Quan điểm thực hiện pháp luật về viên chức trong trường đại học ở Việt Nam

TS. NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội)

TÓM TẮT:

Để đạt được mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, việc xây dựng, phát triển đội ngũ viên chức trong các trường đại học thông qua việc tạo lập nền tảng pháp lý vững chắc với các văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao là cần thiết. Thực hiện pháp luật về viên chức trong trường đại học ở Việt Nam hiện vẫn theo mô hình áp dụng chung với mọi dạng viên chức nhà nước, chưa tính đến những đặc thù của môi trường giáo dục đại học, vì vậy gây ra những trở ngại cho việc quản lý, sử dụng và phát huy tiềm năng tri thức, sức sáng tạo và chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ viên chức trong các trường đại học, hạn chế những đóng góp của họ với việc đổi mới toàn diện giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng ở nước ta. Do vậy, cần phải bảo đảm thực hiện pháp luật về viên chức trong trường đại học trên quan điểm phù hợp với đặc thù môi trường giáo dục đại học và yêu cầu đổi mới giáo dục đại học.

Từ khóa: Pháp luật, viên chức, trường đại học.

1. Thực hiện pháp luật về viên chức trong trường đại học cần gắn với việc bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường đại học

Trên thế giới có nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm “tự chủ đại học” tùy theo nhận thức, quan niệm về vai trò của nhà nước đối với giáo dục đại học. Ở các nước châu Âu, tự chủ đại học được nhìn nhận từ khía cạnh quản lý nhà nước và khía cạnh trường đại học.

Xét ở cấp độ thể hiện, tự chủ có thể được thể hiện ở cấp độ giữa trường đại học với nhà nước và cấp độ giữa trường với các bộ phận trong trường. Tự chủ cũng có thể chỉ có tính chất thủ tục hình thức (quyền quyết định các phương tiện, cách thức để đạt đến mục tiêu đã được xác định trước), hoặc tự chủ có tính chất thực chất (quyền quyết định các mục tiêu cũng như chương trình hoạt động của chính nhà trường).

Xét ở lĩnh vực thể hiện, tự chủ trường đại học có thể xem xét ở bốn lĩnh vực chính là cơ cấu tổ chức, tài chính, nhân sự và học thuật. Tự chủ trong các lĩnh vực này có mối quan hệ khăng khít và cần được thực hiện đồng bộ.

Trên thế giới, tự chủ đại học được xem là yếu tố cơ bản trong quản trị đại học. Báo cáo tổng quan về xu thế quản trị đại học trên thế giới của World Bank đã khái quát bốn mô hình quản trị đại học với các mức độ tự chủ khác nhau; đó là mô hình nhà nước kiểm soát hoàn toàn (ví dụ: ở Malaysia), mô hình bán tự chủ (như ở Pháp và NewZealand), mô hình bán độc lập (ở Singapore) và mô hình độc lập (ở Anh, Úc). Tuy nhiên, trong mô hình nhà nước kiểm soát, cơ sở giáo dục đại học vẫn được hưởng một mức độ tự chủ nhất định, vì nhà nước không thể kiểm soát được tất cả các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học bởi những lý do tài chính và thực tiễn; bên cạnh đó, trong mô hình độc lập vẫn có những quy định về quyền của nhà nước nắm giữ một số kiểm soát về mặt chiến lược và có quyền yêu cầu giải trình của các cơ sở giáo dục đại học.

Mặt khác, các cơ sở giáo dục đại học sẽ vận hành tốt hơn nếu họ được nắm vận mệnh của chính mình. Tự chủ sẽ tạo động lực để họ chủ động, đổi mới nhằm đạt hiệu quả cao hơn trong quá trình hoạt động, tạo điều kiện đa dạng hóa các hoạt động giáo dục. Vì vậy, xu hướng chung trên toàn cầu hiện nay là chuyển dịch dần từ mô hình nhà nước kiểm soát sang nhà nước giám sát, tăng cường mức độ tự chủ cho các trường đại học.

