Quan điểm quốc tế hóa giáo dục đại học Việt Nam dựa trên kinh nghiệm quốc tế hóa giáo dục đại học của một số nước trên thế giới

TRẦN MAI ĐÔNG (Phòng Quản lý khoa học - Hợp tác quốc tế -  Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh)

Tóm tắt:

Quốc tế hóa giáo dục đại học là một trong những chủ đề được quan tâm của nhiều nhà lãnh đạo giáo dục và có ảnh hưởng sâu rộng đến sự thay đổi cấu trúc, chức năng và mô hình hoạt động của hệ thống giáo dục đại học toàn cầu. Đúc kết và tổng hợp những kinh nghiệm quốc tế hóa của các quốc gia phát triển là một tham khảo quan trọng cho định hướng quốc tế hóa giáo dục đại học của Việt Nam.

Mục đích của nghiên cứu này giúp cung cấp thêm luận cứ thực tiễn cho việc xây dựng chính sách và triển khai quá trình thực hiện nhằm đảm bảo chất lượng và hiệu quả cao cho công cuộc quốc tế hóa giáo dục đại học tại Việt Nam.

Từ khóa: Quốc tế hóa giáo dục đại học, kinh nghiệm quốc tế, chính sách.

1. Đặt vấn đề

Trong thời đại hội nhập quốc tế và thế giới phẳng ngày nay, việc tham khảo có chọn lọc những kinh nghiệm phát triển giáo dục đại học (GDĐH) nói chung và quốc tế hóa GDĐH nói riêng của các nước đi trước là rất cần thiết, giúp Việt Nam giảm thiểu được chi phí cơ hội và nhanh chóng theo kịp xu thế của thế giới. Trong đó, quốc tế hóa giáo dục (QTHGD) là một trong những chủ đề được quan tâm và có ảnh hưởng sâu rộng đến sự thay đổi cấu trúc, chức năng và mô hình hoạt động của hệ thống giáo dục đại học toàn cầu [1].

Có nhiều định nghĩa về QTH GDĐH được đưa ra, nhưng phổ biến nhất chính là: “Quốc tế hóa là quá trình nhằm tích hợp tất cả các khía cạnh quốc tế vào mục tiêu, chức năng và quá trình thực hiện giáo dục đại học” [2].

Quốc tế hóa (QTH) tại các cơ sở GDĐH đang trở thành một yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày một khắt khe về thị trường lao động chất lượng cao trong một thế giới phát triển nhanh như hiện nay [2]. Các trường ĐH tăng cường QTH để đảm bảo rằng sinh viên của mình được chuẩn bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và thái độ, để sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động toàn cầu ngày càng trở nên cạnh tranh và có ít ranh giới hơn.

Hiệu quả của việc này là một phép thử đối với chất lượng đào tạo của các trường. QTH đã trở thành một trong các tiêu chí hàng đầu để đánh giá chất lượng, đẳng cấp và thương hiệu của một cơ sở đào tạo và đã trở thành một phần quan trọng trong chiến lược phát triển của nhiều cơ sở GDĐH trên thế giới.

2. Kinh nghiệm QTH của một số nước trên thế giới

2.1. Kinh nghiệm của Trung Quốc

Trung Quốc là nước có truyền thống văn hóa Á Đông lâu đời. Cũng như tất cả các nước khác, về phương diện kinh tế, Trung Quốc có nhu cầu mạnh mẽ về quốc tế hóa và toàn cầu hóa nhằm duy trì năng lực cạnh tranh. Trong vòng ba thập kỷ, từ năm 1976, số sinh viên ở Trung Quốc lên tới gần 25 triệu người, biến Trung Quốc thành một hệ thống GDĐH lớn nhất trên thế giới [3]. Chính sách đổi mới kinh tế khiến Chính phủ Trung Quốc nhận ra nhu cầu đào tạo lực lượng chuyên môn trình độ cao để hiện đại hóa quốc gia.

