Phát triển nguồn nhân lực để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp 4.0

ThS. Huỳnh Thị Như Thảo (Giảng viên Trường Đại học Nha Trang)

Tóm tắt:
Hiện nay, thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên nền tảng cách mạng số hóa và ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất. Đây là cơ hội để các nước đẩy mạnh phát triển nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Vấn đề đặt ra đó là Việt Nam có giải quyết được các thách thức mà nguồn nhân lực đang gặp phải về năng suất lao động, trình độ lao động để đón đầu các cơ hội mới hay không. Bài viết này nhằm làm rõ vai trò quan trọng của nguồn nhân lực đối với tăng trưởng kinh tế, các hạn chế của nguồn nhân lực và kiến nghị một số giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp 4.0.
Từ khóa: Nguồn nhân lực, cách mạng công nghiệp 4.0, tăng trưởng kinh tế.

1. Đặt vấn đề
Trong lịch sử phát triển nhân loại, chúng ta đã trải qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp mang ý nghĩa làm thay đổi cuộc sống, nền kinh tế và sự phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Cách mạng công nghiệp lần bốn mà chúng ta đề cập đến đã được phôi thai từ đầu những năm 2000 với tên gọi là cuộc cách mạng số, thông qua các công nghệ như: Internet vạn vật (IoT), tương tác với thực tại ảo (AR), thực tế ảo (VR), mạng xã hội, điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)... để chuyển hóa thế giới thực thành thế giới số, tập trung chủ yếu vào sản xuất thông minh dựa trên những thành tựu công nghệ sinh học, công nghệ nano, công nghệ thông tin. Đây là cơ sở tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ, bùng nổ và toàn diện trên mọi lĩnh vực, làm biến đổi mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội toàn cầu.
Nhìn chung, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đem lại nhiều thành tựu cũng như gây ra rất nhiều thách thức, đặc biệt là đối với thị trường lao động tại một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Cụ thể, trước đây, Việt Nam có lợi thế hơn so với các quốc gia khác về thị trường lao động giá rẻ, nhưng khi tự động hóa phát triển mạnh thay thế cho lao động chân tay, robot thay thế cho con người trong nhiều lĩnh vực với khả năng xử lý khối lượng thông tin khổng lồ, hàng triệu lao động trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có thể rơi vào cảnh thất nghiệp. Theo báo cáo phân tích môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, năm 2016, Việt Nam xếp thứ 90 trong 189 nước tham gia xếp hạng. Với sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam sẽ buộc phải thay đổi lợi thế cạnh tranh để tăng trưởng kinh tế.
Điều này sẽ tạo ra những thách thức rất lớn cho nguồn lao động Việt Nam, đặc biệt là nguồn lao động giá rẻ (vốn được coi là thế mạnh của Việt Nam) sẽ phải đối mặt với tình trạng dư thừa lao động, thất nghiệp và tệ nạn xã hội.
2. Nguồn nhân lực phải được xem là nguồn lực quan trọng để tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh công nghiệp 4.0
2.1. Tăng trưởng kinh tế là gì?
“Tăng trưởng kinh tế là sự gia tăng thu nhập đạt được trong một khoảng thời gian nhất định (thường là một năm) của một quốc gia. Sự gia tăng này được biểu hiện ở quy mô và tốc độ tăng trưởng. Quy mô tăng trưởng phản ánh sự gia tăng nhiều hay ít, còn tốc độ tăng trưởng được sử dụng với ý nghĩa so sánh tương đối và phản ánh sựgia tăng nhanh hay chậm giữa các thời kỳ”, Trần Thị Thùy Trang (2017). Nhìn chung, có thể thấy ở Việt Nam có 2 mô hình tăng trưởng kinh tế như sau:
+ Mô hình tăng trưởng theo chiều rộng: Là dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên (K), sử dụng nguồn lao động (L), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Mô hình này hướng nền kinh tế phát triển đa dạng các ngành nghề dựa trên lợi thế sẵn có của quốc gia.
