TÓM TẮT:

Hòa giải là một trong các thủ tục tố tụng được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2014 (BLTTDS 2015) và Luật Trọng tài thương mại năm 2010 (Luật TTTM 2010). Tuy nhiên, với tư cách là bị đơn, nếu xét thấy mình không có vi phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn hoặc có vi phạm nên muốn thỏa thuận với nguyên đơn thì bị đơn có quyền tự quyết định tham gia hòa giải hay không.

Từ khóa: Nguyên đơn, bị đơn, hòa giải, tòa án, trọng tài.

  1. Quyền không tham gia hòa giải

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015) có hai nhóm thủ tục giải quyết vụ án dân sự là thủ tục thông thường và thủ tục rút gọn. Trừ trường hợp vụ án mà pháp luật quy định “không được hòa giải” hoặc “không tiến hành hòa giải được” thì hòa giải chỉ được tiến hành trong giai đoạn chuẩn bị xét xử đối với thủ tục thông thường và hòa giải tại phiên tòa sơ thẩm đối với thủ tục rút gọn. Đối với vụ án “không được hòa giải” thì thẩm phán phải bỏ qua thủ tục mở phiên họp hòa giải. Nhưng đối với một số trường hợp vụ án “không tiến hành hòa giải được” thì về nguyên tắc, thẩm phán phải làm thủ tục mở phiên hòa giải nhưng không tiến hành hòa giải. Như vậy, ngoại trừ hai trường hợp luật quy định không được hòa giải theo Điều 206 của BLTTDS 2015, thì đối với thủ tục thông thường thì sau khi thụ lý, một trong những thủ tục bắt buộc phải tiến hành là thẩm phán phải gửi cho các đương sự (trong đó có bị đơn) thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, để chuẩn bị thủ tục hòa giải. Kể từ thời điểm này, bị đơn có thể tự định đoạt và quyết định không tham gia hòa giải, để vụ án không tiến hành hòa giải được theo hai hướng: Thứ nhất, chủ động vắng mặt tại phiên hòa giải; Thứ hai, chủ động đề nghị tòa án không tiến hành hòa giải.

Trường hợp thứ nhất, bị đơn chủ động vắng mặt tại phiên hòa giải.

Chủ động vắng mặt tại phiên hòa giải có thể được thực hiện bằng cách cố ý vắng mặt mà không thông báo cho tòa án hoặc vắng mặt có thông báo với lý do chính đáng. Quyền chủ động này không được liệt kê trực tiếp trong nhóm quyền của bị đơn, nhưng gián tiếp được thừa nhận thông qua trường hợp không tiến hành hòa giải được tại khoản 1 và khoản 2 Điều 207 của BLTTDS 2015 về khi“đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt” hoặc “không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng”.

Đối với trường hợp “đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt”, bị đơn có quyền không thông báo với tòa án là mình sẽ vắng mặt. Đây là quyền của bị đơn, vì bị đơn hoàn toàn không bị chế tài nào và cũng không mất đi quyền được tham gia thỏa thuận trong các giai đoạn tố tụng tiếp theo.

Cần lưu ý rằng, thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải là thông báo chung. Thế nhưng, thủ tục tố tụng sẽ được thực hiện riêng, với hai biên bản riêng. Một biên bản về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và một biên bản hòa giải. Do đó, nếu tại phiên họp kiểm tra, việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, khi thẩm phán tiến hành thủ tục kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ thì bị đơn có mặt, nhưng đến thủ tục hòa giải thì bị đơn chủ động ra về, không tham gia hòa giải thì vẫn được xem là bị đơn cố ý vắng mặt phiên hòa giải. Do đó, việc chủ động cố ý vắng mặt của bị đơn tại phiên hòa giải lần đầu được thực hiện cho đến hết thời gian thẩm phán làm thủ tục bắt đầu phiên hòa giải. Có nghĩa là, trường hợp bị đơn chủ động cố ý vắng mặt lần đầu thì theo trình tự, tòa án đã làm thủ tục mở phiên hòa giải, nhưng không tiến hành hòa giải vì lý do đương sự vắng mặt. Quyền chủ động này chưa kết thúc, bởi vì theo thủ tục tố tụng, thẩm phán có quyền tiến hành thủ tục thông báo lần thứ hai và làm thủ tục mở phiên hòa giải lần thứ hai. Tuy nhiên, khi được triệu tập hợp lệ lần thứ hai, bị đơn vẫn có quyền chủ động cố ý vắng mặt mà không cần phải thông báo cho tòa án về sự vắng mặt đó. Như vậy, bị đơn có thể căn cứ vào quy định về cố ý vắng mặt để có thời gian suy nghĩ và quyết định vắng mặt tại phiên hòa giải hay không. Nếu quyết định vắng mặt tại phiên hòa giải lần đầu thì bị đơn vẫn có thể được tòa án thông báo phiên hòa giải lần tiếp theo. Lúc đó, đến khi diễn ra phiên hòa giải lần tiếp theo, bị đơn vẫn có quyền quyết định vắng mặt mà không thông báo cho tòa án.

