Quy định về hình phạt tù chung thân Bộ luật Hình sự năm 2015

NCS. MẠC MINH QUANG (Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội)

TÓM TẮT:

Bài viết nêu tóm tắt quy định hình phạt tù chung thân trong pháp luật hình sự hiện hành để từ đó làm nổi bật lên đặc điểm, vai trò của việc quy định hình phạt tù chung thân trong Bộ luật Hình sự Việt Nam. Nghiên cứu cũng đưa ra các giải pháp hoàn thiện các quy định liên quan đến hình phạt này, nhằm nâng cao hiệu quả của nó trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Từ khóa: Hình phạt tù chung thân, luật hình sự, pháp luật hình sự, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Để thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng và chống tội phạm, Nhà nước ta đã sử dụng đồng thời nhiều biện pháp về kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục, pháp lý… Trong các biện pháp đó, hình phạt giữ một vai trò rất quan trọng. Nhà làm luật đã xây dựng một hệ thống hình phạt đa dạng với nội dung cưỡng chế, thuyết phục, giáo dục nặng, nhẹ khác nhau, bao gồm hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Việc quy định hình phạt tù chung thân trong hệ thống hình phạt của Nhà nước ta tạo ra khả năng phân hóa trách nhiệm hình sự và cá thể hóa hình phạt đối với các loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Hình phạt này giữ vị trí trung chuyển giữa hình phạt tù có thời hạn tối đa là 20 năm và tử hình, làm cho hệ thống hình phạt giữ được tính thống nhất nội tại của nó. Tuy vậy, thực tiễn áp dụng hình phạt tù chung thân đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần được nghiên cứu để đưa ra các giải pháp hoàn thiện các quy định liên quan đến hình phạt này, nhằm nâng cao hiệu quả của nó trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.

2. Khái niệm, đặc điểm của hình phạt tù chung thân

Hình phạt tù chung thân có vai trò rất quan trọng, vì vậy đã có nhiều nhà khoa học nghiên cứu và đưa ra khái niệm về loại hình phạt này như GS.TSKH. Lê Văn Cảm, trong sách chuyên khảo Sau đại học: Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự (Phần chung), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005[1]; Chương tám "Khái niệm hình phạt và hệ thống hình phạt" của GS.TS. Võ Khánh Vinh, trong sách: "Tội phạm học, luật hình sự và luật tố tụng hình sự Việt Nam" do GS.TSKH Đào Trí Úc chủ biên, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994[2]; Luận án tiến sĩ luật học "Các hình phạt chính trong luật hình sự Việt Nam" của tác giả Nguyễn Sơn, Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội, 2002[3]…

Nhận thức được vai trò quan trọng của hình phạt tù chung thân và dựa trên các khái niệm mà các nhà khoa học đã nghiên cứu, tác giả đưa ra một khái niệm về hình phạt tù chung thân đang được nghiên cứu như sau: Tù chung thân là hình phạt tù tước quyền tự do của người bị kết án đến hết đời, được áp dụng đối với người phạm tội có tính nguy hiểm đặc biệt lớn cho xã hội, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình.

Đặc điểm chung. Với tư cách là một loại hình phạt trong hệ thống hình phạt, Hình phạt tù chung thân có đầy đủ những đặc điểm chung của hình phạt.

Đặc điểm riêng. Là công cụ bảo đảm cho Luật Hình sự thực hiện được nhiệm vụ bảo vệ và đấu tranh phòng, chống tội phạm, bên cạnh những đặc điểm chung, hình phạt tù chung thân có những đặc điểm riêng vốn có của nó.

3. Quy định về hình phạt tù chung thân trong Bộ luật Hình sự 2015

3.2.1. Quy định trong Phần chung của Bộ luật Hình sự

BLHS Việt Nam đã 3 lần được pháp điển hóa, qua mỗi lần pháp điển hóa là một lần hoàn thiện các quy định của PLHS, trong đó có chế định hình phạt. Hình phạt tù chung thân trong BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (gọi chung là BLHS năm 2015) quy định tại Phần chung của BLHS không có nhiều thay đổi so với những lần pháp điển hóa trước đó.