+ Mô hình tăng trưởng theo chiều sâu: Dựa vào khoa học và công nghệ hiện đại (TEC), sử dụng vốn (K), tăng năng suất lao động, nâng cao sự đóng góp của nhân tố năng suất tổng hợp (TFP), hướng hoạt động của nền kinh tế vào các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, chi phí sản xuất giảm, hướng vào các ngành nghề có hàm lượng kỹ thuật và công nghệ cao.
Nhìn chung, hai mô hình trên cho thấy tăng trưởng kinh tế quốc gia phụ thuộc vào các yếu tố cơ bản như: Tài nguyên thiên nhiên, vốn, khoa học - công nghệ và con người... Trong những năm 1950, các nhà kinh tế học đã khẳng định nguồn gốc của tăng trưởng phụ thuộc vào những yếu tố như tư bản (K), lao động (L), công nghệ (TEC),... thông qua khái niệm hàm sản xuất quốc gia Q = F (K,L,TEC,...). Trong các nguồn lực được kể trên, thì nguồn lực con người được xem là nguồn lực quan trọng và có ý nghĩa quyết định đối với các nguồn lực còn lại trong sự nghiệp tăng trưởng kinh tế.
2.2. Vai trò quan trọng của nguồn nhân lực đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp 4.0
Từ trước đến nay, có rất nhiều quan điểm về nguồn nhân lực, nhưng tiếp cận dưới góc độ của kinh tế chính trị, có thể hiểu: “Nguồn nhân lực là tổng hòa thể lực và trí lực tồn tại trong toàn bộ lực lượng lao động xã hội của một quốc gia, trong đó kết tinh truyền thống và kinh nghiệm lao động sáng tạo của một dân tộc trong lịch sử được vận dụng để sản xuất ra của cải vật chất và tinh thần phục vụ cho nhu cầu hiện tại và tương lai của đất nước”. Trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế Việt Nam đang chuyển dần sang hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và trong xu thế toàn thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tập trung chủ yếu vào sản xuất thông minh, thì nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng thể hiện vai trò quyết định của nó.
Từ thế kỷ thứ XVI, nhà kinh tế người Anh William Petty cho rằng:“Lao động là cha, đất đai làmẹ của mọi của cải vật chất”. Truyền thống Việt Nam cũng xác định: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Như vậy, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập cùng kinh tế thế giới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.
3. Những hạn chế của nguồn nhân lực Việt Nam
Thế mạnh lớn nhất của Việt Nam trong tương quan với các quốc gia khác là nguồn lao động trẻ dồi dào, đây là lực lượng có khả năng tiếp thu nhanh nhất về công nghệ, khoa học. Tuy nhiên, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ thì năng suất lao động Việt Nam hiện còn thấp: Theo Bảng 3.1 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năm 2015, năng suất lao động của Việt Nam theo giá hiện hành đạt 3.657 USD/lao động, bằng 4,4% của Singapore; 17,4% của Malaysia; 35,2% của Thái Lan; 48,5% của Phillippines và 48,8% của Indonesia. Năm 2016, năng suất đạt 3.853 USD/lao động, tăng 5,31% so với năm 2015. Năng suất lao động bình quân giai đoạn 2006 -2015 tăng 3,9%/năm, trong đó giai đoạn 2006-2010 tăng 3,4%/năm; giai đoạn 2011-2015 tăng 4,3%/năm nhưng vẫn còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực ASEAN.
Mặc dù Việt Nam đang ở trong giai đoạn dân số vàng và tỷ lệ người đang trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao nhưng năng suất lao động Việt Nam vẫn ở mức thấp. Điều đáng quan tâm là, hiện nay, các quốc gia khác đã chú trọng đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ lao động, nhưng Việt Nam lại chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này. Có nhiều nguyên nhân khiến năng suất lao động tại Việt Nam còn thấp có thể kể đến 4 nguyên nhân chính như sau: Trình độ kỹ thuật, công nghệ còn thấp và lạc hậu; tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm, thủy sản vẫn ở mức cao; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; chế độ đãi ngộ cơ bản cho người lao động còn thấp.
