Trước khi có RCEP, Việt Nam đã tham gia cùng các nước ASEAN để mở cửa thị trường với các nước tham gia RCEP như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Niu Di-lân thông qua Hiệp định thương mại tự do ASEAN +1.

Tỉ lệ tự do hóa thuế quan mà Việt Nam cam kết với các nước RCEP trong Hiệp định RCEP về cơ bản không quá cao hơn so với Hiệp định ACFTA nên việc thực thi Hiệp định RCEP được dự đoán sẽ không tạo ra áp lực cạnh tranh lớn cho hàng hóa sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, cùng với phạm vi cam kết ở nhiều lĩnh vực khác nhau, tạo điều kiện cho sự phát triển các chuỗi cung ứng, Hiệp định RCEP cũng sẽ tạo ra những lợi thế nhất định mới cho hàng hóa nhập khẩu từ các nước tham gia RCEP. Do đó, ngành sản xuất trong nước cần có sự chuẩn bị và sẵn sàng cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu từ các đối tác RCEP khác.

Về phía Bộ Công Thương, các cơ quan có thẩm quyền sẽ thường xuyên theo dõi cập nhật tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và các đối tác RCEP. Việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (nếu có) sẽ được thực hiện theo đúng quy định pháp luật nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẵng cho các doanh nghiệp.

Một vấn đề khác cũng được đặt ra là, các nền kinh tế trong RCEP có mối tương đồng và cạnh tranh rất cao, làm sao để hàng hoá VN có tính cạnh tranh hơn so với các đối thủ trong nội khối?

Đối với sự cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu từ các đối tác rất mạnh, Bộ Công Thương đã có sự chuẩn bị như nào với khả năng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước?

Mặc dù mức độ cam kết mở cửa tự do hóa của Hiệp định RCEP không cao hơn nhiều so với các Hiệp định ASEAN+ đã ký kết trước đây, nhưng với phạm vi đàm phán mở rộng với số lượng thành viên đối tác chiếm đến 30% dân số thế giới của Hiệp định RCEP sẽ đem lại cho doanh nghiệp trong nước những sức ép cạnh tranh nhất định đến từ hàng nhập khẩu.

Những thuận lợi về thương mại và đầu tư do kết quả đàm phán RCEP mang lại sẽ khiến cho hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các đối tác gia tăng. Từ đó, có thể dự đoán rằng số lượng vụ việc phòng vệ thương mại giữa các thành viên RCEP có thể sẽ gia tăng.

Để chuẩn bị cho việc sử dụng công cụ PVTM hiệu quả trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, tham gia các FTA như RCEP, Việt Nam đã thực hiện nhiều công việc cần thiết và đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể:

- Về cơ quan điều tra có thẩm quyền, tháng 8 năm 2017, Bộ Công Thương đã thành lập Cục Phòng vệ thương mại chuyên trách các hoạt động về lĩnh vực phòng vệ thương mại. Cơ quan điều tra cũng ngày càng được kiện toàn bộ máy, cơ cấu tổ chức để đảm bảo việc thực thi nhiệm vụ một cách hiệu quả.

- Về cơ sở pháp lý, với sự ra đời của Luật quản lý ngoại thương và các văn bản hướng dẫn về các biện pháp phòng vệ thương mại (Nghị định 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 1 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại và Thông tư 37/2019/TT-BCT ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại), Việt Nam đã hoàn thiện tương đối đầy đủ, toàn diện cơ sở pháp lý cho các hoạt động điều tra, xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã ban hành các Thông tư hướng dẫn áp dụng biện pháp PVTM để thực thi Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ triển khai xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn áp dụng biện pháp PVTM để thực thi Hiệp định RCEP.

- Về công tác điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại, cho đến nay, Việt Nam đã khởi xướng điều tra 14 vụ việc chống bán phá giá, 06 vụ việc tự vệ và 01 vụ việc lẩn tránh biện pháp tự vệ.

Số lượng vụ việc trong những năm gần đây có chiều hướng gia tăng. Sự gia tăng các vụ việc không chỉ thể hiện mức độ cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu đối với hàng hóa trong nước mà còn cho thấy năng lực của doanh nghiệp trong việc chủ động lựa chọn sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích chính đáng. Với những nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tư vấn cho cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội, mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về các biện pháp phòng vệ thương mại trong những năm gần đây đã có nhiều cải thiện.

- Đồng thời, Bộ Công Thương cũng sẽ theo dõi sát sao tình hình xuất nhập khẩu sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực để có biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp trong những trường hợp hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh không công bằng, gây thiệt hại đáng kể để bảo vệ đến sản xuất trong nước.

Trên thực tế, khi Việt Nam thực thi các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, VN-EAEU FTA… Bộ Công Thương đều theo dõi rất chặt chẽ biến động hàng nhập khẩu của các đối tác trong các FTA này vào Việt Nam để có những phương án ứng phó cần thiết.

Bên cạnh đó, mặc dù chúng ta đã có những công cụ phòng vệ thương mại cần thiết để bảo vệ sự cạnh tranh bình đẳng trên thị trường nội địa, nhưng theo Bộ Công Thương, doanh nghiệp trong nước cũng cần chủ động thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, chuyển sức ép về cạnh tranh thành động lực để tự đổi mới và phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm để có lợi thế cạnh tranh không chỉ ở trong nước mà còn ở thị trường quốc tế.

Bên cạnh các giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, Bộ, ngành và các địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội cần chủ động và tích cực tìm hiểu thông tin về các Hiệp định FTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm. cũng như có kế hoạch và những bước đi cụ thể để cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực.

[Quảng cáo]