Đối với trường hợp bị đơn không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng thì cũng xem như vụ án không tiến hành hòa giải được. Tuy nhiên, trong trường hợp này, bị đơn phải thông báo cho tòa án lý do chính đáng không thể tham gia hòa giải được. Đây cũng là trường hợp chủ động không tham gia hòa giải, nhưng có lý do chính đáng, chứ không phải cố ý vắng mặt. Trường hợp này thì BLTTDS không xác định số lần vì lý do chính đáng để không tiến hành hòa giải, trong khi đó, nếu bị đơn cố ý vắng mặt lần thứ hai khi Tòa án triệu tập hợp lệ thì sẽ xem như vụ án không tiến hành hòa giải được.

Trong thủ tục rút gọn, quyền không tham gia hòa giải trên cơ sở chủ động cố ý vắng mặt hoặc vắng mặt có lý do chính đáng chỉ được thực hiện tại phiên tòa xét xử sơ thẩm. Bởi vì, trong quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn, không có thông tin về việc đương sự sẽ được hòa giải tại phiên tòa. Do đó, trước khi phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn được khai mạc, đương sự hoàn toàn không được chủ động quyết định sẽ vắng mặt trong phiên hòa giải. Như vậy, trong trường hợp này, chỉ có thể áp dụng tương tự khi đương sự cố ý vắng mặt tại phiên tòa (đồng nghĩa với cố ý vắng mặt do tòa án triệu tập hợp lệ), vắng mặt, không thể tham gia phiên tòa vì có lý do chính đáng (đồng nghĩa với việc không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng) hoặc đương sự đề nghị xét xử vắng mặt (đồng nghĩa với việc đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải).

Trường hợp thứ hai, bị đơn có quyền chủ động đề nghị tòa án không tiến hành hòa giải.

Đây là quyền chung của đương sự, trong đó có quyền của bị đơn, được ghi nhận tại khoản 4 Điều 207 của BLTTDS 2015. Quyền này cũng được thực hiện kể từ khi bị đơn nhận được thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Cụ thể, khi bị đơn đã chủ động yêu cầu tòa án không hòa giải thì tòa án sẽ không tiến hành thủ tục mở phiên hòa giải. Điều này có nghĩa là bị đơn vẫn có thể có mặt tham gia phiên họp để thực hiện thủ tục kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, nhưng không có thủ tục hòa giải. Trường hợp này khác với trường hợp đương sự chủ động cố ý vắng mặt hoặc có lý do chính đáng để vắng mặt. Bởi vì trường hợp đương sự chủ động đề nghị tòa án không tiến hành hòa giải thì tòa án sẽ không làm thủ tục mở phiên họp hòa giải và không tiếp tục thông báo cho các đương sự để tiến hành hòa giải trong thời gian còn lại của giai đoạn chuẩn bị xét xử.

Theo thủ tục rút gọn, bị đơn cũng có quyền chủ động đề nghị tòa án không tiến hành hòa giải theo quy định tại Khoản 4 Điều 207. Thế nhưng, quyền này phải thực hiện tại phiên tòa. Bởi vì trước khi mở phiên tòa, bị đơn không được thông tin trong các Thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn.

Trong tố tụng trọng tài, Điều 9 của Luật TTTM 2010: “Trong quá trình tố tụng trọng tài, các bên có quyền tự do thương lượng, thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp hoặc yêu cầu Hội đồng trọng tài hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp”. Như vậy, các bên (trong đó có bị đơn) có quyền không tham gia hòa giải nếu không có hành vi yêu cầu Hội đồng trọng tài hòa giải. Do đó, dù nguyên đơn có yêu cầu hòa hòa giải, nhưng bị đơn không yêu cầu hòa giải thì Hội đồng trọng tài không tiến hành hòa giải.

