Phát triển kinh tế tư nhân - Một động lực quan trọng của tỉnh Bạc Liêu

TS. ĐÀO THỊ BÍCH HỒNG (Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Kinh tế tư nhân (bao gồm nhiều thành phần khác nhau) gắn với hình thức sở hữu tư nhân đã từng bị cải tạo nhằm xóa bỏ sự tồn tại của nó ở Việt Nam, nhưng do nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước Việt Nam, kinh tế tư nhân dần được khôi phục và phát triển, ngày càng có những đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Bài viết tập trung khai thác mọi nguồn lực đầu tư cho sự phát triển kinh tế tư nhân của Bạc Liêu - một tỉnh với xuất phát điểm sản xuất nhỏ, nằm xa các trung tâm kinh tế lớn.

Từ khóa: Kinh tế, tư nhân, phát triển, kinh tế - xã hội, tỉnh Bạc Liêu.

1. Đặt vấn đề

Phát triển kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là xu hướng tất yếu, một chủ trương đúng đắn của Đảng. Bạc Liêu là một tỉnh nằm xa trung tâm kinh tế lớn, quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ, trình độ khoa học công nghệ vẫn còn lạc hậu, vì vậy việc nghiên cứu về sự phát triển kinh tế tư nhân, từ đó có những giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phần, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân ở tỉnh Bạc Liêu là hết sức cần thiết.

2. Nội dung

2.1. Từ quan điểm muốn xóa bỏ ngay các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa, nhanh chóng biến kinh tế tư bản tư nhân thành quốc doanh đến tập trung phát triển kinh tế tư nhân, coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế của Đảng

Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đại hội VI (tháng 12/1986) phê phán và chỉ ra một trong những sai lầm trong chỉ đạo kinh tế của Đảng là chưa thực sự thừa nhận cơ cấu kinh tế nhiều thành phần. Do đó, đã nôn nóng, chủ quan, duy ý chí khi muốn “xóa bỏ ngay các thành phần phi xã hội chủ nghĩa, nhanh chóng biến kinh tế tư bản tư nhân thành quốc doanh”1. Trên cơ sở coi nền kinh tế có cơ cấu nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ, Đại hội VI khẳng định: “Bằng những biện pháp thích hợp, sử dụng mọi khả năng của các thành phần kinh tế khác trong sự liên kết chặt chẽ và dưới sự chỉ đạo của thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa”2.

Trên cơ sở ngày càng nhận thức đầy đủ hơn về vai trò quan trọng kinh tế tư nhân, từ Đại hội VII (1991) đến Đại hội XII (2016), Đảng đều chủ trương khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển, không ngừng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, tạo thêm nhiều việc làm. Kinh tế tư nhân là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. “Phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài trong phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao nội lực đất nước trong hội nhập kinh tế quốc tế”3.

Trên nền tảng bức tranh kinh tế - xã hội khá ấn tượng và sáng sủa - kết quả của 20 năm đổi mới (1986 - 2006), Đại hội X của Đảng (năm 2006) có bước đột phá mới trong nhận thức về kinh tế tư nhân: “Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế”4. Đây là lần đầu tiên kinh tế tư nhân được xác định chính thức với tư cách là một thành phần kinh tế, được khuyến khích phát triển; đồng thời, chấp thuận cho đảng viên được làm kinh tế tư nhân, nhằm phát huy mọi tiềm năng con người của xã hội, tạo động lực thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển.

Đại hội XI (năm 2011) của Đảng tiếp tục xác định phải hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân. Đặc biệt, Đại hội XII (năm 2016) nhấn mạnh chủ trương: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế”5. Ngày 03/6/2017, Nghị quyết số 10/NQ-TƯ ngày 3/6/2017 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII nhấn mạnh việc phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là một yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; là một phương sách quan trọng để giải phóng sức sản xuất; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển.

Việc gỡ bỏ mọi rào cản thể chế để phát triển mạnh kinh tế tư nhân, bao gồm cả cộng đồng hàng triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như hàng trăm, hàng ngàn các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, trên tinh thần vừa hợp tác liên kết chặt chẽ, vừa cạnh tranh bình đẳng theo nguyên tắc thị trường ngày càng đầy đủ sẽ là một động lực mới thực sự và là sự đảm bảo để Việt Nam vươn lên, trở thành một quốc gia thịnh vượng vào năm 2045.