Ở Việt Nam, các trường đại học đã dần được thực hiện quyền tự chủ, thể hiện qua các văn bản pháp luật của Nhà nước. Tại Điều 10, Điều lệ trường đại học được ban hành theo Quyết định số 153/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định: “Trường đại học được quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường, tổ chức các hoạt động đào tạo, khoa học, công nghệ, tài chính, quan hệ quốc tế, tổ chức và nhân sự”. Ngày 10/12/2014, Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ trường đại học thay thế Quyết định số 153/2003/QĐ-TTg đã tiếp tục ghi nhận nội dung về “quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm” của các trường đại học. Nghị quyết số 14/2004/NQ-CP của Chính phủ ngày 02/11/2005 về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020 tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của việc hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục đại học theo hướng bảo đảm quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của cơ sở giáo dục đại học, sự quản lý của Nhà nước và vai trò giám sát, đánh giá của xã hội đối với giáo dục đại học; theo đó, đổi mới cơ chế quản lý cần chuyển các cơ sở giáo dục đại học công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, có tư cách pháp nhân, có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về đào tạo, nghiên cứu, tổ chức, nhân sự và tài chính; xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, xây dựng cơ chế đại diện sở hữu nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập. Điều 14 Luật Giáo dục năm 2005 quy định về việc thực hiện phân công, phân cấp quản lý giáo dục, tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục.

Luật Giáo dục đại học được ban hành đã quan tâm tới vấn đề tự chủ của các trường đại học, thể hiện trong các quy định về Hội đồng trường, Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học, tuyển sinh, chương trình giáo dục, văn bằng, học phí, lệ phí tuyển sinh… Tại khoản 1 Điều 32 Luật Giáo dục đại học quy định: Các trường đại học tự chủ trong các hoạt động chủ yếu thuộc các lĩnh vực tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học. Cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ ở mức độ cao hơn phù hợp với năng lực, kết quả xếp hạng và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục.

Tự chủ gắn liền với tự chịu trách nhiệm của các trường đại học. Trong các tài liệu về giáo dục đại học ở các nước phát triển, thuật ngữ “tự chịu trách nhiệm” được giải thích với nhiều nội dung khác nhau. Đó là trách nhiệm liên quan trước hết tới những người có thẩm quyền và quy định họ cần thực thi nhiệm vụ của họ như thế nào; trách nhiệm sẵn sàng giải thích các quyết định có kèm theo bằng chứng khi sinh viên, đồng nghiệp hoặc bất kỳ ai hỏi hoặc là trách nhiệm được giao quyền lực trước một cá nhân hoặc một nhóm người nào đó.

Luật Giáo dục, Điều lệ trường đại học ở Việt Nam đều quy định về nội dung “tự chịu trách nhiệm” của các trường đại học. Giống các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam quy định “tự chịu trách nhiệm” là “trách nhiệm” của các cơ sở giáo dục đại học trước cơ quan quản lý cấp trên, trước người học, trước cơ sở sử dụng sinh viên sau tốt nghiệp và trước toàn thể xã hội.

Quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các trường đại học luôn là hai mặt không thể tách rời trong mọi hoạt động của một nhà trường; tự chủ nhằm bảo đảm hiệu quả và hiệu suất cao trong khi tự chịu trách nhiệm chủ yếu là để bảo đảm chất lượng và công bằng xã hội trong giáo dục đại học. Quyền tự chủ càng lớn thì trách nhiệm xã hội càng cao. Tất cả các lĩnh vực mà cơ sở giáo dục đại học được trao trách nhiệm tự ra quyết định thì phải bảo đảm tính minh bạch, đúng khuôn khổ pháp luật và phải chịu trách nhiệm về các quyết định ấy. Đồng thời, để các cơ sở giáo dục đại học chịu trách nhiệm với kết quả hoạt động của mình, đòi hỏi lãnh đạo cơ sở giáo dục đó phải chịu trách nhiệm với các hoạt động của cơ sở mình.

Để giáo dục đại học Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đổi mới và hội nhập giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục đại học phải được bảo đảm tính tự chủ trong các hoạt động, đồng thời tự chịu trách nhiệm trước toàn xã hội về mọi hoạt động của nhà trường. Việc bảo đảm về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường đại học được thể hiện rõ nét trong bảo đảm pháp luật về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội của trường đại học. Cụ thể: Nhà nước quy định bằng pháp luật các quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường đại học; tạo ra những điều kiện thuận lợi cho các trường đại học thực hiện các quyền đó và Nhà nước thực hiện việc kiểm tra, thanh tra, giám sát bảo đảm cho việc thực hiện các quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đúng với mục tiêu, chính sách của Nhà nước.