Thứ nhất, trình độ công nghệ, kỹ thuật còn thấp và lạc hậu: Qua bảng số liệu về Chỉ số đổi mới toàn cầu (GII) Bảng 3.2, khảo sát khả năng ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ của các quốc gia trên Thế giới của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), vị thứ của Việt Nam có tăng dần các năm gần đây, nhưng nhìn chung việc ứng dụng khoa học, công nghệ vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể:
Năm 2012, theo điều tra các doanh nghiệp chế biến, chế tạo có công nghệ thấp chiếm khoảng 57%, nhóm có công nghệ trung bình chiếm 31%, 12% còn lại có công nghệ cao. So sánh tương quan với các quốc gia trong khu vực, các quốc gia này đều có tỷ trọng đầu tư cho công nghệ, khoa học vào sản xuất kinh doanh cao hơn so với Việt Nam. Xét tỷ lệ đầu tư cho khoa học công nghệ trên GDP, trong 10 năm từ 2001-2011, tỉ lệ này của Việt Nam chỉ tăng từ 0,48% lên 0,51%. Giai đoạn 2011-2013, tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 0,4%. So sánh với các nước trong khu vực Asean, đầu tư cho nghiên cứu khoa học trên đầu người ở Việt Nam vẫn là rất thấp so với các nước khác. Ví dụ: Ở Việt Nam là 3,1 USD trên 1 người dân năm 2012; thì ở Thái Lan là 22USD, Malaysia là 86 USD...
Trong chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu, trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn thấp, lao động thủ công còn nhiều, đặc biệt là trong ngành Nông nghiệp, dẫn đến việc tăng năng suất lao động còn thấp, các ngành sản xuất công nghiệp vẫn đang ở đáy. Trong một số khu công nghiệp, theo khảo sát tỷ lệ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mang công nghệ hiện đại tiên tiến vào Việt Nam chỉ đạt khoảng 5%, còn lại là công nghệ truyền thống, hoặc quá lạc hậu, hoặc chủ yếu tận dụng nguồn nhân lực giá rẻ của Việt Nam. Điều này cho thấy được năng lực cạnh tranh về công nghệ của Việt Nam vẫn còn quá yếu. Cụ thể ở một số ngành nghề điển hình như than đá...
Thứ hai, tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm, thủy sản vẫn ở mức cao:
Theo báo cáo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2005-2015, tỷ trọng lao động trong khu vực nông nghiệp có giảm nhưng vẫn ở mức cao (nông nghiệp giảm từ 55,09% năm 2005, xuống còn 45% năm 2015; công nghiệp tăng từ 17,59 lên 21,78%; dịch vụ tăng từ 27,32% lên 33,03%. Trong những năm gần đây, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động có chuyển dịch tích cực, nhưng tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn ở mức cao, chiếm tới 49%. (Bảng 3.3). Tuy rằng mức lao động làm việc trong khu vực nông-lâm-thủy sản cao nhưng mức đóng góp của khu vực này vào tăng trưởng kinh tế lại thấp nhất. Điển hình, năm 2016, mức tăng trưởng GDP là 6,21%, mức tăng của khu vực nông-lâm-thủy sản là 1,36% và chỉ đóng góp 0,22% vào mức tăng chung. (Bảng 3.4). Thứ ba, trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề và kỹ năng mềm của lao động còn thấp:
Theo Tổng cục Thống kê, quý 1/2016, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên có chuyên môn kỹ thuật (gồm những người có bằng cấp/chứng chỉ từ 3 tháng trở lên) chiếm tỷ lệ 20,71%, tăng 2,22% so với quý 4/2015. Nhìn chung, tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật chỉ chiếm khoảng 20% trên lực lượng lao động và đây là tỷ lệ quá thấp. (Bảng 3.5). Ngoài ra, theo báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Report) 2015-2016 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam xếp thứ hạng 56. Vị thứ này được cho là có cải thiện từ năm 2012 nhưng các chỉ tiêu về năng lực hấp thụ công nghệ, mức độ phức tạp của quy trình sản xuất, chất lượng nghiên cứu khoa học vẫn còn thấp. Ngoài hạn chế về trình độ, lực lượng lao động còn hạn chế về kỷ luật lao động, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng mềm, năng lực sáng tạo...
Thứ tư, chế độ đãi ngộ cơ bản (lương, thưởng, phúc lợi xã hội) cho người lao động còn thấp.
