Phát triển các nhà máy nhiệt điện than phải gắn với bảo vệ môi trường

Theo Quy hoạch điện VII (hiệu chỉnh), đã được Chính phủ phê duyệt và xác định, nhiệt điện than (NĐT) đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.

Tthời gian gần đây xung quanh câu chuyện liên quan đến môi trường ở các nhà máy NĐT trong cả nước, đã có nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại từ phía cộng đồng xã hội về vấn đề ô nhiểm môi trường, cụ thể là các tro bụi, tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than được thải ra, sẽ được xử lý bằng những công nghệ hiện đại như thế nào, có được giải quyết triệt để hay không. Bởi theo các chuyên gia của ngành, trong giai đoạn hiện nay, nhiệt điện than đang là xu hướng phát triển trên thế giới và trong khu vực nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng trong trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên phát triển nhà máy NĐT phải gắn với việc bảo vệ môi trường.

Ông Phương Hoàng Kim Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục  Năng lượng  phát biểu khai mạc hội thảo


PGS.TS. Trương Duy Nghĩa Chủ tịch Hội KHKT Nhiệt Việt Nam cho rằng công nghệ mà các nhà máy NĐT tại Việt Nam luôn ngang bằng với các công nghệ mà thế giới đang sử dụng

Ngày 03/3/2017, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo “Công nghệ nhiệt điện than và môi trường” với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia khoa học đầu ngành và các doanh nghiệp có liên quan, để cùng nhau trao đổi, có đánh giá đầy đủ chính xác về lĩnh vực NĐT và môi trường, từ đó đề ra các biện pháp đảm bảo, vận hành xây dựng các nhà máy điện cung cấp đủ điện cho đất nước và đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Đặc biệt là các giải pháp nâng cao ổn định, tin cậy và giảm thiểu phát thải của nhà máy NĐT.

Đoàn nhà báo đang tham quan Phòng điều hành của NM Nhiệt điện Duyên Hải 1 - Trà Vinh

Tại hội thảo, TS.Phương Hoàng Kim – Phó tổng Cục trưởng, Tổng Cục năng lượng – Bộ Công Thương chia sẻ, phát triển kinh tế gắn liền với ngành điện, trong đó phát triển điện phải đi trước một bước. Trong giai đoạn 2016 – 2030, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP với kịch bản cơ sở bình quân 7,0%/năm, tương ứng với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm toàn quốc ở phương án cơ sở giai đoạn 2016 – 2020, 2021 – 2025 và 2026 – 2030 là 10,6%, 8,5% và 7,5%.

Cũng theo ông Phương Hoàng Kim, trong bối cảnh hiện nay, khi các thủy điện lớn đã được khai thác gần hết, với tổng công suất khoảng 20.000 MW, thì từ sau năm 2020 Việt Nam chỉ còn phát triển được các thủy điện nhỏ. Các nguồn năng lượng tái tạo như thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời…, của Việt Nam đến năm 2030 cũng chỉ đạt công suất tối đa chiếm khoảng 21% tổng công suất của cả nước.

Công nhân NM Nhiệt điện Duyên Hải 1 đang theo dõi các thông số được cập nhật liên tục trên màn hình 

Theo kế hoạch phát triển của ngành điện Việt Nam trong tổng sơ đồ quy hoạch điện VII (đã hiệu chỉnh), NĐT sẽ đóng vai trò quan trọng, theo kịch bản, đến năm 2020 sẽ chiếm khoảng 49% tổng lượng điện quốc gia và đến năm 2025 sẽ lên đến 55%. Ông Kim nhấn mạnh, cơ cấu phát điện than đến năm 2030 sẽ tiếp tục tăng và giữ tỷ trọng trên 50% sản lượng điện quốc gia. Riêng về nguồn nguyên liệu than cho các nhà máy NĐT, theo dự kiến từ năm 2017, ngoài nguồn than trong nước, Việt Nam sẽ nhập khẩu khoảng 82 triệu tấn than và đến năm 2020 sẽ lên đến 85 triệu tấn. Ngoài ra, đối với nguồn khí cho sản xuất điện, theo dự kiến từ năm 2023 Việt Nam cũng phải nhập khẩu khí, nguyên do là các nguồn khí từ các mỏ của Việt Nam trong thời gian này đã giảm.