  1. Quyền tham gia hòa giải

Tham gia hòa giải do tòa án tiến hành là một trong các quyền của đương sự nói chung được quy định tại khoản 11 Điều 70 của BLTTDS 2015. Như vậy, trừ các trường hợp vụ án không được hòa giải (Điều 206) và vụ án không tiến hành hòa giải được (Điều 207) thì tòa án phải tiến hành hòa giải để đảm bảo quyền tham gia hòa giải của các đương sự, trong đó có bị đơn. Tuy nhiên, quyền này chỉ có thể thực hiện được khi có sự đồng ý tham gia hòa giải của một hoặc các đương sự khác. Nếu tất cả các đương sự khác không đồng ý tham gia hòa giải thì bị đơn không thể thực hiện quyền này.

Theo khoản 3 Điều 212 của BLTTDS 2015, “Trong trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 210 của Bộ luật này mà các đương sự có mặt thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì thỏa thuận đó chỉ có giá trị đối với những người có mặt và được thẩm phán ra quyết định công nhận nếu không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt. Trường hợp thỏa thuận của họ có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì thỏa thuận này chỉ có giá trị và được thẩm phán ra quyết định công nhận nếu được đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải đồng ý bằng văn bản”. Căn cứ vào quy định này, vẫn có trường hợp BLTTDS 2015 cho phép thẩm phán tiến hành hòa giải trong trường hợp có đương sự vắng mặt.

Trong tố tụng trọng tài, ngoài Điều 9 thì Điều 50 của Luật TTTM 2010 cũng có quy định: “Theo yêu cầu của các bên, hội đồng trọng tài tiến hành hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp…”. Do đó, bị đơn chỉ có quyền tham gia hòa giải khi cùng có yêu cầu của bị đơn và nguyên đơn về việc hòa giải. Nói cách khác, quyền tham gia hòa giải của bị đơn chỉ được thực hiện khi cả bị đơn và nguyên đơn có yêu cầu hội đồng trọng tài hòa giải. Hội đồng trọng tài không tổ chức phiên hòa giải khi không có yêu cầu của các bên.

  1. Bất cập và hướng hoàn thiện

Quyền của bị đơn trong tranh chấp kinh doanh, thương mại được quy định trong BLTTDS 2015 và Luật TTTM 2010, trong có có các quyền liên quan đến hòa giải. Tuy nhiên, nhiều quy định trong hai đạo luật này còn khá nhiều bất cập cần hoàn thiện.

Thứ nhất, đối với quyền không tham gia hòa giải

Theo thủ tục thông thường, như phân tích nêu trên thì bị đơn có thời gian để thực hiện quyền quyết định vắng mặt tại phiên hòa giải. Bởi vì trong Thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải đã có thông tin về việc sẽ có thủ tục hòa giải. Tuy nhiên, đối với thủ tục rút gọn, hòa giải không được tiến hành trong giai đoạn chuẩn bị xét xử mà chỉ được tiến hành tại phiên tòa sơ thẩm. Theo Khoản 3 Điều 320 thì “Sau khi khai mạc phiên tòa, thẩm phán tiến hành hòa giải, trừ trường hợp không được hòa giải theo quy định tại Điều 206 hoặc không tiến hành hòa giải được theo quy định tại Điều 207 của Bộ luật này”. Thế nhưng, trong nội dung của quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn theo quy định tại Điều 318 của BLTTDS 2015 không có thông tin cho đương sự biết về việc sẽ có thủ tục hòa giải tại phiên tòa. Do đó, trong khoảng thời gian từ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn đến trước khi khai mạc phiên tòa, bị đơn không có quyền quyết định trước là sẽ vắng mặt tại thủ tục hòa giải. Nói cách khác, trong thời gian này, nếu bị đơn chỉ muốn tham gia phiên tòa xét xử mà không tham gia hòa giải thì không thể được. Như vậy, trường hợp cố ý vắng mặt tại phiên hòa giải không thể xảy ra vì phiên hòa giải là một phần thủ tục tại phiên tòa. Trường hợp này là vắng mặt tại phiên tòa và sẽ được áp dụng theo thủ tục đương sự vắng mặt tại phiên tòa, đồng thời vắng mặt tại phiên hòa giải. Bên cạnh đó, quyền “yêu cầu tòa án không tiến hành hòa giải” cũng khó có thể thực hiện được trước khi khai mạc phiên tòa. Bởi vì, như đã phân tích, Quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn không có thông tin về thủ tục hòa giải. Do đó, bị đơn nói riêng và đương sự nói chung chỉ được thực hiện quyền này sau khi khai mạc phiên tòa sơ thẩm theo thủ tục rút gọn, lúc thẩm phán giải thích quyền, nghĩa vụ của các bên và chuẩn bị thủ tục hòa giải.

