Quy định pháp luật về xử lý vi phạm nông độ cồn khi tham gia giao thông tại Trung Quốc và một số kiến nghị, giải pháp đối với Việt Nam

ThS. NGUYỄN HÀ TÂM - ThS. Phạm Thị Thu Huyền (Học viện Cảnh sát nhân dân)

TÓM TẮT:

Tai nạn giao thông (TNGT) gây ra bởi bia rượu đang là vấn đề nhức nhối trên toàn thế giới, trong đó có Trung Quốc. Pháp luật Trung Quốc đã đưa ra những quy định xử phạt hết sức nghiêm khắc về việc vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Bài viết tập trung nghiên cứu về những quy định này của Trung Quốc, từ đó tác giả đưa ra một số kiến nghị, giải pháp nhằm xử lý tai nạn giao thông do bia rượu gây ra ở Việt Nam.

Từ khóa: Bia rượu, tai nạn giao thông, luật pháp, Trung Quốc, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Rượu bia là chất ức chế, làm đình trệ và gây rối loạn hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Rượu tác động lên hệ thần kinh trung ương khiến người ta không làm chủ được suy nghĩ và hành vi của mình, từ đó dẫn đến những hậu quả khôn lường như bất cẩn trong giao thông, liều lĩnh không kiềm chế trước các tình huống nguy hiểm gây ra tai nạn giao thông đáng tiếc.

Từ nhiều năm nay, Trung Quốc đã áp dụng các hình thức xử phạt hết sức nghiêm khắc với các hành vi lái xe nguy hiểm, nhất là lái xe sau khi sử dụng rượu bia, nhờ đó số vụ tai nạn giao thông do lái xe sử dụng rượu bia đã có sự giảm đi đáng kể. Nghiên cứu về quy định pháp luật xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông tại Trung Quốc là một điều hết sức cần thiết để Việt Nam có thể hoàn thiện hệ thống pháp luật, từ đó hạn chế tai nạn giao thông, mang lại hạnh phúc cho mọi nhà.

2. Thực trạng tình hình sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông tại Trung Quốc

Nghiên cứu mới công bố của Tạp chí Y khoa Lancet (Anh) về tình trạng sử dụng đồ uống có cồn tại 189 quốc gia và vùng lãnh thổ giai đoạn 1990 - 2017 cho thấy, tỷ trọng tiêu thụ bia rượu trên toàn cầu đang có xu hướng tăng nhanh, nhất là ở các quốc gia có thu nhập thấp, trung bình như Việt Nam, Ấn Độ... Theo báo cáo này, tổng lượng tiêu thụ rượu bia trên toàn cầu mỗi năm từ 21 tỉ lít năm 1990 đã lên 35,7 tỉ lít vào 2017, tương đương tăng 70% [1].

Trong những năm gần đây, số người uống rượu ở Trung Quốc cũng tăng lên đáng kể, con số người sử dụng rượu đã lên đến hơn 500 triệu người. Theo dữ liệu khảo sát được công bố năm 2015, tỷ lệ người tiêu dùng rượu tại 36 thành phố trên toàn quốc là 22,97%. Người Trung Quốc tiêu thụ khoảng 30 tỷ kilogram rượu mỗi năm, cao hơn 2,7 lần so với tiêu chuẩn uống an toàn mà Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra là nam giới không qua 20 gram rượu và nữ giới không quá 10 gram.

Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới chỉ ra rằng mức tiêu thụ rượu trên đầu người của Trung Quốc đã tăng gần gấp 2 lần, từ 4,1 lít năm 2005 lên 7,2 lít vào năm 2016. Tỷ lệ cai rượu suốt đời của người dân Trung Quốc đã giảm từ 50,9% năm 2005 đến 42,1% năm 2016. Trong số đó, 6% đàn ông Trung Quốc và 1% phụ nữ Trung Quốc chết vì các bệnh liên quan đến rượu. Hiện nay, Trung Quốc đứng đầu trong số các quốc gia có số lượng người chết do rượu [6].