2.2. Phát triển kinh tế tư nhân, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong cơ cấu kinh tế, một động lực quan trọng trong nền kinh tế tỉnh Bạc Liêu

Bạc Liêu là một tỉnh với xuất phát điểm sản xuất nhỏ, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, vì vậy việc phát triển các thành phần kinh tế, khai thác mọi nguồn lực cho sự phát triển kinh tế của tỉnh là yêu cầu cần thiết. Xuất phát từ thực tiễn của Bạc Liêu, Đảng bộ tỉnh khẳng định: “Nhà nước khuyến khích mọi người có vốn, có kinh nghiệm sản xuất, quản lý, kinh doanh tự đầu tư hoặc liên kết, liên doanh dưới mọi hình thức để phát triển ngành, nghề dịch vụ, công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế trang trại, sử dụng nhiều lao động”6.

Xác định là một tỉnh nằm xa các trung tâm kinh tế lớn, nên việc huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vì vậy, trong những năm qua, Bạc Liêu xem việc phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của địa phương.

Tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, tỉnh Bạc Liêu đã tích cực cải cách hành chính, rà soát, loại bỏ những thủ tục không phù hợp, không cần thiết; áp dụng cơ chế “một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục liên quan đến quá trình sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện giao dịch. Thời gian giải quyết các hồ sơ đã giảm từ 27 ngày xuống còn 5 ngày.

Để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số cạnh tranh, phát huy nguồn nội lực, ngày 28/6/2012, Ban Thường vụ tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; ngày 15/8/2012, ban hành Kết luận số 09-KL/TU về một số chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chỉ số cạnh tranh của tỉnh năm 2012 và những năm tiếp theo… Trên cơ sở chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, Bạc Liêu đã có tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh; cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh hấp dẫn, thông thoáng, đơn giản hóa các hồ sơ, thủ tục hành chính; tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Nhờ quyết tâm khai thác mọi nguồn lực cho sự phát triển kinh tế, đặc biệt thu hút nguồn lực từ kinh tế tư nhân, kinh tế tư nhân của tỉnh có sự chuyển biến mạnh mẽ, chỉ số cạnh tranh tăng lên hàng năm, thu hút đầu tư tăng liên tục. Những năm 2010 - 2015 tăng 55 lần so với những năm 2006 - 2010.

Nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của người nông dân, tình hình phát triển phát triển kinh tế ở tỉnh Bạc Liêu đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn luôn duy trì ở mức cao. Năm 2017, GRDP nông, lâm, thủy sản đạt 10.545 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), chiếm 42% GRDP toàn tỉnh. Từ một nền nông nghiệp độc canh cây lúa, mang tính “tự cung tự cấp”, Bạc Liêu đã hình thành vùng sản xuất mà chủ lực là cây lúa gồm 68.000 ha và vùng sản xuất tôm nước lợ với hơn 124.000 ha; chuyển đổi gần 2/3 diện tích đất sản xuất, trong đó chuyển đổi gần 60.000 ha đất lúa sang nuôi trồng thủy sản để thích ứng biến đổi khí hậu. Nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả rất cao như mô hình nuôi tôm “sạch”, nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính, nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh, quảng canh cải tiến kết hợp tôm - cua - cá, mô hình lúa - tôm… Qua đó, sản phẩm sạch trong sản xuất nông nghiệp đã đáp ứng được đòi hỏi khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm của người tiêu dùng.

Bảng 1. Cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn phân theo khu vực kinh tế giai đoạn 2006 - 2015

Bảng 1. Cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn phân theo khu vực kinh tế giai đoạn 2006 - 2015

Những chuyển biến tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế góp phần nâng cao đời sống cho người dân Bạc Liêu. Thu nhập bình quân đầu người ở vùng nông thôn đạt 50 triệu đồng/năm; kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật ở nông thôn được quan tâm đầu tư khá đồng bộ; chính sách an sinh xã hội và công tác giảm nghèo được quan tâm thực hiện tốt, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4,3% vào năm 20187.