Do đó, để đảm bảo quyền của bị đơn một cách đầy đủ nhất về việc chỉ muốn tham gia phiên tòa mà không muốn tham gia hòa giải, BLTTDS nên tách phiên hòa giải và phiên tòa thành hai thủ tục độc lập tiến hành liên tục với nhau. Có nghĩa là nên tổ chức phiên hòa giải độc lập trước, khi hòa giải không thành thì tòa án sẽ làm thủ tục khai mạc phiên tòa để tiếp tục xét xử vụ án. Như vậy, trong quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn phải nêu rõ có hai thủ tục độc lập và xác định thời điểm bắt đầu của từng thủ tục. Hoặc phải tách ra hai văn bản độc lập khi gửi cho đương sự: Một thông báo về phiên hòa giải; Một thông báo về việc quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn. Nếu tại phiên hòa giải thành công thì tòa án ra quyết định đình chỉ vụ án và không mở phiên tòa theo thủ tục rút gọn. Giải pháp này thì các trường hợp vụ án không tiến hành hòa giải được tại Điều 207 của BLTTDS sẽ được áp dụng thuận lợi hơn và đảm bảo hơn trong việc thực hiện quyền tự quyết định, tự định đoạt của đương sự nói chung và của bị đơn nói riêng.

Thứ hai, đối với quyền tham gia hòa giải.

BLTTDS 2015 quy định vụ án không tiến hành hòa giải được trong trường hợp “Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt”, “Đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng”, “Một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải” cũng chưa được rõ ràng, làm cho việc áp dụng pháp luật để đảm bảo quyền tham gia hòa giải của bị đơn không thống nhất giữa các điều luật.

Bởi vì, theo khoản 3 Điều 212 của BLTTDS nêu trên thì chỉ có thể xem là vụ án không tiến hành hòa giải được khi vụ án chỉ có hai đương sự là nguyên đơn và bị đơn mà một đương sự cố ý vắng mặt đến lần thứ hai hoặc do không thể tham gia hòa giải được vì lý do chính đáng. Nếu vụ án có 03 đương sự trở lên thì dù cho có một trong các đương sự vắng mặt, các đương sự khác cũng có quyền tham gia hòa giải và được công nhận kết quả hòa giải theo quy định tại khoản 3 Điều 212 BLTTDS 2015. Ví dụ: Nếu người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt nhưng nguyên đơn có mặt (hoặc nguyên đơn vắng mặt, nhưng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập với bị đơn có mặt) thì bị đơn cũng có quyền tham gia hòa giải với những đương sự có mặt theo quy định tại khoản 3 Điều 212 nêu trên. Trong khi đó, theo khoản 1 và khoản 2 Điều 207 chỉ cần “bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án thông báo hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt”, “Đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng” thì được xem là vụ án không tiến hành hòa giải được. Điều này đồng nghĩa với việc các đương sự có mặt mất đi quyền tham gia hòa giải, vì căn cứ vào Điều 205 của BLTTDS 2015 thì tòa án sẽ không tiến hành hòa giải nếu thuộc trường hợp tại Điều 207 của Bộ luật này.

Do vậy, để tránh tình trạng mâu thuẫn nêu trên, đảm bảo quyền tham gia hòa giải của bị đơn khi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt (bị đơn và nguyên đơn có mặt) hoặc khi nguyên đơn vắng mặt (bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập với bị đơn có mặt) thì những trường hợp vụ án “không tiến hành hòa giải được” cần được quy định rõ hơn. Cụ thể, khoản 1 và khoản 2 Điều 207 nên sửa đổi gộp lại theo hướng chỉ xem là vụ án không tiến hành hòa giải được khi: “Các đương sự đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng chỉ có một trong các đương sự có mặt hoặc các đương sự có mặt nhưng việc hòa giải sẽ ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt”. Hướng sửa đổi này sẽ làm cho quy định về trường hợp vụ án không tiến hành hòa giải được tại Điều 207 khớp với quy định hòa giải vắng mặt của một trong các đương sự trong trường hợp vụ án có nhiều đương sự, theo quy định tại khoản 3 Điều 212.

