh Quảng Nam trong việc phát triển bền vững ngành Thủy sản nói chung và thủy sản nước lợ nói riêng.

Từ khóa: Phát triển ngành thủy sản nước lợ, phát triển bền vững, ngành thủy sản nước lợ ở Quảng Nam.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam có 4 đơn vị xã ven biển với 25km bờ biển, có hệ thống sông Trường Giang chạy dọc theo phía Tây, diện tích tự nhiên khoảng 71,05 ha chiếm 18% tổng diện tích toàn huyện, dân số 22.739 người chiếm 13% tổng số dân toàn huyện, mật độ dân số bình quân 320 người/km2. Có khoảng 5.000 lao động hoạt động trong lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản, với diện tích 330 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản nước lợ, vì vậy có rất nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai các hoạt động nuôi trồng thủy sản nước lợ ven sông Trường Giang kể từ năm 1992 và phát triển cho đến nay. Với chiều dài bờ biển lớn, chủ yếu là đất cát, nên một số vùng có khả năng triển khai quy hoạch xây dựng khu nuôi tôm công nghiệp trên cát. Ngoài ra, hệ thống sông Trường Giang chạy song song theo biển đã tạo nên tiềm năng, lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản nước lợ với 2 cửa thông ra biển. Tuy nhiên, hoạt động nuôi trồng thủy sản nước lợ trên địa bàn huyện Thăng Bình vẫn còn bộc lộ khá nhiều vấn đề bất cập làm ảnh hưởng đến hiệu quả nuôi trồng thủy sản, như: chưa có quy hoạch tổng thể và chi tiết vùng nuôi trồng thủy sản, chưa quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ chuyên canh; chưa khai thác hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi một cách phù hợp với lợi thế của vùng; nghề nuôi tôm nước lợ trên địa bàn huyện vẫn hết sức nhỏ lẻ, sơ sài, chưa thu hút được doanh nghiệp lớn đầu tư; chưa đa dạng được đối tượng nuôi, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm chưa được đầu tư đặc biệt hệ thống xử lý nước thải; công tác quan trắc, phòng chống dịch bệnh thủy sản chưa được chú trọng. Với hình thức nuôi trồng tự phát của người dân như thế này hiệu quả sử dụng diện tích đất chưa cao, hiệu quả kinh tế mang lại còn thấp, tiềm ẩn nhiều vấn đề về môi trường, nếu không có giải pháp kịp thời sẽ tác động tiêu cực trong hiện tại cũng như trong tương lai cho ngành Nuôi trồng thủy sản.

2. NỘI DUNG

2.1. Khái niệm nuôi trồng thủy sản

Thủy sản là một thuật ngữ chỉ chung về những nguồn lợi, sản vật đem lại cho con người từ môi trường nước và được con người khai thác, nuôi trồng thu hoạch sử dụng làm thực phẩm, nguyên liệu hoặc bày bán trên thị trường. Trong các loại thủy sản, thông dụng nhất là hoạt động đánh bắt, nuôi trồng và khai thác các loại cá. Một số loài là cá trích, cá tuyết, cá cơm, cá ngừ, cá bơn, cá đối, tôm, cá hồi, hàu và sò điệp có năng suất khai thác cao. Trong đó, ngành Thủy sản có liên quan đến việc đánh bắt cá tự nhiên hoặc cá nuôi thông qua việc nuôi cá.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc - FAO (2008), nuôi trồng thủy sản (tiếng Anh: aquaculture) là nuôi các thủy sinh vật trong môi trường nước ngọt, lợ, mặn, bao gồm áp dụng các kỹ thuật vào quy trình nuôi nhằm nâng cao năng suất; thuộc sở hữu cá nhân hay tập thể.

2.2. Quan niệm về phát triển bền vững

Trong báo cáo “Tương lai của chúng ta” do bà Gro Harlem Brundtland - Chủ tịch Hội đồng Thế giới về môi trường và phát triển của Liên hợp quốc lần đầu tiên (năm 1987) đã đưa ra quan niệm: “Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng được những yêu cầu của hiện tại, nhưng không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”.

2.3. Thực trạng ngành thủy sản nước lợ trên địa bàn huyện Thăng Bình

Toàn huyện có khoảng 260 ha diện tích nuôi thủy sản ven sông Trường Giang, với 581 hộ nuôi, trung bình 4475 m2/hộ. Đối tượng nuôi chủ yếu hiện nay là tôm thẻ chân trắng, trong đó có khoảng 27 ha nuôi tôm sú tập trung ở xã Bình Dương và xã Bình Giang. Có hơn 500 ha vùng trồng lúa các xã ven sông Trường Giang hiện đang bị nhiễm mặn, nếu được đầu tư, cải tạo có thể chuyển đổi thành các diện tích nuôi thủy sản nước lợ, tăng diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ của vùng.

