TÓM TẮT:

Nâng cao năng lực quản trị kinh doanh, đặc biệt là năng lực quản trị rủi ro là đòi hỏi bức thiết của các ngân hàng thương mại hiện nay. Qua phân tích hoạt động quản trị rủi ro của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp (Agribank Đồng Tháp) cho thấy còn một số vấn đề bất cập khi quá tập trung vào tín dụng, khiến cho nợ quá hạn, nợ xấu liên tục gia tăng trong những năm gầy đây. Bài viết đã tập trung đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường quản trị rủi ro tại Ngân hàng Agribank Đồng Tháp.

Từ khóa: quản trị rủi ro, rủi ro tín dụng, Agribank chi nhánh Đồng Tháp.

 1. Đặt vấn đề

Agribank Đồng Tháp là một trong những ngân hàng có hoạt động cho vay tín dụng tốt trong hệ thống Agribank Việt Nam. Tuy nhiên, công tác quản trị rủi ro của ngân hàng vẫn còn bộc lộ nhiều khuyết điểm khiến do tình trạng nợ quá hạn, nợ xấu không ngừng tăng cao trong những năm qua. Điều này đòi hỏi phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm tìm ra các giải pháp quản trị rủi ro cho ngân hàng một cách tốt nhất, có như vậy mới có thể đảm bảo được hiệu quả hoạt động cho vay của ngân hàng xứng danh với vị trí vốn có trong hệ thống. 

2. Cơ sở lý luận về quản trị rủi ro tại ngân hàng thương mại

2.1. Các khái niệm

Theo giáo trình Luật Ngân hàng: “Tín dụng là sự chuyển nhượng tạm thời quyền sử dụng một lượng giá trị dưới hình thức hiện vật hay tiền tệ, từ người sở hữu sang người sử dụng sau đó hoàn trả lại một lượng giá trị lớn hơn”. (Võ Đình Toàn, 2006)

Theo quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng là khả năng xảy ra tổn thất trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng do khách hàng không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình theo cam kết”.

Theo quan điểm của tác giả, “Quản trị rủi ro tín dụng là quá trình xây dựng và thực thi các chiến lược, các chính sách quản lý và kinh doanh tín dụng đạt được các mục tiêu an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững. Đồng thời, phải tăng cường các biện pháp phòng ngừa, hạn chế và giảm thấp nợ quá hạn, nợ xấu trong kinh doanh tín dụng, từ đó tăng doanh thu, giảm chi phí và nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động kinh doanh cả trong ngắn và dài hạn của ngân hàng thương mại”.

2.2. Vai trò quản trị rủi ro tín dụng của ngân hàng thương mại

Việc quản trị rủi ro tín dụng sẽ làm giảm mức độ rủi ro cho ngân hàng, giảm nguy cơ bị mất vốn cũng như tăng được lợi nhuận trong hoạt động. Bên cạnh đó, việc ngân hàng quản trị rủi ro tín dụng tốt cũng giúp tăng cường năng lực cạnh tranh của ngân hàng trong thị trường.