Trình bày tham luận của mình, với tư cách là một chuyên gia có kinh nghiệm nhiều năm trong ngành nhiệt Việt Nam, PGS.TS.Trương Duy Nghĩa – Chủ tịch Hội KHKT Nhiệt Việt Nam cho biết "sau thủy điện, NĐT cho giá thành điện thấp nhất, khoảng ~ 7 cent Mỹ/kWh, vốn đầu tư không quá cao (thấp hơn thủy điện, điện mặt trời, điện gió, điện hạt nhân (~ 1.500 USD/kWh); Khả năng huy động công suất lớn (Tmax ~ 6.500 giờ, có thể tới > 7.500 giờ/năm khi thiếu hụt) nên sản lượng điện phát ra lớn; Không quá lệ thuộc vào địa điểm như thủy điện; Thời gian xây dựng khoảng 3 năm kể từ ngày khởi công. Ngoài ra, trong các loại nhiên liệu hữu cơ, than có dự trữ lớn nhất, còn đủ dùng cho nhân loại khoảng 300 năm. 

Công nhân Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 01 đang giới thiệu sản phẩm gạch không nung từ tro xỉ của Nhà máy


Hình ảnh cảng than đang hoạt động bốc dỡ than từ tàu lên băng chuyền chuyển vào kho nguyên liệu của nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1

Về nhược điểm, ông Nghĩa chia sẻ: Các nhà máy NĐT thường chi dùng khối lượng lớn nhiên liệu để sản xuất điện (chiếm ~ 60% giá thành sản xuất điện); Nguồn phát thải lớn các chất thải ra môi trường, đặc biệt là các chất thải rắn và khí, chi phí về đầu tư, vận hành và bảo dưỡng hệ thống xử lý môi trường tốn kém; Chiếm nhiều diện tích làm địa điểm xây dựng NMĐ, làm bãi chứa tro xỉ; Nhu cầu nước làm mát rất lớn (khoảng 80m3/sec cho 1 NMĐ 1.200MW và địa điểm cần đặt gần sông có lưu lượng lớn hoặc ven biển (dùng nước mặn).

Để giải tỏa về vấn đề mà dư luận đang quan tâm liên quan đến môi trường của các nhà máy NĐT tại Việt Nam, PGS.TS. Trương Duy Nghĩa nhấn mạnh, công nghệ sản xuất điện và xử lý phát thải ra môi trường của các nhà máy NĐT tại Việt Nam đều là những công nghệ hiện đại, ngang tầm thế giới với hiệu suất, mức độ tự động hóa cao, đồng bộ, tập trung và tin cậy về độ an toàn, cụ thể về thông số hơi: Cận tới hạn và siêu tới hạn (áp suất rất cao: ~ 250- 280 bar). Chủ tịch Hội KHKT Nhiệt Việt Nam khẳng định, đối với các chất phát thải độc hại, nếu được xử lý nghiêm túc thì với công nghệ hiện đại mà các nhà máy NĐT đang thực hiện sẽ không ảnh hưởng đến môi trường. Công nghệ ở các nhà máy NĐT Việt Nam luôn được cập nhật, điều chỉnh cho phù hợp, ngang tầm thế giới, mức độ hiện đại của thế giới như thế nào thì ở Việt Nam cũng có thể như vậy. Liên quan đến công nghệ xử lý khí thải, ông Nghĩa chia sẻ thêm, hiện 04 nhà máy NĐT đã được đầu tư gần 8.000 tỷ đồng để nâng cấp công nghệ xử lý chất thải này.