Giai đoạn này Trung Quốc chủ yếu đi theo mô hình nhập khẩu: 10 trường ĐH hàng đầu của Trung Quốc đã sử dụng hầu như toàn bộ sách giáo khoa đang được dùng ở Harvard, Stanford và MIT. Từ năm 2001, chính phủ yêu cầu bắt buộc từ 5 đến 10% chương trình đào tạo ở các trường ĐH hàng đầu phải được dạy bằng tiếng Anh. Bắt đầu từ những năm 2000, khi Trung Quốc đã đạt được một mức độ phát triển kinh tế khá đáng kể, chiến lược quốc tế hóa của họ đã có sự thay đổi mạnh mẽ theo hướng nhấn mạnh hơn đến việc định vị Trung Quốc trên bản đồ GDĐH toàn cầu [4].

Điểm nổi bật của trường hợp Trung Quốc là, mặc dù tính chất thị trường hóa và cạnh tranh ngày càng có vai trò quan trọng trong bức tranh GDĐH nhưng sự kiểm soát của Chính phủ không suy giảm. Điều này thể hiện qua việc nhấn mạnh sự gắn kết giữa GDĐH với những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ và qua những quy định về quản lý nhà nước đối với các cơ sở GDĐH [4].

Điểm nổi bật thứ hai là, những nỗ lực đầu tư của nhà nước trong việc xây dựng một số trường hướng tới mục tiêu “đẳng cấp quốc tế”. Chiến lược của Trung Quốc đang tạo ra những tác động rõ rệt theo kết quả của các bảng xếp hạng ĐH toàn cầu. Tầm quan trọng của xếp hạng ĐH đã vượt xa ý nghĩa ban đầu của nó như một công cụ hỗ trợ người học chọn trường. Giờ đây nó là một hình thức định vị quốc gia có ý nghĩa chính trị và kinh tế cũng như có ảnh hưởng tới việc lựa chọn đối tác, nhất là với các hoạt động nghiên cứu - vốn ngày càng cần hợp tác và tăng tính cạnh tranh trên toàn cầu.

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng liên tục hơn 10% trong suốt 30 năm qua là kết quả của nguồn nhân lực chất lượng cao. Để đạt được điều này, Trung Quốc đã hiện đại hóa, quốc tế hóa nền giáo dục nước mình trong việc thiết kế chương trình, sách giáo khoa, kiểm tra, đánh giá theo chuẩn mực quốc tế, đào tạo giáo viên và xây dựng cơ sở vật chất. Trung Quốc chủ trương dùng tối đa các chương trình, sách giáo khoa hiện đại quốc tế và giảng dạy trực tiếp bằng tiếng Anh các môn khoa học, công nghệ; tăng cường mời giáo sư, chuyên gia, hiệu trưởng, viện trưởng là Hoa kiều hoặc người nước ngoài.

Kinh nghiệm quốc tế hóa và đổi mới giáo dục đại học của Trung Quốc được cụ thể hóa bằng các chiến lược sau:

- Về mặt quản lý của nhà nước. Đặt cơ sở cho quốc tế hóa, Trung Quốc quyết định theo đuổi chiến lược kết hợp giữa tự chủ về quản lý và trách nhiệm giải trình nghiêm ngặt. Các trường đại học được phép quyết định về mặt quản lý mà không có sự can thiệp của Nhà nước, như việc: lựa chọn giáo trình từ nước ngoài, thiết kế chương trình đào tạo, thành lập khoa, tự tuyển dụng giảng viên trong và ngoài nước, hiện đại hóa thiết bị nghiên cứu, giảng dạy… nhằm đạt được những tiêu chuẩn về chất lượng do Nhà nước đặt ra.

Bên cạnh đó, các trường đại học phải có trách nhiệm giải trình với Nhà nước về những vấn đề đang diễn ra để đảm bảo các hoạt động này vẫn đang hướng đến những mục tiêu và tầm nhìn chung về giáo dục của trường đại học và đất nước. Việc này cũng giúp bảo vệ trường học khỏi sự can thiệp hành chính.

- Về xây dựng các trường đại học tinh hoa. Trung Quốc đã rất quyết tâm xây dựng một số đại học nghiên cứu xuất sắc nằm trong chủ trương hội nhập quốc tế và chứng tỏ vị thế quốc gia. Nhà nước đầu tư cho 2 trường đại học trọng điểm là Thanh Hoa và Bắc Kinh với số tiền khoảng 225 triệu đô la Mỹ trong 3 năm đầu tiên.