* Phạm vi áp dụng hình phạt tù chung thân. BLHS năm 2015 quy định rõ phạm vi áp dụng đối với hình phạt tù chung thân là “đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình” (Điều 39). Hình phạt tù chung thân cũng là một trong những tiêu chí phân loại tội phạm, nhằm xác định tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội quy định trong BLHS. Khoản 1 Điều 9 của Bộ luật Hình sự 2015.

Mặt khác, khoản 2 Điều 8 BLHS năm 1985 quy định: “...2- Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên 5 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình”. Khoản 3 Điều 8 BLHS năm 1999 quy định: “ ..... 3..........; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình”.

Ngoài việc sử dụng mức hình phạt để phân loại tội phạm quy định tại Chương III Phần chung BLHS năm 2015, trong Phần chung còn nhắc đến tù chung thân tại Chương VI về Hình phạt. Theo Khoản 1 Điều 32 BLHS năm 2015, tù chung thân là hình phạt chính đối với người phạm tội. Bên cạnh các hình phạt như cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất, tù có thời hạn và tử hình, tù chung thân là một trong những hình phạt nghiêm khắc nhất trong BLHS. Bằng cách sắp xếp các hình phạt chính theo mức độ từ thấp đến cao, hình phạt tù chung thân được coi là chế tài nghiêm khắc chỉ sau hình phạt tử hình.

* Đối tượng áp dụng hình phạt tù chung thân. Cả 3 lần pháp điển hóa BLHS đều xác định tù chung thân là “hình phạt tù không thời hạn được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình”. Như vậy, đối tượng áp dụng hình phạt tù chung thân chính là chủ thể của tội phạm - và chỉ có thể là cá nhân, theo quy định của BLHS, cần có những điều kiện về năng lực TNHS, độ tuổi chịu TNHS.

Thứ nhất, về năng lực TNHS: được hiểu là khả năng nhận thức của cá nhân về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi và khả năng điều khiển hành vi đó, tức họ có sự lựa chọn thực hiện hay không thực hành vi nguy hiểm cho xã hội đó.

Thứ hai, về độ tuổi chịu TNHS được quy định tại Điều 121 BLHS năm 2015, có thể hiểu, độ tuổi để bị truy cứu TNHS là từ đủ 14 tuổi trở lên. Trong đó, từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ bị chịu TNHS về các tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại các điều trên.

* Những quy định khác. Một là, trường hợp được giảm hình phạt liên quan đến tù chung thân. Trong phần chung của BLHS năm 2015 cũng có những quy định khác liên quan đến hình phạt tù chung thân, đó là người phạm tội bị tuyên hình phạt tù chung thân có thể giảm án sau một thời gian nhất định.

3.2.2. Quy định trong Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự

Xét tương quan quy định về hình phạt tù chung thân đối với các tội danh trong Phần các tội phạm của BLHS năm 2015 so với các BLHS trước đó, có thể thấy các tội danh phải chịu án chung thân có giảm xuống.

BLHS năm 2015  bỏ hình phạt tù chung thân và quy định mức án cao nhất là 20 năm tù đối với các tội danh gồm: Tội buôn lậu (Điều 188); Tội đưa hối lộ (Điều 364); Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 172); Tội trộm cắp tài sản (Điều 173); Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 121); Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175); Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178); Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290); Tội khai báo hoặc tự nguyện làm việc cho địch khi bị bắt làm tù binh (Điều 400); Tội bỏ vị trí chiến đấu hoặc không làm nhiệm vụ trong chiến đấu (Điều 401). Như vậy, so với BLHS năm 1999, có 21,3% tội phạm có quy định hình phạt đến chung thân, thì trong BLHS năm 2015 chỉ còn 16,08% tội phạm quy định hình phạt chung thân, giảm 4,5%.