3. Thực trạng quản trị rủi ro tại Ngân hàng Agribank Đồng Tháp

Bảng 1. Hoạt động kinh doanh của Agribank Đồng Tháp

giai đoạn 2018 – 2020

hoat-dong-kinh-doanh-cua-agribank-dong-thap

 Nguồn: Báo cáo tài chính của Agribank Đồng Tháp

Trong giai đoạn 2018 - 2020, thực hiện chủ trương đổi mới của Ngành, Agribank Đồng Tháp đã có nhiều cố gắng trong hoạt động kiểm soát cho vay, các chỉ tiêu đánh giá về kết quả quản trị rủi ro đều khả quan, mang lại lợi nhuận cho ngân hàng. Nhưng từ năm 2020, do tác động của dịch bệnh Covid-19, nên hoạt động kinh doanh của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng nhất định, khoản nợ xấu quá hạn, nợ xấu tăng gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Lợi nhuận của năm 2020 cũng giảm hẳn so với những năm trước. Tuy nhiên, hoạt động quản trị rủi ro của Agribank Đồng Tháp vẫn ổn định, không có quá nhiều biến động. Mặc dù các khoản nợ tăng, nhưng hệ số thu nợ của ngân hàng nằm ở mức tốt, tỷ lệ nợ quá hạn hoặc nợ xấu đều nằm ở mức an toàn. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng thực hiện các biện pháp trích lập dự phòng rủi ro để xử lý các khoản nợ.

3.2. Phân tích thực trạng quản trị rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Agribank Đồng Tháp

3.2.1. Nhận diện rủi ro

Hiện nay, việc nhận diện rủi ro của Agribank hầu hết được thực hiện tại Trung tâm Phòng ngừa và Xử lý rủi ro ở Trụ sở chính, các dạng rủi ro được nhận diện, đo lường. Trụ sở chính sẽ phát đi các công văn cảnh báo, hướng dẫn, hoặc các quy định cụ thể hướng dẫn tác nghiệp trong từng thời kỳ.

Rủi ro từ nguyên nhân bên ngoài: chủ yếu dựa vào chỉ đạo của Trụ sở chính, chi nhánh không có bộ phận riêng để đánh giá các tác động của các yếu tố bên ngoài gây nên rủi ro thế nào cho hoạt động. Cũng do không nhận biết các nguyên nhân này kịp thời, nên chi nhánh đã để phát sinh một khối lượng tương đối lớn nợ có vấn đề, do tập trung khối lượng lớn tín dụng vào ngành hàng bị đóng băng. Bên cạnh đó, còn phụ thuộc vào nội dung nhận diện và các chính sách khác của Trụ sở chính trong khi các thông tin của khách hàng trong quá trình vay tín dụng phụ thuộc chủ yếu vào thông tin do chi nhánh cung cấp, không có điều kiện tiếp xúc thực tế với khách hàng, nên thiếu thông tin trong vấn đề nhận diện rủi ro.

Rủi ro từ nguyên nhân khách hàng: chưa thường xuyên thẩm định các yếu tố rủi ro từ khách hàng. Có nhiều khách hàng có dấu hiệu rất rõ rệt về những yếu kém trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhưng chi nhánh không lượng hóa và chưa có biện pháp kịp thời. Chưa đánh giá rõ mức độ uy tín trong quan hệ tín dụng, tình hình chấp hành kỷ luật thanh toán và các nghĩa vụ cam kết theo hợp đồng.

Rủi ro từ nguyên nhân nội bộ: chưa thực hiện đánh giá rủi ro trong nội bộ Chi nhánh, chưa đánh giá năng lực cán bộ hoặc độ phù hợp của sản phẩm, quy định với các đối tượng khách hàng thực tế. Ngân hàng chưa nắm được thông tin qua hồ sơ vay vốn như số tiền cần vay, thời hạn vay, tài sản đảm bảo, vòng quay vốn, tình hình kinh doanh, thu nhập, chi phí kinh doanh, khả năng trả nợ, nguồn trả nợ, ngành nghề đăng ký kinh doanh.