Nhiều trường đại học tinh hoa hiện nay của Trung Quốc đều có nguồn gốc từ những trường theo phong cách phương Tây, được hình thành vào đầu thế kỷ XX do các nhà truyền giáo, các trí thức hay doanh nhân thời đó thành lập. Tuy nhiên, việc kế thừa này đòi hỏi một ý chí chính trị cao, vì sẽ làm thay đổi cơ bản cơ chế quản trị sẵn có.

- Về mặt phân bổ nguồn lực của nhà nước. Trung Quốc đã thay đổi tiêu chí phân bổ ngân sách nhà nước cho các trường đại học từ việc dựa vào số lượng sinh viên nhập học trước đây sang số lượng tài trợ nghiên cứu, số bằng sáng chế trường đó được cấp; hoặc các công bố khoa học của giảng viên trên các tạp chí khoa học quốc tế có bình duyệt. Điều này tạo nên tính minh bạch và áp lực cho các trường đại học phải nâng cao chất lượng cũng như đánh giá giảng viên một cách khách quan hơn.

- Về thu hút và đãi ngộ nhân tài từ nước ngoài. Chính phủ Trung Quốc tích cực thu hút các nhà khoa học và học giả hàng đầu ở nước ngoài nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Bằng chứng là, Nhà nước mạnh dạn đầu tư vào các phòng thí nghiệm, trang thiết bị nghiên cứu và ngân sách tài trợ để kêu gọi các nhà khoa học đến làm việc. Ngoài ra, các chính sách khen thưởng không giới hạn cũng như các điều kiện làm việc, tài trợ nghiên cứu… được quảng bá rộng rãi tạo nên cạnh tranh và đã thu hút được nhiều học giả trong và ngoài nước.

2.2. Kinh nghiệm của Hàn Quốc

Ở cấp độ chính sách, tiến trình quốc tế hóa GDĐH Hàn Quốc diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Hàn Quốc cải tổ Bộ Giáo dục thành Bộ Giáo dục và Phát triển Nguồn nhân lực, với ý nghĩa rõ rệt là nhấn mạnh vào yếu tố xây dựng nguồn vốn con người cho việc phát triển khoa học - công nghệ bậc cao, phục vụ cho kinh tế quốc gia. Trong đó, quốc tế hóa GDĐH là một phần quan trọng của quá trình cải cách này. Khi nghiên cứu về tiến trình quốc tế hóa của GDĐH Hàn Quốc có thể thấy, các chính sách quốc tế hóa của Chính phủ đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng năng lực cạnh tranh quốc tế của các trường đại học [5].

Cùng với hỗ trợ của Chính phủ, áp lực từ khối doanh nghiệp và nhu cầu của nền kinh tế đã thúc đẩy các trường đại học đổi mới và tăng cường quốc tế hóa. Quốc tế hóa của GDĐH Hàn Quốc gắn chặt với nhu cầu nhân lực kỹ năng cao và chiến lược phát triển của quốc gia. Vì thế, nó được thực hiện một cách có hệ thống và được hỗ trợ bởi những nỗ lực cải cách về quản trị, chẳng hạn như chủ trương phi tập trung hóa, cấp tài trợ dựa trên kết quả hoạt động và xây dựng những thước đo nhằm đánh giá kết quả hoạt động của các trường.

Các tiêu chí được sử dụng để đo lường mức độ quốc tế hóa của một trường đại học tại Hàn Quốc là: (1) Số môn học được dạy bằng tiếng Anh; (2) Số lượng giảng viên quốc tế; (3) Số lượng sinh viên quốc tế; (4) Số thỏa thuận hợp tác đã ký với các trường nước ngoài; (5) Số lượng hội thảo/sinh hoạt học thuật quốc tế do nhà trường tổ chức hàng năm; (6) Ký túc xá cho sinh viên quốc tế; (7) Tài trợ của Chính phủ cho các hoạt động quốc tế.

