Quy định về tăng vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên - Bất cập và hướng hoàn thiện

TS. CAO NHẤT LINH (Khoa Luật - Trường Đại học Cần Thơ), NGUYỄN LÝ HẢI (Học viên cao học - Trường Đại học Trà Vinh)

TÓM TẮT:

Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định cho phép công ty trách nhiệm hữu hạn (công ty TNHH) hai thành viên trở lên có thể tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên, các trường hợp tăng vốn điều lệ theo quy định trong văn bản quy phạm pháp luật này còn thể hiện nhiều bất cập. Do đó, việc bổ sung thêm các trường hợp tăng vốn điều lệ, hoàn thiện chi tiết các quy định hiện hành là thực sự cần thiết, nhằm tạo ra một hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp khi muốn tăng vốn điều lệ để mở rộng sản xuất - kinh doanh, mở rộng thị trường…

Từ khóa: Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, tăng vốn góp, thành viên mới, bất cập, hướng hoàn thiện.

1. Quy định của pháp luật

Khoản 1 Điều 68 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định 2 trường hợp tăng vốn điều lệ của công ty TNHH hai thành viên trở lên bao gồm: Tăng vốn góp của thành viên và tiếp nhận vốn góp của thành viên mới. Tuy nhiên, Khoản 2 của Điều luật này chỉ cụ thể hóa trường hợp tăng vốn điều lệ bằng hình thức tăng vốn góp của thành viên. Cụ thể: “Trường hợp tăng vốn góp của thành viên thì vốn góp thêm được phân chia cho các thành viên theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty”.

Ví dụ: Công ty có vốn điều lệ là 100.000.000 VNĐ (Một trăm triệu đồng) và có 03 thành viên. Thành viên thứ nhất có phần vốn góp trong công ty là 50.000.000 VNĐ (năm mươi triệu đồng tương đương với 50% vốn điều lệ của công ty); Thành viên thứ hai có phần vốn góp là 30.000.000 VNĐ (ba mươi triệu đồngtương đương với 30% vốn điều lệ của công ty); Thành viên thứ ba có phần vốn góp là 20.000.000 VNĐ (hai mươi triệu đồng tương đương với 20% vốn điều lệ công ty). Khi công ty quyết định tăng vốn theo hình thức tăng vốn góp của các thành viên thì thành viên thứ nhất góp thêm 50% tổng số tăng thêm của vốn điều lệ; thành viên thứ hai góp thêm 30% tổng số tăng thêm của vốn điều lệ; thành viên thứ ba góp thêm 20% tổng số tăng thêm của vốn điều lệ.

Như vậy, theo quy định nêu trên, nếu công ty muốn giữ nguyên tỷ lệ góp vốn của tất cả các thành viên hiện hữu (không kết nạp thêm thành viên mới) thì công ty chỉ có thể tăng vốn điều lệ bằng hình thức tăng vốn góp của các thành viên.

Cũng tại Khoản 2 nêu trên, trong trường hợp công ty tăng vốn điều lệ bằng cách tăng vốn góp của tất cả các thành viên, nếu có thành viên không muốn góp thêm thì “Thành viên có thể chuyển nhượng quyền góp vốn của mình cho người khác theo quy định tại Điều 53 của Luật này”. Ngoài ra, “Thành viên phản đối quyết định tăng thêm vốn điều lệ có thể không góp thêm vốn. Trường hợp này, số vốn góp thêm của thành viên đó được chia cho các thành viên khác theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty nếu các thành viên không có thỏa thuận khác”. Do vậy, trong trường hợp này, sau khi công ty tăng vốn điều lệ, thành viên hiện hữu không góp thêm vốn sẽ có tỷ lệ vốn góp trong vốn điều lệ thấp hơn tỷ lệ vốn góp khi công ty chưa tăng vốn điều lệ.

Đối với trường hợp tăng vốn góp bằng hình thức tiếp nhận thêm thành viên mới thì Điều 68 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 không có quy định chi tiết. Tuy nhiên, thành viên mới phải không thuộc diện cấm góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định hiện hành.

