Phát triển kỹ năng đọc hiểu tiếng Anh thông qua các tác phẩm văn học Anh

ThS. NGUYỄN THỊ THU THỦY (Học viện Cảnh sát Nhân dân)

TÓM TẮT:

Những năm gần đây, việc sử dụng văn học như một nguồn ngữ liệu hữu ích phát triển kỹ năng đọc hiểu đã thu hút được nhiều quan tâm từ phía người dạy và người học tiếng Anh. Tuy nhiên, việc đem văn học vào giờ học ngoại ngữ không phải đơn giản bởi có rất ít tài liệu chỉ dẫn vấn đề này. Bài viết này nhằm mục đích đưa ra một số gợi ý, giúp người dạy khai thác tốt các tác phẩm văn học trong giờ học, đọc hiểu trên cơ sở phân tích những lợi ích văn học đem lại, cũng như vận dụng quy trình dạy, đọc hiểu tiếng Anh và đường hướng tiếp cận một tác phẩm văn học.

Từ khóa: Kỹ năng đọc hiểu, văn học nước Anh, phương pháp giảng dạy, phát triển kỹ năng.

I. Mở đầu

Nhà ngôn ngữ học Langer đã từng nói: “Văn học đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của chúng ta, dù chúng ta thường không nhận ra điều này. Văn học giúp chúng ta khám phá chính bản thân mình và những người xung quanh, nó giúp ta định ra giá trị của bản thân và nhìn nhận thế giới”. Văn học giáo dục con người thông qua con đường tình cảm. Từ xúc động, lay động về tình cảm, mà người đọc liên hệ đến bản thân, tự giác nhận ra đúng, sai. Có thể thấy, văn học giáo dục bằng hình thức hấp dẫn vui tươi, cuốn hút, bởi vậy tác dụng giáo dục của văn học là tự nhiên và lâu bền. Cũng chính bởi vậy, văn học luôn được xem như một công cụ không thể thiếu của giáo dục nói chung và giảng dạy ngôn ngữ nói riêng.

Từ rất lâu, việc đưa các tác phẩm văn học vào giảng dạy ngoại ngữ đã luôn nhận được nhiều quan tâm và được coi như một biện pháp hiệu quả giúp cải thiện, nâng cao kỹ năng đọc hiểu cho người học. Tuy nhiên, việc đưa văn học vào giảng dạy ngoại ngữ gặp không ít khó khăn do thiếu tài liệu giáo học pháp về vấn đề này. Chính bởi vậy, tác giả bài viết muốn đưa ra một số gợi ý giúp thiết kế các hoạt động giảng dạy tích cực nhằm khai thác văn học trong giờ học đọc hiểu.

II. Phương pháp dạy đọc hiểu và đường hướng tiếp cận văn học

Đối với người học tiếng Anh thì đọc hiểu là một kỹ năng vô cùng quan trọng bởi lẽ nó xây dựng nền tảng giúp người học tiếp cận nguồn tri thức quý báu của nhân loại. Nhà ngôn ngữ học Rivers cũng đã khẳng định: "Mặc dù đọc hiểu không phải là kỹ năng duy nhất được dạy trong lớp học ngôn ngữ, nhưng nó chắc chắn là một trong những kỹ năng quan trọng nhất đối với nhiều người học ngoại ngữ". Trên thực tế, tất cả các dạng bài viết ở sách, báo, tạp chí, bản tin, quảng cáo... đều có thể được sử dụng làm ngữ liệu cho kỹ năng đọc hiểu. Tuy nhiên, các tác phẩm văn học luôn thể hiện được giá trị đặc biệt trong việc phát triển kỹ năng đọc hiểu cho người học. Văn học cho người đọc cơ hội phá bỏ những giới hạn của văn bản, dùng trải nghiệm và suy nghĩ của bản thân để tìm ra ý nghĩa thực sự ẩn sau những con chữ. Theo Langer, một lớp học ngoại ngữ mà không sử dụng văn học như một nguồn ngữ liệu thì người học sẽ không có cơ hội được hòa mình vào ngôn ngữ tự nhiên. "Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thái độ hứng thú, cũng như sự tự tin của người học đối việc đọc sách tiếng Anh như một sở thích, thú vui trong cuộc sống" (Cho and Krashen, 2001). Nhận thức được giá trị của văn học đối với giảng dạy ngôn ngữ, đặc biệt là đối với kỹ năng đọc hiểu, nhiều giáo viên mong muốn đưa văn học vào bài giảng của mình. Tuy nhiên, họ lại không tìm được những chỉ dẫn để thiết kế các hoạt động giảng dạy phù hợp. Trước hết, cần xác định rõ mục đích của việc đưa văn học vào giảng dạy ngoại ngữ. Nếu mục đích của giáo viên là dùng ngoại ngữ để giảng dạy văn học thì giáo viên cần tuân thủ các bước của một bài giảng văn học. Nhưng nếu mục đích của giáo viên là dùng văn học làm ngữ liệu để dạy đọc hiểu, thì giáo viên vẫn phải tuân thủ các bước của một bài giảng dành cho kỹ năng đọc hiểu tiếng Anh. Ngoài ra, giáo viên cần nắm vững những đặc điểm riêng có của văn học để biết cách tiếp cận và khai thác triệt để cái hay, cái đẹp của loại ngữ liệu này.