Tuy nhiên, không chủ quan với các công nghệ hiện đại, ông Trương Duy Nghĩa cũng lưu ý đến các nhà máy NĐT một số vấn đề sau: Liên quan đến khí thải, do lượng chất thải lớn, nên các nhà máy NĐT cần tự động hóa hệ thống quan trắc để kịp thời đánh giá kết quả xử lý, ống khói của các nhà máy phải thiết kế xây dựng cao trên 200 m, để nồng độ phân tán trong không khí thấp, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường không khí xung quanh. Liên quan đến bãi tro xỉ, để hạn chế tác hại môi trường, các nhà máy NĐT không nên dùng nước biển để đẩy tro xỉ ra bãi chứa, nên gia cố nền các bãi chứa để nước không thẩm thấu ra môi trường xung quanh. Bên cạnh đó ông Nghĩa cũng đề nghị Nhà nước cần có chính sách khuyến khích tái sử dụng tro xỉ để sản xuất gạch không nung, ông Nghĩa nêu một kinh nghiệm sử dụng xỉ tro tại Trung Quốc mà quốc gia ngày đang áp dụng là cấm sản xuất gạch nung, nên tận dụng tối đa tro xỉ để sản xuất gạch không nung và đơn cử tại Nhật Bản và Hàn Quốc, tất cả tro xỉ từ các nhà máy NĐT đều được tận dụng 100% để sản xuất gạch không nung.

Theo bà Lê Thị Ngọc Quỳnh – Phó trưởng Ban KHCN & MT của EVN nhận định, trong 19 nhà máy nhiệt điện thuộc EVN đều thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn, quy định bảo vệ môi trường, cụ thể như hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, sinh hoạt. Tro xỉ ở một số nhà máy đã có đối tác tiêu thụ, phần nào còn lại sẽ được xử lý như: hệ thống phun nước tự động để hạn chế phát tán bụi, theo dõi bằng camera giám sát, đảm bảo hình ảnh, dữ liệu được truyền liên tục về phòng điều khiển trung tâm và Sở Tài Nguyên và Môi Trường ở các địa phương có nhà máy NĐT đang hoạt động.

Ông Nguyễn Tài Anh - Phó Tổng Giám đốc EVN chia sẻ, hiện nay nguồn năng lượng được sản xuất từ NĐT có mức tăng trưởng cao nhất trong nhóm các loại nguồn truyền thống khoảng 21%/năm, do đó, việc nâng cao các giải pháp xử lý và giữ ổn định môi trường xanh và sạch là vấn đề luôn được Tập đoàn quan tâm hàng đầu. Ngoài ra, trong Quy hoạch điện VII (hiệu chỉnh) Chính phủ cũng quy định và nêu rõ các giải pháp và khuyến khích sử dụng các dây chuyền hiện đại nhằm giảm ô nhiễm môi trường như: Buồng đốt than phun thông số hơi siêu tới hạn, trên siêu tới hạn, công nghệ tầng sôi tuần hoàn, chu trình tuabin khí hỗn hợp, công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, thực hiện đầy đủ công tác theo dõi quan trắc, đo đạc và các chỉ tiêu quản lý môi trường.

Ông Nguyễn Tài Anh nhận định, hiện nay các nhà máy NĐT do EVN triển khai, hầu hết đã sử dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến, để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, các lò đốt đã khử được các chất độc hại như: NOx, Sox và thiết kế lắp đặt hệ thống lọc bụi tĩnh điện, nên gần như khắc phục được khói bụi thoát ra môi trường bên ngoài, xây dựng các cảng cấp than, băng chuyền than được thiết kế hợp lý nhằm tránh rơi vãi than. Đơn cử như, nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng tại tỉnh Trà Vinh, hiện đang áp dụng công nghệ siêu tới hạn, với công nghệ sử dụng này, sẽ giúp cho việc kiểm soát tốt, không gây ảnh hưởng đến môi trường trong quá trình vận hành, hiện công nghệ siêu tới hạn này là công nghệ hiện đại nhất mà quốc gia Nhật Bản cũng đang sử dụng. Ngoài ra, EVN cũng đã có công văn yêu cầu tất cả các nhà máy NĐT phải mở cửa để người dân, đoàn thể có nhu cầu vào tiếp cận, tham quan nhà máy.