3.2.2. Đo lường rủi ro

Hiện nay, chi nhánh áp dụng một số nội dung đo lường định tính về rủi ro tín dụng - 6C, chủ yếu tập trung đo lường các thông tin từ khách hàng, như: về tư cách, năng lực, thu nhập, các điều kiện vay vốn. Một phương pháp mà Agribank Đồng Tháp thường sử dụng là đo lường rủi ro tín dụng bằng phương pháp chấm điểm xếp hạng tín dụng khách hàng. Ngay từ khi đặt quan hệ tín dụng, Chi nhánh sẽ thu thập thông tin và nhập vào hệ thống. Có 2 bộ quy trình chấm điểm dành riêng cho đối tượng khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân. Với mỗi đối tượng khách hàng, có bộ chỉ tiêu khác nhau do Ngân hàng Agribank xây dựng. Bộ chấm điểm thông thường gồm chỉ tiêu tài chính và chỉ tiêu phi tài chính. Sau khi chấm điểm và xếp hạng khách hàng, chi nhánh sẽ có tiêu chuẩn cấp tín dụng khác nhau đối với từng khách hàng về: mức độ đảm bảo bằng tài sản, mức độ cho vay trên giá trị tài sản, mức độ cho vay trên nguồn vốn, lãi suất,… Với tần suất 6 tháng chấm điểm 1 lần, hoặc khi có những điều kiện xấu ảnh hưởng đến ngành hàng, đảm bảo có ngay các ứng xử phù hợp.

Biểu đồ 1: Quy trình chấm điểm khách hàng tại Agribank Đồng Tháp

quy-trinh-cham-diem-khach-hang-tai-agribank-dong-thap Nguồn: Agribank Đồng Tháp

3.2.3. Kiểm soát và tài trợ rủi ro tín dụng

Chi nhánh đã áp dụng mô hình quản lý tín dụng tập trung theo chỉ đạo của Agribank. Với mô hình này, chi nhánh đã phân tách được nhiệm vụ thẩm định, việc thẩm định qua 2 vòng sẽ giảm thiểu được rủi ro về nhiều mặt: rủi ro do trình độ cán bộ, rủi ro do đạo đức cán bộ, bổ sung thêm nhiều thông tin trong thẩm định đảm bảo chất lượng thẩm định tốt.

- Các biện pháp kiểm soát rủi ro tín dụng

+ Phân công công việc phù hợp với năng lực, trình độ của từng vị trí trong chi nhánh. Sau mỗi thời gian nhất định, hàng quý, trưởng, phó các phòng chức năng tín dụng báo cáo với lãnh đạo chi nhánh về công tác quản lý dư nợ để lãnh đạo nắm bắt các thông tin được cung cấp và những vướng mắc quản lý dư nợ tại chi nhánh để đưa ra các giải pháp xử lý kịp thời có hiệu quả.

+ Chuyển đổi mô hình sang quản lý rủi ro tập trung tại Trụ sở chính Agribank. Thông qua việc chuyển đổi mô hình, đã phân tách việc thẩm định tín dụng ra 2 cấp, giảm thiểu rủi ro. Chi nhánh thực hiện thẩm định và trình hồ sơ theo đúng phân cấp thẩm quyền, không có hiện tượng chia tách hồ sơ để tránh trình lên Trụ sở chính.

+ Nâng cao chất lượng tài sản đảm bảo: định kỳ hàng năm, định giá lại tài sản đảm bảo của khách hàng, định giá thông qua công ty thẩm định giá chuyên nghiệp hoặc định giá theo khung giá đất để giảm thiểu việc tự ý nâng giá để cấp tín dụng.

+ Cho vay đồng tài trợ, cho vay các khách hàng lớn, công ty có vốn nhà nước.

+ Xử lý nợ có vấn đề: yêu cầu khách hàng bán tài sản, bán tài sản thông qua trung tâm đấu giá, mua lại tài sản làm tài sản cố định; đối với các khách hàng không tự nguyện bán tài sản hoặc giao tài sản cho chi nhánh, xử lý thực hiện khởi kiện.

 - Tài trợ rủi ro

Chi nhánh đã thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định. Tuy nhiên hiện nay, một số lượng lớn các khách hàng của Chi nhánh đang được cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 780/TT-NHNN năm 2012 của Ngân hàng Nhà nước.

