Nhiều đặc sản vùng, miền mở được đường vào hệ thống phân phối có uy tín trên cả nước

Nhiều đặc sản vùng, miền mở được đường vào hệ thống phân phối có uy tín (ảnh: Khách thăm quan gian hàng nông sản Yên Bái bên trong siêu thị Big C)

 

Tham dự Hội nghị có các đồng chí Lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam; Lãnh đạo các Bộ, Ban ngành Trung ương và địa phương; Lãnh đạo các hiệp hội và doanh nghiệp.

Hội nghị nhằm tổng kết, chia sẻ các kinh nghiệm hoạt động của ngành Công Thương trong thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 – 2020 của ngành Công Thương, theo Quyết định 964/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ. Đồng thời đề xuất về phương hướng phát triển mới trong giai đoạn tiếp theo 2021-2030.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải sẽ có bài phát biểu đánh giá Chương trình qua 5 năm thực hiện trên các mặt sản xuất, phân phối và tiêu dùng trên các địa bàn còn nhiều khó khăn.

Sau khi nghe Báo cáo tổng kết thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 – 2020 của ngành Công Thương và phiên thảo luận chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình triển khai Chương trình; đại biểu các Bộ, Ban ngành Trung ương và địa phương, doanh nghiệp sẽ đánh giá các hoạt động trong 5 năm của Chương trình trên các lĩnh vực: (i) Kết nối và thu hút được các thương nhân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm hàng hóa nông lâm thủy sản của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; (ii) Đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ hàng hóa là lợi thế của đại phương thông qua hệ thống phân phối trên thị trường nội địa và quốc tế; (iii) Rà soát, đánh giá xác định các mặt hàng có lợi thế, xây dựng bộ tiêu chí xác định các mặt hàng có lợi thế phát triển  tại các địa phương; (iv) Xây dựng mô hình phân phối đặc thù phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng tại một số huyện đảo; (v) Tăng cường thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng; (vi) Bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tiểu thương hoạt động kinh doanh tại địa phương; (vii) Nghiên cứu xây dựng và phát triển hệ thống chính sách, cơ chế thương mại đặc thù với một số huyện đảo, xã đảo; (viii) Nghiên cứu, xây dựng đề án kết nối hạ tầng thương mại giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo với thị trường cả nước.

Các đại biểu, diễn giả sẽ đóng góp ý kiến và đề xuất phương hướng, mục tiêu và giải pháp thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong giai đoạn tiếp theo 2021-2030, hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các miền, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo

Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại sẽ dành thời gian tham quan khu trưng bày, giới thiệu kết quả trong 5 năm thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong giai đoạn 2015-2020 của ngành Công Thương.