Sản xuất và phân phối điện tăng gần 14% trong tháng 5/2020

Bộ Công Thương nhận định, Quý II hàng năm là thời gian cao điểm của mùa khô và là thời điểm căng thẳng nhất trong năm về đảm bảo cung cấp điện toàn hệ thống, ngành điện cần nêu cao mục tiêu đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện và thị trường điện, đáp ứng nhu cầu điện trong các tháng mùa khô quý II/2020.

Theo báo cáo mới đây nhất của Bộ Công Thương, trong tháng 5, với sự nới lỏng các quy định giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất đã bước đầu trở lại bình thường; thời tiết nắng nóng xảy ra trên diện rộng khắp cả nước, có những ngày nắng nóng kỷ lục khiến cho sản xuất và tiêu thụ điện tăng, do đó chỉ số sản xuất ngành sản xuất, phân phối điện tháng 5 tăng 13,7% so với tháng trước; tính chung 5 tháng ngành sản xuất, phân phối điện tăng 2,6% (cùng kỳ năm trước tăng 10%).

Sản lượng điện sản xuất tháng 5 ước đạt 20.525,1 triệu kWh, tăng 18% so với tháng trước và tăng 2 % so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, sản lượng điện sản xuất ước đạt 91.759,8 triệu kWh, tăng nhẹ 2,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Điện thương phẩm tháng 5 ước đạt 18.150 triệu kWh, tăng 5,9% so với tháng 4 và tăng 2% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm, điện thương phẩm ước đạt 84.512,3 triệu kWh, tăng 3,1% so với cùng kỳ.

Dự báo nhu cầu sử dụng điện sẽ tiếp tục tăng mạnh trong Quý II/2020
Dự báo nhu cầu sử dụng điện sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những ngày nắng nóng Quý II/2020

Bộ Công Thương nhận định, Quý II hàng năm là thời gian cao điểm của mùa khô và là thời điểm căng thẳng nhất trong năm về đảm bảo cung cấp điện toàn hệ thống, ngành điện cần nêu cao mục tiêu đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện và thị trường điện, đáp ứng nhu cầu điện trong các tháng mùa khô quý II/2020.

Nhằm đảm bảo cung cấp điện cho các tháng còn lại của mùa khô và năm 2020, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thường xuyên theo dõi tăng trưởng phụ tải điện, diễn biến thủy văn, tình hình cung cấp khí, cung cấp than cho phát điện, đảm bảo tiến độ và độ sẵn sàng của các công trình nguồn điện, đặc biệt là tại khu vực miền Nam.

Đồng thời, yêu cầu Tổng công ty truyền tải điện quốc gia, các Tổng công ty điện lực tập trung các nguồn lực đảm bảo đúng tiến độ các công trình đường dây và trạm biến áp, nhất là các dự án quan trọng ảnh hưởng đến truyền tải, cung cấp điện trong mùa khô. Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cũng sẽ duy trì làm việc việc định kỳ với các đơn vị điện lực để giám sát việc cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia.

Các nguồn nhiệt điện than và tuabin khí sẽ được khai thác tối đa theo khả năng cấp nhiên liệu, đồng thời khai thác thủy điện theo nước về, đảm bảo cung cấp nước cho hạ du; huy động nhiệt điện chạy dầu theo phương thức và nhu cầu phụ tải. Đảm bảo cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện, đặc biệt các nhà máy tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải để đáp ứng nhu cầu huy động của hệ thống.

Tăng cường các công tác quản lý vận hành, đảm bảo hành lang tuyến đường dây, đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy lưới điện truyền tải, phục vụ truyền tải cao liên tục trong mùa khô, đặc biệt là hệ thống truyền tải 500 kV Bắc - Nam.

Ngoài ra, các đơn vị trong toàn ngành điện chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an toàn hồ đập và công trình thuỷ điện, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du trong mùa mưa, lũ, bão năm 2020.

Bộ Công Thương đang chỉ đạo sát sao công tác đảm bảo cung ứng điện đầy đủ, đồng thời khuyến cáo người dân sử dụng điện tiết kiệm, an toàn mùa nắng nóng
Bộ Công Thương đang chỉ đạo sát sao công tác đảm bảo cung ứng điện đầy đủ, đồng thời khuyến cáo người dân sử dụng điện tiết kiệm, an toàn mùa nắng nóng

Đặc biệt, trong những thời điểm nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng điện có thể tăng cao đột biến, gây quá tải cục bộ cho lưới điện, nguy cơ xảy ra các sự cố thiết bị điện tại lưới điện phân phối do quá tải gây mất điện tạm thời. Đối với các hộ gia đình, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài cũng làm ảnh hưởng đến tình trạng hoạt động và suy giảm hiệu suất của các thiết bị điện. Do đó, hóa đơn tiền điện trong những tháng nắng nóng có khả năng sẽ tăng cao hơn những tháng khác.

"Cục Điều tiết điện lực sẽ yêu cầu các đơn vị điện lực, đặc biệt là tại các thành phố lớn, nếu không thực sự cần thiết để phục vụ việc cung cấp điện thì hạn chế việc thao tác lưới điện trong thời gian nắng nóng, đồng thời giám sát chặt chẽ việc vận hành các thiết bị điện để giảm thiểu các sự cố do quá tải cục bộ", đại diện Cục Điều tiết điện lực nhấn mạnh.

Để giảm thiểu nguy cơ quá tải cục bộ lưới điện, nâng cao độ tin cậy trong vận hành hệ thống điện, Cục Điều tiết điện lực cũng khuyến cáo các hộ gia đình, cơ quan, công sở, doanh nghiệp sử dụng điện áp dụng triệt để các giải pháp tiết kiệm điện (tắt bớt các thiết bị không sử dụng, sử dụng các thiết bị điện có hiệu suất cao, đặt nhiệt độ điều hòa ở mức trên 26 độ…).

Cùng với đó, cần thay đổi thói quen sử dụng điện, chuyển những nhu cầu sử dụng điện không cấp thiết ra khỏi thời gian cao điểm của biểu đồ phụ tải điện (các khung giờ từ 9-11 giờ, 14-17 giờ, 19-21 giờ). Những giải pháp trên giúp khách hàng giảm chi phí tiền điện, cũng như góp phần giảm áp lực cung cấp điện lên toàn hệ thống, giúp vận hành hệ thống điện ổn định và an toàn và kinh tế, tránh việc phải huy động nhiều nguồn điện dầu đắt tiền chỉ trong vài giờ cao điểm, góp phần bảo vệ môi trường.

Thy Thảo