Năm 2007 Công ty Cổ phần Dịch vụ Di Động Trực tuyến được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép cung cấp dịch vụ Ví điện tử và Dịch vụ chuyển tiền, thu hộ, chi hộ, thanh toán trên di động (mobile payment) dưới thương hiệu MoMo. Đó là công ty Fintech đầu tiên hoạt động tại Việt Nam. Hết năm 2017 Việt Nam có hơn 40 công ty Fintech hoạt động. Đến đầu tháng 9 năm 2018 đã có 78 công ty Fintech. 10 năm 2007-2017 có hơn 40 công ty Fintech; qua 9 tháng của năm 2018 có thêm hơn 30 công ty nữa! Thật là một sự bùng nổ dữ dội!

Một số liệu khác, theo nghiên cứu của công ty tư vấn Solidiance, thị trường Fintech của Việt Nam đã đạt quy mô 4,4 tỉ đô la Mỹ năm 2017 và được dự báo sẽ tăng lên mức 7,8 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020. Trong 3 năm, dung lượng thị trường Fintech “nở” ra 1,8 lần, cũng là một sự bùng nổ dữ dội!

Nhưng chính xác thì Fintech là gì? Nói theo chiết tự, Fintech viết tắt của từ financial technology (công nghệ trong tài chính). Đứng về loại hình kinh doanh, Fintech là những công ty cung cấp các các dịch vụ tài chính như thanh toán, chuyển tiền, huy động vốn, quản lý tài chính… Ưu thế dịch vụ tài chính của Fintech tỏ ra vượt trội. Hiện tại các công ty Fintech cung cấp dịch vụ cho vay kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay trên Internet chỉ trong vài giờ đồng hồ, đáp ứng nhu cầu của khách hàng tốt hơn nhiều so với thời gian phê duyệt các khoản vay ở ngân hàng thương mại có khoảng thời gian trung bình đến vài tuần làm việc (không tính thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ).

Việt Nam là một trong số ít nước được cho có nhiều triển vọng phát triển thị trường Fintech của khu vực Asean. Theo ông Jan Bellens, Phó chủ tịch Toàn cầu Dịch vụ Ngân hàng và Thị trường vốn EY, số lượng các công ty FinTech Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh bởi xu hướng phát triển của lĩnh vực này do Việt Nam có dân số đông, người trẻ am hiểu và yêu thích sử dụng các dịch vụ, sản phẩm công nghệ, mức độ tiếp cận mạng Internet và điện thoại thông minh khá lớn, xu hướng tiêu dùng cũng tăng mạnh. Trong khi đó, các dịch vụ tài chính công nghệ chưa thực sự phát triển mạnh mẽ. Người trẻ tiếp cận với các dịch vụ tài chính như cho vay, tiết kiệm, mua sắm còn bị hạn chế, và còn tới 90% khoản thanh toán được thực hiện bằng tiền mặt… Do đó, các công ty FinTech tại Việt Nam tập trung khá nhiều vào lĩnh vực thanh toán - 47% công ty FinTech Việt Nam là về dịch vụ thanh toán, cao nhất trong khu vực. Chính những điều trên là mảnh đất màu mỡ cho các công ty và thị trường Fintech phát triển.

Nhìn trên bản chất, Fintech là khu vực giao thoa giữa công nghệ với dịch vụ tài chính, là cách xâm nhập của cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Ưu thế của Fintech qua hoạt động thực tiễn đã chứng minh sức bùng nổ dữ dội của nó. GS. John Wong thuộc Đại học Quản trị Paris cho rằng, chi phí hoạt động ngân hàng sẽ giảm đến 80% nếu sử dụng Fintech; các ngân hàng có thể cắt giảm bớt số lượng chi nhánh, và chỉ với chiếc điện thoại thông minh, thẻ Visa hay Mastercard thì hệ thống máy ATM sẽ còn không cần thiết nữa....

Như vậy, những công ty Fintech, với khả năng cung cấp các các dịch vụ tài chính như thanh toán, chuyển tiền, huy động vốn, quản lý tài chính… siêu rẻ, siêu nhanh của mình là đối thủ đáng gờm của các ngân hàng. Tuy nhiên, trong một cuộc hội thảo mới đây "Cách mạng công nghiệp 4.0 và những đổi mới trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng", ông Lê Anh Dũng, Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết: "Tại Việt Nam hiện nay, 72% công ty FinTech lựa chọn hợp tác với các ngân hàng trong kinh doanh, cung ứng sản phẩm dịch vụ thay vì cạnh tranh trực diện".

Vì sao vậy? Bởi một điều hết sức đơn giản, có mặt tại Việt Nam năm 2007, nhưng chỉ từ 2017 trở lại đây các công ty Fintech xuất hiện rầm rộ như một xu hướng. Cái họ thiếu nhất là nền tảng khách hàng, trong khi đó, các ngân hàng thương mại đang sở hữu một mạng lưới khách hàng vô cùng rộng khắp, và đặc biệt có hệ thống thanh toán bài bản, khuôn khổ quản lí rủi ro chặt chẽ.

Vì thế, trong 5-7 năm nữa, các công ty Fintech sẽ tiếp tục chủ động hợp tác với ngân hàng. Nhưng đến một lúc nào đó, khi Fintech đã tập trung được mạng lưới khách hàng căn bản, tích lũy được hạ tầng công nghệ thông tin đủ mạnh, và xây dựng được hệ thống thanh toán bài bản… thì chuyện cạnh tranh với ngân hàng là điều tất yếu.