Rào cản kỹ thuật và những giải pháp tháo gỡ của doanh nghiệp

Rào cản kỹ thuật là một khái niệm rộng bao gồm nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội trong thương mại quốc tế. Các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu đã tháo gỡ những vấ

Ông Lê Nho Thướng - Giám đốc điều hành Công ty May 10: “Một trong những rào cản kỹ thuật trong lĩnh vực xuất khẩu sản phẩm công nghiệp, mà cụ thể là sản phẩm dệt may là những vấn đề thuộc trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”.
 Bình quân, hàng năm, Công ty May 10 đón tiếp hàng chục đoàn của các đối tác nước ngoài đến kiểm tra tình hình thực hiện trách nhiệm xã hội đối với người lao động. Đặc biệt, năm 2003, chúng tôi đón tiếp 40 đoàn, 10 tháng đầu năm 2004, chúng tôi đón tiếp 50 đoàn.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn kiểm tra, chúng tôi đã đầu tư hàng trăm triệu đồng trang bị thẻ từ, bảng chấm công điện tử... giúp cho việc kiểm tra số giờ làm thêm của công nhân được dễ dàng và minh bạch. Để kiểm tra việc có sử dụng lao động vị thành niên hay không, trong hồ sơ tuyển dụng lao động, chúng tôi có đầy đủ các loại giấy tờ hợp lệ theo yêu cầu của đối tác nước ngoài như: chứng minh thư nhân dân, giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, giấy kiểm tra sức khoẻ...
Đối với các phân xưởng sản xuất, Công ty đã trang bị đầy đủ hệ thống chiếu sáng, thông gió, thiết bị y tế, phòng cháy chữa cháy, có cửa thoát hiểm cho người lao động khi có sự cố.
Về công tác an ninh doanh nghiệp, ngoài hệ thống bảo vệ chặt chẽ nghiêm ngặt, kiểm soát, kiểm tra tỉ mỉ những người ra vào Công ty, chúng tôi còn có các giải pháp kiểm tra, giám sát những người làm việc tại các bộ phận quan trọng như kiểm tra chất lượng hàng, đóng gói hàng, nhập - xuất hàng... kiên quyết không xảy ra những sai sót, dù nhỏ trong công tác giao nhận hàng.
Ông Nguyễn Văn Bí - Phó Giám đốc Công ty Da - Giầy Việt Nam: “Các doanh nghiệp ngành Da - Giầy Việt Nam vẫn chưa thực sự quan tâm đến vấn đề rào cản kỹ thuật”.
Đây có thể nói vẫn là một khái niệm mới đối với chúng tôi. Tuy nhiên, ở đây, tôi chỉ đề cập đến khía cạnh trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Tôi cho rằng, về vấn đề lao động và những ràng buộc, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động, trong Bộ luật Lao động Việt Nam đã quy định rõ và chúng tôi luôn lấy đó làm tiêu chí hoạt động. Mặc dù vậy, cũng không thể tránh khỏi việc có một số người lao động chưa đủ tuổi lao động vẫn cố tình khai man tuổi để được đi làm. Trong tiêu chuẩn SA8000 cũng quy định khá rõ điều này. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp ngành Da Giầy đều chưa thực hiện SA8000 vì rất nhiều lý do, trong đó, ngoài những quy định khá ngặt nghèo mà không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được, còn có một nguyên nhân là do phía đối tác chưa bắt buộc. Hầu hết đối tác nước ngoài của chúng tôi đều là Đài Loan, mà Đài Loan thì chưa quan trọng vấn đề này. Tuy nhiên, đó hoàn toàn không phải sự “may mắn” cho doanh nghiệp Việt Nam vì rất có thể, chúng ta “trót lọt” ở Đài Loan, nhưng sang đến thị trường châu Âu, Nhật Bản, Mỹ - những thị trường khó tính và có nhiều quy định ngặt nghèo về rào cản kỹ thuật, về tiêu chuẩn SA8000... thì sao? Sẽ rất nguy hiểm nếu phía những bạn hàng này điều tra ngược trở lại. Phát hiện thấy có vấn đề, chắc chắn họ sẽ dừng đơn hàng và thế là chúng ta sẽ mất đơn hàng.