2.3. Kinh nghiệm của Hoa Kỳ

Hoa Kỳ là một trường hợp nổi bật về quốc tế hóa GDĐH do được tiến hành từ rất sớm và đạt được những thành quả đáng kể, không chỉ trong bản thân lĩnh vực quốc tế hóa GDĐH mà còn là đóng góp của việc quốc tế hóa GDĐH cho sự phát triển của quốc gia. Do tính tự chủ của các trường đại học Mỹ rất cao, những nỗ lực và hành động hướng tới quốc tế hóa GDĐH chủ yếu là những sáng kiến và hành động ở cấp trường.

Có thể nêu vài ví dụ điển hình về chiến lược quốc tế hóa của các trường đại học Mỹ như sau [7]; (1) Trường ĐH Kỹ thuật Virginia tuyên bố một tầm nhìn hướng tới vị trí đại học đẳng cấp thế giới qua việc nhấn mạnh 7 kế hoạch chiến lược nhằm thực hiện quốc tế hóa; (2) Tại ĐH Pennsylvania, các nhà lãnh đạo giúp các trưởng khoa xây dựng kế hoạch 5 năm với những mục tiêu về giáo dục quốc tế, đưa ra những chuyên ngành có tính chất quốc tế và khuyến khích giảng viên tái thiết kế cũng như tăng cường quốc tế hóa nội dung môn học.

Có thể cho rằng, Hoa Kỳ là nơi đi đầu trong làn sóng quốc tế hóa GDĐH. Hiện nay, có những trường đại học của Mỹ mà một nửa số trưởng khoa của họ là những người sinh ra ở nước ngoài. Con số các nhà khoa học có nguồn gốc từ nước ngoài đến Hoa Kỳ làm việc và lập nghiệp đã tăng gấp 3 lần trong vòng hơn một thập kỷ và chiếm 1/3 tổng số các nhà khoa học Mỹ vào năm 2006 [8], và theo thống kê năm 2011 cho thấy tỉ lệ này vẫn tiếp tục được duy trì [9].

Trong năm học 2006-2007, nước Mỹ đã gửi 223.534 sinh viên ra nước ngoài để học tập và tiếp nhận 582.984 sinh viên quốc tế đến học tại các trường đại học của Hoa Kỳ. Năm 2016, hai số liệu tương ứng theo thứ tự là 313.415 và 1.043.839, cho thấy mức độ thành công trong việc thu hút sinh viên quốc tế của Hoa Kỳ [6].

Một công trình nghiên cứu về quốc tế hóa GDĐH tại 183 trường đại học Hoa Kỳ do ĐH Washington State hỗ trợ thực hiện đã kết luận 5 nhân tố quyết định thành công là [8]: (1) Nguồn lực; (2) Yêu cầu bắt buộc đối với tính quốc tế hóa trong hoạt động của trường; (3) Năng lực quản lý và lãnh đạo nhà trường; (4) Việc tổ chức thực hiện (cơ cấu, sự nối kết giữa các bộ phận, văn hóa nội tại) và môi trường bên ngoài (nhận thức toàn cầu, đòi hỏi của các bên liên quan, lợi ích đạt được).

2.4. Kinh nghiệm của một số nước châu Âu

Không như các trường ĐH Hoa Kỳ tiếp cận quốc tế hóa một cách riêng lẻ, các nước châu Âu có cách tiếp cận tổng hợp hơn. Ủy ban Châu Âu hỗ trợ cho những nỗ lực quốc tế hóa thông qua những chương trình tổng thể như: Erasmus, Tempus. Chương trình Tempus đặc biệt chú trọng tới các nước láng giềng trong khi đó thì Erasmus Mundus thì có tính toàn cầu nhiều hơn.

Dưới đây là một số kết quả của chương trình ERASMUS: (1) 1,2 triệu sinh viên được hưởng lợi qua những chương trình học tập tại nước ngoài; (2) Hệ thống Chuyển đổi Tín chỉ Châu Âu (European Credit Transfer System (ECTS) hiện nay đã được phổ biến và được chấp nhận rộng rãi; (3) Những dự án hợp tác trong việc xây dựng chương trình; (4) Thực hiện liên kết giữa 2.199 trường đại học tại 31 quốc gia; (5) Ngân sách 159 triệu EUR, 144.000 sinh viên, 21.000 giáo viên [9].