Rượu không chỉ là nguyên nhân gây ra các căn bệnh về sức khỏe như các bệnh liên quan đến thần kinh, tiêu hoaos, gan, ung thư…, nó còn là nguyên nhân chính gây ra hàng ngàn vụ tai nạn giao thông. Khi rượu đạt đến một nồng độ nhất định trong máu người, khả năng phản ứng với thế giới bên ngoài, khả năng kiểm soát và khả năng xử lý các trường hợp khẩn cấp cũng sẽ giảm.

Đối với tài xế say rượu, nồng độ cồn trong máu càng cao, khả năng xảy ra va chạm càng cao. Biểu hiện của việc lái xe sau khi say rượu là tài xế sẽ phản ứng chậm với đèn tín hiệu, lái xe ngược chiều, lái xe không đúng làn đường quy định, rẽ bất thường hoặc dừng lại không rõ lý do hoặc quên bật đèn pha khi trời tối…

Khi nồng độ cồn trong máu của tài xế đạt 80mg/100ml, xác suất xảy ra tai nạn giao thông là 2,5 lần so với lượng rượu trong máu khi đạt tới 100mg/100ml và xác suất xảy ra tai nạn giao thông là cao gấp 4,7 lần so với máu không có rượu. Ngay cả trong trường hợp uống một lượng nhỏ, nguy cơ tai nạn giao thông có thể đạt tới 2 lần so với trạng thái không uống rượu [7].

Theo khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng 50% đến 60% các vụ tai nạn giao thông có liên quan đến lái xe khi say rượu. Hơn 3.000 người chết và hơn 100.000 người bị thương mỗi ngày vì tai nạn giao thông trên toàn thế giới. Hơn 1,2 triệu người chết mỗi năm và một số lượng lớn người bị tàn tật. Trong số đó, thương vong do lái xe khi say rượu chiếm 25%. Có thể thấy rằng, lái xe khi say rượu là một mối nguy hiểm tiềm ẩn lớn của tai nạn giao thông đường bộ cả ở nước ngoài và ở Trung Quốc. (Hình 1)

Hình 1: Số liệu phân tích tình trạng tai nạn giao thông từ năm 2013 - 2017 tại Trung Quốc

Hinh 1

          Nguồn: Báo cáo phân tích - Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc [4]

Năm 2017, toàn Trung Quốc có 203.049 vụ tai nạn giao thông thì tai nạn giao thông do tài xế sử dụng rượu bia lên đến con số 91.372, tức là tỷ lệ các vụ tai nạn liên quan đến rượu bia lên đến 45%. Tuy nhiên, con số này đã có sự giảm một cách rõ rệt so với 5 năm trước đó, năm 2013 lên đến 65%, năm 2014 là trên 60% và 2015 là 55%. Nếu so sánh với hơn 10 năm trước đó, con số này càng khiến chúng ta cảm thấy vui khả quan hơn. Theo số liệu thống kê năm 2004, Trung Quốc có 567.753 vụ tai nạn giao thông, thì có đến gần 75% là có liên quan đến bia rượu.

Hình 2: Số liệu phân tích tình trạng tai nạn giao thông từ năm 2013 - 2017 trên toàn quốc

Hinh 2

Nguồn: Báo cáo phân tích - Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc [4]

Năm 2017, có trên 60.000 người tử vong do tai nạn giao thông. Trong số đó nguyên nhân chính dẫn đến con số này là do lái xe không có bằng lái, lái xe quá tải, chạy quá tốc độ, nhường đường không theo quy định và lái xe vi phạm nồng độ cồn được coi là “5 kẻ giết người” chính. Số ca tử vong do lái xe sử dụng rượu bia mặc dù giảm từ năm 2013 là 8% cho đến năm 2017 xuống còn 6,5% nhưng vẫn còn gấp rưỡi so với 10 năm trước đó. Năm 2017, 4145 trường hợp tử vong là do lái xe trong tình trạng nồng độ cồn trong máu vượt quá ngưỡng cho phép. Rõ ràng con số tai nạn do rượu bia đã giảm nhưng số lượng người tử vong do nguyên nhân này vẫn là điều rất đáng quan tâm.