3.2.4. Theo dõi, đánh giá và điều chỉnh

Đối với công tác đánh giá, theo dõi còn chưa chặt chẽ, còn nhiều vấn đề trong việc phân cấp quyền phán quyết tín dụng, những dự án lớn thường chuyển về trụ sở chính để thẩm định. Nhưng việc giải ngân và cho vay lại do ngân hàng cấp dưới, nên bộ phận các chi nhánh không thấy được trách nhiệm của mình, lãnh đạo chi nhánh cũng khó kiểm soát vấn đề theo dõi, đánh giá để cung cấp thông tin cho trụ sở chính một cách chuẩn xác nhất.

Đây là hoạt động chưa được đánh giá đúng mức và được thực hiện tại chi nhánh. Hiện nay, Agribank đã xây dựng hệ thống báo cáo đa chiều giúp cho các chi nhánh trong hoạt động quản lý hoạt động, trong đó có hoạt động tín dụng. Chi nhánh có thể vào chương trình và chiết xuất được nhiều loại báo cáo, như: báo cáo phân tích, báo cáo tổng hợp, hoặc tự tạo ra báo cáo theo các tiêu chí mà người dùng muốn chiết xuất. Báo cáo này hỗ trợ chi nhánh về: dư nợ theo ngành nghề, dư nợ theo khách hàng, dư nợ theo đối tượng khách hàng,…

Trong các cuộc họp giao ban hàng tháng, chi nhánh đưa ra các chỉ tiêu hoạt động của chi nhánh và từng phòng, về hoạt động tín dụng, xử lý nợ có vấn đề, tuy nhiên chưa đưa ra được nguyên nhân tiếp tục phát sinh rủi ro và đưa ra biện pháp cụ thể.

4. Đánh giá thực trạng quản trị rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Agribank Đồng Tháp

4.1. Những thành quả đạt được

Ban lãnh đạo chi nhánh cũng như các cán bộ trực tiếp làm công tác cho vay tín dụng đã đánh giá được tầm quan trọng của quản lý rủi ro tín dụng và tích cực thực hiện các biện pháp nâng cao phòng ngừa và phát hiện rủi ro. Công tác nhận diện và phân tích rủi ro tín dụng đối với khách hàng đã được thực hiện tuân thủ quy trình được quy định của Agribank chi nhánh Đồng Tháp.

Bằng việc tuân thủ chính sách và quy trình Agribank Đồng Tháp đã thực sự chủ động hơn trong việc lựa chọn khách hàng vay, đồng thời có được sự thống nhất trên phạm vi toàn hệ thống trong hoạt động quản lý tín dụng nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế rủi ro. Cán bộ tín dụng nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc mở rộng tín dụng phải gắn liền với việc đảm bảo chất lượng. Chính vì vậy, tỷ lệ nợ xấu trong giai đoạn 2018 - 2020 luôn được giữ ổn định.

Chí nhánh thường xuyên tổ chức rà soát, kiểm tra hồ sơ, phương án vay, định kỳ kiểm tra nội bộ toàn bộ hồ sơ tín dụng hàng năm. Do vậy đã hạn chế được tối đa các rủi ro tín dụng có thể xảy ra.

Hệ số thu nợ của chí nhánh có xu hướng tăng qua các năm, đạt 86 - 92%. Tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức cho phép. Ngoài ra, chi nhánh luôn rà soát lại tình hình nợ quá hạn, có sự phân loại theo ngành nghề, theo kỳ hạn, theo địa bàn,… đồng thời phân tích, phán đoán và đề ra những biện pháp xử lý và hạn chế rủi ro.

Đối với nợ quá hạn, chi nhánh cũng đã sử dụng Quỹ Dự phòng rủi ro đã được trích lập để xóa nợ. Đối với những tài sản xiết nợ, Agribank Đồng Tháp đã tổ chức việc tiếp nhận, bảo quản hoặc phát mại tài sản, nhằm bù đắp một phần thiệt hại do không thu hồi được nợ.

Công tác đào tạo và đào tạo lại cán bộ luôn được ngân hàng chú trọng. Đồng thời, bộ máy tổ chức quản lý rủi ro của ngân hàng cũng dần được hoàn thiện.

