Sản xuất công nghiệp tăng 6,2% trong tháng 2

Hai tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 13,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019.
san xuat cong nghiep thang 2
Ngành chế biến, chế tạo tăng 7,4% trong tháng 2

 

Theo Tổng cục Thống kê, do dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực khá mạnh đến hoạt động sản xuất công nghiệp nên tính chung 2 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 6,2%.

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7,4% (cùng kỳ năm trước tăng 11,4%), đóng góp 6 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,4% (cùng kỳ năm trước tăng 9,3%), đóng góp 0,7 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,9% (cùng kỳ năm trước tăng 6,4%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 3,7% (cùng kỳ năm trước giảm 3,5%), làm giảm 0,6 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Có một số ngành có chỉ số sản xuất 2 tháng giảm hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước là khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 8,6%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 5,2%...

Một số ngành có chỉ số sản xuất 2 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước là khai thác quặng kim loại - tăng 25,4%; in, sao chép bản ghi các loại - tăng 19,4%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế - tăng 18,6%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu - tăng 14,8%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học - tăng 13,4%; khai thác than cứng và than non - tăng 10,4%...

Sản xuất linh kiện điện thoại cũng đã tăng 28,9%; thép thanh, thép góc tăng 28,8%; điện thoại di động tăng 25,5%... 

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), ngành sản xuất của Việt Nam đã bắt đầu “ngấm” tác động của dịch bệnh như: vướng mắc về nguồn cung nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào cho sản xuất; vướng mắc về thiếu hụt nguồn lao động; khó khăn về tài chính và khó khăn về thị trường tiêu thụ.

Các ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong nước phụ thuộc nhiều vào nguồn cung nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác đang chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh như Hàn Quốc, Nhật Bản. Đồng thời, những ngành hàng này của Việt Nam nằm trong chuỗi phân bổ và liên kết chặt chẽ của chuỗi giá trị toàn cầu, do vậy, việc các thị trường cung cấp nguyên phụ liệu gặp vướng mắc dẫn đến nguy cơ bị đứt đoạn chuỗi cung ứng, khiến một số ngành sản xuất của Việt Nam thiếu hụt nguồn cung nguyên phụ liệu.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng cho rằng đây chính là thời điểm ngành công nghiệp trong nước nhìn lại vị trí trong liên kết chuỗi của mình, từ đó có định hướng tái cơ cấu hợp lý, tăng cường nội lực về công nghiệp hỗ trợ để chủ động nguồn cung lâu dài, tránh phụ thuộc vào một số thị trường đầu vào nhất định.

Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trường hợp dịch bệnh kết thúc trong quý I/2020, dự kiến giá trị gia tăng ngành công nghiệp quý I/2020 chỉ tăng 5,18% so với cùng kỳ 2019, giảm tới gần 40% so với năm ngoái, trong đó ngành chế biến chế tạo chỉ tăng 6,28%, thấp hơn nhiều so với 10,47% dự kiến trước đây.

Trường hợp dịch bệnh kết thúc cuối quý II/2020, dự kiến giá trị tăng thêm ngành công nghiệp trong quý II tăng 5,33% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo chỉ tăng 6,23%, thấp hơn so với dự kiến 11,21% trước đây.

Thanh Xuân