Hai năm một lần Bộ trưởng Giáo dục các nước đã ký văn bản thỏa thuận sẽ họp lại để đánh giá tiến trình và xác lập những ưu tiên cho kế hoạch hành động. Nổi bật nhất trong số những nỗ lực quốc tế hóa GDĐH ở châu Âu là Tiến trình Bologna. Tiến trình Bologna có mục đích tạo ra một không gian chung cho giáo dục đại học châu Âu, trong đó sinh viên có thể lựa chọn nhiều khóa học/chương trình học chất lượng cao và hưởng lợi từ những thủ tục công nhận văn bằng lẫn nhau giữa các trường [10].

Sau đây là những đặc điểm cơ bản của Tiến trình Bologna: (1) Thông qua một hệ thống văn bằng có thể đối sánh và công nhận một cách dễ dàng; (2) Xây dựng hệ thống tín chỉ chung; (3) Thúc đẩy sự trao đổi giảng viên và sinh viên; (4) Thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia châu Âu trong việc bảo đảm chất lượng; (5) Thúc đẩy định hướng châu Âu trong giáo dục đại học.

Nỗ lực gần đây nhất của tiến trình Bologna là ban hành Bộ tiêu chuẩn và hướng dẫn về đảm bảo chất lượng trong GDĐH ở châu Âu vào năm 2015 nhằm giúp các nước thành viên có một nền tảng chung về chuẩn mực chất lượng. Như vậy có thể thấy, những nỗ lực quốc tế hóa GDĐH ở châu Âu trong vòng 2 thập kỷ qua chủ yếu là nhấn mạnh vào khía cạnh quốc tế hóa chương trình đào tạo, văn bằng và các chuẩn mực đảm bảo chất lượng.

3. Đúc kết kinh nghiệm quốc tế hóa và kiến nghị chính sách

Từ nghiên cứu xu thế và thực tiễn QTH GDĐH của một số nước trên thế giới, chúng ta có thể rút ra một số luận điểm sau đây:

Ở cấp chính sách, vĩ mô:

Quốc tế hóa giáo dục đại học là một xu thế tất yếu trong phát triển GDĐH của các quốc gia trên thế giới. Nó xuất phát từ đòi hỏi của thị trường lao động cần kiến thức, kỹ năng theo chuẩn mực quốc tế; đòi hỏi người lao động có năng lực thích nghi và làm việc trong môi trường đa văn hóa. Ngoài ra, ở những quốc gia có cơ chế quản lý GDĐH tập trung - như một số nước châu Âu và châu Á, để QTHGD thành công thì Chính phủ các nước cần phải có chiến lược, kế hoạch hỗ trợ các trường đại học trong QTH, trong đó chính sách hỗ trợ tài chính có vai trò tiên quyết. Tự chủ đại học là một điều kiện hàng đầu nhằm thúc đẩy QTH và phát triển đại học.

Ở cấp cơ sở giáo dục đào tạo:

Các trường đại học cần xây dựng chiến lược, kế hoạch rõ ràng, đưa vấn đề QTH vào tất cả các khía cạnh của trường như tầm nhìn, sứ mệnh, kế hoạch hay vào các lĩnh vực như giảng dạy, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, các trường đại học cần có đội ngũ lãnh đạo sáng suốt, mạnh mẽ, tạo được sự đồng thuận về QTH cao trong tất cả các bộ phận và cũng cần có đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên chuyên nghiệp để đáp ứng yêu cầu QTH.

Nội dung chương trình và phương pháp dạy học tại các trường đại học cần được thiết kế theo hướng hội nhập quốc tế, có tính mở cao, được cập nhật thường xuyên để phù hợp với yêu cầu của ngành nghề trên thị trường lao động; văn bằng cần được công nhận quốc tế.