Thực tế cho thấy, tiền lương là một trong những công cụ kinh tế quan trọng trong quản lý lao động, nâng cao tiền lương cơ bản cũng là một cách để thúc đẩy người lao động nâng cao trình độ và nâng cao khả năng lao động của mình. (Bảng 3.6). Trong các nước ASEAN, Việt Nam vẫn thuộc nhóm có mức lương tối thiểu thấp nhất. Mức lương bình quân của Việt Nam ở mức 3,8 triệu đồng/tháng (181 USD) năm 2015. Mức lương này chỉ cao hơn Lào (119 USD), Campuchia (121 USD) và thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực ASEAN như Philippines (206 USD), Thái Lan (357 USD), Malaysia (609 USD), Singapore (3.547 USD).
Ngoài tiền lương, tiền thưởng, các phúc lợi xã hội cũng là một yếu tố quan trọng tác động đến người lao động. Các khoản này tuy không lớn nhưng có ý nghĩa để động viên hoặc khuyến khích và đảm bảo an sinh cho người lao động. Phúc lợi đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cũng như góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, từ đó thúc đẩy và nâng cao năng suất lao động.
4. Những khuyến nghị về phát triển nguồn nhân lực Việt trong bối cảnh công nghiệp 4.0
Hiện nay, trên thế giới đang phát triển mạnh mẽ với cuộc cách mạng dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học thông minh công nghệ số 4.0. Mỗi quốc gia muốn phát triển và tăng trưởng cần phải không ngừng đổi mới toàn diện mọi mặt, đặc biệt là đổi mới và phát triển nguồn nhân lực đế đón đầu các cơ hội và vượt qua các thách thức mà cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại. Hơn lúc nào hết, nguồn lao động có vai trò rất quan trọng trong mục tiêu tăng trưởng kinh tế quốc gia trong bối cảnh công nghiệp 4.0 bùng nổ. Đầu tư phát triển nguồn lao động là đầu tư mang tính chiến lược và phải bắt tay tiến hành càng sớm càng tốt để đảm bảo cho sự phồn vinh và thịnh vượng của quốc gia Việt Nam. Có thể hiểu phát triển nguồn nhân lực chính là quá trình tạo lập và sử dụng năng lực toàn diện của con người vì sự tiến bộ, tăng trưởng của kinh tế, xã hội và vì sự hoàn thiện của con người trong thời đại mới.
Theo đó, để phát triển nguồn nhân lực cũng như khắc phục được những hạn chế của nguồn nhân lực Việt Nam, Nhà nước cần tập trung thực hiện một số giải pháp như sau:
- Chủ động hội nhập quốc tế, tập trung khai thác hiệu quả các cam kết thương mại, hiệp định song phương, đa phương đã và đang ký kết để có thể mở rộng được thị trường, tận dụng được các nguồn lực về vốn, công nghệ, kỹ năng... từ bên ngoài, từng bước chuyển hóa thành vốn tích lũy của Việt Nam nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển dịch kinh tế, rút ngắn được khoảng cách giữa Việt Nam và các nước tiên tiến trên thế giới, tạo thêm cơ hội việc làm cho nguồn nhân lực Việt.
- Hoàn thiện các thể chế, chính sách trong lĩnh vực tài chính, sản xuất kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế khu vực tư nhân, tạo sân chơi bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp, cần tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước nhanh chóng để có có thêm nguồn vốn đầu tư cho nguồn nhân lực.
Đối với lĩnh vực đào tạo, giáo dục, lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến nguồn nhân lực, cần nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục, gắn đào tạo kiến thức với thực tập, thực hành nghề tại các cơ sở doanh nghiệp. Tập trung đào tạo các ngành nghề chất lượng cao: Công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, ứng dụng tin học... Đổi mới và cập nhật những kiến thức mới, các tiêu chuẩn và kỹ năng nghề nghiệp mới phù hợp với bối cảnh quốc gia và xu thế phát triển của các nước khác khi cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra.
Về phía các cơ sở đào tạo, cần đổi mới toàn diện về hệ thống kiến thức và phương pháp đào tạo. Lấy người học làm trung tâm, đào tạo nhằm hướng tới phát huy năng lực làm việc, tính sáng tạo của người lao động. Giảng dạy lý thuyết đi kèm với thực hành thực tế để phát triển các kỹ năng mềm của người lao động, tăng tính thích ứng, thích nghi với môi trường làm việc thực tế. Các cơ sở giáo dục cần phát triển hơn nữa vào các ngành nghề chất lượng cao như: lĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ thông tin, năng lượng, vật liệu mới, công nghệ sinh học...
