Hiện nay, các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán đã thực hiện công bố báo cáo tài chính quý IV cũng như kết quả kinh doanh năm 2018. Trong nhóm dẫn đầu, phần lớn các doanh nghiệp đều có sự tăng trưởng tốt về doanh thu và lợi nhuận trong năm vừa qua.

Thống kê cho thấy có hơn 40 doanh nghiệp đạt lợi nhuận trên 1.000 tỷ năm 2018 trong đó góp mặt nhiều tân binh như Vinhomes, Lọc hóa dầu Bình Sơn, VEAM Corp,…

Năm 2018 vừa qua, ngôi vị quán quân lợi nhuận đã bị lật đổ bởi sự xuất hiện của tân binh Vinhomes. Trong khi đó, Petrolimex vẫn vững vàng ở ngôi vương về doanh thu trên sàn chứng khoán.

Vinhomes dẫn đầu về lợi nhuận

Tổng lợi nhuận của Top 10 doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất thị trường đạt gần 97.300 tỷ đồng. Vinhomes là đơn vị tăng trưởng mạnh nhất, trong khi Vinamilk là công ty duy nhất trong top 10 có lợi nhuận sụt giảm.

CTCP Vinhomes (HoSE: VHM), tân binh niêm yết trên sàn chứng khoán vào tháng 5/2018 đã vượt qua các tên tuổi lớn như Vietcombank, PV Gas để trở thành quán quân lợi nhuận năm 2018.

Theo báo cáo tài chính tự lập, Vinhomes ghi nhận doanh thu tăng trưởng 150% đạt 38.806 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế (LNST) thu về 14.754 tỷ đồng, gấp 9,4 lần năm 2017. EPS đạt 4.551 đồng. Tổng tài sản tăng gần gấp đôi, vượt qua mốc 100.000 tỷ đồng.

Quán quân doanh thu và lợi nhuận năm 2018 - Ảnh 1.
Top 10 lợi nhuận sau thuế năm 2018.

 

 

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – HoSE: VCB) bám sát sao phía sau với con số LNST đạt 14.658 tỷ đồng, tăng trưởng 61% và tổng tài sản gần tiến đến 1,1 triệu tỷ đồng. Trong Top 10 doanh nghiệp dẫn đầu LNST toàn thị trường, khối ngân hàng vẫn thể hiện sức mạnh với sự góp mặt của 4 cái tên. Ngoài VCB còn cóNgân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam - Techcombank (8.474 tỷ, top 6) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam- BIDV (7.542 tỷ, top 7), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (7.356 tỷ, top 8).

Thị trường ghi nhận 4 doanh nghiệp đạt mức lãi sau thuế trên 10.000 tỷ đồng, ngoài Vinhomes và Vietcombank còn có Tổng công ty khí Việt Nam (HoSE: GAS) và CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk- HoSE: VNM). Trong đó, PV Gas ghi nhận 12.102 tỷ lãi ròng, tăng trưởng 25% và gấp đôi kế hoạch năm. Còn Vinamilk lại gây thất vọng khi chỉ đạt 10.206 tỷ đồng LNST, giảm nhẹ so với năm 2017 và thực hiện được 95% kế hoạch cả năm. Theo chia sẻ của bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk với báo giới, chưa năm nào toàn ngành sữa Việt Nam tăng trưởng âm như năm 2018. Tuy nhiên năm qua Vinamilk vẫn tăng trưởng về thị phần, hiện đạt 58-59% toàn ngành. Vinamilk kỳ vọng sẽ quay lại tốc độ tăng trưởng 7-8% trong năm 2019.

Top 5 lợi nhuận cao nhất thị trường sau Vinamilk là CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG). Năm 2018 với doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn đạt 56.500 tỷ đồng, tăng 21% so với 2017. Lợi nhuận sau thuế đạt mức cao nhất trong lịch sử với con số 8.600 tỷ đồng, vượt 7% so với kế hoạch và so với năm trước.Hòa Phát cũng lập kỷ lục sản lượng với trên 3,16 triệu tấn thép thành phẩm các loại, tăng 5,3% so với năm 2017.Hòa Phát tiếp tục giữ vị thế số 1 trong ngành thép Việt Nam khi cả hai dòng sản phẩm chủ lực là thép xây dựng và ống thép đều dẫn đầu thị trường với thị phần lần lượt đạt 23,8% và 27,5%. Quý 4 lợi nhuận của Tập đoàn này sụt giảm gây lo ngại cho nhà đầu tư tuy nhiên sang tháng 1, sản lượng bán hàng của Tập đoàn này đạt gần 250.000 tấn, tăng 27% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý trong danh sách trên có sự xuất hiện của 2 doanh nghiệp giao dịch trên UPCoM là tân binh VEAM Corp (VEA) và Tổng công ty Cảng Hàng không (ACV).