1. Phương pháp dạy đọc hiểu

Đối với mỗi bài đọc hiểu, quy trình giảng dạy thông thường sẽ gồm ba bước sau:

Trước khi đọc (Pre-reading)

Trong khi đọc (While - reading)

Sau khi đọc (Post- reading)

Ở bước đầu tiên (Pre-reading), giáo viên cần thiết kế các hoạt động giảng dạy để đạt được mục đích sau: tạo hứng thú; thiết lập ngữ cảnh; tạo nhu cầu, lý do, giới thiệu từ vựng và cấu trúc mới cần thiết cho đọc hiểu, giới thiệu tóm tắt nội dung bài đọc, gợi ý, hướng sự chú ý vào những điểm chính của bài đọc, cho người học đoán trước nội dung bài đọc và nêu những điều muốn biết về bài đọc.

Ở phần đọc (While- reading), giáo viên yêu cầu người học đọc bài và hoàn thành các bài tập đi kèm bài đọc. Các kĩ năng thường dùng trong giai đoạn này là đọc tập trung và đọc mở rộng. Đọc tập trung có nghĩa là người đọc phải hiểu tất cả những gì đã đọc và có thể trả lời các câu hỏi chi tiết về từ, ngữ và ý tưởng được diễn đạt qua bài văn. Đọc mở rộng có nghĩa là học sinh hiểu một cách tổng quát về bài văn mà không cần thiết phải hiểu từng từ hoặc từng ý việc đọc tập trung sẽ giúp cho học sinh đọc mở rộng tốt hơn. Đồng thời, việc đọc mở rộng cũng sẽ giúp cho học sinh tự tin hơn khi tiếp xúc với các văn bản chuẩn xác.

Ở bước cuối cùng (Post-reading), giáo viên thiết kế các hoạt động giúp mở rộng việc khai thác bài đọc và phát triển một số kỹ năng khác ngoài kỹ năng đọc hiểu, thường sẽ là kỹ năng viết hoặc nói.

2. Đường hướng tiếp cận văn học

Văn học bao gồm nhiều thể loại, nhưng truyện ngắn và tiểu thuyết là những thể loại phù hợp để đưa vào giờ giảng đọc hiểu. Theo Dymock, khi giảng dạy một tác phẩm truyện văn học, giáo viên cần lưu tâm tới những khía cạnh sau:

1. Bối cảnh: Thời gian, địa điểm

2. Nhân vật: Nhân vật chính và nhân vật phụ

3. Phân tích nhân vật: Qua diện mạo, tính cách, so sánh đối chiếu các nhân vật

4. Phân tích cốt truyện: Vấn đề, phản ứng và hành động của các nhân vật

5. Phân tích đoạn trích: Nội dung, ngôn từ

6. Chủ đề của tác phẩm: Thông điệp mà tác giả muốn gửi đến độc giả.

III. Gợi ý một số hoạt động dạy đọc hiểu thông qua các tác phẩm văn học

1. Trước khi đọc (Pre-reading)

Để tạo hứng thú và hướng người học vào nội dung của tác phẩm văn học, giáo viên có thể giới thiệu đôi nét về tác giả và bối cảnh của tác phẩm, sau đó giáo viên chia lớp thành những nhóm nhỏ, yêu cầu các nhóm thảo luận và đoán trước nội dung truyện. Giáo viên cũng nên cung cấp một số từ vựng và cấu trúc khó xuất hiện trong bài đọc để việc đọc và hiểu tác phẩm trở nên dễ dàng hơn.

2. Trong khi đọc (While-reading)

Ở lần đọc đầu tiên, giáo viên nên yêu cầu người học đọc để lấy ý chính, hay nói cách khác để hiểu nội dung chung của toàn bộ truyện. Như vậy, người học sẽ có cơ hội được hòa mình vào tác phẩm, thưởng thức tác phẩm mà không cần phải hiểu từng từ, ngữ trong tác phẩm. Bài tập đi kèm bước này có thể là tóm tắt truyện hoặc sắp xếp các sự việc trong truyện theo đúng trình tự thời gian. Ở bước này, cả người dạy và người học đều tiếp cận với cốt truyện của tác phẩm văn học. Sau khi người học đã tóm tắt được tác phẩm, giáo viên có thể giới thiệu một số video về nội dung truyện. Nếu có thời gian, giáo viên có thể cho học viên đóng vai kể lại truyện để học viên khắc sâu kiến thức.

