Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị đánh giá kết quả, hạn chế trong triển khai các Hiệp định FTA

Ngày 29/10 Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên” đã họp phiên thứ nhất. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng Đoàn Giám sát chủ trì Phiên họp.

Đánh giá toàn diện

Đoàn Giám sát gồm 23 Đại biểu  cùng đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Đoàn đến giám sát và 5 đại biểu mời tham gia Đoàn giám sát.

Phó chủ tịch Quốc Hội Tòng Thị Phóng chủ trì cuộc họp
Phó Chủ tịch Quốc Hội Tòng Thị Phóng chủ trì cuộc họp

Đoàn sẽ tổ chức cuộc họp, cuộc làm việc với cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tại Trung ương về tình hình thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên; tổ chức 3 Đoàn công tác để tiến hành giám sát tại địa phương, cơ sở. Sau đó, Đoàn sẽ hoàn thành báo cáo kết quả giám sát chuyên đề, báo cáo Ủy ban Thường vụ tại phiên họp tháng 9/2020.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, từng thành viên trong Đoàn giám sát cần phát huy hết trách nhiệm được phân công. Qua đó, đánh giá toàn diện các mặt, từ kết quả đạt được cho đến những hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc và xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức, triển khai thực hiện các Hiệp định FTA để từ đó đề ra các giải pháp quản lý được việc thực thi các FTA Việt Nam đã ký kết.

Kết quả tích cực

Trên thực tế, trong 10 tháng đầu năm, Việt Nam đã tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan trong các FTA đã ký kết để mở rộng các thị trường xuất khẩu. Xuất khẩu sang các thị trường FTA phần lớn có giá trị kim ngạch trên 10 tỷ USD. Như Trung Quốc đạt 32,5 tỷ USD, ASEAN 21,3 tỷ USD, Nhật Bản và Hàn Quốc cùng đạt 16,6 tỷ USD.

Xét về tốc độ tăng trưởng, xuất khẩu sang các thị trường FTA đa số đều đạt mức tăng trưởng tốt như xuất khẩu sang Nhật Bản 10 tháng đầu năm tăng 7,5%; sang Hàn Quốc tăng 9%; sang Nga tăng 13,9%; sang Niudilan tăng 12,5% so với cùng kỳ... Đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tốt; xuất khẩu sang Canađa tăng 30,9%; xuất khẩu sang Mexico tăng 27%.

Xuất khẩu dệt may sang Canada có lợi thế nhờ CPTPP
Xuất khẩu dệt may sang Canada có lợi thế nhờ CPTPP

Kim ngạch xuất khẩu sang 10 nước tham gia CPTPP đạt quy mô khá, chiếm trên 15,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong 27 thị trường xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, khu vực này chiếm 6; với mức xuất siêu 1,2 tỷ USD so với thâm hụt 0,9 tỷ USD của cùng kỳ năm 2018.

Một chỉ số cho thấy doanh nghiệp nước ta tận dụng ngày càng tốt hơn cơ hội xuất khẩu sang thị trường FTA là ỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi thuế quan. Năm 2018, đã có 942.371 bộ C/O ưu đãi được cấp (bao gồm theo FTA và GSP), với trị giá 50,9 tỷ USD, tăng 35% về trị giá và tăng 25% về số lượng bộ C/O so với năm 2017.

Đối với nhập khẩu, có sự chuyển hướng sang nhập khẩu công nghệ nguồn. Trong 6 thị trường nhập khẩu hàng đầu, gồm Trung Quốc, Asean, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, nếu 6 tháng đầu năm nhập khẩu từ các thị trường công nghệ nguồn Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc chiếm 86% so với nhập khẩu từ Trung Quốc và Asean (45,7/53,1 tỷ USD) thì 10 tháng tỷ lệ này nâng lên 90% (79,6/88,4 tỷ USD).

Tính chung, nhập khẩu từ 4 thị trường công nghệ nguồn hàng đầu gồm Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc trong 6 tháng đầu năm chiếm 37,2% (45,7/122,76 tỷ USD), tăng lên 37,9% trong 10 tháng đầu năm (79,6/210 tỷ USD).

Hào Nam