2. Hạn chế và hướng hoàn thiện

2.1. Trường hợp tăng vốn điều lệ bằng hình thức tăng vốn góp của thành viên

Quy định của pháp luật hiện hành về tăng vốn điều lệ của công ty TNHH hai thành viên trở lên bằng hình thức tăng vốn góp của các thành viên, có một số hạn chế sau đây cần được hoàn thiện:

Một là, quy định hiện hành không cho phép các thành viên được quyền thỏa thuận tỷ lệ vốn góp thêm. Nói cách khác, nếu thành viên quyết định góp thêm thì phải góp đúng theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty. Quy định cứng nhắc như trên không tạo cho các thành viên quyền tự quyết định, định đoạt được tỷ lệ góp thêm của mình. Điều này đi ngược lại với tinh thần chung của pháp luật về doanh nghiệp là không can thiệp quá sâu vào quan hệ nội bộ giữa các thành viên. Hạn chế này có thể được lý giải theo hướng là nhà làm luật muốn tạo sự công bằng trong việc góp thêm vốn. Do đó, Luật Doanh nghiệp quy định nếu thành viên không góp thêm thì có quyền chuyển nhượng lại quyền góp vốn đó, nhưng phải chuyển nhượng theo Điều 53 của Luật này để đảm bảo quyền ưu tiên mua của các thành viên còn lại một cách bình đẳng theo tỷ lệ. Cụ thể, điểm a, khoản 1 của Điều 53 quy định “Phải chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện”. Tuy nhiên, nếu lý giải theo hướng này thì tại sao quy định trong đoạn tiếp theo của Khoản 2 Điều 68 cũng có cùng bản chất (áp dụng cho trường hợp thành viên phản đối quyết định tăng vốn điều lệ của công ty), nhưng lại cho các thành viên hiện hữu có quyền thỏa thuận khác với tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty?. Do đó, để cho phù hợp với quyền tự định đoạt của các thành viên hiện hữu và phù hợp với đoạn thứ hai của Khoản 2, thì đoạn đầu của Khoản 2 Điều 68 của Luật Doanh nghiệp nên được sửa đổi theo hướng bổ sung thêm quyền thỏa thuận giữa các thành viên ghi nhận trong Điều lệ công ty hoặc thỏa thuận trực tiếp về tỷ lệ vốn góp thêm khi công ty quyết định tăng vốn điều lệ theo hình thức tăng vốn góp của các thành viên.

Hai là, thuật ngữ sử dụng trong quy định tại Khoản 2 Điều 68 về “quyền góp vốn” là chưa được chính xác, dễ gây nhầm lẫn với “quyền góp vốn” lúc thành lập doanh nghiệp. Bởi về bản chất, đây là “quyền góp thêm vốn” chứ không phải là “quyền góp vốn”. Mặc dù quy định “quyền góp vốn” này nằm trong điều luật về thay đổi vốn điều lệ, nhưng những thành viên của công ty không phải lúc nào cũng hiểu rõ các quy định của pháp luật. Do đó, việc xác định rõ ràng thuật ngữ sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho mọi đối tượng đều dễ hiểu, dễ áp dụng.

Ba là, việc chuyển nhượng quyền này được Luật Doanh nghiệp bắt buộc phải chuyển nhượng theo quy định tại Điều 53 của Luật Doanh nghiệp. Thế nhưng, Điều 53 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 là quy định cho việc chuyển nhượng “phần vốn góp”, trong khi việc chuyển nhượng trong trường hợp tăng vốp góp của các thành viên là chuyển nhượng “quyền góp vốn”. Nói cách khác, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đang đồng nhất giữa “phần vốn góp” tại Điều 53 và “quyền góp vốn” tại Điều 68. Đối với phần vốn góp thì thành viên có thể chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ, nhưng đối với “quyền góp vốn” thì thành viên có thể chuyển nhượng một phần hay toàn bộ hay không? Để tránh tình trạng khó xác định là có tách được “quyền góp vốn” tăng thêm này thành nhiều phần để chuyển nhượng được hay không, thì Luật Doanh nghiệp nên được sửa đổi thuật ngữ tại Điều 68 theo hướng: Thành viên có thể chuyển nhượng “quyền góp vốn đối với phần vốn góp tăng thêm” của mình cho người khác theo quy định tại Điều 53 của Luật này. Khi đó, việc áp dụng Điều 53 vào trường hợp chuyển nhượng “quyền góp vốn đối với phần vốn góp tăng thêm” khi công ty tăng vốn điều lệ nêu trên sẽ được thực hiện thuận tiện và dễ dàng hơn.

