Sáng nay, Quốc hội thảo luận Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia

Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia hy vọng sẽ có được nhiều ý kiến đóng góp của ĐBQH cũng như dư luận xã hội quan tâm.

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, buổi sáng (23/5), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Ngay sau đó, các đại biểu Quốc hội sẽ có thảo luận ở hội trường một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Vụ Pháp chế là đơn vị được Bộ Y tế giao chủ trì soạn thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia (Dự thảo Luật).

Trao đổi với báo chí, mới đây, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế đánh giá: Nhiều điều trong Dự thảo Luật hiện nay đang tạo khoảng trống pháp lý, không làm rõ được tác hại của rượu bia như mục tiêu ban đầu cơ quan soạn thảo Luật mong muốn. Ví dụ như Quy định cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ trở lên bị thay thế bằng chỉ cấm quảng cáo, khuyến mại rượu từ 15 độ cồn trở lên, không cấm đối với bia.

Cùng với đó, TS Trần Tuấn, Trưởng Ban Điều phối Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm (NCDs-VN) cũng cho rằng, so với dự thảo Luật lần 1 thì các quy định tại “phiên bản” mới nhất của dự luật này (sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 vừa khai mạc) có "độ lùi" lớn nhất trong việc hạn chế tính sẵn có, tràn lan của rượu, bia. Nhiều điều khoản liên quan đến kiểm soát quảng cáo, tiếp thị và tài trợ rượu, bia nhằm kiểm soát việc sử dụng rượu, bia đã bị đưa ra khỏi dự thảo hoặc điều chỉnh làm yếu đi.

Buổi chiều, Quốc hội nghe và thảo luận các vấn đề xoay quanh Dự án Luật Kiểm toán nhà nước, và Dự án Luật Thư viện.

Trước đó, ngày 11/3, UBTVQH đã cho ý kiến lần đầu về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN).

Theo tờ trình dự án luật do Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc trình bày, sau 3 năm triển khai, Luật KTNN đã phát sinh nhiều vấn đề mới cần giải quyết như phạm vi, đối tượng kiểm toán, đơn vị được kiểm toán chưa đồng bộ, thống nhất, hệ thống pháp luật chưa bảo đảm sự tương thích với các luật khác có liên quan, vẫn còn tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong công tác kiểm toán và thanh tra, kiểm tra…Vì vậy, việc sửa đổi luật là cần thiết.
Thảo luận tại UBTVQH, đa số các ý kiến thống nhất với việc sửa đổi luật để khắc phục các bất cập, thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương. Bên cạnh đó, các thành viên UBTVQH cũng góp ý về một số vấn đề được đề xuất tại dự thảo.