3. Quy định pháp luật về xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông tại Trung Quốc

Trên thực tế, ngay từ năm 1955, theo Điều 46 Luật Giao thông đầu tiên của Trung Quốc đã có quy định cấm lái xe khi say rượu. Từ năm 1955 đến nay đã có rất nhiều những thay đổi về mặt pháp lý đối với hành vi này. Vào ngày 1 tháng 8 năm 1988, "Quy định về quản lý giao thông của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa" đã chính thức được thực thi. Lần đầu tiên, các quy định về hình phạt, tạm giam và thu hồi giấy phép lái xe tạm thời đối với việc uống rượu và lái xe khi say rượu đã được xác định rõ ràng. Năm 1993, Bộ Công an thành lập nhóm lập pháp để bắt đầu sửa đổi Luật An toàn giao thông đường bộ [3].

Vào tháng 8/2010, cuộc họp lần thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nhân dân toàn quốc lần thứ 11 đã lần đầu tiên xem xét dự thảo sửa đổi Luật Hình sự quy định lái xe trong tình trạng say xỉn sẽ bị kết án.

Theo "Ngưỡng kiểm tra và đo lường nồng độ cồn trong máu và hơi thở của người điều khiển phương tiện" do Cục quản lý, kiểm tra và kiểm định chất lượng ban hành, quy định rõ hành vi được coi là lái xe sau khi uống rượu có nghĩa là nồng độ cồn trong máu của người lái xe lớn hơn hoặc bằng 20mg/100ml và thấp hơn 80mg/100ml. Lái xe trong tình trạng say rượu là hành vi lái xe khi nồng độ cồn trong máu của người lái xe lớn hơn hoặc bằng 80mg/100ml.

Theo quy định hiện hành của pháp luật Trung Quốc, Điều 91 Luật An toàn giao thông đường bộ, hành vi lái xe sau khi sử dụng rượu bia bị xử lý hành chính phạt tiền từ 1.000 đến 2.000 nhân dân tệ (khoảng 3,4 triệu đến 6,8 triệu đồng), tạm giữ bằng lái đến 6 tháng (với các lái xe có nồng độ cồn từ 20 mg đến dưới 80 mg trên mỗi 100 ml máu).

Còn đối với các lái xe được xác định trong trạng thái say rượu bia (nồng độ cồn lớn hơn hoặc bằng 80 mg trên mỗi 100 ml máu), hình phạt là tịch thu bằng lái, không được thi bằng lái trong vòng 5 năm, đồng thời bị tạm giữ trong vòng 15 ngày để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lái xe nguy hiểm với hình phạt có thể ngồi tù tới 6 tháng.

Hành vi lái xe sau khi sử dụng rượu bia đối với tài xế của phương tiện dùng vào mục đích kinh doanh sẽ bị xử phạt nặng hơn nhiều, lái xe có mức độ cồn như trên đều bị xử lý hình sự và cấm lái trong vòng 5-10 năm. Nếu tài xế gây thương tích nghiêm trọng hoặc tử vong, sẽ bị tước giấy phép lái xe vĩnh viễn và chịu trách nhiệm hình sự [5].

Luật Hình sự Trung Quốc cũng có quy định rõ về say rượu bệnh lý và say rượu sinh lý. Say rượu theo quy định tại khoản 4, Điều 18 Luật Hình sự là say rượu sinh lý, tức là người uống rượu quá nhiều, vượt quá khả năng uống rượu bình thường, làm mất hoặc suy yếu khả năng kiểm soát hành vi của mình. Nếu người đó không có khả năng xác định hoặc kiểm soát hành vi của mình do say rượu sinh lý sẽ không được miễn trách nhiệm hình sự.