Năm 2018, VEAM đạt 7.130 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 40% so với năm trước. Trong đó, phần lợi nhuận từ liên doanh, liên kết (chủ yếu từ Honda, Toyota, Ford) lên tới 6.849 tỷ đồng, tăng 32%.Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) VEAM năm 2018 đạt xấp xỉ 5.321 đồng. VEA là cổ phiếu gây chú ý nhiều nhất toàn thị trường kể từ khi giao dịch trên Upcom năm qua, cổ phiếu này đã tăng gấp đôi từ 25.000 đồng/cp lên 52.500 đồng/cp trong vòng 7 tháng.

 

Nếu tính theo danh sách top 10 lợi nhuận trước thuế (LNTT) lại có một vài sự thay đổi, 3 vị trí dẫn dầu vẫn là Vinhomes, Vietcombank và PV Gas. Tuy nhiên, Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) leo lên vị trí thứ 4 với con số LNTT đạt 13.814 tỷ đồng, do mức nộp thuế cao nên LNST chỉ còn 6.061 tỷ đồng.

Quán quân doanh thu và lợi nhuận năm 2018 - Ảnh 2.
Nhóm 10 doanh nghiệp có LNTT lớn nhất.
 

 

Ngân hàng TMCP Quân đội (HoSE: MBB) cũng lọt top 10 với con số LNTT đạt 7.767 tỷ đồng, cao hơn 68% so với năm 2017. Lợi nhuận sau thuế của nhà băng này là 6.190 tỷ đồng, tăng trưởng 77%.

Tổng LNTT của top 10 ghi nhận con số lên đến 126.300 tỷ đồng với 7 doanh nghiệp có mức lợi nhuận vượt qua 10.000 tỷ đồng. Vinhomes vẫn tăng trưởng cao nhất gấp 8 lần năm 2017 trong khi Vinamilk là trường hợp suy giảm duy nhất trong top 10.

Petrolimex vững vàng ngôi vương doanh thu

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – HoSE: PLX) vẫn duy trì vị trí số 1 thị trường với doanh thu thuần năm 2018 ghi nhận con số 191.933 tỷ đồng, tăng trưởng 25%.

Doanh thu tăng mạnh chủ yếu do giá dầu thô thế giới (WTI) bình quân năm 2018 tăng 28% so với năm 2017. Với kết quả đó, Petrolimex cũng bỏ khoảng cách rất xa với các doanh nghiệp khác trên sàn chứng khoán.

Quán quân doanh thu và lợi nhuận năm 2018 - Ảnh 3.
Nhóm 10 doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất 2018.

 

Tập đoàn tư nhân Vingroup đứng ở vị trí thứ 2 với doanh thu tăng trưởng 37% lên mức 122.575 tỷ đồng.

Đáng chú ý trong top 10 năm nay là tân binh CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) vươn lên vị trí thứ 3 với doanh thu thuần 111.951 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc bất ngờ lỗ hơn 1.000 tỷ trong quý IV khiến doanh nghiệp chỉ còn ghi nhận 3.572 tỷ lợi nhuận năm 2018. Cổ phiếu BSR chính thức giao dịch từ tháng 3/2018.

Tổng doanh thu thuần của top 10 ghi nhận hơn 885.000 tỷ đồng. Trong đó chỉ có 3 doanh nghiệp có doanh thu vượt mức 100.000 tỷ đồng và đáng chú ý là không có ngân hàng nào lọt top 10. Ngân hàng có thu nhập lãi thuần lớn nhất là BIDV với con số 34.956 tỷ đồng.

*Số liệu thu thập dựa trên các báo cáo tài chính quý IV/2018.