Rào cản đối với giáo dục khởi nghiệp trong các trường đại học ở Việt Nam

THS. GIAO THỊ HOÀNG YẾN (Trường Đại học Kinh tế quốc dân)

TÓM TẮT:

Giáo dục khởi nghiệp có vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam nói chung và trong các trường đại học nói riêng. Bài báo phân tích các rào cản đối với giáo dục khởi nghiệp trong các trường đại học ở Việt Nam, từ đó đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục khởi nghiệp trong các trường đại học ở Việt Nam.

Từ khóa: giáo dục khởi nghiệp, sinh viên, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Trong giai đoạn hiện nay, sự hội nhập toàn cầu kết hợp với những đòi hỏi về nền kinh tế - xã hội bền vững đã thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của và gia tăng trách nhiệm xã hội của các doanh nhân (Cohen và Winn, 2007). Động lực này giống như một chìa khóa thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, gia tăng mong muốn sở hữu doanh nghiệp của cá nhân (Krueger và cộng sự, 2000). Tinh thần khởi nghiệp đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và giải quyết vấn đề việc làm đối với mỗi quốc gia (Shane và Venkataraman, 2000). Đặc biệt, ý định khởi nghiệp theo hướng bền vững được đề xuất với vai trò trung tâm trong quá trình giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường như nghèo đói, biến đổi khí hậu hay thất nghiệp,... (Poter và Kramer, 2011). Điều đó cho thấy vai trò quan trọng của ý định khởi nghiệp theo hướng bền vững của cá nhân đối với mục tiêu phát triển của quốc gia (Chương trình nghị sự 2030).

Dựa trên kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, đối tượng khởi nghiệp phần lớn tập trung vào giới trẻ và khởi nghiệp khi đang là sinh viên. Việc đào tạo toàn diện về kiến thức, kỹ năng và thái độ đã thúc đẩy nhiều cơ chế để đào tạo một doanh nhân xuất hiện (Gurol và Bal, 2009). Giáo dục khởi nghiệp trang bị những kỹ năng cần thiết cho sinh viên, từ đó sinh viên hình thành ý tưởng khởi nghiệp, đo lường được những rủi ro có thể gặp phải trong tương lai xa nhằm quyết định khởi nghiệp, không chấp nhận những rủi ro quá lớn, lựa chọn phương án tối ưu nhất để hành động.

Song, các nghiên cứu đều chỉ ra một thách thức rất lớn đối với giới trẻ là việc ứng dụng và phát triển các lý thuyết và kỹ năng trên giảng đường liên quan đến ý định khởi nghiệp và xem xét vấn đề khởi nghiệp như một sự lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Nhiều sinh viên đã có mong muốn được khởi nghiệp, nhưng lúng túng trong mô hình hoạt động, gặp rào cản trong ý tưởng khởi nghiệp và một số hạn chế về pháp lý đối với sinh viên. Các nghiên cứu trên thế giới đều mong muốn tìm ra những yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên (Secgin, 2020). Yếu tố đó có thể đến từ môi trường hoặc các nền tảng cá nhân, đồng thời sẽ có tác động tích cực hoặc tiêu cực, trực tiếp hoặc gián tiếp đối với ý định khởi nghiệp của sinh viên. Krueger (2007) nhận định, ý định khởi nghiệp được coi là yếu tố trung gian giữa hành vi kinh doanh và các yếu tố khác như chuyên môn, kỹ năng, hoàn cảnh xuất thân, văn hóa, tài chính.