Say rượu bệnh lý lại thuộc nhóm bệnh tâm thần, được quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật Hình sự. Bệnh nhân say rượu bệnh lý hoặc tâm thần chưa hoàn toàn mất khả năng xác định hoặc kiểm soát hành vi của chính mình sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng có thể bị phạt nhẹ hơn hoặc giảm nhẹ [2].

Theo thông tin từ cơ quan chức năng Trung Quốc, nhờ xây dựng cơ chế thường xuyên và hiệu quả trong xử lý các hành vi lái xe sau sử dụng rượu bia, nhất là xác định lái xe sau khi say rượu bia là hành vi phạm tội để xử lý hình sự, đã có hàng vạn lái xe bị xử phạt khi có hành vi sử dụng rượu bia. Nhờ áp dụng các hình phạt nghiêm khắc và thường xuyên, liên tục, số vụ tai nạn giao thông do lái xe sử dụng rượu bia đã giảm đáng kể, nhất là từ cuối năm 2018, chưa có vụ tai nạn nào làm hơn 5 người thiệt mạng do lái xe uống rượu bia.

Số liệu thống kê của Bộ Công an Trung Quốc cho thấy, cả năm 2018 có hơn 17 nghìn lái xe bị cấm lái suốt đời, trong đó có hơn 5.000 trường hợp do lái xe sau khi sử dụng rượu bia gây tai nạn giao thông đến mức phải xử lý hình sự.

Thời gian tới, cơ quan chức năng Trung Quốc sẽ duy trì thường xuyên việc tuần tra, phát hiện và xử lý nghiêm khắc hành vi lái xe sau sử dụng rượu bia, xác định đây là trọng điểm công tác thường xuyên của lực lượng cảnh sát giao thông tại các thành phố trọng điểm như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân; tăng cường nhân lực kiểm tra nồng độ cồn vào ban đêm, đặc biệt là áp dụng nhiều công nghệ thông minh trong phát hiện, xử lý lái xe có sử dụng rượu bia.

4. Một số kiến nghị và giải pháp đối với Việt Nam

So sánh với Trung Quốc, Việt Nam cũng là quốc gia có mức tiêu thụ rượu bia ở bậc cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Số liệu tốc độ tiêu thụ rượu bia tăng “chóng mặt” tỷ lệ thuận với tai nạn giao thông từ ma men. Kết quả một cuộc khảo sát do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện tại 10 tỉnh, thành năm 2016 cho thấy, tỷ lệ các vụ tai nạn do rượu bia chiếm khoảng 39,6%.

Năm 2016, xảy ra gần 21.500 vụ tai nạn giao thông với 8.700 người chết thì chỉ riêng tai nạn giao thông do bia rượu đã xấp xỉ 9.000 vụ. Từ gần 40% (năm 2016), theo thống kê chưa đầy đủ thời gian gần đây, có tới 65 - 70% các vụ tai nạn giao thông mà người điều khiển phương tiện liên quan vi phạm nồng độ cồn [1].

Trên cơ sở nghiên cứu về quy định pháp luật của Trung Quốc, tác giả đưa ra một số kiến nghị về giải pháp như sau:

Thứ nhất: Kiến nghị với Quốc hội Việt Nam ban hành Nghị quyết về bảo đảm trật tự an toàn giao thông với các nội dung: (

1) Xử lý hình sự đối với vi phạm quy định nồng độ cồn đặc biệt nghiêm trọng kể cả khi chưa gây hậu quả; để thực hiện việc này Quốc hội có văn bản đề nghị các cơ quan công tố và tư pháp xây dựng hướng dẫn thực hiện cụ thể (hoặc xây dựng các án lệ) xử lý hình sự theo Khoản 4, Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 & 2017. Đây là căn cứ để các địa phương có thể xử lý hình sự các trường hợp vi phạm đặc biệt nghiêm trọng về nồng độ cồn kể cả khi chưa gây hậu quả, cần mạnh tay, có chế tài thật nặng đối với những tài xế sử dụng chất kích thích khi tham gia giao thông, kể cả chưa gây tai nạn.

