TÓM TẮT:

Hòa giải thương mại là phương thức có nhiều ưu điểm trong các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại. Tuy nhiên, phương thức này hiện vẫn chưa được sử dụng rộng rãi vì phần lớn cá nhân, tổ chức chưa hiểu hết những quy định của pháp luật, những điểm lợi từ hòa giải thương mại mang lại. Trong phạm vi nghiên cứu cùng bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động thương mại, kèm theo đó là những tranh chấp xảy ra, đòi hỏi chúng ta phải luôn cố gắng tìm ra một phương thức giải quyết tốt nhất và hòa giải thương mại là một phương thức cần được cân nhắc.

Từ khóa: Hòa giải thương mại, giải quyết tranh chấp thương mại, quy định pháp luật, phương thức.

1. Giới thiệu sơ lược về các phương thức hoà giải trong giải quyết tranh chấp thương mại

Để giải quyết tranh chấp trong hoạt động thương mại, thông thường có 4 phương thức để các bên có thể lựa chọn1:

- Thương lượng giữa các bên;

- Hòa giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hòa giải;

- Giải quyết tại Trọng tài thương mại;

- Giải quyết tại Tòa án.

Mỗi phương thức đều có những ưu và nhược điểm khác nhau. Trong bài viết này tác giả xin phép chỉ đề cập đến phương thức hòa giải.

Hòa giải theo Từ điển Tiếng Việt2  có nghĩa là “thuyết phục, giúp cho ổn thỏa tình trạng xung đột, mâu thuẫn giữa các bên”.

Hòa giải trong giải quyết tranh chấp thương mại là hình thức bảo vệ lợi ích hợp pháp bị xâm hại có sự tham gia của hòa giải viên, giúp các bên tranh chấp đạt được một thỏa thuận, chấm dứt xung đột hay xích mích một cách ổn thỏa.

Ở Việt Nam hiện nay, theo quy định của pháp luật, phương thức hòa giải trong việc giải quyết tranh chấp có thể chia làm 2 loại:

- Hòa giải bắt buộc theo thủ tục tố tụng của Tòa án (theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015);

- Hòa giải theo thỏa thuận của các bên (theo quy định tại Luật Trọng tài thương mại 2010 hoặc theo Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2017 quy định về hòa giải thương mại).

Đối với phương thức hòa giải bắt buộc theo thủ tục tố tụng của Tòa án, đây là hoạt động được thực hiện một cách chủ động bởi các chủ thể tiến hành tố tụng theo trình tự, thủ tục pháp luật về tố tụng dân sự. Còn bài viết này chỉ tập trung đi vào phương thức hòa giải được thực hiện một cách chủ động bởi các bên tranh chấp, đó là hòa giải theo thỏa thuận của các bên - một phương pháp mang lại nhiều ưu điểm khi giải quyết tranh chấp thương mại.

a) Đối với trọng tài thương mại

Đây là trường hợp các bên đã lựa chọn giải quyết tranh chấp theo thủ tục tố tụng trọng tài (Theo Luật Trọng tài thương mại 2010).

Tuy nhiên, trong quá trình tố tụng trọng tài, các bên có quyền tự do thương lượng, thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp hoặc yêu cầu Hội đồng trọng tài hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp.

Kể từ thời điểm bắt đầu tố tụng trọng tài, các bên vẫn có quyền tự mình thương lượng, thỏa thuận chấm dứt việc giải quyết tranh chấp.

Trong trường hợp các bên tự thỏa thuận được với nhau chấm dứt việc giải quyết tranh chấp thì có quyền yêu cầu Chủ tịch Trung tâm trọng tài ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp.

Theo yêu cầu của các bên, Hội đồng trọng tài tiến hành hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp. Khi các bên thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết trong vụ tranh chấp thì Hội đồng trọng tài lập biên bản hòa giải thành có chữ ký của các bên và xác nhận của các Trọng tài viên. Hội đồng trọng tài ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên. Quyết định này là chung thẩm và có giá trị như phán quyết trọng tài.

b) Hòa giải thương mại ngoài thủ tục tố tụng trọng tài

Theo quy định tại Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2017 quy định về hòa giải thương mại, thì hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định của Nghị định này. Những nội dung cụ thể về hòa giải thương mại sẽ được phân tích cụ thể tại mục 2 dưới đây.

