Mấu chốt là công nghiệp hỗ trợ

Từ đầu năm đến nay, có nhiều cuộc làm việc của lãnh đạo Chính phủ với ngành công nghiệp ô tô. Cuối tháng 1 năm 2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã triệu tập một cuộc họp về tình hình thực hiện Nghị định số 116/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Đầu tháng 3 năm 2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì buổi họp rà soát dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Trung tuần tháng 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với một số bộ, ngành, doanh nghiệp và địa phương về việc tháo gỡ một số khó khăn để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam.

Ở tất cả các họp và làm việc này, lãnh đạo Chính phủ đều yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hỗ trợ theo hướng hoàn thiện chính sách về công nghiệp hỗ trợ (CNHT) giúp cho sản xuất phụ tùng ôtô, động cơ ôtô không chỉ phục vụ cho công nghiệp sản xuất và lắp ráp ôtô trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu.

Vậy hỗ trợ bằng cách nào? Về chính sách năm 2011 chúng ta đã có Quyết định 12 của Chính Phủ quy định các chính sách phát triển  CNHT và Quyết định 1483 phê duyệt danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển. Đến năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định 111, trong đó quy định các cơ chế hỗ trợ và các chính sách ưu đãi đối với các dự án sản xuất sản phẩm CNHT. Cả 3 văn bản nói trên, linh kiện và phụ tùng ô tô đều năm trong danh mục ưu tiên.

Cục diện đã thay đổi

Tuy nhiên, kết quả đi vào cuộc sống còn khá khiêm tốn. Nhưng thời gian gần đây, chỉ nhìn vào các sự kiện dồn dập từ đầu năm 2018 đến nay thôi, chúng ta đã thấy dường như có sự “bất thường” trong cục diện sản xuất xe ô tô tại Việt Nam. Cụ thể Hyundai Hàn Quốc triển khai dự án sản xuất ô tô thứ 2 tại Ninh Bình; Toyota Việt Nam - doanh nghiệp từng tuyên bố rút khỏi thị trường Việt Nam, đã quyết định nâng cấp, mở rộng dây chuyền sản xuất và tăng công suất nhà máy lên trên 90.000 xe; Aapico Hitech, Thái Lan và VinFast ký kết thành lập nhà máy liên doanh dập và hàn các chi tiết thân vỏ xe tại Hải Phòng; Pyeong Hwa Automotive  của Hàn Quốc thực hiện dự án xây dựng nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô tại Khu kinh tế Đình Vũ…

Không chỉ liên doanh, nhiều hãng chuyên sản xuất phụ tùng ô tô trên thế giới, hoặc đầu tư độc lập tại Việt Nam, như Schuler, Duerr, Thyssenkrupp (Đức); Magna Steyr, AVL (Áo); Zagato, Torino, Italdesign(Ý)... đầu tư vào Việt Nam.

Địa phương vào cuộc

Vì sao có sự dịch chuyển mạnh mẽ này? Đó là do có sự bứt phá của chính các nhà sản xuất ô tô trong nước như Thaco, Hyundai, Vinfast. Khi Tập đoàn VinGroup khởi công tổ hợp sản xuất ô tô VINFAST tại Khu kinh tế Cát Hải - Hải Phòng vào tháng 9 năm 2017 đã kéo theo một loạt các doanh nghiệp sản xuất CNHT ngành ô tô như Aapico Hitech của Thái Lan, Pyeong Hwa Automotive  của Hàn Quốc, Thyssenkrupp của Đức hay Torino của Ý xuất hiện tại Việt Nam.

Nhưng để đủ sức đầu tư vào dự án sản xuất ô tô tổng diện tích 335 ha - là tổ hợp sản xuất ô tô lớn thứ ba trên thế giới, chỉ sau khu phức hợp của hãng Volkswagen tại Wolfsburg (650 ha) và nhà máy của Hyundai Motors ở Ulsan (502 ha) và có lực hấp dẫn với các doanh nghiệp sản xuất CNHT nước ngoài, Vifsat cũng được hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách của nhà nước và chính quyền địa phương như giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp (ở mức 10% thay vì 20%) trong 15 năm hoạt động đầu tiên; giảm 50% thuế thu nhập cá nhân cho nhân viên tổ hợp sản xuất ô tô VINFAST, giảm hoặc miễn tiền sử dụng đất và mặt nước, cùng một số ưu đãi khác liên quan đến thuế đối với các tài sản và hoạt động sản xuất của Vinfast trong khu liên hợp tại Hải Phòng. Những chính sách này được kỳ vọng sẽ giúp Vinfsat giảm chi phí và vượt qua được những khó khăn tài chính trong những năm đầu hoạt động.

Tương tự như vậy là Hyundai- Thành Công. Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết 07 về chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử trở thành ngành kinh tế chủ lực. Theo đó, tỉnh xây dựng chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển CNHT. Cụ thể, về đất đai, các dự án đầu tư sản xuất trong khu, cụm công nghiệp chưa giải phóng mặt bằng, được ngân sách tỉnh ứng trước 100% chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Được tạo thuận lợi, từ vị trí là nhà nhập khẩu các sản phẩm của Hyundai, năm 2018, Hyundai Thành Công đã trở thành doanh nghiệp đầu tư sản xuất ô tô lớn thứ 2 tại Việt Nam, đã nhanh chóng xúc tiến các hoạt động mở rộng sản xuất, lắp ráp xe Hyundai quy mô lớn bậc nhất trong khu vực. Liên doanh này đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng để sản xuất ô tô Hyundai với mục tiêu xe du lịch đạt 160.000 xe/năm; xe khách, xe bus 18.000 xe/năm; xe tải nhẹ: 30.000 xe/năm.

Sự phát triển nhanh chóng của Huyndai Thành Công Việt Nam đã kéo theo CNHT phát triển. Một số doanh nghiệp như Công ty ADM21 đã đầu tư dự án sản xuất 20 triệu chiếc cần gạt nước ôtô/năm, xuất khẩu số lượng lớn sản phẩm sang thị trường Hàn Quốc, Mỹ, Pháp. Đầu năm 2018, Nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô SeJung Việt Nam cũng đã đi vào sản xuất ống xả và linh kiện, động cơ, khuôn mẫu…

Tình hình thực tế trên cho thấy, khi lãnh đạo Chính phủ thúc giục các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hỗ trợ theo hướng hoàn thiện chính sách về CNHT cho ngành công nghiệp ô tô thì sự hỗ trợ đó, hiện không còn chỉ là ban hành những văn bản và chờ doanh nghiệp đến đăng ký, mà hướng thẳng vào những doanh nghiệp cụ thể, có tiềm lực trên địa bàn của mình.