Philippines tăng nhập khẩu cá ngừ và cơ hội của Việt Nam

Tin từ VASEP cho hay, lượng cá ngừ nhập khẩu vào Philippines ở TP.General Santos năm 2018 tăng 17% so với năm 2017.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2018, tổng sản lượng hải sản cập cảng tại thủ phủ cá ngừ của Philippines ở TP.General Santos tăng 17% so với năm 2017, đạt mức kỷ lục hơn 247.637 tấn. Trong đó, hơn 85% lượng cập cảng là cá ngừ vây vàng và các loài thuộc họ cá ngừ, tương đương 210.491 tấn.

Sự gia tăng đột biến nhất trong năm 2018 là lượng hải sản đông lạnh cập cảng tăng gần 38.280 tấn so với năm 2017, trong đó 31.578 tấn là từ các tàu nước ngoài. Còn lại, 6.702 tấn đã được cập cảng bởi các công ty khai thác ở Manila.

Xu hướng tăng trưởng của việc cập cảng tại TP. General Santos vẫn tiếp tục khi các công ty sản xuất và chế biến cá ngừ bắt đầu NK cá ngừ đông lạnh nhiều hơn so với một thập kỷ trước và các biện pháp bảo tồn được đưa ra.

Nhập khẩu thủy sản đông lạnh gia tăng được thúc đẩy bởi sự gia tăng nhu cầu từ các nhà máy chế biến đồ hộp địa phương.

Do cá ngừ đóng hộp của Philippine nhập khẩu vào EU chỉ được hưởng mức thuế suất 0% nếu có nguồn gốc hải sản được khai thác bởi các đội tàu mang cờ của Philippines. Nên cá ngừ có xuất xứ Philippines chủ yếu xuất khẩu sang thị trường EU. Còn thủy sản nhập khẩu được các nhà máy chế biến của Philippines sử dụng để phục vụ các thị trường quốc tế khác và thị trường tiêu thụ nội địa.
Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Philippines, bà Vũ Việt Nga cho biết, năm 2018, kim ngạch nhập khẩu của Philippines là 108 tỷ USD; trong đó, kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam đạt hơn 3 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 2,8%. Với dân số hơn 105 triệu người, đông thứ 2 trong khu vực, người dân lại khá cởi mở với thực phẩm nhập khẩu, đây là thị trường tiêu dùng rất lớn và tiềm năng để Việt Nam tăng thị phần trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo bà Nga, để chinh phục thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực hơn nữa trong việc khảo sát, nghiên cứu tình hình thực tế của thị trường để có những nhận định đúng đắn, điều chỉnh sản phẩm, chiến lược kinh doanh phù hợp với thị trường. Trong đàm phán kinh doanh, các doanh nghiệp cần kiên nhẫn với đối tác Philippines bởi họ cần có thời gian để tin vào chất lượng, uy tín kinh doanh của đối tác mới.

Bà Nga cho biết thêm, trong tháng 3/2019, Thương vụ Việt Nam tại Philippines sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đoàn doanh nghiệp nông sản, thực phẩm sang khảo sát thị trường và giao thương, quảng bá hàng Việt Nam tại Manila. Đầu tháng 4/2019, Thương vụ Philippines sẽ tổ chức đoàn các doanh nghiệp nhập khẩu của Philippines tới Hà Nội giao thương với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Lily Nguyễn (t/h)