2. Những rào cản đối với giáo dục khởi nghiệp trong các trường đại học ở Việt Nam hiện nay

2.1. Rào cản về chương trình đào tạo và hoạt động nghiên cứu

Trên thị trường sách ở Việt Nam, không khó để tìm thấy một vài cuốn sách về kiến thức khởi nghiệp. Tuy nhiên, để tìm được một cuốn sách giúp sinh viên có thể tìm hiểu một cách đầy đủ, chính xác về pháp lý khi khởi nghiệp lại không hề dễ. Muốn khởi nghiệp thành công, bên cạnh những yếu tố về con người, như: kiên trì, dũng cảm, có ý chí,… và chuyên môn về thị trường, ngành nghề kinh doanh, mặt hàng, cách đầu tư có lãi,… thì không thể không kể đến các yếu tố pháp lý. Các sinh viên trước khi thành lập doanh nghiệp cần có thêm hiểu biết các vấn đề pháp lý về các loại hình doanh nghiệp; các vấn đề pháp lý về thuế; các vấn đề về lao động và quản lý lao động; các vấn đề về bảo hiểm xã hội; các vấn đề pháp lý khi ký kết hợp đồng kinh tế với đối tác, về sở hữu trí tuệ; vấn đề pháp lý về vốn, tài chính và phân chia lợi nhuận;…

Yếu tố quan trọng nhất dẫn đến thành công của hệ thống giáo dục là chương trình đào tạo, đóng vai trò trọng yếu để đạt được các chính sách giáo dục và mục tiêu quan trọng về cả chất lượng lẫn số lượng. Hiện nay, các trường học về kinh doanh chưa tập trung vào "giáo dục", mà mới chỉ đơn thuần dừng lại ở "giảng dạy". Chính vì vậy, thay đổi chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận khởi nghiệp và nghề nghiệp thực tiễn đang là vấn đề thực sự cần thiết và cấp bách.

Ở các quốc gia đang phát triển nói chung, trong đó có Việt Nam, rào cản đầu tiên ở các trường học truyền thống là cơ sở hạ tầng chưa phù hợp với quá trình giảng dạy, nghiên cứu về kinh doanh lẫn khởi nghiệp. Cả khung chương trình đào tạo, chương trình nghiên cứu và khả năng nghiên cứu đều nằm trong cơ sở hạ tầng. Hầu hết các trường biên soạn bài giảng thiên về lý thuyết, mà thiếu tính ứng dụng thực tiễn. Hoạt động giáo dục khởi nghiệp trong nhiều trường đại học chỉ dừng lại là chia sẻ mang tính thuần túy, chưa được đề cao, mang tính định hướng cho sinh viên. Nhiều sinh viên vẫn còn rất mơ hồ về con đường mình sẽ đi, về công việc tương lai sau khi đã  ra trường. Điều này dẫn đến hệ quả là một hệ sinh thái khởi nghiệp thiếu tự tin, yếu kém so với các bạn sinh viên cũng vừa ra trường tại các quốc gia trong khu vực khác. Không chỉ vậy, nhiều người trẻ khởi nghiệp chưa được đào tạo bài bản, chưa có hệ thống về kinh doanh khởi nghiệp, nên khi khởi nghiệp đã gặp rất nhiều khúc mắc, khó khăn và không biết hướng giải quyết. Nhiều người trong số đó dễ nản chí và từ bỏ, mặc dù trước đó rất quyết tâm, bởi thực tế có rất nhiều khó khăn mà trước khi khởi nghiệp họ chưa hình dung được.

Theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới Toàn cầu 2020 (GII 2020) của WIPO về mô tả quá trình phân tích xu hướng đổi mới sáng tạo mới nhất trên khắp thế giới, Việt Nam duy trì thứ hạng thứ 42/131 nền kinh tế trên bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo hàng năm.

Theo Báo cáo Chỉ số khởi nghiệp toàn cầu 2017/2018, giáo dục kinh doanh sau phổ thông Việt Nam được đánh giá là thấp so với các nước trong khu vực (40/54) về chỉ tiêu của Hệ sinh thái khởi nghiệp.