Bảng 2. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu giai đoạn 1997 - 2015

Bảng 2. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu giai đoạn 1997 - 2015

Bên cạnh những ưu điểm và thành công, trong phát triển kinh tế tư nhân, tỉnh Bạc Liêu cũng còn một số hạn chế nhất định: (1) Số lượng, quy mô, ngành nghề các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn còn rất hạn chế. Đa số các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, máy móc thiết bị và công nghệ lạc hậu, chậm đổi mới, vốn đầu tư ít, trình độ quản lý còn nhiều yếu kém, địa bàn kinh doanh hẹp. Nhiều doanh nghiệp chưa có chiến lược kinh doanh lâu dài, chưa mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, chưa quan tâm tìm kiếm thị trường trong nước và nước ngoài, chỉ thấy lợi nhuận trước mắt mà chưa chú ý mục tiêu phát triển lâu dài; (2) Công tác cải cách thủ tục hành chính, tác phong, lề lối làm việc của một số cán bộ, công chức còn gây phiền hà cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư, làm tốn kém thời gian và chi phí của nhà đầu tư; môi trường đầu tư không thuận lợi chậm được cải thiện; (3) Việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đào tạo nghề cho người lao động chưa tốt…

Để tiếp tục khai thác tốt hơn các nguồn lực, đặc biệt nguồn lực từ kinh tế tư nhân cho sự phát triển kinh tế, trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Bạc Liêu cần thực hiện những giải pháp sau:

Một là, phải xuất phát từ thực tiễn của địa phương, chủ động khắc phục khó khăn, phát huy lợi thế và tiềm năng, đề ra chủ trương, giải pháp phù hợp nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách có hiệu quả.

Hai là, trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phần phải kết hợp với xây dựng, củng cố và từng bước hoàn thiện quan hệ sản xuất mới.

Ba là, phải phát huy ý thức tự lực, tự cường, sáng tạo, huy động sức dân, dựa vào dân để tiến hành chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngày càng phát triển theo hướng hiện đại.

Bốn là, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải kết hợp hài hòa với giải quyết tốt các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo cho sự  phát triển nhanh và bền vững.

Năm là, chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, xác định đúng chủ trương, biện pháp; xây dựng và chỉ đạo thực hiện tốt quy hoạch, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

3. Kết luận

Quá trình đổi mới ngày càng đi vào chiều sâu, vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế và mở cửa chủ động hội nhập quốc tế ngày càng quan trọng trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Dù còn một số hạn chế, nhưng những thành công trong quá trình thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở Bạc Liêu trong khoảng thời gian 1997 - 2019 là hết sức cơ bản; khẳng định trong thực tế vai trò lãnh đạo của Đảng bộ với tinh thần chủ động và sáng tạo; khẳng định niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, ra sức phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh. Đó là những yếu tố rất quan trọng để tỉnh Bạc Liêu tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thời kỳ đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.20.

2Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thời kỳ đổi mới, NXb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.41.

3Đảng Cộng sản Việt Nam: Các Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khoá IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, tr.57-58.

4Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.83.

5Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.107-108.

6Tỉnh ủy Bạc Liêu:  Kế hoạch số 14-KH/TU thực hiện Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về một số vấn đề phát triển nông nghiệp và nông thôn, lưu tại Văn phòng Tỉnh ủy Bạc Liêu, 1999, tr. 7-8.

7Cục Thống kê tỉnh Bạc Liêu: Niên giám thống kê, Bạc Liêu, 2010.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Các Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa IX. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia.
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2010), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thời kỳ đổi mới, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  6. Tỉnh ủy Bạc Liêu (1999), Kế hoạch số 14-KH/TU thực hiện Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về một số vấn đề phát triển nông nghiệp và nông thôn, lưu tại Văn phòng Tỉnh ủy Bạc Liêu.
  7. Tỉnh ủy Bạc Liêu (30-7-2009), Báo cáo số 202- BC/TU về tình hình thực hiện Nghị quyết 14, của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, lưu tại Văn phòng Tỉnh ủy Bạc Liêu.

DEVELOPING THE PRIVATE ECONOMY TO BECOME AN IMPORTANT DRIVING FORCE OF BAC LIEU PROVINCE

Ph.D DAO THI BICH HONG

Ho Chi Minh City University of Technology, Vietnam National Univeristy – Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

Private economy (including many different sectors) is originally associated with private ownership that was eliminated in Vietnam in the past. However, thanks to many guidelines and policies of the Communist Party of Vietnam and the Vietnamese government, the private economy is growing strongly, contributing positively and becoming one of the prominent driving force of Vietnam’s economy. This article is to analyze all investment resources that Bac Lieu province is using to promote the provincial private economy sector. Bac Lieu is a small province with limited resources and far from major economic centers of Vietnam

Keywords: Economy, private, development, socio-economy, Bac Lieu province.