Liên quan đến việc mở cửa cho người dân, đoàn thể vào tham quan các nhà máy NĐT, trước đó, ngày 02/3, EVN và Công ty Nhiệt điện Duyên Hải đã tổ chức cho đoàn nhà báo đến tham quan và tiếp cận trực tiếp hoạt động sản xuất tại Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 (NMNĐ Duyên Hải 1), tại tỉnh Trà Vinh.

Tại buổi làm việc với đoàn, đại diện Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 đã báo cáo với đoàn khái quát về một số vấn đề như: Công tác sản xuất và quản lý môi trường và các giải pháp, tình hình sản xuất của đơn vị. Theo số liệu của Công ty Nhiệt điện Duyên Hải, Trung tâm điện lực Duyên Hải được xây dựng tại Thị xã Duyên Hải – Tỉnh Trà Vinh, Trung tâm được quy hoạch tổng thể với 04 nhà máy NĐT, với tổng công suất khoảng 4.415 MW.

Trong đó, NMNĐ Duyên Hải 1 được chính thức vận hành thương mại từ tháng 01/2016, nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng của quốc gia, đặc biệt là khu kinh tế trọng điểm phía Nam. Tính đến thời điểm tiếp nhận thương mại đến hết ngày 31/12/2016 NMNĐ Duyên Hải 1 đã cung cấp trên 6,623 tỷ kW, đạt 109,5% kế hoạch. Tiếp nhận thành công, an toàn 4 triệu tấn than, trong đó than trong nước Antraxit 3,6 triệu tấn, than nhập khẩu 400 ngàn tấn, nộp ngân sách nhà nước trên 384 tỷ đồng. Từ đầu năm 2017 đến nay, NMNĐ Duyên Hải 1 sản xuất trên 825 triệu kWh, trong tháng 01/2017 , đơn vị đã nộp ngân sách nhà nước trên 44 tỷ đồng.

Trong giải pháp thực hiện bảo vệ môi trường, NMNĐ Duyên Hải 1 đã chủ động vận hành hệ thống thiết bị xử lý môi trường (hệ thống khử NOx trong khói thải, hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống xử lý SOx trong khói thải). Đơn vị đã chủ động liên hệ Sở TN &MT cung cấp một máy tính để Sở có thể tiếp nhận giám sát các thông số chất thải online từ Nhà máy, lắp đặt 02 camera giám sát được hình ảnh về phòng kiểm soát trung tâm nhằm kiểm soát quá trình vận hành tại khu vực bãi xỉ…

Trong quá trình tham quan, lãnh đạo của NMNĐ Duyên Hải 1 đã giải đáp những thắc mắc của một số nhà báo về các thông số và những giải pháp như: xử lý khí, tro xỉ, xử lý nước thải, phun sương tự động trong kho tro xỉ và tại khu vực cảng, bãi kho than của đơn vị, Ban lãnh đạo Nhà máy đã giải đáp những thắc mắc của đoàn và rất mong nhận được sự góp ý chân tình của đoàn, để hoạt động của nhà máy luôn đạt hiệu quả cao, vừa hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ của Tập đoàn, Tổng công ty Phát điện 1 giao phó, vừa đáp ứng được các nhu cầu về môi trường trong nhà máy và cho môi trường cộng đồng xung quanh có một không gian sống tốt và thân thiện với môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp năng lượng, tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người dân địa phương và góp phần phát triển kinh tế của tỉnh Trà Vinh.


Hồng Lực