2. Hòa giải thương mại theo Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2017

Trước khi có Nghị định số 22/2017/NĐ-CP, việc hòa giải theo thỏa thuận của các bên (trừ trường hợp hòa giải trong thủ tục trọng tài thương mại) không mang tính ràng buộc sau khi các bên đã đạt được hòa giải thành. Việc các bên mời trung gian hòa giải, tiến hành hòa giải và kết quả của việc hòa giải không được quy định tại văn bản pháp luật. Vì vậy, sự ra đời của Nghị định số 22/2017/NĐ-CP đã tạo cơ sở pháp lý cho các bên có thêm một sự lựa chọn trong việc giải quyết tranh chấp.

Nghị định này quy định về phạm vi, nguyên tắc, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại, hòa giải viên thương mại, tổ chức hòa giải thương mại, tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam và quản lý nhà nước về hoạt động hòa giải thương mại. Trong bài viết này xin đề cập một số nội dung chính mà các bên tranh chấp cần lưu ý nếu lựa chọn phương thức hòa giải thương mại này:

2.1. Phạm vi giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại

Hòa giải thương mại được lựa chọn để giải quyết đối với các tranh chấp sau:

- Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.

- Tranh chấp giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.

- Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng hòa giải thương mại.

2.2. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng hoà giải thương mại

- Các bên tranh chấp tham gia hòa giải hoàn toàn tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ.

- Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải phải được giữ bí mật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.

- Nội dung thỏa thuận hòa giải không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, không xâm phạm quyền của bên thứ ba.

2.3. Trình tự, thủ tục hòa giải thương mại

Tranh chấp được giải quyết bằng hòa giải thương mại nếu các bên có thỏa thuận hòa giải. Thỏa thuận hòa giải có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản hòa giải trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng và được xác lập bằng văn bản.

Hòa giải viên thương mại3 do các bên thỏa thuận lựa chọn từ danh sách hòa giải viên thương mại của tổ chức hòa giải thương mại4  hoặc từ danh sách hòa giải viên thương mại vụ việc5 do Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố. Việc chỉ định hòa giải viên thương mại thông qua tổ chức hòa giải thương mại được thực hiện theo Quy tắc hòa giải của tổ chức hòa giải thương mại.

Các bên có quyền lựa chọn Quy tắc hòa giải của tổ chức hòa giải thương mại để tiến hành hòa giải hoặc tự thỏa thuận trình tự, thủ tục hòa giải. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về trình tự, thủ tục hòa giải thì hòa giải viên thương mại tiến hành hòa giải theo trình tự, thủ tục mà hòa giải viên thương mại thấy phù hợp với tình tiết vụ việc, nguyện vọng của các bên và được các bên chấp thuận.

Tranh chấp có thể do một hoặc nhiều hòa giải viên thương mại tiến hành theo thỏa thuận của các bên. Tại bất kỳ thời điểm nào trong quá trình hòa giải, hòa giải viên thương mại đều có quyền đưa ra đề xuất nhằm giải quyết tranh chấp. Địa điểm, thời gian hòa giải được thực hiện theo thỏa thuận của các bên hoặc theo lựa chọn của hòa giải viên thương mại trong trường hợp các bên không có thỏa thuận.

Khi đạt được kết quả hòa giải thành các bên lập văn bản về kết quả hòa giải thành. Văn bản về kết quả hòa giải thành có hiệu lực thi hành đối với các bên theo quy định của pháp luật dân sự.

Văn bản về kết quả hòa giải thành được xem xét công nhận theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Khi muốn được công nhận và được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự, một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu Tòa án công nhận. Các điều kiện và thủ tục công nhận được quy định tại chương XXXIII Bộ luật Tố tụng dân sự 2015: Thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án. Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự.

2.4. Những ưu điểm của phương pháp hòa giải thương mại

Hiện nay, lựa chọn hòa giải thương mại để giải quyết tranh chấp đang là phương pháp được sử dụng phổ biến và rộng rãi ở các nước phát triển hiện nay như Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc,… bởi vì những ưu điểm của phương pháp này so với phương pháp tố tụng tòa án, có thể kể đến như sau:

- Đây là phương pháp được thực hiện với thủ tục đơn giản, linh hoạt, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các bên đương sự.

- Với những quy định về cách thức thực hiện phương pháp hòa giải thương mại theo Nghị định số 22/2017/NĐ-CP được phân tích ở mục 2.3 cho thấy với phương pháp này, các doanh nghiệp có nhiều cơ hội trong việc lựa chọn một quy trình phù hợp, tránh các thủ tục pháp lý phức tạp. Ngoài ra, khi tham gia hòa giải, với tinh thần thiện chí và hợp tác, các doanh nghiệp cũng dễ đạt được thỏa thuận một cách nhanh chóng hơn so với phương pháp giải quyết tranh chấp theo thủ tục tố tụng tại Tòa án.