Bốn là, Khoản 2 Điều 68 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 cho phép “thành viên phản đối quyết định tăng thêm vốn điều lệ của công ty thì có thể không góp thêm vốn”. Trường hợp này được xử lý bằng cách: “Số vốn góp thêm của thành viên đó được chia cho các thành viên khác theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty nếu các thành viên không có thỏa thuận khác”. Quy định này cũng phát sinh bất cập ở chỗ: Nếu thành viên phản đối quyết định của công ty về việc tăng vốn điều lệ thì “có thể không góp thêm vốn”. Có nghĩa là họ có quyền góp vốn thêm hoặc không góp vốn thêm, vì thuật ngữ “có thể” làm cho người đọc và áp dụng pháp luật có thể hiểu theo hai hướng nêu trên. Như vậy, nếu họ thực hiện quyền góp thêm vốn (dù phản đối với quyết định tăng vốn của công ty) thì họ có quyền chuyển nhượng “quyền góp vốn đối với phần vốn góp tăng thêm” của mình cho người khác như những thành viên hiện hữu không phản đối quyết định tăng vốn của công ty hay không?. Căn cứ vào quy định hiện hành thì họ không có quyền chuyển nhượng quyền góp vốn đối với phần vốn góp tăng thêm cho người khác. Nói cách khác, đối với thành viên không phản đối quyết định tăng vốn điều lệ của công ty thì có quyền chuyển nhượng quyền góp vốn đối với phần vốn góp tăng thêm của họ cho người khác, còn đối với thành viên phản đối quyết định tăng vốn điều lệ công ty thì không có quyền chuyển nhượng quyền góp vốn đối với phần vốn góp tăng thêm cho người khác. Do đó, Luật Doanh nghiệp cần được sửa đổi theo hướng: “Thành viên phản đối quyết định tăng thêm vốn điều lệ của công ty thì không được góp thêm vốn”, có nghĩa là thay thế từ “có thể không góp thêm vốn” thành “không được góp thêm vốn”.

Năm là, Luật Doanh nghiệp năm 2014 chỉ mới xử lý phần vốn góp tăng thêm (của thành viên phản đối quyết định tăng vốn điều lệ) bằng quy định “chia điều cho các thành viên khác theo tỷ lệ nếu các thành viên khác không có thỏa thuận khác”. Thế nhưng, nếu các thành viên khác không thỏa thuận được thì các thành viên khác phải bắt buộc phải tiếp nhận phần vốn góp tăng thêm đó theo tỷ lệ phần vốn góp của họ trong công ty. Quy định này là bất hợp lý. Bởi vì, các thành viên đồng ý với quyết định tăng vốn điều lệ của công ty, nhưng chưa chắc họ đều đồng ý tiếp nhận thêm phần vốn góp tăng thêm ngoài phần vốn góp tăng thêm ban đầu theo dự kiến của họ. Ví dụ, công ty có 4 thành viên. Mỗi thành viên có phần vốn góp là 100 triệu đồng (vốn điều lệ của công ty hiện tại là 400 triệu đồng). Trường hợp công ty quyết định tăng vốn điều lệ thêm 1,2 tỷ đồng (có nghĩa là mỗi thành viên phải góp thêm 300 triệu đồng). Thành viên thứ nhất, thứ hai và thứ ba đồng ý, nhưng thành viên thứ tư phản đối quyết định tăng vốn. Căn cứ vào quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì thành viên thứ tư có quyền không góp thêm vốn. Do đó, thành viên thứ nhất, thứ hai và thứ ba sẽ thỏa thuận việc góp thêm 300 triệu đồng do thành viên thứ tư không góp thêm. Trường hợp các thành viên thứ nhất, thứ hai, thứ ba không thỏa thuận được thì mỗi thành viên phải góp thêm 100 triệu đồng nữa (theo tỷ lệ phần vốn góp trong vốn điều lệ của công ty). Hậu quả là, sau quyết định tăng vốn điều lệ của công ty thì thành viên thứ nhất, thứ hai và thứ ba, mỗi thành viên phải góp thêm 400 triệu đồng, chứ không phải 300 triệu đồng như quyết định ban đầu. Phần 100 triệu đồng tăng thêm này hoàn toàn không có sự đồng ý của thành viên thứ nhất, thứ hai và thứ ba, vì họ không có khả năng góp thêm 100 triệu đồng phát sinh này, hoặc họ không muốn góp thêm 100 triệu đồng này vì nhiều lý do, trong đó có lý do tránh rủi ro khi đầu tư thêm quá nhiều vốn vào công ty.

