Sản xuất thép duy trì phong độ

10 tháng năm 2020, sản lượng sản xuất sắt thép thô, thép cán, thép thanh - thép góc của nước ta tăng lần lượt là 0,1; 5,3% và 7,6% so với cùng kỳ năm trước.
san xuat thep
Ngành sản xuất thép trong nước sau 10 tháng vẫn đang duy trì tốc độ tăng trưởng dương

Bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tác động đến nhiều ngành sản xuất từ đầu năm đến nay, ngành sản xuất thép trong nước sau 10 tháng vẫn đang duy trì tốc độ tăng trưởng dương.

Báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) trong tháng 10 năm 2020, sản lượng thép thô ước đạt 3.371.000 tấn, tăng 11% so với cùng kỳ; thép cán ước đạt 800.000 tấn, tăng 23,6% so với cùng kỳ; thép thanh, thép góc ước đạt 922.000 tấn, giảm 0,1% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng năm 2020, sản lượng sản xuất sắt thép thô; thép cán; thép thanh, thép góc tăng lần lượt là 0,1; 5,3% và 7,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Cùng với sản xuất kinh doanh được duy trì, tiêu thụ vật liệu xây dựng bắt đầu trở lại vào cuối quý 3 năm nay do nhiều công trình xây dựng đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đã tạo thêm những thuận lợi đáng kể cho các doanh nghiệp trong ngành đẩy mạnh tiêu thụ.

VSA dự kiến, thị trường thép xây dựng sẽ khởi sắc hơn do trong ngắn hạn thị trường nội địa có nhu cầu tiêu thụ thép nhiều hơn trong những tháng cuối năm 2020.

Ngay từ đầu tháng 11 này, một doanh nghiệp lớn là Hòa Phát sẽ đưa sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất với sản lượng 140.000 tấn cho khách hàng. Cụ thể, theo kế hoạch, những lô hàng đầu tiên theo hợp đồng sẽ được giao cho khách hàng vào đầu tháng 11 làm nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy sản xuất ống thép của Việt Nam. Trong đó, đơn hàng của các nhà máy ở phía Bắc chiếm 60%, khối lượng còn lại là ở phía Nam.

Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất dự kiến đưa lò cao số 4 của dự án vào hoạt động trong tháng 1/2021. Khi cả 4 lò cao của Khu liên hợp đi vào hoạt động đồng bộ, sản lượng HRC của Hòa Phát đạt khoảng trên 3 triệu tấn/năm, đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp ống thép, tôn mạ và ngành cơ khí chế tạo khác, góp phần giúp ngành thép Việt Nam chủ động thêm nguồn nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu.

Trước các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là việc thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), ngành thép được nhận định là một trong những ngành được kỳ vọng có thêm điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường mới.

Tuy nhiên, ngành thép vẫn đang phải cạnh tranh gay gắt với thép nhập khẩu thâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam. Đặc biệt là ngành thép phải đối mặt với các vụ việc phòng vệ thương mại tại các thị trường xuất khẩu khiến xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, cùng việc hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ việc điều tra, Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp ngành thép cần nâng cao năng lực cạnh tranh, cần tự chủ các nguồn nguyên liệu sản xuất ngay trong nước. Đồng thời nỗ lực khép kín từ khâu đầu vào đến sản xuất để loại trừ dần nguồn gốc xuất xứ từ các nước nhằm giảm đến mức thấp nhất việc các nước cho rằng Việt Nam lẩn tránh thuế.