- Đối với phương pháp hòa giải trong thương mại, các doanh nghiệp có quyền tự quyết định việc giải quyết tranh chấp và luôn biết trước kết quả. Trong quá trình hòa giải, với sự hỗ trợ của hòa giải viên, các bên sẽ có cơ hội được đưa ra quyết định của mình về phương án giải quyết tranh chấp. Đây là ưu điểm khá nổi trội của phương pháp này so với các phương pháp tố tụng khác vốn khó dự đoán trước được kết quả.

- Đây còn là phương pháp giải quyết tranh chấp mang tính thân thiện rất cao. Thông qua hòa giải, các doanh nghiệp có cơ hội thể hiện thiện chí, hiểu và thông cảm cho nhau hơn, giúp họ tiếp tục duy trì, phát triển quan hệ kinh doanh đối tác. Đây cũng chính là mục đích cuối cùng của các bên mong muốn đạt được khi thực hiện các hoạt động thương mại.

- Một ưu điểm nữa của phương pháp hòa giải trong thương mại mang lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia quan hệ pháp luật này chính là việc không công khai quá trình hòa giải. Với lợi thế này, tên của các bên tranh chấp không bị tiết lộ ra ngoài, tránh nguy cơ ảnh hưởng đến uy tín kinh doanh của các doanh nghiệp đó.

Tóm lại, việc ra đời của Nghị định số 22/2017/NĐ-CP với những hướng dẫn và sự công nhận pháp lý cụ thể của phương thức hòa giải thương mại đã tạo cơ sở pháp lý cho các bên hướng đến một phương thức giải quyết tranh chấp có nhiều ưu điểm: vừa giữ được mối quan hệ giữa các bên, vừa hạn chế sự tốn kém về thời gian, kinh phí nhưng vẫn có giá trị được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự sau khi hoàn thành thủ tục công nhận tại Toà án. Từ đó, có thể mong đợi đây là phương pháp sẽ được sử dụng phổ biến, rộng rãi ở Việt Nam giai đoạn sắp tới. Theo đó, chúng ta cũng cần quan tâm sâu sát hơn trong việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về hòa giải thương mại để kịp thời bổ sung thêm các quy định hướng dẫn cho các bên thực hiện có hiệu quả phương pháp này, góp phần hoàn thiện hệ thống các quy định của pháp luật về hòa giải thương mại trong giải quyết tranh chấp thương mại.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1Điều 317 Luật Thương mại 2005

2Hoàng Phê (Chủ biên), Từ điển Tiếng Việt, Nhà Xuất bản Viện Ngôn ngữ học, 2006.

3Tiêu chuẩn, quyền và nghĩa vụ của Hòa giải viên thương mại xem thêm tại Chương II của Nghị định số 22/2017/NĐ-CP

4Tổ chức hòa giải thương mại bao gồm: Trung tâm hòa giải thương mại và Trung tâm trọng tài. Những nội dung liên quan đến tổ chức hòa giải thương mại xem thêm tại Chương IV Nghị định số 22/2017/NĐ-CP.

5Việc đăng ký hòa giải viên thương mại vụ việc được quy định tại Điều 8 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Luật Thương mại 2005.
  2. Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2017 quy định về hòa giải thương mại.
  3. https://www.nhandan.com.vn/cuoituan/goc-nhin-kinh-te/item/36582102-xu-the-moi-trong-giai-quyet-tranh-chap-thuong-mai.html
  4. https://kiemsat.vn/hoa-giai-thuong-mai-8211-thu-tuc-hieu-qua-de-giai-quyet-tranh-chap-46294.html
  5. https://stac.com.vn/da-duyet-hoa-giai-thuong-mai-phuong-phap-giai-quyet-tranh-chap-bang-trong-tai-thuong-mai-nen-hay-khong/.

COMMERCIAL MEDIATION TO SOLVE COMMERCIAL DISPUTES

Master. NGUYEN THI NGA

Master. NGUYEN THI THAO TRANG

The College of Management

of Agricultural and Rural Development II

ABSTRACT:

Commercial mediation has certain advantages compared to other methods of commercial dispute resolution. However, this method has not been widely used due to the lack of knowledge about legislative documents and benefits of commercial mediation. In the context of international economic integration, the remarkable development in commerce with potential disputes which might be arisen, it is necessary to find out the most flexible and appropriate resolution method to handle disputes and the commercial mediation should be considered.

Keywords: Commercial mediation, dispute resolution, legislative documents, method.