Những năm gần đây, nhiều trường đại học đã quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp và đưa vào chương trình giảng dạy thông qua các các buổi tuyên truyền, các câu lạc bộ khởi nghiệp, các lớp kỹ năng, các hội thảo, trung tâm phát triển khởi nghiệp… Tiêu biểu như các trường: Đại học Ngoại thương,  Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh,… nhưng vẫn còn thiếu sự đồng bộ, bài bản về quy mô và kiến thức, cũng như tính thực tiễn. Đa số các trường đại học hiện nay còn thiếu sót trong việc xây dựng chương trình học phù hợp, đồng bộ để sinh viên được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần có về khởi nghiệp. Dường như, giáo dục khởi nghiệp trong kinh doanh chỉ được gói gọn lại trong phạm vi một vài môn học về quản trị kinh doanh và chủ yếu thấy ở các trường đại học có đào tạo lĩnh vực kinh tế.

Bên cạnh đó còn thiếu cụ thể, sự thống nhất về nội dung và tính hệ thống ở nhiều chương trình đào tạo. Sau khi ra trường, nhiều sinh viên vẫn còn rất mơ hồ và thiếu hụt các kiến thức căn bản về quản trị doanh nghiệp cũng như các kỹ năng mềm quan trọng khác để phát triển, hiện thực hóa những ý tưởng khởi nghiệp của mình. Thậm chí, sau khi tốt nghiệp đại học, không ít sinh viên vẫn mơ hồ, chưa có ý niệm đầy đủ về lập thân, lập nghiệp (Lê Thị Khánh Vân, 2017). Hiện tại, việc cần thiết, cấp bách là cung cấp một cách xuyên suốt các kiến thức, kỹ năng tư duy và xây dựng, chuẩn hóa những chương trình cũng như các công cụ để khởi nghiệp. Các chương trình đào tạo kỹ năng khởi nghiệp mà chúng ta thấy hiện nay cũng chỉ chủ yếu dưới dạng phong trào, bề nổi và còn nhiều hạn chế về chất lượng, hiệu quả thực tiễn là rào cản có thể thấy rõ bên cạnh  thiếu hụt các chương trình giáo dục về tinh thần khởi nghiệp (Lê Duy Bình và ctv., 2016).

Trong buổi Lễ phát động chương trình Thanh niên khởi nghiệp ngày 16/10/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định số lượng sinh viên khởi nghiệp thành danh là một trong những thước đo thành công của một trường đại học chứ không chỉ bao nhiêu sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp  (Phương Hiền, 2017). Thủ tướng yêu cầu nên bổ sung tiêu chí số lượng cựu sinh viên và sinh viên khởi nghiệp thành công như một trong những thước đo của chất lượng đào tạo đại học đồng thời đưa các nội dung khởi nghiệp vào chương trình đào tạo tại các cơ sở giáo dục. Cần những thay đổi đó là do các cơ sở giáo dục bậc đại học của Việt Nam hiện nay vẫn thường chỉ tập trung vào các vấn đề ở mức lý thuyết, sinh viên chưa được cung cấp kiến thức cần thiết trong khởi nghiệp như thuyết trình kêu gọi đầu tư, đánh giá nhu cầu thị trường, lập kế hoạch kinh doanh... dẫn đến khả năng đáp ứng các mong muốn của hoạt động khởi nghiệp sau khi ra trường ở sinh viên Việt Nam hiện nay còn rất hạn chế.

2.2. Rào cản về văn hóa và tài chính

Một trong những nhân tố quan trọng trong hành vi tổ chức là văn hóa tổ chức. Đối với tiến trình thay đổi trong nội tại trường học, yếu tố này được xem xét như là một rào cản và đồng thời là nhân tố thúc đẩy. Muốn thúc đẩy văn hóa và tinh thần khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên toàn trường, giáo viên đang trực tiếp giảng dạy cần phải là những nhân tố tiên phong đi đầu. Từ đó, văn hóa tinh thần sẽ được họ thúc đẩy cho cả trường học và sinh viên; qua đó kéo theo sự xuất hiện đa dạng các sáng kiến, sự sáng tạo và giúp việc học tập có tổ chức hơn. Văn hóa tốt, tinh thần tốt là yếu tố quan trọng có thể trở thành thương hiệu và bản sắc riêng cho trường học. Hiện nay ở nước ta, văn hóa theo tinh thần khởi nghiệp vẫn còn đang trong quá trình thai nghén, hình thành bước đầu và chưa có dấu ấn đậm nét trong các trường đại học về kinh doanh truyền thống.