Ở nước ta hiện nay, đối với việc thực hiện pháp luật về viên chức, quyền tự chủ của các trường đại học thể hiện rõ nét trong các quyết định về nhân sự, tài chính. Đó là việc chủ động xây dựng vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và quản lý viên chức, người lao động theo quy định của pháp luật; thuê hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ. Đó là quyền tự chủ trong chi đầu tư và chi thường xuyên; về chi tiền lương và thu nhập tăng thêm; về trích lập các quỹ; tự chủ trong giao dịch tài chính và cho phép các trường đại học công lập được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp. Việc tự chủ về nhân sự, tài chính đối với các trường đại học sẽ giúp hạn chế những tiêu cực trong giáo dục của nước ta do việc định giá không đúng và chi trả thấp cho các hoạt động giáo dục. Trên cơ sở đó, lương giảng viên, viên chức được chi trả thỏa đáng, bảo đảm cho cuộc sống của họ và gia đình họ, tạo điều kiện cho họ yên tâm làm việc, cống hiến hết mình cho sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà.

2. Thực hiện pháp luật về viên chức trong trường đại học cần đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ đối với việc thực hiện pháp luật về viên chức nói chung

Tính thống nhất, đồng bộ đối với việc thực hiện pháp luật về viên chức trong trường đại học được thể hiện, trước tiên, trong việc thực hiện các mục tiêu chính sách của Đảng và Nhà nước. Việc thực hiện pháp luật về viên chức trong trường đại học phải thể chế hóa và phục vụ cho mục đích, định hướng điều chỉnh các quan hệ pháp luật về viên chức, tạo nên tính thống nhất, đồng bộ trong tư tưởng chỉ đạo cũng như phương thức thực hiện các quy phạm pháp luật về viên chức.

Một yêu cầu nữa đặt ra để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ đối với việc thực hiện pháp luật về viên chức trong trường đại học là cần coi trọng và kết hợp tất cả các hình thức thực hiện pháp luật. Mặc dù thực hiện pháp luật về viên chức trong trường đại học do nhiều chủ thể khác nhau tiến hành và với nhiều cách thức khác nhau, song việc thực hiện các quy phạm pháp luật này đều phải được thực hiện thống nhất, đồng bộ và nghiêm túc.

Mặt khác, trong quá trình thực hiện pháp luật về viên chức trong trường đại học, cần đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống quy phạm pháp luật có liên quan. Điều đó giúp cho các hoạt động thực hiện pháp luật được thực hiện trong khuôn khổ luật định, bảo đảm “thượng tôn pháp luật”, đồng thời đạt hiệu quả cao do điều chỉnh thống nhất và tốt nhất các quan hệ pháp luật về viên chức.

3. Thực hiện pháp luật về viên chức trong trường đại học cần bảo đảm sự minh bạch và bình đẳng, quyền và lợi ích chính đáng, đặc biệt là quyền “tự do học thuật” của viên chức

Giáo dục đại học có vị trí quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực. Giáo dục đại học với chủ thể là viên chức, đội ngũ giảng viên là con đường ngắn nhất và khoa học nhất để truyền thụ tri thức cho học sinh, sinh viên một cách có hệ thống và hiệu quả. Đội ngũ giảng viên, viên chức là lực lượng nòng cốt thực hiện mục tiêu giáo dục, là người xây dựng cho học sinh, sinh viên thế giới quan và nhân sinh quan tiến bộ, trang bị tri thức và phương pháp tư duy khoa học, khả năng làm việc độc lập, sáng tạo. Vì vậy, vai trò của đội ngũ viên chức, giảng viên rất quan trọng. Do đó, bảo đảm sự minh bạch và bình đẳng, quyền và lợi ích chính đáng của viên chức trong quá trình thực hiện pháp luật chính là nhằm tác động tích cực tới chất lượng viên chức, chất lượng đào tạo phù hợp với quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ mới. Ngoài ra, thực hiện pháp luật về viên chức trong trường đại học cần bảo đảm tốt chính sách, chế độ đãi ngộ đối với giảng viên, giáo sư, phó giáo sư. Bởi giảng viên là lực lượng nòng cốt, họ có vai trò và vị trí rất đặc biệt, quan trọng trong công tác đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ (các trí thức) có trình độ cao.