Xuất phát từ bất cập nêu trên, Luật Doanh nghiệp năm 2014 nên được sửa đổi, bổ sung theo hướng: “Trường hợp này, số vốn góp thêm của thành viên đó được xử lý theo thứ tự như sau: a) Các thành viên còn lại thỏa thuận chia tỷ lệ góp thêm của họ; b) Trường hợp các thành viên còn lại không thỏa thuận được tỷ lệ góp thêm thì chia theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty; c)Trường hợp có thành viên trong nhóm các thành viên còn lại từ chối góp thêm theo tỷ lệ được quy định tại điểm b Điều này thì phần vốn góp đó sẽ được xử lý theo Quyết định của Hội đồng thành viên, nếu Điều lệ công ty không quy định khác.

2.2. Trường hợp tăng vốn điều lệ bằng hình thức tiếp nhận thêm vốn của thành viên mới

Việc tiếp nhận thêm thành viên mới để tăng vốn điều lệ chỉ có thể xảy ra khi hội đủ 2 điều kiện: Điều kiện số lượng thành viên và điều kiện về chủ thể.

Đối với điều kiện về số lượng thành viên thì các quy định đã quá rõ ràng, dễ hiểu. Bởi vì, theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì số lượng thành viên tối đa của công ty là 50 thành viên. Tuy nhiên, điều kiện về chủ thể thì còn một số bất cập, do cách xác định “người quản lý doanh nghiệp” theo khoản 18 Điều 4 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 quá rộng, làm ảnh hưởng đến khả năng tăng vốn điều lệ của công ty TNHH hai thành viên trở lên theo hình thức tiếp nhận thêm vốn góp của thành viên mới.

Cụ thể, căn cứ vào Khoản 3 Điều 18 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì các đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp bao gồm: “a) Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình; b) Các đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức”. Quy định này đối với công ty TNHH hai thành viên là không khả thi. Bởi vì, Luật Doanh nghiệp chỉ cấm 2 nhóm đối tượng góp vốn vào công ty TNHH để công ty này tăng vốn điều lệ, nhưng nếu căn cứ vào quy định về Hội đồng thành viên và người quản lý doanh nghiệp thì Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã gián tiếp cấm tất cả các đối tượng được liệt kê tại Khoản 2 Điều 18 (các đối tượng bị cấm thành lập, quản lý doanh nghiệp). Cụ thể, theo Khoản 18 Điều 4 và Khoản 1 Điều 56 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì tất cả các thành viên của công ty TNHH hai thành viên trở lên đều là người quản lý doanh nghiệp. Do đó, tất cả các nhóm đối tượng bị cấm quản lý doanh nghiệp theo khoản 2 Điều 18 đều sẽ bị cấm góp vốn vào công ty TNHH.

Do đó, để cho công ty TNHH hai thành viên trở lên được tăng khả năng huy động vốn bằng cách tăng thêm vốn góp của thành viên mới, thì Khoản 18 của Điều 4 (về người quản lý doanh nghiệp) của Luật Doanh nghiệp năm 2014 nên được sửa đổi theo hướng chỉ xác định người quản lý doanh nghiệp đối với công ty TNHH bao gồm những người như: Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc, Tổng giám đốc và những người có quyền nhân danh công ty xác lập các giao dịch. Nếu theo hướng này thì sẽ mở ra cơ hội rất nhiều cho các đối tượng tham gia góp vốn để tăng vốn điều lệ công ty,  vì thành viên góp vốn sau có quyền vào nhóm thành viên không giữ chức danh quản lý. Nếu sửa đổi như thế thì quy định về việc tăng vốn điều lệ công ty TNHH hai thành viên trở lên theo cách tiếp nhận vốn góp của thành viên mới sẽ được nhiều khả thi hơn.

Ngoài ra, trong trường hợp quyết định của công ty theo hướng tiếp nhận thêm thành viên mới để tăng vốn điều lệ, nhưng không có thành viên mới nào tham gia thì được xử lý như thế nào? Hiện tại Luật Doanh nghiệp còn đang bỏ ngỏ. Do đó, trong trường hợp này, Điều 68 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 nên được bổ sung thêm quy định như sau: “Trường hợp công ty quyết định tiếp nhận vốn góp của thành viên mới nhưng không có người góp vốn thì phần vốn góp dự kiến của thành viên mới sẽ được xử lý theo một trong các cách theo thứ tự sau đây: a) Các thành viên hiện hữu góp thêm theo tỷ lệ phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ của công ty; d) Hội đồng thành viên quyết định, nếu điều lệ công ty không quy định khác”.