Cách đây vài năm, Hiệp hội Da- Giầy Việt Nam đã từng tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp trong ngành về rào cản kỹ thuật nói chung, trong đó có đưa ra các tiêu chí về SA8000 cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đó là một tiêu chuẩn quá ngặt nghèo, mà ngành Da - Giầy khó có thể đáp ứng ngay được trong một sớm một chiều, nhất là trong thời điểm “chợ chiều” như hiện nay.
Bà Vũ Thị Thu Hà - Trưởng phòng KCS, Công ty CP Bánh Kẹo Hải Hà: “Tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm và môi trường trong quá trình hội nhập”.
Để chuẩn bị hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, trong những năm qua, Công ty CP Bánh Kẹo Hải Hà đã xây dựng các tiêu chuẩn hoạt động sao cho tiếp cận với những quy định quốc tế như không sử dụng lao động vị thành niên, tuân thủ số giờ làm thêm theo đúng Luật Lao động quy định, đảm bảo điều kiện làm việc thông thoáng, chống nóng, chống ồn, đủ ánh sáng, tuân thủ các điều kiện vệ sinh và an toàn lao động, trang bị đầy đủ bảo hộ lao động cho công nhân như mũ, găng tay, quần áo...Trong sản xuất, Công ty đặc biệt chú trọng các khâu thiết kế mẫu mã, đóng gói sản phẩm, xuất nhập kho, đảm bảo an toàn, không để xảy ra sự việc đáng tiếc. Đặc biệt, trong lĩnh vực an ninh doanh nghiệp, Công ty có đội ngũ bảo vệ có quân phục nghiêm chỉnh, thường trực 24/24 giờ, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất xưởng và khách ra vào...
Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, vấn đề dinh dưỡng và vệ sinh thực phẩm luôn được Công ty đặt lên hàng đầu với sự kiểm tra kỹ lưỡng và nghiêm ngặt về vi sinh và các nguyên liệu cho phép được sử dụng, quy định nguyên liệu đầu vào phải được tiêu chuẩn hóa, các hương liệu, phẩm mầu, bột mỳ...cho sản xuất bánh kẹo được sử dụng ở mức cho phép. Các cán bộ các phòng Kỹ thuật, KCS đã thường xuyên bám ca, bám máy để kiểm tra chất lượng sản phẩm, kiểm tra định kỳ các thiết bị đo lường như cân, đồng hồ áp lực... Để bảo vệ môi trường, Công ty đã thực hiện sản xuất sạch, nhằm tiết kiệm năng lượng, hợp lý hóa sản xuất. Sản phẩm bánh kẹo Hải Hà đều được đăng ký tiêu chuẩn đo lường chất lượng tại Sở y tế Hà Nội. Qua kiểm tra định kỳ tại Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, bánh kẹo Hải Hà đều đạt tiêu chuẩn vệ sinh an tòan toàn thực phẩm.
Để sản phẩm Hải Hà phát triển mạnh, tăng sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế,  Công ty đề nghị các cơ quan chức năng cần quan tâm và có các biện pháp ngăn chặn việc sản xuất, lưu hành những sản phẩm bánh kẹo không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời xử lý triệt để bánh kẹo làm nhái, giả, kém chất lượng để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Ông Hồ Đình Nam, Giám đốc Công ty Thiết bị đo điện (EMIC).