Bên cạnh đó, vấn đề tài chính là rào cản lớn. Các quốc gia đang phát triển thường gặp khó khăn về tài chính khiến hoạt động hỗ trợ tại các trường đại học chỉ dừng lại ở một mức độ nhất định. Hạn chế về kinh tế tài chính sẽ khiến khoa học với xã hội chệch hướng nhau và khoa học có thể rơi vào tình trạng đình trệ bất cứ lúc nào. Ngoài ra, có thể thấy lượng ngân sách phân bổ cho nghiên cứu còn ở mức thấp, khiến quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn.

2.3. Giáo dục khởi nghiệp chưa liên kết với các lĩnh vực khác trong xã hội

Sự thiếu liên kết giữa trường học và các trung tâm sản xuất công nghiệp cũng là một rào cản lớn. Đây là khía cạnh cần thiết để sinh viên làm quen với môi trường, điều kiện lao động trong xã hội, cũng như các trung tâm sản xuất như khu công nghiệp và trung tâm thương mại. Như vậy, cùng với doanh nghiệp, trường học nói chung (trường học khởi nghiệp kinh doanh nói riêng) phải là 2 đầu mối cần gắn kết chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau.

Ngoài ra, còn tồn tại các rào cản ràng buộc khác, như: vấn nạn mù chữ, thiếu hụt lượng máy tính tin học, vốn đầu tư cho công nghệ, nghèo đói, thiếu kinh nghiệm làm việc, môi trường không có kết nối mạng internet,...

3. Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục khởi nghiệp cho sinh viên Việt Nam

Để tạo điều kiện phát triển tối đa năng lực sinh viên trong phát triển hành vi khởi nghiệp, Việt Nam cần có những biện pháp cụ thể, thiết thực giúp sinh viên nói riêng và tất cả mọi người nói chung thấy được vai trò quan trọng của giáo dục khởi nghiệp. Theo Liên Hợp quốc, thúc đẩy phát triển khởi nghiệp, đặc biệt khởi nghiệp bền vững là một trong những mục tiêu để phát triển bền vững của thế giới. Trong đó, để phát triển ý tưởng khởi nghiệp bền vững ở sinh viên, giáo dục khởi nghiệp là yếu tố nền tảng quan trọng. Chính vì vậy, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển giáo dục khởi nghiệp như sau:

Tăng cường sự chia sẻ của các chuyên gia có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm phong phú tạo động lực to lớn cho sinh viên cũng như đem lại những bài học quý giá đằng sau mỗi câu chuyện. Chính vì điều đó, việc tổ chức mời các chuyên gia chia sẻ về khởi nghiệp cho sinh viên cũng giữ vai trò quan trọng.

Ngoài các bài học lý thuyết, việc tích hợp với các kinh nghiệm hay câu chuyện từ các chuyên gia, nhà kinh doanh là công cụ hữu hiệu thôi thúc động lực trong mỗi sinh viên. Kinh nghiệm từ những người đi trước luôn là vốn quý cho những người đi sau. Nhờ những kinh nghiệm ấy, người học hỏi - sinh viên có thể rút ngắn thời gian khởi nghiệp, hạn chế sai lầm không đáng có, và nhanh chóng đi đến thành công. Chính vì vậy, rất cần sự phối hợp giữa các giảng viên chuyên môn và các chuyên gia giàu kinh nghiệm giảng dạy, chia sẻ và truyền cảm hứng cho sinh viên.