Nhìn chung, ngành thủy sản nước lợ trên địa bàn huyện Thăng Bình còn nhiều mặt hạn chế khuyết điểm cần khắc phục: Chưa có quy hoạch tổng thể và chi tiết phát triển kinh tế - xã hội ở các xã ven biển; công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ nhân viên về vị trí, vai trò của ngành Thủy sản chưa đầy đủ; cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đầy đủ. Các hộ dân sản xuất theo kinh nghiệm, quy mô nhỏ, lẻ, công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, chất lượng sản phẩm chưa đảm bảo.

Vùng nuôi tôm trên cát tuy đã có quy hoạch và các văn bản hướng dẫn cụ thể, tổ chức họp dân nhiều lần nhưng người dân vẫn không chịu chấp hành. Bên cạnh đó, UBND cấp xã cũng chưa có kế hoạch hay phương án triển khai thực hiện chi tiết, cụ thể để tháo dỡ từng bước khó khăn. (Bảng 1)

Bảng 1. Cơ cấu đất sử dụng cho nuôi trồng thủy sản phân bố

tại các xã trên địa bàn huyện Thăng Bình năm 2016

co_cau_dat_su_dung_cho_nuoi_trong_thuy_san

Nguồn: Niên giám thống kê huyện Thăng Bình năm 2016

Đất sử dụng cho mục đích nuôi trồng thủy sản nước lợ chiếm khoảng 2-8% tổng diện tích đất sử dụng cho nông nghiệp. Nhưng giá trị ngành Thủy sản mang lại chiếm tỷ trọng 20 - 25%, dự báo đến năm 2020 chiếm khoảng 35% tổng giá trị của ngành nông nghiệp. Điều này chứng tỏ rằng ngành Thủy sản tạo ra nhiều GDP, trong tương lai đây sẽ là ngành mũi nhọn của huyện Thăng Bình. (Bảng 2)

Bảng 2. Thực trạng sử dụng đất cho nuôi trồng thủy sản

tại huyện Thăng Bình giai đoạn 2015-2017

thuc_trang_su_dung_dat_cho_nuoi_trong_thuy_san_tai_huyen_thang_binh_giai_doan_2015-2017 Nguồn: Niên giám thống kê huyện Thăng Bình năm 2017

Nhìn chung, tiềm năng diện tích nuôi thủy sản nước lợ tương đối lớn, chiếm hơn 69% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản tại địa bàn huyện Thăng Bình. Tuy nhiên, đến nay chưa khai thác hết tiềm năng diện tích mặt nước để đưa vào hoạt động sản xuất. Nguyên nhân một phần do công tác quy hoạch cộng với việc chuyển đổi diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả, diện tích đất trũng, bỏ hoang chậm trễ, chưa được thực hiện; nhận thức về vai trò, vị trí ngành Thủy sản của các cấp, các ngành chưa đầy đủ, chưa được quan tâm, chưa có kế hoạch hoặc chương trình phát triển cụ thể về lâu dài, bền vững đối với ngành thủy sản nước lợ; cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ ngành Thủy sản chưa được đầu tư, chưa chú trọng công tác đào tạo nguồn lao động kỹ thuật, đội ngũ cán bộ quản lý có chuyên môn để phục vụ phát triển kinh tế thủy sản. Cán bộ phụ trách thủy sản các xã kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực, không có chuyên môn trong lĩnh vực thủy sản.

Ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản hàng năm đóng góp 20% tỷ trọng trong khối ngành Nông nghiệp của huyện (đề án phát triển kinh tế thủy sản huyện Thăng Bình giai đoạn 2014-2020). Kết cấu hạ tầng hầu như rất thuận lợi cho phát triển ngành Thủy sản, tiềm năng diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản khá lớn, cộng với nhiều chính sách của Trung ương tạo điều kiện cho phát triển ngành Thủy sản đạt kết quả cao trong những năm gần đây.

Bảng 3. Tổng sản lượng ngành Thủy sản qua các năm 2015 - 2017

tong_san_luong_nganh_thuy_san_qua_cac_nam_2015_-_2017 Nguồn: Niên giám thống kê huyện Thăng Bình năm 2017

Tổng sản lượng ngành Thủy sản hằng năm dao động từ 17.681 đến 16.685 tấn/năm, trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt từ 3.045 đến 2.911 tấn/năm chiếm 17,2 % đến 17.4 % tổng sản lượng ngành Thủy sản.