Đối với người lao động, thì nhân tố quyết định đến tăng trưởng kinh tế trong thời đại mới. Theo đó, cần phải xác định rằng cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra là xu thế tất yếu, cách mạng này sẽ đem lại cho xã hội loài người nhiều thành tựu vĩ đại hơn và giúp cho chất lượng cuộc sống con người ngày càng nâng cao hơn. Cách mạng công nghiệp 4 vừa là một cơ hội, song vừa là một thách thức rất lớn đối với mỗi quốc gia, nếu không tự đổi mới, tự vượt qua chính mình thì Việt Nam sẽ mãi đứng ở vị trí phía sau các quốc gia khác, hơn lúc nào hết, người lao động cần phải xóa bỏ những tư duy, tập quán, lề thói cũ để tự học, tự trang bị kiến thức mới, kỹ năng mới cho nhu cầu phát triển.
Tài liệu tham khảo:
1. Lê Thị Hồng Điệp (204), Những hạn chế về lao động và việc làm trên thị trường lao động ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Kinh tế và Kinh doanh, Tập 30, Số 4 (2014) 48-54, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.
2. Bộ Tài chính (2016), Báo cáo “Đánh giá tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến kinh tế - tài chính Việt Nam.
3. http://tapchitaichinh.vn/kinh-te-vi-mo/kinh-te-dau-tu/cach-mang-cong-nghiep-40-va-nhung-thach-thuc-dat-ra-doi-voi-lao-dong-viet-nam-117294.html
4. http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/cac-yeu-to-tac-dong-den-nang-suat-lao-dong-va-nhung-van-de-dat-ra-100748.html
5. http://tapchitaichinh.vn/kinh-te-vi-mo/kinh-te-dau-tu/cach-mang-cong-nghiep-40-va-nhung-thach-thuc-dat-ra-doi-voi-lao-dong-viet-nam-117294.html
6. http://truongchinhtrina.gov.vn/ArticleDetail.aspx?_Article_ID=212
7. http://truongchinhtrina.gov.vn/ArticleDetail.aspx?_Article_ID=212
8. http://www.doanhnhansaigon.vn/van-de/hieu-the-nao-ve-cach-mang-cong-nghiep-4-0/1104116/
9. https://vnexpress.net/projects/cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu-la-gi-571618/index.html
10. https://www.baomoi.com/chinh-sach-tai-chinh-trong-boi-canh-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-4/c/22622554.epi
11. Nguyễn Anh Bắc, 2015. Năng suất lao động ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 5(90).
12. Nguyễn Xuân Kiên, 1998. Tích tụ và tập trung vốn trong nước để phát triển công nghiệp nước ta hiện nay. Luận án tiến sĩ. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
13. Việt Nam hội nhập quốc tế. Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Đại học Quốc gia Hà Nội.
14. Tài liệu hội thảo (2016) “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”, Ban Kinh tế Trung ương.
15. Trần Thị Thùy Trang, 2017. Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, hội thảo Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng.
16. Tổng cục Thống kê, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam, số 5, 6 năm 2015, 2016.

DEVELOPING HUMAN RESOURCES TO CONTRIBUTE TO THE ECONOMIC GROWTH OF VIETNAM IN THE CONTEXT OF INDUSTRY 4.0

MA. HUYNH THI NHU THAO

Lecturer of Nha Trang University

ABSTRACT:

Currently, the world is shifting dramatically with the explosion of the industry 4.0, based on the revolutionary digital revolution and the introduction of smart technology into production. This is an opportunity for countries to boost their economies, including Vietnam. The problem is that whether Vietnam can address the human resources challenges, including the low productivity and low labor skills, to catch up to new opportunities. This paper aims to clarify the important role of human resources for economic growth, human resource shortcomings and recommend solutions to improve the quality of human resources, to promote economic growth in the context of industry 4.0.

Keywords: Human resources, industrial revolution 4.0, economic growth.