Tăng cường tổ chức các cuộc thi, chương trình về khởi nghiệp bền vững và các vấn đề liên quan đến khởi nghiệp. Các cuộc thi là nơi khơi dậy sự sáng tạo của sinh viên. Thông qua các cuộc thi, sinh viên nhận được những kinh nghiệm hữu ích về khởi nghiệp. Đây có thể được xem là các sân tập duyệt cho các ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên. Vì vậy, tổ chức các chương trình, cuộc thi tạo nên môi trường tìm hiểu năng động và tạo động lực thúc đẩy thế hệ sinh viên Việt Nam trẻ khởi nghiệp hiện nay.

Nâng cao sự kết nối giữa nhà trường và các hiệp hội doanh nghiệp, phát triển và liên kết với các hiệp hội khởi nghiệp. Để hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững, chất lượng, sự liên kết giữa nhà trường, các doanh nghiệp, các hiệp hội khởi nghiệp vô cùng quan trọng. Từ đó có thể tạo ra môi trường thực tế, giúp sinh viên có những trải nghiệm hữu ích, tích lũy kinh nghiệm và học hỏi, nâng cao tinh thần, quyết tâm, nỗ lực, sáng tạo của những người đi trước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Hà Trang, (2018). Giáo dục khởi nghiệp ngay từ phổ thông, Thời báo Ngân hàng, truy cập tại https://thoibaonganhang.vn/giao-duc-khoi-nghiep-ngay-tu-pho-thong-72004.html.
  2. Xuân Hòa (2020), “Thực trạng khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay”, truy cập tại https://idautu.com/thuc-trang-khoi-nghiep-o-viet-nam-hien-nay/
  3. Huỳnh Kim Thùy, (2018), Khởi nghiệp trong sinh viên, những thời cơ - thách thức, Trang báo Sinh viên Đại học An Giang. Truy cập tại https://enews.agu.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=19944&Itemid=118
  4. Krueger F., Brazael,D. (1994). Entrepreneurial Potential and Potential Entrepreneurial. Entrepreneurship Theory and Practice, 18(3), 91- 104.
  5. Lê Duy Bình, Trương Đức Trọng, Phạm Tiến Dũng, Nguyễn Thúy Nhị, (2016). Việt Nam - đất lành cho khởi nghiệp: Tại sao không? Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USA ID).
  6. Lê Thị Khánh Vân, 2017. Tạo lập môi trường khởi nghiệp - Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, số tháng 9/2017:8-11.
  7. Nghiêm Phúc Hiếu, (2017). Giáo dục khởi nghiệp và trường học khởi nghiệp kinh doanh hướng tiếp cận mới trong thời đại 4.0. Kỷ yếu Hội nghị khởi nghiệp trong thời đại công nghệ 4.0, Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn.
  8. Nguyễn Thị Thu Hoài, (2021), Thực trạng đào tạo về pháp lý khởi nghiệp cho sinh viên, Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam, truy cập tại http://lsvn.vn/dao-tao-ve-phap-ly-khoi-nghiep-cho-sinh-vien-thuc-trang-va-giai-phap1627920290.html
  9. Phương Hiền, (2017). Không có giới hạn với tinh thần khởi nghiệp, Cổng thông tin điện tử Chính phủ Thành phố Hồ Chí Minh. Truy cập tại https://tphcm.chinhphu.vn/khong-co-gioi-han-voi-tinh-than-khoi-nghiep.

 Barriers to entrepreneurship education in Vietnamese universities

Master. Giao Thi Hoang Yen

National Economics University

ABSTRACT:

Entrepreneurship education plays a very important role in the startup ecosystem in Vietnam in general and in Vietnamese universities in particular. This paper analyzes barriers to entrepreneurship education in universities in Vietnam, thereby proposing solutions to improve the quality of entrepreneurship education in universities in Vietnam.

Keywords: entrepreneurship education, student, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24, tháng 10 năm 2021]