Quản lý nhà nước về báo chí, báo chí điện tử ở một số nước và những gợi mở cho Việt Nam trong công tác quản lý nhà nước về báo chí điện tử

ThS. NGUYỄN MINH THẮNG (Phó trưởng Phòng Quản lý nghiên cứu khoa học, T3 - Bộ Công an)

TÓM TẮT:

Bài báo cho chúng ta thấy cách thức quản lý nhà nước về báo chí, báo chí điện tử ở ba nước (Trung Quốc, Singapore, Anh Quốc) là những nước có nền báo chí và phương tiện truyền thông đại chúng phát triển mạnh. Các quy định của pháp luật về báo chí và internet cụ thể, rõ ràng, có định hướng. Qua đây, gợi mở với cơ quan chức năng hướng quản lý nhà nước về báo chí điện tử và tất cả các loại hình truyền thông khác trên internet, mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Twit-ter, YouTube… đồng thời, củng cố xây dựng đội ngũ quản lý nhà nước về báo chí điện tử và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về báo chí điện tử.

Từ khóa: Quản lý nhà nước về báo chí điện tử.

  1. Đặt vấn đề

Báo chí, báo chí điện tử có vai trò vô cùng quan trọng trong xã hội, có tác động rất lớn đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Chính vì vậy, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có những quy định cụ thể để quản lý thông tin trên báo chí, báo chí điện tử và internet, thông qua các đạo luật, hiệp hội báo chí và quy tắc đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Cách thức tiến hành quản lý khác nhau, nhưng bản chất hoạt động báo chí vẫn phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành mỗi nước.

  1. Quản lý báo chí điện tử ở Trung Quốc

Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) là một trong những quốc gia trên thế giới quản lý nhà nước về báo chí, đặc biệt đối với báo chí điện tử, thông tin trên internet tương đối chặt chẽ. Trước năm 1998, Trung Quốc quản lý báo chí và hoạt động báo chí theo cơ chế tập trung, có kế hoạch tương đối cụ thể. Giai đoạn từ năm 1998-2003, Trung Quốc tiến hành ba đợt chỉnh đốn và cải cách báo chí vào các năm (1998, 2000,2003), theo hướng cải cách thể chế và cơ chế quản lý phù hợp với nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa mang mầu sắc Trung Quốc. Báo chí Trung Quốc hoạt động dưới sự chỉ đạo của Đảng và quản lý của nhà nước thông qua Ban Tuyên truyền và Quốc vụ Viện. Ban Tuyên truyền trực thuộc Trung ương và chỉ đạo báo chí bằng đường lối, bằng công tác cán bộ, chỉ đạo trực tiếp các sự kiện quan trọng, phức tạp và nhạy cảm. Quốc vụ Viện là cơ quan quản lý nhà nước đối với báo chí. Đơn vị trực tiếp giúp Ban Tuyên truyền và Quốc vụ Viện Quản lý báo chí là Tổng nha Báo chí - Xuất bản. Cơ quan này có nhiệm vụ kiểm soát về nội dung các sản phẩm của truyền thông và báo chí điện tử. Quy định của nhà nước Trung Quốc cấm đưa những thông tin phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng xấu đến Đảng và Nhà nước Trung Quốc. Những thông tin này khi đăng phải được sự đồng ý của cơ quan cấp trên. Nhà báo không được hoạt động và đưa tin vượt khỏi vùng địa lý và mảng chuyên đề phụ trách của mình trong hoạt động báo chí. 

Trong công tác về tổ chức và cán bộ, Bộ Tuyên truyền bổ nhiệm và miễn nhiệm chủ tịch, phó chủ tịch tập đoàn, tổng biên tập, phó tổng biên tập, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc cơ quan báo chí ở Trung ương. Tỉnh, thành phố bổ nhiệm chủ tịch, phó chủ tịch tập đoàn, tổng biên tập, phó tổng biên tập, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc các cơ quan báo chí ở tỉnh, thành. Đảng ủy và chủ tịch tập đoàn bổ nhiệm và miễn nhiệm tổng biên tập, phó tổng biên tập, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc các tờ báo chuyên đề, các tạp chí, đơn vị dịch vụ thuộc tập đoàn. Cán bộ được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo cơ quan báo chí phải là người trung thành với đường lối của Đảng Cộng sản Trung Quốc, có quan điểm vững vàng và đạt được 4 mục tiêu: cách mạng hóa, trẻ hóa, tri thức hóa và hiện đại hóa. Trong đó, cách mạng hóa là quan trọng nhất. Phương thức tuyển dụng là thi tuyển vào trong biên chế và hợp đồng có thời hạn.

Tổng nha Báo chí - Xuất bản và Cục Báo chí - Xuất bản ở các tỉnh, thành phố thực hiện chức năng quản lý đối với báo chí theo định hướng của Bộ Tuyên truyền và pháp luật quy định, ví dụ như: cải cách về thể chế và cơ chế hóa các cơ quan báo chí; cấp phép, đình bản, thu hồi giấy phép hoạt động của các cơ quan báo chí; xử lý vi phạm và khen thưởng các cơ quan báo...

Trong công tác quản lý nhà nước, cho đến nay, Trung Quốc không có Luật Báo chí, mà chỉ có Luật Quản lý Internet. Báo chí và xuất bản được quản lý bằng hệ thống điều lệ, thông tư, nghị định... từ Trung ương đến cơ sở. Ở mỗi cấp quản lý, cơ quan quản lý căn cứ quy định chung của trung ương (chủ yếu là căn cứ vào các quy định trong Điều lệ quản lý báo chí - Xuất bản do Quốc Vụ viện ban hành) và tình hình thực tế tại địa phương hay đơn vị để đưa ra các quy định cụ thể về quản lý nhà nước về Báo chí điện tử - Xuất bản. Tháng 3/2011, Quốc Vụ viện Trung Quốc đã ban hành Điều lệ sửa đổi về quản lý nhà nước về báo chí và báo chí điện tử, quản lý xuất bản. Trên cơ sở đó, các địa phương, ban ngành hoặc cơ quan quản lý báo chí - xuất bản các cấp ban hành thông tư, nghị định, quy định chi tiết về  - xuất bản ở cấp do mình quản lý, ví dụ như: Thông tư về “Tăng cường hơn nữa công tác quản lý về tuyên truyền quảng cáo trên báo chí điện tử” của thành phố Hàng Châu (Triết Giang); Thông tư về “Tăng cường hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại trên các phương tiện thông tin đại chúng” của thành phố Nam Kinh (Tô Châu) và một số thành phố khác của Trung Quốc.

Đối với công tác quản lý nhà nước, một trong những yêu cầu bắt buộc đối với hệ thống thông tư, quy định về báo chí điện tử, xuất bản các cấp ở Trung Quốc là phải tuyệt đối tuân thủ các quy định của hiến pháp và các điều lệ, kế hoạch, quy hoạch của cấp trên. Với phương thức quản lý như vậy, báo chí Trung Quốc phát triển mạnh mẽ nhưng rất nhất quán về phương thức cũng như nội dung và hình thức quản lý và tuyên truyền. Đây là cách thức lãnh đạo và quản lý toàn diện, trực tiếp của Đảng, Nhà nước Trung Quốc. Báo điện tử ở Trung Quốc được coi là loại hình chủ đạo của hình thái thông tin tuyên truyền mới, nó làm thay đổi cơ bản quan niệm và phương thức tuyên truyền truyền thống. Trung Quốc quản lý thông tin trên mạng bằng Luật Internet. Theo đó, Luật quy định nội dung thông tin trên báo chí điện tử, thông tin điện tử... phải phù hợp với tư tưởng, quan điểm chính trị của Đảng, Nhà nước Trung Quốc mới được phép xuất bản trên mạng Internet. Đồng thời cấm lưu hành các trang tin, bài báo, bản tin... có nội dung đi ngược lại với quan điểm, tư tưởng của Đảng và Nhà nước Trung Quốc. Nội dung cơ bản của Luật này nhằm khống chế các thông tin độc hại có ảnh hưởng không tốt đến tư tưởng, chính trị, an ninh và văn hóa Trung Quốc.

Bên cạnh việc quản lý nội dung thông tin trên Internet bằng luật, Trung Quốc còn sử dụng các biện pháp kỹ thuật như xây dựng Bức tường lửa (Great wa 11 Fircwall), giới công nghệ các nước phương Tây gọi nó là “Vạn Lý trường thành trên mạng của Trung Quốc”. Bức tường lửa này chặn việc truy cập tới các nội dung bằng cách chặn vào địa chỉ IP Rourte được chỉ định. Với hệ thống này,  Chính phủ Trung Quốc hoàn toàn chủ động trong việc tìm kiếm và ngăn chặn các nguồn thông tin mà họ cho rằng sẽ gieo rắc những tư tưởng không tốt cho người dân và đem đến những bất lợi cho Chính phủ. Trung Quốc còn phát triển một dự án với tên gọi "Lá chắn" (Golden Shield). Lá chắn được hoàn thành vào năm 2005. Khác với nhiệm vụ của Bức tường lửa, Lá chắn nhấn mạnh vào việc giám sát và kiểm duyệt người dùng. Hệ thống này được vận hành bởi Cục An ninh công cộng (PSB) và lực lượng cảnh sát Trung Quốc. Khi những nội dung, thông tin nhạy cảm được gửi qua mail hoặc đăng lại trên Internet bị phát hiện bởi Lá chắn, lực lượng đặc biệt có thể được cử đến điều tra. Nếu nghiêm trọng thì bị bắt giữ ngay để điều tra. Có thể nói Bức tường lửa và Lá chắn là công cụ đắc lực để Chính phủ Trung Quốc vận hành hoạt động của Internet và báo chí điện tử.

Trong những năm qua, để ngăn chặn sự chống phá trên mạng của một số nước phương Tây và lực lượng thù địch, đặc biệt ngăn chặn sự tác động vào ý thức thế hệ trẻ những tư tưởng mà Chính phủ Trung Quốc cho là không có lợi, Trung Quốc đưa ra “Bảy vạch đỏ” yêu cầu cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện, bao gồm: (1) Đưa vào pháp luật để quản lý Internet; (2) Bảo đảm quyền lợi hợp pháp của công dân; (3) Kiên định thực hiện xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc; (4) Chống tin giả tạo; (5) Bảo vệ lợi ích Đảng và Nhà nước; (6) Bảo đảm an ninh trật tự xã hội; (7) Xây dựng đạo đức xã hội, lối sống văn hóa, truyền thống lịch sử. Bên cạnh đó, Trung Quốc đưa ra quan điểm quản lý mới đối với Internet: “Phát triển, vận dụng, quản lý”. Để thực hiện nội dung này, quản lý công nghệ thông tin có “Bốn yêu cầu” sau: (1) Máy chủ phải đặt trong nước; (2) Quản lý người dùng; (3) Tăng cường quản lý các phần mềm, người sử dụng phải đăng ký tên thật mới được sử dụng; (4) Quản lý Internet như dùng “hai tay”, trong đó một tay phản bác các tin đồn làm tổn hại lợi ích chung của Đảng và nhân dân Trung Quốc, còn một tay tích cực phát triển với phương châm lấy "xây" để "chống" làm sao mang lại những lợi ích lớn cho Trung Quốc.

  1. Quản lý nhà nước về báo chí điện tử ở Singapore

Nước Cộng hòa Singapore, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý truyền thông, báo chí là Bộ Truyền thông và Thông tin. Về mặt pháp lý, Singapore chủ yếu quản lý nhà nước về báo chí điện tử dựa trên hình thức cấp phép hoạt động, đánh giá lại theo năm và hình thức cổ phần hóa các tập đoàn truyền thông, Nhà nước sở hữu chiếm ưu thế về cổ phần để chi phối tập đoàn đó và chi phối nhiệm vụ chính trị của báo chí, cơ quan chủ quản thuộc Bộ Truyền thông và Thông tin.

Kể từ khi Singapore tách ra khỏi liên bang Malaixia, trở thành nước cộng hòa độc lập, vào năm 1965, Chính phủ Singapore kiểm soát báo chí gắt gao bởi lo sợ báo chí trở thành một thế lực. Singapore đưa ra một số luật và quy định để kiểm soát báo chí. Quản lý hoạt động Internet, Chính phủ Singapore quy định các nhà cung cấp dịch vụ Internet cũng chịu sự quản lý nội dung của Bộ Truyền thông và Thông tin. Chính sách quản lý nội dung báo chí điện tử, trang tin điện tử, mạng xã hội... trên mạng Internet cũng giống như các loại hình báo chí khác, trong đó quy định các thông tin gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh quốc gia, sự ổn định đất nước; các thông tin gây ảnh hưởng không tốt đối với Chính phủ và các dân tộc khác nhau trong nước và các nước lân cận... sẽ bị xử phạt theo các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong đó cũng quy định, nếu đối tượng vi phạm quy định của Nhà nước về thông tin, cho phép đối tượng có cơ hội sửa sai trước khi cơ quan chức năng can thiệp.

Từ tháng 6/2013, những trang web tin tức đưa tin định kỳ về Singapore có số lượng người xem nhiều sẽ phải đăng ký để được cấp phép hoạt động và tuân thủ hướng dẫn về hoạt động Internet tại Singapore. Bộ Truyền thông và Thông tin khẳng định sự bổ sung quy định cấp giấy phép hàng năm trong nỗ lực đánh giá định kỳ tất cả các chính sách liên quan đến mạng Internet nhằm bảo đảm phù hợp với những diễn biến mới nhất trong lĩnh vực này. Theo đó, “báo chí công dân mạng” được ngang hàng với đồng nghiệp truyền thông chính thống. Đổi lại, họ và các “biên tập viên” phải chấp nhận những trách nhiệm nghề nghiệp mà nghề báo đòi hỏi. Các nhà cung cấp tin tức truyền thống và trực tuyến có những tiêu chuẩn chung trong công việc của mình.

Chính phủ Singapore không đề cao báo chí, không coi báo chí là quyền lực thứ tư như ở Mỹ hay một số quốc gia khác. Chính phủ Singapore nhấn mạnh vai trò xây dựng đất nước của báo chí thông qua việc đưa tin chính xác, khách quan và có trách nhiệm. Báo chí phải cẩn trọng khi đưa tin về những vấn đề có tính chất sống còn của đất nước. Báo chí khuyến khích công chúng tôn trọng thể chế nhà nước cũng như các cơ quan tư pháp và thi hành pháp luật. Chính phủ Singapore định kỳ tổ chức các cuộc gặp gỡ báo chí để công bố chủ trương của Chính phủ. Báo chí nước ngoài tại Singapore phải có nội dung phù hợp với các quy định như báo chí trong nước.

  1. Quản lý nhà nước về báo chí, báo chí điện tử ở Anh

Chính phủ Anh ban hành một đạo luật đóng thành tập dày đến 960 trang, gồm 67 điều và dẫn ra 3.980 trường hợp áp dụng cụ thể hạn chế quyền tự do báo chí trong phạm vi nhất định. Theo đó, những bài báo làm tổn hại thanh danh về nghề nghiệp cá nhân thuộc loại thứ nhất bị hạn chế. Khi làm tổn hại đến các chính sách và các cơ quan nhà nước, đến luật pháp, tôn giáo, đạo đức bị coi thuộc loại thứ hai bị hạn chế.

Báo chí, báo chí điện tử cũng bị cấm bình luận về công việc của tòa án khi chưa kết thúc bản án, cũng như về việc chống án khi chưa có trả lời của toàn án cấp trên. Những tài liệu công bố trước khi khởi tố vụ án mà ảnh hưởng đến tòa án và cản trở công việc của toà án cũng sẽ bị trừng phạt. Báo chí và báo chí điện tử phải thông báo nguồn cung cấp thông tin cho tòa biết và bị cấm đăng ảnh hay phát thanh và truyền hình trực tiếp từ phòng xử án. Đặc biệt, báo chí phải chấp hành những đạo luật liên quan đến bí mật quốc gia. Nước Anh đã ban hành các đạo luật về bảo vệ bí mật quốc gia vào các năm 1889, 1911, 1920, 1939. Theo luật năm 1911, bức ảnh hoặc bài viết nào về đề tài quân sự có thể bị đối phương sử dụng đều bị coi là phạm tội. Trên thực tế, đạo luật này còn được áp dụng vào cả các đề tài liên quan đến quan hệ quốc tế, ngân hàng, hoạt động của chính phủ.

Cùng với hạn chế quyền công bố thông tin, các đạo luật về bảo vệ an ninh cũng hạn chế quyền nhận thông tin. Các đạo luật này hạn chế cả quyền thu nhận và phổ biến thông tin về những vấn đề không liên quan đến an ninh quân sự. Các đạo luật của Anh về thị trường nông nghiệp (năm 1931), về ngân hàng (năm 1946), về thống kê thương mại (năm 1949) cấm các viên chức thông báo những tin tức nhất định cho báo chí.

Theo luật về đặc quyền của Nghị viện ở Anh, báo chí không được thông tin về một số hoạt động của Quốc hội. Việc công bố những quyết định của Chính phủ trước khi thông báo cho Quốc hội bị coi là vi phạm đặc quyền này và việc vi phạm đó do Quốc hội quyết định. Song song đó, Bộ Quốc phòng Anh còn có ủy ban đặc biệt của lực lượng vũ trang về báo chí và phát thanh. Ủy ban này thường gửi đến các tòa soạn “những thông báo trước” yêu cầu không được phép công bố những tài liệu bảo vệ bí mật quốc gia hạn chế. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Bưu điện Anh “có quyền cấm phát hành bất kỳ tài liệu nào và bất kỳ lúc nào cũng có thể thu hồi giấy phép hoạt động của BBC và IBA” và các tờ báo khác.

  1. Một số gợi mở tham khảo

Qua nghiên cứu mô hình quản lý nhà nước về báo chí, báo chí điện tử ở một số quốc gia tiên tiến trên thế giới, Việt Nam có thể tham khảo một số gợi mở sau: 

Một là, trong công tác quản lý nhà nước về báo chí, báo chí điện tử, Nhà nước cần quản lý các hoạt động của tất cả các loại hình truyền thông khác trên Internet. Bởi xu thế phát triển mạnh mẽ về công nghệ, sức mạnh lan truyền liên kết của các mạng xã hội, như: Zalo, Facebook, Twit-ter, YouTube… thì báo chí điện tử là loại hình báo chí được cập nhập nhanh nhất hiện nay. Nếu Nhà nước chỉ quản lý báo chí điện tử mà buông lỏng các quy định về mạng xã hội thì chúng ta sẽ không kiểm soát và làm chủ thông tin trên mạng xã hội. Điều đó vô cùng nguy hiểm đối với an ninh quốc gia và bài học ở Ai Cập, Tuynidi và một số nước Trung Đông và Bắc phi vào cuối năm 2011 là một minh chứng rõ ràng trong việc quản lý mạng xã hội. Hai Tổng thống bị lật đổ (Ai Cập và Tuynidi), một Tổng thống bị phế truất và chịu cái chết thảm khốc là Gadhafi của Libia, đều có sự tham gia của truyền thông trên Internet. Những người tham gia vào cuộc bạo động đường phố vào tháng 8/2011 ở Anh, những cuộc xuống đường chiếm phố Wall ở Mỹ và hoạt động tương tự ở nhiều nước khác trong tháng 10 và tháng 11/2011 đều sử dụng vũ khí lợi hại là mạng xã hội.

Bên cạnh việc tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu được bản chất, tính hai mặt của Internet, còn phải yêu cầu cán bộ, Đảng viên và nhân dân tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật khi sử dụng Internet, mạng xã hội. Nhà nước cần quy định và có chế tài bắt buộc cá nhân, tổ chức tham gia mạng xã hội phải đăng ký đầy đủ tên, địa chỉ nơi cư trú thật, yêu cầu phải đặt máy chủ ở trong nước và sử dụng công nghệ thông tin để giám sát người tham gia. Đồng thời phải tăng cường công tác quản lý phần mềm. Thành lập bộ phận chuyên gia, một mặt phản bác tin đồn, tin xuyên tạc của các thế lực thù địch, mặt khác đưa nhiều bài viết mang tính tích cực với phương châm “xây” để chống.

Hai là, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quản lý nhà nước đối với báo điện tử phải đầy đủ, đồng bộ, sát với thực tiễn khách quan và quan hệ thống nhất với pháp luật liên quan khác, không chồng chéo, đáp ứng với các yêu cầu và đòi hỏi thực tiễn, để thực thi không còn vướng mắc, bất cập.

Ba là, cần xây dựng cơ cấu quản lý bộ máy quản lý nhà nước đối với báo chí điện tử hợp lý, đồng thời có sự phối kết hợp với các cơ quan chức năng khác trong việc định hướng, kiểm tra, giám sát và xử lý những hành vi vi phạm của các nhà báo, cơ quan báo chí, báo chí điện tử…

Bốn là, công tác quản lý hoạt động báo chí, báo chí điện tử thông qua hội nghề nghiệp với các quy tắc đạo đức nghề nghiệp do chính các nhà báo tham gia xây dựng các quy tắc này. Tuy nhiên, các quy tắc đạo đức, nghề nghiệp phải phù hợp, hài hòa với các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Ở Việt Nam đã có Hội Nhà báo Việt Nam, hội cũng có các quy ước đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, do bộ máy, cán bộ, cách thức tổ chức vận hành của Hội còn kiêm nhiệm nên không có thời gian đầu tư cho hoạt động của Hội, vì vậy, vai trò của Hội chưa được coi trọng, dẫn đến hoạt động chưa hiệu quả, còn nặng về hình thức.

Năm là, trong các quy trình sản xuất tin, bài và phát hành của báo chí điện tử phụ thuộc vào nhiều công nghệ thông tin và mạng Internet, vì vậy, phải coi trọng, đầu tư phương tiện, thiết bị công nghệ cao để quản lý đối với báo chí điện tử. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước, lãnh đạo các cơ quan báo chí điện tử và người làm báo phải tinh thông về nghề nghiệp, hiểu biết về công nghệ thông tin có trình độ chính trị và đạo đức cách mạng, đáp ứng được các yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Lưu Hồng Minh (2009), Truyền thông Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa. NXB Dân trí, Hà Nội.
  2. Nguyễn Thế Kỷ (2013), Báo chí dưới góc nhìn thực tiễn, NXB Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.
  3. Nguyễn Công Dũng (2010), “Vì sao cần tăng cường quản lý báo điện tử”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 7/7.
  4. Bộ Thông tin và Truyền thông (2015), Báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2014, Hội nghị Báo chí toàn quốc, Hà Nội.
  5. Bộ Thông tin và Truyền thông (2015), Đề án Quy hoạch phát triển, quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Hà Nội.
  6. Fed (2005), News Servicae "China Again tighens control of online, infomation" (Trung Quốc tiếp tục thắt chặt kiểm soát thông tin và báo chí điện tử) (26/9/2005), Nguồn ProQuest.
  7. IFJ (2015), (Liên đoàn Nhà báo Quốc tế) "China's Media War: Censorship, Corruption & Control", International Federation of Journalistswww.ifJ.o-rg/uploads/media/prees-Freedom-inChina-2014.
  8. Trang web của The Straits Times: http://en.rsf.org/surveillance-south-Singapore ,39757.html. (trang web của báo mạng điện tử Singapore).
  9. Trang web của Onlile Newspape: (trang web báo mạng trực tuyến Anh) http://www.Englandtimes.co.jp/news/2007/01/30/reference/press-clubs-exclusive-access-to-pipelines-for-info/.VhNIpfmqqkp.

EXPERIENCE OF STATE MANAGEMENT OF ONLINE NEWSPAPERS AND ELECTRONIC MEDIA SECTOR  AND LESSONS FOR VIETNAM

Master. Nguyen Minh Thang

Deputy Head, Department of Scientific Research Management T3, Ministry of Public Security

Abstract:

The article shows how the governments of China, Sinapore and the United Kingdom manage the press and electronic media sector.  These three countries have a developed and strong press and media sectors. Legal regulations on the press and the Internet should be specific, clear and oriented. This article is expected to provide ideas for state agencies to manage online newspapers and other online media types on the Internet, such as Zalo, Facebook, Twitter and Youtube and also to consolidate and to build a State management team which is in charge of managing electronic newspapers and enhancing the legal documents system on electronic newspapers.

Keywords: State management of online newspapers.