Trong tổng số 898 cấu thành tội phạm trong BLHS năm 2015, có 240 cấu thành tội phạm ít nghiêm trọng, 288 cấu thành tội phạm nghiêm trọng, 237 cấu thành tội phạm rất nghiêm trọng và 100 cấu thành tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có 53 cấu thành tội phạm có khung hình phạt là tù chung thân, chiếm 5,9% tổng số cấu thành tội phạm.

Trong số 317 tội danh quy định tại BLHS năm 2015, Chương XIII Các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định có 9 tội danh hình phạt đến chung thân. Chương XIV Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người có 7 tội danh hình phạt đến chung thân. Chương XVI Các tội xâm phạm sở hữu có 3 tội danh hình phạt đến chung thân. Chương XVIII Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế có 3 tội danh hình phạt đến chung thân. Chương XX Các tội phạm về ma túy có 6 tội danh áp dụng hình phạt chung thân. Chương XXI Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng có 9 tội danh áp dụng hình phạt chung thân. Chương XXIII các tội phạm về chức vụ có 4 tội danh áp dụng hình phạt chung thân. Chương XXIV Các tội về xâm phạm hoạt động tư pháp có 2 tội danh áp dụng tù chung thân, Chương XXV Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và trách nhiệm của người phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu có 3 tội danh áp dụng hình phạt tù chung thân. Chương XXVI Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh có 8 tội danh nhưng trong đó có đến 7 tội danh áp dụng hình phạt chung thân.

3.2.3. Về hình phạt tù chung thân không đặc xá[4]

Mặc dù hình phạt tù chung thân có ý nghĩa khác nhau ở mỗi quốc gia, nhưng hầu hết các nước đều quy định trường hợp bị kết án tù chung thân sẽ có những điều kiện để ân giảm và phóng thích sau một thời gian thụ án nhất định và chịu sự giám sát liên tục trong cộng đồng sau thời gian được thả[v]

Xu hướng hiện nay trên thế giới không chỉ là giảm và tiến tới xóa bỏ án tử hình, mà còn có xóa bỏ hình thức tù chung thân không ân xá. Liên hợp quốc cho rằng Các tù nhân bị kết án tù chung thân có thể bị các vấn đề về tâm lý và xã hội học do sự giam cầm, có hại cho sức khỏe của cá nhân tù nhân, xét dưới khía cạnh quyền con người, đây là những tổn thương cần được xóa bỏ.

Để tương thích với các quy định của PLHS quốc tế, cũng như đảm bảo quyền con người và quyền công dân, chúng tôi cho rằng nên bỏ quy định về không đặc xá một số tội danh có hình phạt đến tù chung thân như trong quy định của Luật Đặc xá hiện hành.

4. Những giải pháp tiếp tục hoàn thiện việc quy định hình phạt tù chung thân

Thứ nhất. Quy định về hung hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội theo pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Nhiều tội phạm phạm tội có tính chất man rợ, giết nhiều người cùng lúc nhưng vì chưa đủ 18 tuổi nên không phải chịu mức án cao nhất là tử hình hoặc chung thân. Đây cũng là kẽ hở khiến tội phạm lợi dụng. Vì vậy, bên cạnh việc "phòng ngừa" là tạo dựng những môi trường sống tốt cho giới trẻ cũng cần những hình phạt đủ để răn đe đối tượng phạm tội.

Phương án 1: Sửa nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội như sau: "Ở độ tuổi từ 14 đến chưa đủ 16 tuổi phạm tội không áp dụng hình phạt tử hình và tù chung thân, Ở độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội không áp dụng hình phạt tử hình và được giảm nhẹ một phần hình phạt so với người đã thành niên".

Phương án 2: Sửa Điều 68 Bộ luật Hình sự hiện hành theo hướng giảm độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên phạm tội: "Người chưa thành niên từ đủ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của chương này, đồng thời theo những quy định khác của Phần chung Bộ luật không trái với những quy định của chương này".