Sứ mệnh của trí thức đại học là phát triển toàn diện con người bằng khoa học và văn hóa; điều kiện của phát triển là tự do nghiên cứu, sáng tạo và giảng dạy. Giáo sư Ngô Bảo Châu (người đã từng đoạt giải Fields năm 2010), với trải nghiệm sâu sắc của mình trong quá trình sinh sống, học tập, nghiên cứu và giảng dạy ở Pháp và Mỹ đã hiểu ra rằng: Môi trường khoa học lành mạnh là điều kiện tiên quyết cho sự trưởng thành của các nhà khoa học trẻ. Môi trường khoa học lành mạnh chính là nơi học thuật và đạo đức trong học thuật luôn được xếp vị trí đầu tiên cùng với sự bình đẳng giữa các nhà khoa học không phân biệt già trẻ, cũng như sự tự do tuyệt đối trong nghiên cứu khoa học [1, tr. 474].

Các tác giả James M.Banner, Jr.& Harold C.Cannon cũng nhận định, trong khi chuyên môn sư phạm là điều cần thiết thì nói cho cùng dạy học vẫn là một công việc đầy sáng tạo: nó làm mới lại những kiến thức hiện có bằng những nỗ lực không mệt mỏi của trí tuệ và tâm hồn người thầy giáo. Đó là việc sáng tạo ra cái mới chỉ từ những thành phần đã có được sắp xếp với nhau một cách nghệ thuật. Và giống như mọi nghệ thuật, nó được tạo nên bởi lòng tin và sự kỳ vọng rằng các nỗ lực của chúng ta trong việc mở mang tri thức cho những người khác sẽ bằng nhiều cách nào đó “đến được” với họ [2].

Tại mục VIII văn kiện “Khuyến nghị của UNESCO về vị thế của nhà giáo” cũng khẳng định:

Nghề giảng dạy nên có tự do dạy học trong việc thực hiện nhiệm vụ nghề nghiệp. Bởi vì giáo viên có đủ tiêu chuẩn đặc biệt để đánh giá phương pháp và hỗ trợ giảng dạy phù hợp với học sinh của mình, nên trao cho họ những vai trò quan trọng về lựa chọn và chấp nhận tài liệu giảng dạy, sự lựa chọn sách giáo khoa và áp dụng các phương pháp giảng dạy, trong khuôn khổ của chương trình đã được tán thành và với sự hỗ trợ của các nhà chức trách về giáo dục.

“Tự do học thuật” được coi là một yếu tố quan trọng đánh giá thực hiện pháp luật về viên chức trong trường đại học. Tự do học thuật được hiểu là một thành tố không thể thiếu cho mọi đại học lý tưởng và trường đại học được xem như nơi mà các giá trị cơ bản được tự do trình bày, tranh luận và nghiên cứu; học giả có quyền theo đuổi những ý tưởng nhất quán với sứ mệnh của đại học mà không bị chi phối hay áp đặt bởi chính trị, kinh tế, tôn giáo hay quyền lực. Việc bảo đảm quyền tự do sáng tạo, phát triển nghề nghiệp của nhà giáo đã được quy định trong khuyến nghị của UNESCO về vị thế của nhà giáo; trong pháp luật của nhiều nước trên thế giới và trong Hiến pháp, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học của Việt Nam. Việc ghi nhận quyền “tự do học thuật” và bảo đảm thực hiện quyền tự do đó đối với viên chức trong trường đại học là cơ sở đánh giá sự tiến bộ, hiệu quả của hoạt động thực hiện pháp luật về viên chức trong trường đại học.

4. Thực hiện pháp luật về viên chức trong trường đại học cần tính đến đặc thù của môi trường giáo dục đại học

Tính chất đặc trưng của hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam là tính tập trung. Nghĩa là, hệ thống giáo dục đại học được quản lý trực tiếp bởi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc một bộ thuộc Chính phủ (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Các cơ quan nhà nước này trực tiếp đưa ra những phương hướng chỉ đạo, những quy định pháp luật điều chỉnh các trường đại học.

Bên cạnh đó, một nguyên lý quan trọng khác của môi trường giáo dục đại học là sự thống nhất chặt chẽ giữa giảng dạy và nghiên cứu. Trong những năm qua, do nhiều nguyên nhân khác nhau, hệ thống giáo dục đại học ở nước ta vẫn tách rời các trường đại học với hệ thống các viện nghiên cứu quan trọng, làm giảm sút vai trò cũng như chất lượng, hiệu quả của hoạt động chuyên môn của các trường đại học. Vì vậy, trong quá trình áp dụng các quy định pháp luật về viên chức trong trường đại học vào thực tiễn không thể không xem xét đến tính chất đặc trưng này.