Ngân hàng cũng thực hiện chấm điểm và xếp hạng tín dụng doanh nghiệp theo định kỳ và hạng khách hàng là căn cứ quyết định mọi ứng xử của ngân hàng (quyết định cấp tín dụng, điều kiện về tài sản bảo đảm, lãi suất,…).

4.2. Những vấn đề tồn tại và nguyên nhân

Cán bộ tuy đã được đào tạo cơ bản, nhưng vẫn còn thiếu chuyên sâu về nghiệp vụ. Một số cán bộ thiếu khả năng phán đoán và nhận diện nhu cầu thực tế, nên chỉ xoay quanh các tài sản mang tính chất trực diện. Một sốcán bộ còn tin tưởng vào quan hệ thân quen, coi nhẹ quy trình tín dụng, giám sát không chặt chẽ, dễ dãi khi thẩm định cho vay.

Trong khi đó, nhiều khách hàng đã cố tình che giấu thông tin, làm ảnh hưởng đến công tác nhận dạng rủi ro của cán bộ tín dụng khi tiếp xúc với khách hàng.

Việc đánh giá xếp hạng khách hàng chưa chính xác, do thiếu thông tin đã đề cập ở nhận dạng rủi ro. Cán bộ tín dụng khi chấm điểm xếp hạng tín dụng theo tiêu chí còn nhầm lẫn, nhiều khi kết quả về chấm điểm xếp hạng chưa thật sự đúng, do cơ sở hồ sơ chưa được rõ ràng như các bước đã quy định.

Việc xác định giới hạn cho vay và tiêu chí cho vay đã có quy định cụ thể. Tuy nhiên, vì khách hàng vay đa dạng, nên vẫn chưa bao quát hết được đối tượng khách hàng. Giám sát thực hiện hạn mức cho vay và danh mục cho vay chưa được kiểm soát chặt chẽ. Việc này chỉ mới được thực hiện chặt chẽ ở một số đơn vị lớn, những đơn vị nhỏ như cấp phó giám đốc chưa có sự quan tâm đúng mức.

Xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi xử lý nợ quá hạn còn nhiều khó khăn. Những tài sản của khách hàng bảo đảm khi vay là bất động sản khó phát mại,  do tính không hợp pháp về giấy tờ, khó khăn về thị trường bất động sản và các khó khăn khác như quan hệ làng xã, tập quán địa phương.

Một số sản phẩm chưa thực sự tối ưu và đem lại tiện ích cho khách hàng so với các ngân hàng khác.

5. Giải pháp tăng cường quản trị rủi ro tại Ngân hàng Agribank Đồng Tháp

5.1. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức và mô hình quản lý rủi ro tín dụng

Bộ máy tổ chức của Chi nhánh phải đảm bảo tiết giảm thủ tục hành chính, thời gian xử lý hồ sơ, không làm ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ khách hàng, không làm mất nhiều thời gian cho quá trình cấp tín dụng. Bên cạnh đó, để nâng cao năng suất hiệu quả tại từng bộ phận, các khâu trong quá trình cho vay cần được chuyên môn hóa. Các văn bản quy định quản lý tín dụng phải thường xuyên được cập nhật và sửa đổi theo chiều hướng chặt chẽ, nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc tuân thủ theo đúng quy định, quy trình của Agribank và Ngân hàng Nhà nước.