Thứ hai, giải pháp hoàn thiện quy định về thời hiệu thi hành bản án đối với người bị kết án tù chung thân tại Khoản 4 Điều 55 Bộ luật Hình sự hiện hành.

Về vấn đề này, Bộ luật Hình sự không quy định rõ cơ sở để xem xét và quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là có áp dụng thời hiệu hay không và cũng không quy định thời hạn xem xét này là bao lâu. Hơn nữa, việc đồng nhất về chính sách xử lý về vấn đề thời hiệu đối với hai loại hình phạt tù chung thân và tử hình là chưa hợp lý vì hai loại hình phạt này có nội dung và hậu quả pháp lý khác nhau. Vì vậy, chúng tôi đề nghị khắc phục điểm hạn chế này theo một trong hai phương án sau:

Phương án 1: Đối với bản án tù chung thân đã qua thời hạn 15 năm, đối với bản án tử hình đã qua thời hạn 20 năm sẽ do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Theo đó, quy định rõ các căn cứ tạo cơ sở cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định áp dụng thời hiệu hay không.

Phương án 2: Quy định rõ ràng thời hiệu thi hành bản án tù chung thân giống như các bản án khác chứ không giao cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét và quyết định. Ví dụ: Thời hiệu thi hành các bản án tù chung thân sẽ là 20 năm hoặc 25 năm, đối với bản án tử hình sẽ là 25 năm hoặc 30 năm.

Thứ ba, giải pháp liên quan đến việc quy định nhiều chế tài trong phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự ở các tội phạm có quy định áp dụng hình phạt tù chung thân.

Để hạn chế đến mức thấp nhất khả năng áp dụng hình phạt tù chung thân chưa tương xứng với hành vi nguy hiểm của người phạm tội, tránh sự tùy tiện, góp phần nâng cao hiệu quả của hình phạt tù chung thân, chúng ta có thể đưa ra kiến nghị để khắc phục nhược điểm này như đề nghị cơ quan có thẩm quyền đưa ra hướng dẫn cụ thể đối với các tội phạm có hình phạt tù chung thân rằng trong trường hợp nào có thể xử phạt tù chung thân và trường hợp nào có thể xử tử hình.

Thứ tư, tăng cường, nâng cao năng lực cán bộ các cơ quan tư pháp, trước hết là đội ngũ thẩm phán trong việc áp dụng p để đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế là một đòi hỏi cấp bách trong tình hình hiện nay. Một số trường hợp xét xử sai lầm nghiêm trọng có nguyên nhân là trình độ, năng lực của thẩm phán chưa đáp ứng yêu cầu.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

1Xem: GS. TSKH. Lê Văn Cảm, Chương thứ bảy - "Hình phạt và biện pháp tư pháp", Trong Sách chuyên khảo Sau đại học: Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự (Phần chung), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005, tr.671-648.

2Xem: GS.TS. Võ Khánh Vinh, Chương tám "Khái niệm hình phạt và hệ thống hình phạt", Trong sách: "Tội phạm học, luật hình sự và luật tố tụng hình sự Việt Nam" do GS. TSKH Đào Trí Úc chủ biên, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.215-250.

3 Nguyễn Sơn (2002), Hình phạt chính trong Luật Hình sự, Luận án tiến sĩ luật học, Viện Nhà nước và pháp luật, Hà Nội, tr. 30

4Vivian Sterm (2007), Alternatives to the death penalty: the problems with life imprisonment, Penal Reform International, No1 2007 (1), tr.12-25.

 

PROVISIONS ON LIFE SENTENCE OF VIETNAM CRIMINAL CODE 2015

PhD's student. MAC MINH QUANG

School of Law, Vietnam National University, Hanoi

 

ABSTRACT:

The article summarizes the provisions on life sentence in the current criminal law, thereby highlighting the characteristics and role of the provisions for life imprisonment in the Vietnam Criminal Code. The study also provides solutions to complete the regulations related to this punishment to improve its effectiveness in the fight against crime.

Keywords: Life sentence, criminal law, penal law, Vietnam.