Tương tự, trường hợp vụ án “không tiến hành hòa giải được” do “Một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải” theo khoản 4 Điều 207 sẽ làm ảnh hưởng đến quyền được tham gia hòa giải của các đương sự còn lại, trong đó có quyền lợi của bị đơn. Cụ thể, nếu vụ án chỉ có nguyên đơn, bị đơn thì chỉ cần 01 trong các đương sự này chủ động đề nghị không tiến hành hòa giải thì thẩm phán không tiến hành hòa giải là hợp lý. Thế nhưng, khi vụ án có nhiều đương sự (nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) mà chỉ có một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải thì xem như vụ án không tiến hành hòa giải được là không hợp lý. Ví dụ, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đề nghị không tiến hành hòa giải, nhưng nguyên đơn và bị đơn vẫn muốn tiến hành hòa giải thì sẽ giải quyết như thế nào? Nếu căn cứ vào Khoản 4 điều 207 thì trường hợp này vụ án không tiến hành hòa giải được. Nhưng nếu áp dụng pháp luật tương tự theo Khoản 3 Điều 212 thì vụ án vẫn có thể tiến hành hòa giải nếu việc hòa giải và sự thỏa thuận giữa nguyên đơn và bị đơn không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc ảnh hưởng nhưng được người này chấp thuận bằng văn bản.

Do đó, để đảm bảo quyền được tham gia hòa giải của các đương sự còn lại phù hợp với khoản 3 Điều 212, trong đó có quyền của bị đơn, trường hợp vụ án không tiến hành hòa giải được do “Một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải” theo quy định tại khoản 4 Điều 207 nên được sửa đổi theo hướng: “Chỉ có một trong các đương sự tham gia hòa giải, nhưng tất cả các đương sự khác đề nghị không tiến hành hòa giải”.

Trong tố tụng trọng tài, do pháp luật trọng tài chỉ cho phép hội đồng trọng tài hòa giải trên cơ sở yêu cầu của các bên, nên bị đơn không có quyền tham gia hòa giải nếu nguyên đơn không có yêu cầu hòa giải. Tuy nhiên, để tránh tính trạng nguyên đơn không yêu cầu vì nhiều lý do khách quan, chủ quan… làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bị đơn, Luật Trọng tài thương mại nên sửa đổi theo hướng: Tại phiên họp giải quyết tranh chấp, hội đồng trọng tài phải tổ chức hòa giải cho các bên. Nếu hòa giải không thành thì hội đồng trọng tài chuyển qua thủ tục giải quyết tranh chấp. Dù biết rằng nếu không có sự đồng ý của nguyên đơn thì phiên hòa giải cũng không có kết quả, nhưng nếu có thủ tục hòa giải bắt buộc giống như hòa giải trong thủ tục rút gọn trong BLTTDS thì các bên tranh chấp, trong đó có bị đơn có thể mặc nhiên được hưởng quyền được tham gia hòa giải mà không cần phải chủ động yêu cầu hội đồng trọng tài tiến hành hòa giải.

Tóm lại, quyền tham gia hoặc không tham gia hòa giải là quyền chung của đương sự. Tuy nhiên, bị đơn trong tranh chấp kinh doanh, thương mại là bên yếu thế trong quan hệ tranh chấp. Do đó, pháp luật cần có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn trong việc đảm bào quyền này để bị đơn được hưởng, thực hiện một cách tốt nhất, góp phần giải quyết tranh chấp một cách đơn giản, nhanh chóng, nhưng hiệu quả.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015
  2. Luật Trọng tài thương mại năm 2010.
  3. Giải đáp số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 7 tháng 4 năm 2017 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về một số vấn đề nghiệp vụ.
  4. Đoàn Tấn Minh, Nguyễn Ngọc Điệp, 2016, Bình luận khoa học Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Nxb Lao động.
  5. Nguyễn Thị Hoài Phương, 2016, Bình luận những điểm mới trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Nxb Hồng Đức.

RIGHTS OF DEFENDANTS IN THE PROCEDURE OF MEDIATION FOR COMMERCIAL DISPUTES

Ph.D CAO NHAT LINH

Faculty of Law, Can Tho University

Judge PHAM VIET TRUNG

People's Court of Ca Mau Province

ABSTRACT:

Mediation is one of procedures stipulated in the 2014 Civil Procedure Code and the 2010 Law on Commercial Arbitration. However, as a defendant, if he/she considers that he/she has not violated the rights and legitimate interests of the plaintiff, or want to negotiate with the plaintiff, he/she has rights to decide whether to participate in mediation or not.

Keywords: Plaintiffs, defendants, mediators, courts, referees.