Ngành thủy sản nước ngọt, nước lợ đạt sản lượng trên 3.000 tấn/năm chiếm 18,9% đến 19.4 % tổng sản lượng ngành Thủy sản. Điều này cho thấy, trong những năm gần đây, ngành Nuôi trồng thủy sản nước lợ đang có xu hướng được chú trọng, khôi phục, tăng sản lượng, góp phần không nhỏ vào phát triển ngành Thủy sản của huyện Thăng Bình.

Bảng 4. Giá trị sản xuất ngành thủy sản qua các năm 2015 - 2017

gia_tri_san_xuat_nganh_thuy_san_qua_cac_nam_2015_-_2017

Nguồn: Niên giám thống kê huyện Thăng Bình năm 2017

Giá trị ngành Nuôi trồng thủy sản chiếm 48,78% đến 49,32% tổng giá trị ngành Thủy sản. Điều này nói lên rằng, nuôi trồng thủy sản là hoạt động sản xuất tạo ra giá trị cao.

2.4. Một số giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển ngành thủy sản nước lợ theo hướng bền vững tại huyện Thăng Bình tỉnh Quảng Nam

Giải pháp hoàn thiện công tác quy hoạch đất cho phát triển thủy sản nước lợ theo hướng bền vững trên địa bàn huyện Thăng Bình

Quy hoạch chi tiết vùng nuôi tôm ven sông Trường Giang, trên cơ sở đó chỉnh trang lại vùng nuôi, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi. Từng bước thay đổi hình thức nuôi sang thâm canh theo tiêu chuẩn VietGap.

Hỗ trợ tổ cộng đồng nuôi tôm phát triển, phát huy được vai trò trong việc phát hiện và xử lý vi phạm về lịch thời vụ, phát hiện và khai báo dịch bệnh trên tôm và công tác xử lý nước thải ao nuôi tôm trước khi xả thải ra ngoài môi trường.

Diện tích được đưa vào quy hoạch để nuôi thủy sản nước lợ là diện tích không bị tranh chấp giữa các ngành như: giao thông, nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch.

Quy hoạch vùng nuôi thủy sản nước lợ cần đảm bảo tính khoa học, thực tiễn, đồng bộ. Cần chuyển đổi diện tích ruộng trũng ở một số vùng ven sông Trường Giang sang nuôi trồng thủy sản, đồng thời điều chỉnh một phần diện tích nuôi thủy sản sang phát triển du lịch, công nghiệp, xây dựng khu dân cư.

Giải pháp hoàn thiện công tác quản lý của nhà nước đối với các hộ nuôi trồng thủy sản nước lợ trên địa bàn huyện Thăng Bình

Cần cho các hộ nuôi thuê đất hoặc vùng nước để nuôi thủy sản dài hạn (ít nhất 15 năm), để họ có thể yên tâm đầu tư thủy sản một cách có hiệu quả và bền vững.

Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng kho đông lạnh để bảo quản hoặc thu mua sản phẩm khai thác thủy sản của ngư dân nhằm hạn chế việc mất giá khi sản lượng tăng, tránh sự chèn ép của chủ nậu vựa.

Tập huấn đào tạo các nghề khai thác mới có hiệu quả thay thế dần những nghề truyền thống hiệu quả kinh tế thấp, cần lực lượng lao động đông. 

Tập huấn, hướng dẫn công nghệ bảo quản nâng cao giá trị sản phẩm khai thác.

Phát triển các sản phẩm truyền thống, cơ sở chế biến thủy sản nhằm liên kết tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm khai thác cho ngư dân.

Từng bước tổ chức hợp tác sản xuất theo chuỗi sản phẩm khép kín. Khuyến khích, hỗ trợ con em ngư dân tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn, chuyên môn nghiệp vụ lĩnh vực khai thác thủy sản và chế biến thủy sản nhằm bổ sung lực lượng lao động có chuyên môn cho địa phương.

Giải pháp mở rộng diện tích thủy sản nước lợ trên địa bàn huyện Thăng Bình

Nhà nước cần tạo điều kiện để người dân mở rộng diện tích sản xuất, tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư cơ sở vật chất. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan chức năng; các cơ sở nuôi thủy sản không ngừng tìm kiếm những biện pháp, chính sách đầu tư phát triển, cải tạo nâng cấp hạ tầng các vùng nuôi, kêu gọi, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư vào nuôi đa dạng các đối tượng thủy sản.