Trong những năm qua, Công ty thiết bị đo điện (EMIC) đã xuất khẩu công tơ điện các loại sang nhiều trên thế giới, trong đó có cả Mỹ (chỉ tính đến tháng 10/2004, Công ty đã xuất khẩu đạt giá trị hơn 300.000 USD). Nhưng cho đến nay chưa có một đối tác nào khi nhập khẩu công tơ đòi hỏi phải có giấy chứng nhận hoặc cam kết về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR), về an toàn vệ sinh lao động (ATVSL) và hệ thống quản lý môi trường (QLMT), hay như người ta thường nói phải có 3 loại chứng từ như: ISO 9000, ISO 14000 nà SA8000. Nhưng không phải vì vậy mà các vấn đề trên EMIC làm chưa tốt, ngược lại, chúng tôi làm rất tốt, cho nên nếu đối tác nhập khẩu sản phẩm của chúng tôi có yêu cầu được đến kiểm tra hoặc các loại giấy tờ có liên quan thì chúng tôi đều sẵn sàng đáp ứng. EMIC là doanh nghiệp nhà nước đầu tiên của Việt Nam xây dựng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001. Còn các vấn đề CSR, ATVSLĐ, QLMT, Công ty đã làm rất tốt. Đặc biệt, việc áp dụng Bộ luật Lao động trong Công ty không những được thực hiện tốt, mà nhiều khi còn làm tốt hơn những điều quy định của pháp luật. Trong nhiều năm qua, CBCNV của Công ty đã được làm việc trong môi trường lao động đạt và vượt tiêu chuẩn, cảnh quan đẹp...
Tuy nhiên, trước những thách thức của hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế như toàn cầu hoá, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và EMIC nói riêng phải đối mặt với những khó khăn lớn, trong đó nổi bật là nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường xuất khẩu và nâng cao hình ảnh thương hiệu… EMIC đang phấn đấu để thương hiệu của mình ngày càng có vị thế trên trường quốc tế. EMIC luôn luôn tôn trọng Bộ Luật Lao động Việt Nam và các yêu cầu quốc tế, do đó sẽ không phải lo ngại về các yêu cầu ngày càng gia tăng của khách hàng và thị trường về CSR, ATVSLĐ và QLMT.
Ths. Nguyễn Anh Tuấn - Giáo viên Khoa Thương mại, Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội: “Còn nhiều tiêu chuẩn, quy định thực sự là những thách thức, vượt xa khả năng đáp ứng của doanh nghiệp may mặc xuất khẩu Việt Nam”.
Tôi được biết, mặc dù các nước EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản luôn thúc đẩy quá trình tự do hoá thương mại trên toàn thế giới, nhưng ngay chính bản thân các quốc gia này cũng luôn tạo ra những rào cản vô hình, bằng nhiều hình thức khác nhau, để bảo vệ ngành hàng may mặc trong nước và là điều kiện gây áp lực đối với các quốc gia xuất khẩu. Bên cạnh việc yêu cầu đạt các tiêu chuẩn quốc tế như quản lý chất lượng theo ISO 9000, các tiêu chuẩn về môi trường ISO 14000, tiêu chuẩn xã hội về trách nhiệm xã hội SA 8000, những quốc gia phát triển còn tự đưa ra những quy định, điều luật hết sức chặt chẽ về bao bì, dư lượng kim loại nặng trong khuy, khoá kéo, trong thuốc nhuộm vải... và còn lập những trang Web chuyên cung cấp những thông tin về tình hình ô nhiễm môi trường, điều kiện sản xuất hàng may mặc xuất khẩu... ở các doanh nghiệp, quốc gia có xuất khẩu hàng may mặc. Gần đây, Thái Lan và Indonesia đã bị EU yêu cầu phải dán tem đạt tiêu chuẩn Eco Fiendly (tem tiêu chuẩn chứng tỏ sản phẩm không gây tác hại môi trường) lên sản phẩm. Những tiêu chuẩn, quy định này thực sự vượt xa khả năng đáp ứng của nhiều doanh nghiệp làm hàng may mặc xuất khẩu ở các quốc gia đang phát triển. Đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc Việt Nam, thì nhãn hiệu trên quả là còn xa lạ và chưa có doanh nghiệp nào đáp ứng được. Trong khi đó, các chiến dịch quảng cáo, những thông tin trên trang Web sẽ liên tục tuyên truyền về tác động tiêu cực của các sản phẩm không có dán nhãn mác sinh thái, khiến người tiêu dùng ở các quốc gia nhập khẩu hàng may mặc có thể sẵn sàng tẩy chay bất cứ sản phẩm nào không có nhãn hiệu đó.

  • Tags: