Quản lý thu bảo hiểm xã hội bắt buộc từ các doanh nghiệp ngoài nhà nước của Bảo hiểm xã hội tỉnh Điện Biên

TS. BÙI THỊ HỒNG VIỆT (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) và PHẠM THỊ THANH NGA (Bảo hiểm xã hội tỉnh Điện Biên)

TÓM TẮT:

Bảo hiểm xã hội (BHXH) là một chính sách lớn trong hệ thống an sinh xã hội mang đậm tính nhân đạo và tính nhân văn sâu sắc. Nếu quản lý thu BHXH bắt buộc tốt sẽ tránh thất thoát cho BHXH, đảm bảo quỹ tăng trưởng, tạo sự công bằng cho người tham gia và góp phần củng cố hệ thống an sinh xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ doanh nghiệp ngoài nhà nước (DNNNN) tham gia BHXH so với tổng số DNNNN do BHXH tỉnh Điện Biên trực tiếp quản lý cũng như tỷ lệ lao động trong các DNNNN tham gia BHXH so với tổng số lao động trong các doanh nghiệp này cũng còn ở mức thấp, số tiền thực thu BHXH bắt buộc từ các DNNNN của BHXH tỉnh Điện Biên nhiều năm không đạt chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do những tồn tại, hạn chế trong quản lý thu BHXH bắt buộc từ các DNNNN của BHXH tỉnh Điện Biên. Bài viết này đề xuất các giải pháp hoàn thiện quản lý thu BHXH bắt buộc từ các DNNNN cho BHXH tỉnh Điện Biên nhằm đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời số tiền BHXH bắt buộc mà các DNNNN và người lao động trong các DNNNN trên địa bàn tỉnh phải nộp.

Từ khóa: Bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp ngoài nhà nước, tỉnh Điện Biên.

1. Thực trạng quản lý thu BHXH bắt buộc từ các DNNNN của BHXH tỉnh Điện Biên

1.1. Thực trạng lập kế hoạch thu BHXH bắt buộc từ các DNNNN

Các loại kế hoạch thu BHXH bắt buộc từ các DNNNN mà BHXH tỉnh Điện Biên cần lập là dự toán thu BHXH bắt buộc hàng năm, kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, kế hoạch thu nợ các DNNNN nợ BHXH và kế hoạch kiểm tra hàng năm của BHXH tỉnh.

Quy trình lập kế hoạch thu BHXH từ các DNNNN của BHXH tỉnh Điện Biên bao gồm các bước:

+ Bước 1: Phân tích môi trường. BHXH tỉnh Điện Biên tiến hành phân tích các yếu tố môi trường, bao gồm môi trường bên trong và bên ngoài. Môi trường bên ngoài như thực trạng, số lượng các DNNNN trên địa bàn tỉnh, chính sách thu BHXH bắt buộc của Nhà nước, tình hình phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh… Môi trường bên trong như số lượng, chất lượng các chuyên viên, cán bộ thu BHXH của BHXH tỉnh, hệ thống thông tin, tình hình thực hiện kế hoạch thu BHXH bắt buộc từ các DNNNN giai đoạn kế hoạch trước…

+ Bước 2: Xác định mục tiêu cụ thể cho giai đoạn kế hoạch. Trên cơ sở phân tích cả môi trường bên trong và bên ngoài, BHXH tỉnh Điện Biên xác định mục tiêu cụ thể cho giai đoạn kế hoạch. Thông thường, BHXH tỉnh Điện Biên cụ thể hóa các mục tiêu thu BHXH bắt buộc từ các DNNNN thành các chỉ tiêu về số lượng DNNNN tham gia đóng BHXH bắt buộc, số lượng người lao động làm việc trong các DNNNN tham gia đống BHXH bắt buộc, số tiền BHXH bắt buộc thu được từ các DNNNN.

+ Bước 3: Xây dựng các giải pháp để thực hiện mục tiêu đề ra.

Sau khi xây dựng được kế hoạch thu BHXH bắt buộc, BHXH tỉnh Điện Biên trình kế hoạch lên BHXH Việt Nam. Căn cứ vào kế hoạch thu BHXH bắt buộc mà BHXH tỉnh Điện Biên trình lên, BHXH Việt Nam xem xét tính khả thi, lợi ích của kế hoạch, so sánh với kế hoạch các địa phương khác và thông qua kế hoạch, giao dự toán thu BHXH cho BHXH tỉnh Điện Biên.

1.2. Thực trạng tổ chức thực hiện kế hoạch thu BHXH bắt buộc từ các DNNNN

Để tổ chức thực hiện kế hoạch thu BHXH bắt buộc từ các DNNNN thì BHXH tỉnh Điện Biên đã tổ chức tập huấn cho cán bộ thực hiện thu BHXH bắt buộc từ các DNNNN, truyền thông tới các DNNNN (chủ sử dụng lao động và người lao động) và tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan như Kho bạc Nhà nước tỉnh Điện Biên, Cục Thuế tỉnh Điện Biên.

Việc tổ chức thực hiện kế hoạch thu BHXH bắt buộc từ các DNNNN trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011 - 2016 đã đạt được những kết quả cụ thể như sau:

Tỷ lệ DNNNN tham gia BHXH bắt buộc so với tổng số DNNNN trên địa bàn có xu hướng tăng lên qua các năm. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho thấy công tác quản lý đối tượng tham gia BHXH bắt buộc của tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên, mặc dù tăng qua các năm nhưng tỷ lệ DNNNN tham gia BHXH so với tổng số DNNNN vẫn ở mức tương đối thấp.

+ Về tỷ lệ người lao động thuộc khối DNNNN tham gia BHXH

Cùng với tỷ lệ đơn vị DNNNN tham gia BHXH tăng lên, tỷ lệ người lao động thuộc khối DNNNN tham gia BHXH cũng tăng lên tương ứng.

Tỷ lệ DNNNN tham gia BHXH so với tổng số DNNNN đã ở mức thấp, tỷ lệ lao động tham gia BHXH so với tổng số lao động còn ở mức thấp hơn. Hiện nay, thực tế việc theo dõi tình hình đăng ký tham gia BHXH đối với các doanh nghiệp đặc biệt là DNNNN gặp nhiều khó khăn. Tình trạng tham gia BHXH nhưng đóng BHXH không đúng số lao động hiện có vẫn đang diễn ra rất phổ biến.

+ Về tỷ lệ quỹ lương DNNNN tham gia BHXH

Để quản lý quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc của DNNNN, cán bộ Phòng thu căn cứ vào đăng ký số lượng lao động và mức lương của NLĐ tham gia BHXH bắt buộc lần đầu, điều chỉnh tăng giảm số lượng lao động và mức lương của NLĐ trong kỳ hoạt động để tính ra Quỹ lương làm căn cứ xác định số BHXH bắt buộc phải thu. Việc tính toán quỹ lương phần lớn dựa vào số liệu do các DNNNN đăng ký lên.

Qua đối chiếu số liệu Quỹ lương thực tế tại Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển doanh nghiệp hàng năm của UBND tỉnh Điện Biên và Báo cáo tổng hợp tình hình thu BHXH của BHXH tỉnh Điện Biên dễ dàng nhận thấy quỹ lương tham gia BHXH bắt buộc hiện tại thấp hơn rất nhiều lần so với quỹ lương thực tế.

+ Về số tiền BHXH bắt buộc thực thu được từ khối DNNNN

Biến động cùng chiều với sự gia tăng của số lượng đơn vị DNNNN và số lượng lao động tham gia BHXH và quỹ lương tính nộp BHXH, số thu BHXH bắt buộc từ các DNNNN của tỉnh Điện Biên cũng liên tục tăng qua các năm, tuy nhiên còn thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu kế hoạch mà BHXH Việt Nam giao.

1.3. Thực trạng kiểm soát việc thực hiện thu BHXH bắt buộc từ các DNNNN

Nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về thu BHXH, Phòng Kiểm tra của BHXH tỉnh Điện Biên thường xuyên thực hiện việc kiểm tra hồ sơ của các doanh nghiệp gửi về nhằm phát hiện các dấu hiệu nghi vấn, trốn tránh nghĩa vụ bảo hiểm bắt buộc. Giám đốc BHXH tỉnh Điện Biên cũng ra quyết định kiểm tra đột xuất đối với các đơn vị sử dụng lao động thuộc trách nhiệm quản lý của tỉnh để kịp thời phát hiện các sai phạm, nhằm chấn chỉnh xử lý kịp thời.

Hàng năm, BHXH tỉnh Điện Biên cũng kết hợp với các UBND tỉnh thành lập đoàn thanh tra liên ngành gồm các cơ quan: Bảo hiểm xã hội; Liên đoàn lao động; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Đoàn thanh tra liên ngành sẽ triển khai kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động trong tỉnh về việc chấp hành bộ luật lao động, luật bảo hiểm nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động.

2. Điểm yếu trong quản lý thu BHXH bắt buộc từ các DNNNN của BHXH tỉnh Điện Biên

- Tỷ lệ DNNNN tham gia BHXH so với tổng số DNNNN vẫn ở mức thấp. Năm 2016, tỷ lệ DNNNN tham gia BHXH so với tổng số DNNNN ở mức cao nhất cũng chỉ đạt 43,8%. Vậy là 56,2% số DNNNN chưa tham gia BHXH bắt buộc. Làm thế nào để đưa số DNNNN này vào tham gia BHXH bắt buộc vẫn đang là vấn đề cấp bách đối với BHXH tỉnh Điện Biên.

- Tỷ lệ lao động trong các DNNNN tham gia BHXH so với tổng số lao động trong các doanh nghiệp này cũng còn ở mức thấp. Các DNNNN tham gia đóng BHXH bắt buộc nhưng lại đóng BHXH không đúng số lao động hiện có vẫn đang diễn ra rất phổ biến.

- Tỷ lệ quỹ lương DNNNN tham gia BHXH bắt buộc biến động thất thường và đang có xu hướng giảm sút.

- Số thực thu BHXH bắt buộc từ các DNNNN của BHXH tỉnh Điện Biên thấp và không đạt chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao.

- Công tác tổ chức thực hiện kế hoạch thu BHXH bắt buộc chưa tốt. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH bắt buộc chưa thực sự hiệu quả. Việc quán triệt, tuyên truyền rộng khắp về chính sách BHXH mới chưa kịp thời dẫn đến việc thực hiện chính sách còn thiếu sót trong nộp và thực hiện các chế độ BHXH cho người lao động. Cán bộ trực tiếp quản lý thu chưa thường xuyên đến các doanh nghiệp để thu thập, nắm bắt tình hình hoạt động của đơn vị, tình hình biến động về lao động, tiền lương của NLĐ... Tác phong làm việc của một bộ phận cán bộ còn mang tính hành chính, thiếu tính phục vụ; trình độ chuyên môn chưa thật sự đáp ứng yêu cầu đổi mới của ngành. Chưa tích cực phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan.

- Công tác thanh tra, kiểm tra chưa thực hiện tốt. Mặc dù công tác thanh kiểm tra hàng năm đã được BHXH tỉnh Điện Biên chú trọng nhưng các đơn vị thuộc hệ thống BHXH tỉnh vẫn chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và nắm chắc tình hình biến động của người lao động và quỹ tiền lương của các đơn vị sử dụng lao động. Và cho đến nay chưa thống kê được con số chính xác số đơn vị và số người lao động phải tham gia BHXH bắt buộc ở khu vực kinh tế ngoài quốc doanh. Công tác đối chiếu và ghi sổ BHXH không làm được thường xuyên, chưa kịp thời, còn có sai sót.

3. Giải pháp hoàn thiện quản lý thu BHXH bắt buộc từ các DNNNN của BHXH tỉnh Điện Biên

3.1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, luật BHXH

Để chính sách BHXH đến được với người lao động, có rất nhiều biện pháp, trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến được coi là biện pháp hàng đầu. Trong đó, BHXH tỉnh Điện Biên cần phải chú trọng quan tâm đến nội dung và hình thức tuyên truyền để nâng cao hiệu quả của công tác này trong thời gian tới.

Về nội dung tuyên truyền cần tập trung: Phổ biến cho các đối tượng về tỷ lệ thu, mức thu BHXH bắt buộc hiện nay; Phổ biến các chế độ BHXH, quyền lợi khi tham gia BHXH; Nhấn mạnh mục tiêu, vai trò và bản chất BHXH để thay đổi nhận thức của người dân về BHXH bắt buộc; Phổ biến trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên khi tham gia BHXH (gồm có 3 bên: chủ SDLĐ, người lao động và cơ quan BHXH); Phổ biến các văn bản pháp luật, giải đáp hướng dẫn các thắc mắc khi thực hiện.

Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như: (1) Xây dựng chuyên mục trên Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh và xây dựng các chuyên trang trên các Báo của địa phương về chính sách pháp luật BHXH; (2) Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về BHXH theo từng nội dung, chuyên đề dưới nhiều hình thức như: thi viết, các cuộc thi văn nghệ, thi tuyên truyền viên; (3) Tiến hành tuyên truyền trực tiếp thông qua việc phát hành tờ rơi, tờ gấp, pano, áp phích, băng rôn; (4) Phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh và các tổ chức công đoàn để tuyên truyền về chính sách pháp luật BHXH; (5) Xây dựng đường dây nóng nhằm giải đáp các thắc mắc cũng như tố cáo các hành vi vi phạm luật BHXH của các chủ SDLĐ.

3.2. Tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn

BHXH tỉnh Điện Biên cần tăng cường phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế trong việc khai thác số đơn vị và lao động mới đăng ký kinh doanh. Cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp thông tin về những đơn vị mới đăng ký kinh doanh, Cục Thuế tỉnh cung cấp thông tin về những đơn vị được cấp mã số thuế để BHXH tỉnh rà soát các đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc và yêu cầu tham gia theo đúng qui định.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý nhà nước về lao động, do vậy, BHXH tỉnh thường xuyên kết hợp với cơ quan này để tăng cường việc giám sát thực hiện các quy định của pháp luật về lao động như đăng ký xây dựng thang lương, bảng lương người lao động, xây dựng thỏa ước lao động tập thể trong đó quy định rõ quyền lợi và nghĩa vụ đóng BHXH bắt buộc.

BHXH tỉnh cũng cần kết hợp với Liên đoàn lao động trong việc vận động tổ chức thành lập công đoàn ở các DNNNN, nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động. Việc phối hợp với cơ quan chức năng như Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Liên đoàn lao động và các tổ chức công đoàn cơ sở để tổ chức các đợt kiểm tra liên ngành thường xuyên về việc thực hiện pháp luật lao động và luật BHXH là vô cùng cần thiết để BHXH tỉnh Điện Biên quản lý tốt hơn nữa nguồn thu BHXH.

BHXH tỉnh Điện Biên cũng cần phối hợp với các ngân hàng thương mại nơi các DNNNN mở tài khoản để thực hiện trích nộp tiền BHXH nợ động và lãi của số tiền này từ tài khoản của doanh nghiệp hoặc phong tỏa tài khoản đến khi doanh nghiệp nộp đủ tiền.

3.3. Hoàn thiện kiểm soát thu BHXH bắt buộc từ các DNNNH

Bên cạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành thu nộp BHXH theo quy định đối với DNNNN, BHXH tỉnh Điện Biên cần phải tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện, một mặt biểu dương người tốt, việc tốt; đồng thời, phát hiện lệch lạc để có biện pháp uốn nắn kịp thời và áp dụng những hình thức xử lý để răn đe, giáo dục không tái phạm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bảo hiểm xã hội Việt Nam (2015), Quyết định số 959/QĐ-BHXH ngày 09/09/2015 về việc ban hành quy định quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế;

2. Bảo hiểm xã hội Việt Nam (2017), Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/04/2017 về việc ban hành quy định về quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế;

3. BHXH tỉnh Điện Biên (2011 - 2016), Kế hoạch thu BHXH bắt buộc của BHXH tỉnh Điện Biên;

4. BHXH tỉnh Điện Biên (2011 - 2016), Báo cáo tổng hợp tình hình thu BHXH của BHXH tỉnh Điện Biên;

5. Cổng thông tin Điện tử tỉnh Điện Biên (2016), Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển doanh nghiệp hàng năm của UBND tỉnh Điện Biên;

MANAGING COMPULSORY PREMIUM COLLECTION

FROM PRIVATE ENTERPRISES OF VIETNAM SOCIAL

INSURANCE AGENCY – DIEN BIEN PROVINCE

● Ph.D. BUI THI HONG VIET

National Economics University

● PHAM THI THANH NGA

Vietnam Social Insurance Agency – Dien Bien Province

ABSTRACT:

Social insurance, a major pillar of the social security system of Vietnam, is a deeply humanistic and humanistic policy. If the collection of premium is strictly implemented and managed, the loss of running the social insurance system of Vietnam will be minimized and it will create the equity for social insurance participants, ensure the growth of the social insurance fund and strengthen the social insurance system. However, in Dien Bien province, the number of private enterprises joining the social insurance system is quite low. In addition, the amount of employees of these enterprises participating in the social insurance system is not high. The total actual compulsory premium collected from private enterprises operating in Dien Bien Province has not reached the target set by Vietnam Social Insurance for many years. The main reason of this issue is due to shortcomings and limitations on the collection management of compulsory premium from private enterprises. This paper proposes solutions to improve the collection management of compulsory premium from private enterprises operating in Dien Bien Province in order to properly collect enough the compulsory premium.

Keywords: Social insurance, private enterprises, Dien Bien Province.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 08 tháng 07/2017 tại đây