(2) Tăng thẩm quyền xử phạt của các cơ quan chức năng; tăng tối đa hình phạt và quản lý tái phạm với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn khi lái xe; tăng nặng hình phạt với doanh nghiệp và chủ phương tiện kinh doanh vận tải nếu có lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn.

(3) Xác định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của những tổ chức và cá nhân cố tình mời uống, ép uống, bán rượu bia cho người khác nếu biết người đó phải lái xe; xác định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của những cá nhân đồng ý ngồi trên xe ô tô mà người lái xe có vi phạm nồng độ cồn.

(4) Bổ sung hình phạt lao động công ích với hành vi vi phạm nghiêm trọng về TTATGT, đặc biệt đối với vi phạm quy định về nồng độ cồn khi lái xe.

(5) Hoàn thiện quy trình giám sát liên ngành chặt chẽ đối với việc khám sức khỏe của lái xe kinh doanh vận tải, có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng chức năng của ngành Giao thông - Công an - Y tế để kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải về kiểm tra sức khỏe lái xe tại các doanh nghiệp, đơn vị vận tải. Việc kiểm tra phải tiến hành thường xuyên, đột xuất để đảm bảo hiệu quả.

(6) Thay đổi mức bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự theo mức độ rủi ro của phương tiện, người lái và lịch sử lái xe an toàn của lái xe và doanh nghiệp vận tải, chủ phương tiện.

Thứ hai: Kiến nghị với Chính phủ

Trên tinh thần Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương có liên quan thực hiện một số điều chỉnh sau: Bộ GTVT sửa đổi nội dung Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, Nghị định số 86/2014/NĐ-CP; phối hợp với Bộ Y tế sửa Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT; Bộ Y tế và Bộ Công an sửa đổi Thông tư số 26/2014/TTLT-BYT-BCA; Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với chủ xe cơ giới. Các địa phương đưa nội dung kiểm tra nồng độ cồn vào hoạt động thường kỳ của lực lượng chức năng, bảo đảm đột xuất, ngẫu nhiên, thường xuyên liên tục.

Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trong kiến nghị trên đây không chỉ đem lại kết quả trong phòng ngừa TNGT do nguyên nhân sử dụng rượu bia khi lái xe mà còn đem lại rất nhiều lợi ích to lớn về an toàn giao thông quốc gia, đảm bảo an ninh trật tự và phát triển xã hội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (2019), Báo cáo về tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông tại một số tỉnh thành năm 2016.
  2. Trịnh Tài Thành, Đàm Chính Giang, Tất Hoá (2017), Pháp luật học về An toàn giao thông đường bộ, NXB Đại học Công an nhân dân Trung Quốc.
  3. Dư Lăng Vân (2018), Lý luận và thực tiễn về vấn đề cưỡng chế hành chính của Cảnh sát về trật tự xã hội, Tập 2, NXB Đại học Công an nhân dân Trung Quốc.
  4. NXB Bắc Kinh - Trung Quốc, Thống kê số vụ tai nạn giao thông theo năm, xuất bản năm 2018.
  5. Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội Trung Quốc) (2012), Luật Hình sự Trung Quốc.
  6. Vi Minh, Thống kê số vụ tai nạn giao thông, Tạp chí Nghiên cứu thị trường, 2018.
  7. Bộ Thương mại Trung Quốc (2017), Phân tích, thống kê số vụ tai nạn giao thông đường bộ Trung Quốc năm 2017, Tạp chí Tin tức Thương nghiệp Trung Quốc, 2018.

Regulations of handling alcohol-related traffic violations in China and recommendations for Vietnam

M.A NGUYEN HA TAM

M.A Pham Thi Thu Huyen

The People’s Police Academy

ABSTRACT:

Alcohol-related traffic accidents are critical issue all over the world, including China. China has promulgated harsh penalties for alcohol-related traffic violations. This article mainly focuses on these penalities, then points out suggestions for handling the alcohol-related traffic violations in Vietnam.

Keywords: Alcohol, traffic accidents, law, China, Vietnam.