Quy hoạch nuôi trồng thủy sản vùng nước lợ ven sông Trường Giang. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần quan tâm hỗ trợ công tác quy hoạch chi tiết và kinh phí để địa phương thực hiện.

 Giải pháp hoàn thiện các chính sách hỗ trợ cho các hộ nuôi trồng thủy sản nước lợ trên địa bàn huyện Thăng Bình

Để phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn, bền vững, cần đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung, nhằm bảo đảm quy trình xử lý nước thải, bảo vệ môi trường, nhất là vùng nuôi tôm chân trắng trên cát và các vùng nuôi cao triều tập trung,…

Cần phát triển hình thức xuất khẩu trực tiếp cho các hệ thống phân phối, các trung tâm thương mại lớn, siêu thị.

Cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản gia tăng diện tích nuôi, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để sản xuất giống sạch bệnh và phát triển sản xuất giống mới gắn với các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn BMP, GAP, MSC,…

Về con giống, Nhà nước cần đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng để tiến hành xây dựng khu sản xuất giống thủy sản nước lợ tập trung tại xã Bình Nam.

Giải pháp xử lý chất thải, đảm bảo an toàn cho môi trường nuôi đối với các hộ nuôi trồng thủy sản nước lợ trên địa bàn huyện Thăng Bình

Cần phải xây dựng phương án kỹ thuật nuôi và xử lý môi trường theo hướng dẫn của các ban ngành chức năng.

Các đơn vị chức năng phải tăng cường nghiên cứu giải pháp xử lý nước thải nuôi tôm bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tăng cường công tác xét nghiệm mẫu tôm, mẫu nước; đo các thông số môi trường ở các khu vực trọng điểm, cảnh bảo các bệnh có thể xảy ra và đề xuất giải pháp khắc phục dịch bệnh và ô nhiễm môi trường ở khu vực nuôi tôm.

Tiến hành quản lý vùng nuôi tốt, đảm bảo vệ sinh vùng nuôi, vệ sinh chất lượng sản phẩm từ vùng nuôi, xây dựng vào phổ biến mô hình quản lý cộng đồng ở các vùng nuôi thủy sản. Không sử dụng hóa chất kháng sinh bị cấm.

 Xây dựng dự án phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ nuôi trồng thủy sản, tổ chức các chương trình đào tạo, cán bộ lao động nghề các phục vụ chiến lược phát triển lâu dài.

Bảo vệ môi trường sản xuất để phát triển bền vững.

Cần phát triển hệ thống và chương trình giám sát môi trường trong vùng để thông báo về những xu hướng biến động của môi trường và cảnh báo sớm về những bất lợi trong vùng nuôi thủy sản nước lợ.

Thiết lập hệ thống giám sát dịch bệnh tại tất cả các vùng nuôi, các vùng cung cấp nước cho nuôi trồng nhằm phát hiện dịch bệnh sớm và chính xác, kịp thời đưa ra các giải pháp ngăn chặn.

 Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Cần xây dựng kế hoạch, quy hoạch nguồn nhân lực thủy sản.

Chấn chỉnh và đổi mới phương thức tuyển chọn, đánh giá, đảm bảo chọn được những người có phẩm chất đạo đức, yêu nghề, có trình độ, năng lực thực chất mà không chỉ căn cứ vào bằng cấp một cách hình thức.

Phát triển thị trường sức lao động, thừa nhận và khen thưởng nhân viên xứng đáng.

Áp dụng chế độ lương, thưởng và phúc lợi hợp lý để từng bước cải tiến và kiện toàn hệ thống tiền lương, thưởng và các phúc lợi hướng đến mục tiêu công bằng, cạnh tranh trong các doanh nghiệp.

Phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho nhân viên thông qua các khóa huấn luyện phù hợp.

 Ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 vào phát triển bền vững ngành thủy sản nước lợ

Người dân có thể áp dụng công nghệ Biofloc nhằm loại bỏ các chất dinh dưỡng dư thừa. Hay có thể nuôi kết hợp với một số loài rong biển có giá trị kinh tế có khả năng làm giảm hàm lượng các chất hữu cơ và khí độc được hòa tan trong nước.

Nuôi kết hợp với hải sâm hoặc với một số loài cá ăn thực vật và mùn bã hữu cơ như cá măng, cá đối, cá rô phi sẽ có tác dụng tích cực trong việc hạn chế các lượng chất thải hữu cơ tích tụ trong hồ nuôi.