5.2. Củng cố và nâng cấp hệ thống thông tin minh bạch chính xác

Hệ thống thông tin trong nền kinh tế mở là hết sức quan trọng. Do đó,  muốn nâng cao chất lượng thẩm định và quyết định cho vay, cần nâng cấp hệ thống thu thập thông tin. Chỉ khi có những thông tin đầy đủ, nhanh và chính xác, mới có thể ra các quyết định tín dụng nhanh và chuẩn xác, phát hiện những dấu hiệu rủi ro để đảm bảo an toàn cho ngân hàng trong cấp tín dụng. Bởi vậy, cần tạo lập hệ thống thông tin tín dụng có tính hữu ích cao, bằng cách: kết nối kho thông tin dữ liệu giữa các ngân hàng khác; tăng cường sử dụng nguồn thông tin CIC, mua thông tin từ trung tâm nước ngoài nếu cần thiết; thiết lập các mối liên hệ với các tổ chức, dịch vụ cung cấp thông tin trên địa bàn cả nước; hợp tác trao đổi giữa các ngân hàng trên địa bàn; đánh giá, phân tích và cung cấp thông tin hữu ích cho toàn bộ hệ thống Agribank; tăng cường công tác thu thập thông tin về khách hàng, chủ yếu từ báo cáo tài chính, các thông tin khách hàng kê khai trên giấy đề nghị vay và qua thông tin trao đổi với khách hàng; đầu tư công nghệ, chương trình máy tính để thống kê nhanh và chuẩn xác các số liệu liên quan đến các hoạt động tín dụng.

5.3. Tăng cường công tác kiểm tra trước, trong và sau khi cấp tín dụng

- Trước khi cho vay: Nghiêm túc thực hiện chấm điểm tín dụng và xếp hạng khách hàng đối với mọi khoản vay. Cán bộ tín dụng phải lập báo cáo chi tiết từng khoản mục nộp cho cấp thẩm quyền kiểm tra, xét duyệt; Hoàn thiện công tác xếp hạng tín dụng khách hàng cá nhân theo điểm nhằm hoàn thiện và giảm rủi ro trước khi cho vay. Tất cả mọi khoản vay đều phải khai thác thông tin từ Trung tâm Thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

- Trong khi vay: Thực hiện đánh giá và theo dõi dư nợ bình quân, nợ xấu, nợ quá hạn hàng quý, hàng năm để phát hiện kịp thời những trường hợp xấu nhất, điều chỉnh và có biện pháp xử lý tốt nhất; Thường xuyên tiếp cận thực tế khách hàng để nắm bắt tình hình hoạt động của khách hàng, không được quản lý chỉ trên giấy tờ báo cáo của khách hàng; Kết hợp giữa quản lý dòng tiền về trên tài khoản ngân hàng với sổ sách của khách hàng, thông tin từ bên ngoài.

- Sau khi cho vay: Xây dựng lịch kiểm tra theo tiêu chí khoản vay như đặc điểm khách hàng, số tiền vay, địa bàn, loại hình vay. Khi phát sinh nợ xấu, các kiểm tra viên tham chiếu quy trình quản lý nợ có vấn đề kiểm tra giám sát việc tuân thủ nghiêm túc các bước trong quy trình quản lý nợ có vấn đề. 

5.4. Giải pháp phòng ngừa rủi ro

Thực hiện chấp hành tốt các thủ tục, quy trình cho vay, linh hoạt hơn đối với từng trường hợp cho vay khách hàng, để đáp ứng nhu cầu và sự hài lòng của khách hàng nhanh gọn, chính xác; Thường xuyên xuống cơ sở, nhất là các cơ quan cấp chính quyền xã để phân loại được khách hàng đầu tư có đúng định hướng.

Nâng cao chất lượng thẩm định và phân tích tín dụng, bởi vì rủi ro tín dụng thường bắt đầu từ những phân tích và thẩm định tín dụng không thận trọng và thiếu chính xác, dẫn đến những quyết định cho vay sai lầm.

Quản lý, giám sát và kiểm soát chặt chẽ quá trình giải ngân và sau khi cho vay. Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát bằng cách kết hợp đan xen giữa định kỳ và thường xuyên, giữa chuyên đề chuyên sâu và tổng quát để phát hiện sớm và có biện pháp xử lý kịp thời giảm thiểu tổn thất cho chi nhánh.