Ở lần đọc tiếp theo, giáo viên yêu cầu người học đọc để lấy thông tin chi tiết. Giáo viên có thể thiết kế nhiều dạng bài tập phục vụ cho mục tiêu này, như: trả lời câu hỏi, bài tập true/false, bài tập điền từ... Tất cả những dạng bài tập dành cho đọc hiểu đều có thể sử dụng ở giai đoạn này, tuy nhiên nội dung của các câu hỏi cần tập trung vào các khía cạnh về nhân vật, hoặc ngôn từ được sử dụng trong các đoạn trích tiêu biểu. Để tìm hiểu về ngoại hình và tính cách nhân vật, giáo viên có thể thiết kế bài tập True/False, bài tập trắc nghiệm hoặc câu hỏi luận. Để khai thác ngôn từ và các đoạn trích tiêu biểu, giáo viên có thể thiết kế bài tập trắc nghiệm, bài tập điền từ. Sau đó, giáo viên nên hướng dẫn học viên tổng hợp lại các từ, cụm từ, hoặc câu văn hay, đồng thời yêu cầu học viên giải thích các từ, cụm từ, câu văn đó. Hoạt động này không chỉ giúp học viên mở rộng vốn từ, hiểu sâu sắc ý nghĩa của câu, từ trong văn cảnh cụ thể, mà còn nuôi dưỡng tình yêu văn chương của học viên bởi họ được thấy cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ văn chương.

3. Sau khi đọc (Post-reading)

Ở bước cuối cùng này, sau khi người học đã đọc và làm bài tập đọc hiểu, giáo viên có thể yêu cầu người học phát biểu cảm nghĩ về nhân vật và những tình tiết hay trong tác phẩm dưới dạng nói hoặc viết. Ngoài ra, giáo viên có thể yêu cầu học viên dùng trí tưởng tượng thay đổi kết truyện, như vậy, người học sẽ được liên hệ với bản thân và thực tế, đồng thời được phát triển các kỹ năng khác ngoài đọc hiểu.

IV. Kết luận

Nói tóm lại, với những giá trị về mặt giáo dục cũng như thẩm mỹ mà văn học đem lại, giáo viên nên đưa văn học vào bài giảng nhằm phát triển kỹ năng đọc hiểu tiếng Anh cho người học, tạo tiền đề vững chắc giúp họ tiếp nhận kho tàng kiến thức của nhân loại. Tuy nhiên, cần ý thức được rằng, văn học ở đây được sử dụng như một nguồn ngữ liệu cho quá trình đọc hiểu, vì vậy bài giảng của giáo viên vẫn phải tuyệt đối tuân thủ phương pháp giảng dạy đọc hiểu, tuyệt đối không chuyển thành bài giảng văn học. Những gợi ý về cách khai thác một bài đọc là tác phẩm văn học mà bài viết đã nêu trên hy vọng sẽ phần nào giúp ích các thầy, cô giáo trong quá trình thiết kế các hoạt động dạy học để đưa văn học vào lớp học ngoại ngữ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Cho, K. S., and Krashen, S. D. (2001). Sustained silent reading experiences among Korean teachers of English as a foreign language: The effect of a single exposure to interesting comprehensible reading.

2. Dymock, S. (2007). Comprehension Strategy Instruction: Teaching Narrative Text Structure Awareness.

3. Langer, J. A. (1995). Envisioning literature: Literary understanding and literature instruction. New York: Teachers College, Colombia University.

4. Rivers, W. M. (1981). Teaching foreign language skills. Chicago: The University of Chicago.

DEVELOPING LEARNERS’ READING SKILLS THROUGH ENGLISH LITERATURE

MA. NGUYEN THI THU THUY

People's Police Academy

ABSTRACT:

In recent years, literature has been used as an effective tool to develop learners' reading skill, capturing attention of both teachers and learners. However, bringing literary works to classrooms is not easy due to the lack of pedagogical materials which assist teachers to design classroom activities. This article would give some suggestions for teachers to make good use of literature in developing learners' reading skill based on analyzing benefits that literature brings and following the procedure for teaching reading skill as well as Dymock's approach to teaching stories.

Keywords: Reading skill, English literature, teaching methods, developing skills.


Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 06 tháng 05/2017 tại đây