Ngoài ưu tiên đầu tư phát triển tự chủ con giống, Nhà nước cùng những người làm khuyến nông cần tập trung hỗ trợ, nhân rộng, phổ biến mô hình công nghệ cao nuôi thủy sản theo hướng nâng cao năng suất, hạ giá thành và quản lý an toàn thực phẩm.

3. KẾT LUẬN

Ngành Thủy sản hiện nay đang trở thành một ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế địa phương, sự phát triển nhanh chóng của ngành Nuôi trồng thủy sản, nhằm cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội của người dân tại các xã của huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là ở xã Bình Dương, Bình Giang, Bình Hải, Bình Nam và Bình Sa. Tuy vậy, hoạt động nuôi trồng thủy sản tại huyện Thăng Bình còn nhiều vấn đề bất cập chưa được giải quyết như gặp khó khăn trong việc tìm được nguồn vốn vay nhất là những lúc người nuôi bị thiệt hại, nhu cầu về vốn để tái sản xuất; lợi nhuận từ hoạt động nuôi trồng thủy sản rất cao nhưng khi có rủi ro thì thiệt hại cũng rất lớn, dẫn đến tình trạng người nuôi thiếu vốn trầm trọng; trình độ kỹ thuật của người nuôi chưa đều.

Đối tượng nuôi trồng thủy sản nước lợ của chủ hộ chủ yếu là tôm thẻ chân trắng. Các hộ tiến hành thả nuôi theo hai hình thức là bán thâm canh và thâm canh. Các hộ nuôi trồng thủy sản tại địa bàn huyện Thăng Bình đa số là làm đa nghề, tạo thu nhập từ nhiều ngành nghề và nuôi trồng thủy sản chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cha truyền con nối, người này chỉ người kia, tự học hỏi nhau là chính, không qua trường lớp đào tạo, cũng như ít tham gia vào các lớp tập huấn, bồi dường kỹ thuật nuôi. Chính vì vậy, việc đầu tư các nguồn lực vào nuôi trồng thủy sản còn hạn chế, chưa thật sự đạt hiệu quả cao, chưa hướng tới phát triển bền vững.

Công tác quy hoạch vùng nuôi chậm so với tốc độ phát triển của ngành Nuôi trồng thủy sản, việc giao đất nuôi trồng thủy sản, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ nuôi trồng thủy sản chưa được thực hiện cụ thể, dẫn đến thực trạng ngành Nuôi trồng thủy sản tại địa bàn huyện Thăng Bình còn mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ, khó khăn trong việc tổ chức sản xuất cũng như công tác quản lý.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bùi Nữ Hoàng Anh (2013). Giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế trong sử dụng đất nông nghiệp tại Yên Bái giai đoạn 2012 - 2020. Luận án Tiến sỹ, Đại học Thái Nguyên.
  2. Trần Thị Minh Châu (2007), Về chính sách đất nông nghiệp ở nước ta hiện nay, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  3. Đỗ Kim Chung, Phạm Vân Đình, Trần Văn Đức, Quyền Đình Hà. (eds) (1997). Kinh tế nông nghiệp. Hà Nội: Nxb Nông nghiệp.
  4. Phạm Văn Dư (2009). Một số giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng. Tạp chí Cộng sản.
  5. Phạm Văn Hùng (2005). Manh mún đất đai và hiệu quả theo qui mô ở các nông hộ tại Việt Nam. Luận án Tiến sỹ, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội.
  6. Nguyễn Đình Hợi (1993). Kinh tế tổ chức và quản lý sản xuất lao động Nông nghiệp. Hà Nội: Nhà xb Thống kê.
  7. Nguyễn Trọng Hoài (2013). Các chủ đề phát triển chọn lọc khung phân tích và bằng chứng thực nghiệm cho Việt Nam. Nhà xb Kinh tế, Thành phố Hồ Chí Minh.
  8. Nguyễn Văn Khánh (1999). Biến đổi ruộng đất và kinh tế nông nghiệp ở Mộ Trạch (Hải Dương) trước và trong thời kỳ đổi mới. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử.

 

SUSTAINABLY DEVELOPING THE BRACKISH WATER FISHERIES SECTOR OF THANG BINH DISTRICT, QUANG NAM PROVINCE

Master. PHAM THI HANG

Dong Nai University of Technology

PHAM THI NGOC

Van Lang University

ABSTRACT:

This article presents the current development of brackish water fisheries in Thang Binh District, Quang Nam Province, thereby proposing some solutions to help Quang Nam Province sustainably develop its fisheries sector in general and brackish water fisheries in particular.

Keywords: Brackish water fisheries development, sustainable development, water fisheries in Quang Nam Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,

Số 17, tháng 7 năm 2020]