Đặc trưng thứ ba của môi trường giáo dục đại học là “quyền tự chủ” và “trách nhiệm xã hội” của các trường đại học - cái lõi của vấn đề quản trị giáo dục đại học và “quyền tự do học thuật”. Do đó, thực hiện pháp luật về viên chức trong trường đại học ở Việt Nam nhằm xây dựng được những trường đại học “đẳng cấp thế giới”, phải hết sức coi trọng và bảo đảm thực hiện được những yếu tố đặc thù đó của môi trường giáo dục đại học.

5. Thực hiện pháp luật về viên chức trong trường đại học cần phù hợp với các yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học

Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học ở nước ta được hiểu là tiến hành cải cách giáo dục đại học: Khẳng định tư tưởng chỉ đạo phát triển giáo dục đại học theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, cải cách các điều kiện tác động trực tiếp đến sự nghiệp phát triển giáo dục đại học như nội dung chương trình, phương pháp, quy trình đào tạo, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, đầu tư nguồn lực tài chính, phương tiện giáo dục, phân cấp quản lý, môi trường giáo dục đại học...

Thực hiện pháp luật về viên chức trong trường đại học cần phù hợp với các yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học.

Trước hết, thực hiện pháp luật về viên chức trong trường đại học phải bảo đảm đúng định hướng, tư tưởng chỉ đạo tiến hành cải cách giáo dục đại học nêu trên, góp phần tạo được chuyển biến cơ bản về chất lượng, hiệu quả và quy mô của giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế và nhu cầu học tập của nhân dân, thích ứng với cơ chế thị trường định hướng XHCN.

Thứ hai, thực hiện pháp luật về viên chức trong trường đại học gắn với đổi mới quản lý giáo dục đại học theo hướng nâng cao tính tự chủ, trách nhiệm xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của từng trường và của toàn bộ hệ thống; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục.

Thứ ba, thực hiện pháp luật về viên chức trong trường đại học phải phát huy được vai trò chủ thể của công cuộc đổi mới giáo dục đại học là các trường đại học mà nòng cốt là đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, các nhà khoa học.

Thực hiện pháp luật về viên chức trong trường đại học là cơ sở bảo đảm mục tiêu, chất lượng giáo dục trong bối cảnh hội nhập quốc tế về giáo dục phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam. Bởi vì giáo dục là nhân tố có tầm quan trọng bậc nhất, không chỉ góp phần làm nên sự nghiệp một con người, mà còn là động lực làm nên lịch sử của cả một dân tộc. Và viên chức trong trường đại học, phần lớn là nhà giáo với nghề dạy học, một nghề cao quý, một nghề sáng tạo, chính là lực lượng chủ đạo làm nên thành công của sự nghiệp giáo dục, đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao cho xã hội, xây dựng nên sự nghiệp giáo dục. Chính các quy định phù hợp của pháp luật về viên chức trong trường đại học là cơ sở hành động và động lực thúc đẩy viên chức tích cực, chủ động tham gia vào quá trình dạy và học, phát huy tiềm năng sáng tạo, kinh nghiệm và tâm huyết của mình, nâng cao chất lượng, hiệu quả của sự nghiệp giáo dục, nhằm đào tạo được nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của xã hội, của dân tộc và thời đại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Ngô Bảo Châu, Pierre Daurriulat, Cao Huy Thuần, Hoàng Tụy, Nguyễn Xuân Xanh, Phạm Xuân Yêm (2011), Đại học Humboldt 200 năm (1810-2010): Kinh nghiệm thế giới và Việt Nam, Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội.

2. James M.Banner, Jr.& Harold C.Cannon (2009), Những yếu tố cơ bản của nghề dạy học, Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn và Trường Đại học Hoa Sen.

OPINION ON THE IMPLEMENTATION OF LAWS RELATED

TO OFFICIALS WORKING IN UNIVERSITIES IN VIETNAM

Ph.D. NGUYEN THI THU HUONG

Hanoi University of Industry

ABSTRACT:

In order to have high-quality human resources for society, it is important to have a solid legal framework with high effectiveness legal documents for developing officials of Vietnamese universities. The implementation of laws related to officials of universities is still a general model for all forms of the States officials, regardless specific characteristics of higher education. It causes challenges for managing and using potentials of officials working in universities including their valuable knowledge, creativity and skills. It also limits contribution of officials to the radical and comprehensive renovation of Vietnam’s education and tranining sector in general and the higher education in particular. Therefore, the implementation of laws related to officials working in universities need to be based on specific characteristics of the higher education and requirements of the higher education reforms.

Keywords: Law, official, university.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 02 tháng 02/2017 tại đây