PV Power: Quý III/2021, lãi suất sau thuế đạt 603 tỷ đồng, cao gấp 4 lần cùng kỳ

Quý III/2021, PV Power vẫn ghi nhận lợi nhuận gộp đạt xấp xỉ 843 tỷ đồng, lợi nhuận ròng là 603 tỷ đồng, lần lượt tăng gấp 1,5 lần và gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Mặc dù kết quả kinh doanh quý III chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, PV Power vẫn được đánh giá là một cổ phiếu xứng đáng để đầu tư dài hạn do doanh nghiệp hoạt động trong ngành ổn định, có vai trò đặc biệt quan trọng tăng trưởng kinh tế khi dịch bệnh được kiểm soát. Ngoài ra, POW còn có nhiều động lực cho tăng trưởng trong tương lai từ việc đầu tư hàng loạt các dự án điện khí LNG mới.

Theo đó, trong quý III/2021, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 5.342 tỷ đồng, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, PV Power vẫn ghi nhận lợi nhuận gộp đạt xấp xỉ 843 tỷ đồng, lợi nhuận ròng là 603 tỷ đồng, lần lượt tăng gấp 1,5 lần và gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, phần lớn lãi gộp đến từ công ty con Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 do công ty đã thực hiện chào giá thị trường điện hiệu quả dẫn đến doanh thu tăng 97 tỷ và lợi nhuận gộp tăng 237 tỷ đồng.

Doanh nghiệp thuyết minh doanh thu giảm trong kỳ do nhu cầu phụ tải trên hệ thống ở trong kỳ giảm 36% so với cùng kỳ 2020. Nguyên nhân đến từ viêc tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục bùng phát trên khắp cả nước và kéo dài suốt nhiều tháng khiến cho nhu cầu phụ tải của hệ thống giảm mạnh.

Đặc biệt, sản lượng tiêu thụ điện bình quân mỗi ngày tại khu vực miền Nam trong quý III/2021 đã giảm 23,4% so với quý trước và 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, do giá khí tăng cao, các nhà máy điện khí của PV Power đã gặp nhiều khó khăn khi chi phí đầu vào cao dẫn tới giá phát điện khó cạnh tranh với các loại hình phát điện khác, và làm giảm nhu cầu huy động sản lượng điện từ các nhà máy điện khí.

Tuy vậy, PV Power đã có giải pháp xử lý khá linh hoạt khi cân đối thời gian phát điện của các tổ máy cũng như phối hợp với các nhà cung cấp như TKV, Công ty than Đông Bắc để đảm bảo nguồn cung cho các nhà máy. Nhờ vậy, giá phát điện bình quân tại các nhà máy của PV Power duy trì ở mức cao hơn cùng kỳ khoảng 18,5%. Ngoài ra, giá vốn hàng bán giảm 19,1% so với cùng kỳ do giảm sản lượng phát điện.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, PV Power ghi nhận doanh thu đạt 20.967 tỷ đồng, giảm nhẹ 3,8% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.308 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.033 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 32% và 36,7% so với cùng kỳ năm trước.

Theo kế hoạch năm 2021, PV Power đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 28.403,6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 1.325,3 tỷ đồng. Với kết quả thực hiện tính đến ngày 30/9/2021, PV Power đã hoàn thành xấp xỉ 74% kế hoạch doanh thu và vượt 53,4% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2021.

Kết quả kinh doanh quý III/2021 của PV Power
Kết quả kinh doanh quý III/2021 của PV Power

Hết quý III, tổng tài sản của PV Power ở mức 55.783 tỷ đồng, tăng 3,2% so với đầu năm. Giá trị hàng tồn kho cũng tăng 28% lên 2,212 tỷ đồng. Trong đó, nguyên, vật liệu tăng 33% lên 2.195 tỷ đồng do trong kỳ doanh nghiệp nhập thêm nguyên, vật liệu để phục vụ việc bảo trì và sản xuất của các nhà máy điện.

Bên cạnh đó, các khoản phải thu ngắn hạn được ghi nhận ở mức 6.565 tỷ đồng, giảm 8,8% so với đầu năm. Trong đó, khoản phải thu từ Công ty Mua bán Điện giảm 9,5% xuống chỉ còn 6.732 tỷ đồng. Điều này cho thấy PV Power thực hiện công tác thu hồi các khoản công nợ khá tốt và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong kỳ, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp chỉ còn là 23.054 tỷ đồng, giảm 5.3% so với lũy kế bán niên. Vốn chủ sở hữu tính đến cuối quý III là 32.728 tỷ đồng, bao gồm 4.550 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Tỷ lệ nợ vay tài chính/tổng nguồn vốn cũng giảm 5% so với đầu năm, do trong kỳ PV Power đã trả bớt gốc vay các khoản vay dài hạn trong nước và nước ngoài.

Nhìn chung, tình hình tài chính của PV Power vẫn đang được duy trì ở mức ổn định, công tác thu hồi cũng như hoàn trả các khoản công nợ với các đối tác  đang được thực hiện tốt. Theo nhận định từ Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI), khi các tỉnh miền Nam dỡ bỏ các chỉ thị giãn cách và các khu công nghiệp, nhà máy hoạt động trở lại thì nhu cầu điện sẽ tăng lên.

Ngoài ra, với việc NMĐ Cà Mau 1&2 đã hết khấu hao máy móc thiết bị trong năm 2021 và PV Power đã thống nhất phương án điều chỉnh PPA Cà Mau 1&2 với EVN, dự kiến giá phát điện theo PPA sẽ điều chỉnh ở mức phù hợp khi không còn chi phí khấu hao sẽ đóng góp tích cực vào lợi nhuận của POW những năm tới.

Bên cạnh đó, PV Power còn có nhiều động lực cho tăng trưởng trong tương lai từ việc đầu tư hàng loạt các dự án điện khí mới, loại hình dự kiến sẽ đóng góp khoảng 20% tổng công suất nguồn điện của cả nước vào năm 2030 theo Dự thảo quy hoạch điện VIII.

Mạnh Hùng