Đề xuất nêu trên nhằm đảm bảo xử lý được trường hợp công ty quyết định tăng vốn điều lệ công ty bằng cách tăng thêm vốn góp của thành viên mới, nhưng thực tế không có thành viên mới nào tham gia hoặc số lượng thành viên mới tham gia không đủ số vốn tăng thêm của vốn điều lệ do công ty xác định.

Ngoài 2 trường hợp tăng vốn điều lệ của công ty TNHH hai thành viên trở lên được quy định tại Điều 68 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì Luật này không ghi nhận thêm hình thức tăng vốn điều lệ nào khác cho công ty. Sự hạn chế số lượng hình thức tăng vốn điều lệ này là một bất cập nữa cần được bổ sung, sửa đổi. Cụ thể, nghiên cứu Luật Doanh nghiệp năm 2005, chúng ta thấy có quy định về việc tăng vốn điều lệ của công ty TNHH hai thành viên trở lên theo hình thức “Điều chỉnh tăng mức vốn điều lệ tương ứng với giá trị tài sản tăng lên của công ty”. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã bỏ đi hình thức tăng vốn điều lệ này.

Cơ sở để bỏ quy định này có thể là theo khoản 4 Điều 4 Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25 tháng 04 năm 2013 hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định thì doanh nghiệp chỉ được đánh giá lại giá trị tài sản cố định để điều chỉnh nguyên giá trong các trường hợp sau: Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc thực hiện tổ chức lại doanh nghiệp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức doanh nghiệp: chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, cổ phần hóa, bán, khoán, cho thuê, chuyển đổi công ty TNHH thành công ty cổ phần, chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty TNHH hoặc dùng tài sản để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc bỏ quy định này là một bất cập. Bởi vì thực tế, giá trị tài sản của doanh nghiệp có thể tăng lên rất nhiều so với giá trị lúc ban đầu tài sản được góp vào công ty. Nếu không cho phép công ty tiến hành định giá lại tài sản để tăng vốn điều lệ thì sẽ ảnh hưởng đến quyền và khả năng mở rộng kinh doanh với giá trị tài sản thực tế đang có của công ty. Do đó, Luật Doanh nghiệp năm 2014 và văn bản liên quan nêu trên nên lấy lại quy định cũ là cho phép doanh nghiệp có quyền định giá lại tài sản để tăng vốn điều lệ của công ty. Ngoài ra, nên bổ sung thêm các trường hợp khác do điều lệ công ty quy định.

Tóm lại, trong quá trình hoạt động kinh doanh, tùy vào từng thời điểm và chiến lược kinh doanh hoặc tùy vào tình hình thực tế, các doanh nghiệp nói chung và công ty TNHH hai thành viên nói riêng, sẽ quyết định tăng vốn điều lệ. Pháp luật Việt Nam hiện hành quy định các trường hợp tăng. Tuy nhiên, nhiều quy định liên quan vẫn còn khá nhiều bất cập cần phải tiếp tục được hoàn thiện theo hướng rõ ràng, đảm bảo quyền tự chủ của doanh nghiệp, không nên can thiệp quá sâu vào quyết định nội bộ của doanh nghiệp trong việc xử lý các trường hợp liên quan đến tăng vốn điều lệ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29/11/2005.
  2. Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26/11/2014.
  3. Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25 tháng 04 năm 2013 hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định.

REGULATIONS ON INCREASING THE CHARTER CAPITAL OF A LIMITED LIABILITY COMPANY WITH TWO OR MORE MEMBERS: SHORTCOMINGS AND SOLUTIONS

Ph.D CAO NHAT LINH

Faculty of Law, Can Tho University

NGUYEN LY HAI

Postgraduate student - Tra Vinh University

ABSTRACT:

The 2014 Enterprise Law stipulates that a limited liability company with two or more members may increase its charter capital. However, this law’s regulations related to the increasing in charter capital of a limited liability company with two or more members have many shortcomings. Therefore, it is necessary to amend regulations and complete details related to increasing the charter capital of a limited liability company with two or more members in order to create a favorable legal corridor for enterprises to expand their production and businesses.

Keywords: Limited liability companies with two or more members, increasing charter capital, new members, inadequate, improvement directions.