Ngoài ra, nghiên cứu khoa học nên có sự kết nối với các đối tác nước ngoài để cùng huy động quỹ, cùng nghiên cứu và cùng công bố quốc tế. Các trường đại học cần có sự kết hợp với các doanh nghiệp ngoài nước để hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

Để thu hút sinh viên quốc tế, các trường cần chú trọng các yếu tố hấp dẫn sinh viên như: cơ hội việc làm sau tốt nghiệp; môi trường học tập chuẩn quốc tế; được hỗ trợ, tư vấn khi cần; được sống trong môi trường an toàn, đa văn hóa, tham gia các hoạt động ngoại khóa; hỗ trợ học bổng; chính sách học phí; hỗ trợ việc làm và có chính sách quan tâm đến sinh viên sau tốt nghiệp.

4. Kết luận

Là một nước đi sau trong tiến trình quốc tế hóa GDĐH, những kinh nghiệm quốc tế hóa của các quốc gia được phân tích ở trên là một tham khảo tốt cho định hướng quốc tế hóa giáo dục đại học của Việt Nam; giúp cung cấp thêm luận cứ thực tiễn cho việc xây dựng Đề án quốc tế hóa giáo dục đại học, cả ở cấp độ chính sách của Chính phủ lẫn cấp độ quản trị của các cơ sở GDĐH.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Altbach, P. G. Patterns in higher education development. In P. G. Altbach, R. O. Berdahl & P. J. Gumport (Eds.), American higher education in the twenty-first century, 2005, 15-37.
  2. Altbach, P.G. The company we keep: A cautionary tale [Web blog post]. Xem: http://www.insidehighered.com/blogs/the_world_view/the_company_we_keep_a_cautionary_tale, truy cập ngày 02/12/2019.
  3. Bon, P. Higher education is the beating heart of society, Paper presented at the Conference on Vietnam’s Education: The Nation’s Life’s Breath, Hochiminh City, Vietnam, 13 November, Xem: http://www.uef.edu.vn/resources/ky_yeu_hoi_thao/25_higher_education_is_the_beating_heart_of_society.pdf , truy cập ngày 05/12/2019.
  4. Bui A. Higher education quality accreditation in Vietnam, Department of Testing and Accreditation, MOET. Xem: http://www.educationuk.org/userfiles/file/SG_TNE_QA_05_DrBuiAnhTuan.pdf , truy cập ngày 05/12/2019.
  5. Bui V.G. Internationalising higher education from a different angle, Going Global 2014 British Council, Xem: http://issuu.com/bceastasia/docs/ihe-newsletter-issue-3, truy cập ngày 08/12/2019.
  6. Hayden, M. Developing a globally integrated higher education system in Vietnam: A nine-point plan, National Conference: Vietnamese Higher Education in the Era of Globalization, Nov 9, Ho Chi Minh City. Xem: http://gddhhoinhapquocte.vnuhcm.edu.vn/site/en/?p=344#_ftn7, truy cập ngày 08/12/2019.
  7. Henson, J. , Noel, J. C., Gillard-Byers, T. E. & Ingle, M. D. Internationalizing U.S. Universities: Preliminary Summary of a National Study. Presented at the Conference on Internationalizing U.S. Universities, June 5-7 in Spokane, Washington. Reprinted in Washington State University, l990.
  8. Huang, F. Transactional higher education in Asia and the Pacific Region, in F. Huang (ed), RIHE International Publication Series No.10, Hiroshima University, Japan, 2006, 21-34.
  9. Huang, F. Internationalization of Higher Education in the Developing and Emerging Countries: A Focus on Transnational Higher Education in Asia. Journal of Studies in International Education, 11 (¾), 2007, 421-432.
  10. Nguyễn Văn Tuấn. Năng suất khoa học Việt Nam qua công bố quốc tế 2001-2015, Tạp chí Khoa học & Công nghệ Việt Nam, 10, 2016, pp. 49-54.

The view of Vietnam about higher educational internationalization based on experiences of some countries

Dr. TRAN MAI DONG

Department of Research Administration - International Relations, University of Economics Ho Chi Minh City

Abstract

Higher educational internationalization is one of top concerns of educational leaders around the world and it has significantly affected changes in structure, function and model of the global education system. It is essential for educational policy markers at Vietnam to review, summarize and study experiences of other countries in higher educational internationalization. This study is to provide more practical evidence for the development and implementation of higher education policies in order to ensure the quality and efficiency of the higher educational internationalization process in Vietnam.

Keywords: Higher educational internationalization, international experiences, policies.