Thực hiện nghiêm túc phân loại nợ, tránh tình trạng vì kết quả kinh doanh mà không tuân thủ tính chính xác trong phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro.

5.5. Nâng cao trình độ nguồn nhân lực

Tiêu chuẩn hóa cán bộ hoạt động tín dụng theo các tiêu chí chuyên môn, đạo đức rõ ràng, làm cơ sở để chuẩn hóa và nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ làm việc trong một môi trường đầy rủi ro.

Tăng cường kế hoạch đào tạo, cử cán bộ đi học ở trung tâm Đào tạo của ngân hàng, nâng cao nghiệp vụ; Nâng cao kỹ năng giao tiếp của các cán bộ giao dịch trực tiếp với khách hàng.

Chú trọng chế độ thưởng phạt công minh để gia tăng động lực cho cán bộ tín dụng.

5.6. Xây dựng chính sách quản lý tín dụng hiệu quả

Để xây dựng một chính sách tín dụng hợp lý và hiệu quả, cần thỏa mãn các yêu cầu:

- Phản ánh được chính sách tín dụng của Agribank trong từng thời kỳ, đảm bảo sự quản lý thống nhất trên quan điểm tổng thể.

- Phù hợp với tính chất đặc thù địa bàn đầu tư của chi nhánh, phát huy thế mạnh địa phương, hạn chế trong đầu tư tín dụng đối với những lĩnh vực không có lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh.

- Đáp ứng được các yêu cầu về hiệu quả kinh doanh, gia tăng thị phần của Agribank Đồng Tháp, cân bằng giữa mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro, đảm bảo khả năng tăng trưởng tín dụng và đầu tư an toàn trong phạm vi tỷ lệ nợ xấu chấp nhận được.

6. Kết luận

Ngày nay, quản lý rủi ro tín dụng đã trở thành vấn đề mang tính sống còn, là thước đo năng lực quản lý, đồng thời là bộ phận trung tâm trong chiến lược hoạt động của bất kỳ ngân hàng nào. Hy vọng, kết quả nghiên cứu này sẽ đóng góp một phần giúp Agribank Đồng Tháp quản lý rủi ro chặt chẽ hơn, kiểm soát được các khoản nợ xấu, các khoản nợ có vấn đề, nhận diện sớm hơn rủi ro, để từ đó có biện pháp xử lý hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng như mong đợi, đủ sức cạnh tranh với các ngân hàng trong nước và nước ngoài.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp (2019). Báo cáo tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2018. Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp kinh doanh 2019.
  2. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp (2020). Báo cáo tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2019. Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp kinh doanh 2020.
  3. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp (2021). Báo cáo tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2020. Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp kinh doanh 2021.
  4. Ngân hàng Nhà nước (2005). Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22 tháng 04 năm 2005 về việc ban hành quy định về phân loại nợ trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng.
  5. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2012). Quyết định số 780/QĐ-NHNN ngày 23 tháng 04 năm 2012 về việc phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ.
  6. Võ Đình Toàn (2006). Giáo trình Luật Ngân hàng. NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.

 

RISK MANAGEMENT AT DONG THAP BRANCH OF THE VIETNAM BANK FOR AGRICULTURE AND RURAL DEVELOPMENT

Master. NGUYEN QUOC HUY

Van Hien University

 ABSTRACT:

Strengthening business administration capacity, especially risk management capacity, is an urgen requirement of any commercial banks. Risk management activities of Dong Thap Branch of the Vietnam Bank for Agriculture and Rural Development (Agribank Dong Thap) reveal some shortcomings as Agribank Dong Thap is focusing too much on credit, leading to an increase in the amount of overdue debt and non-performing debt. This paper analyzes the current risk management of Agribank Dong Thap and proposes some solutions to help the bank strengthen its risk management.

Keywords: risk management, credit risk, Agribank Dong Thap.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 24, tháng 10 năm 2021]