Sau một năm Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) chính thức đi vào hoạt động (12/10/2018-12/10/2019), dù còn gặp nhiều khó khăn do thay đổi mô hình tổ chức, kiện toàn các chức danh lãnh đạo chưa hoàn tất, trang thiết bị, biên chế còn thiếu thốn nhưng toàn lực lượng QLTT đã nỗ lực vượt qua khó khăn để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Cụ thể, sau 1 năm, lực lượng QLTT đã kiểm tra trên 141.000 vụ; phát hiện, xử lý 82.300 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước 430 tỷ đồng. Ước trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 150 tỷ đồng. Chuyển 107 vụ việc sang cơ quan tố tụng hình sự, trong đó 26 vụ việc đã khởi tố, 29 vụ việc không khởi tố và 54 vụ việc đang điều tra, xử lý.

Tổng cục QLTT xử phạt trên 82.000 vụ vi phạm
Tổng cục QLTT ký Quy chế phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tháng 5 năm 2019

Cùng trong năm qua, Tổng cục đã tiến hành ký nhiều Quy chế phối hợp với các đơn vị như Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ Thương hiệu Hà Nội (HATAP), Hiệp hội Thông tin tư vấn kinh tế thương mại Việt Nam (VICETA)... với mục đích nối dài cánh tay cùng lực lượng QLTT đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, bảo vệ thương hiệu và người tiêu dùng Việt Nam.

Đặc biệt, Tổng cục đã triển khai nhiều kế hoạch cao điểm như chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán; kế hoạch tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh, hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

Cùng với đó là triển khai, thực hiện kế hoạch về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu; phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo xuất xứ tại các địa bàn trọng điểm...

Tổng cục QLTT xử phạt trên 82.000 vụ vi phạm
Truy quét lượng lớn hàng hóa có dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ tại 02 Trung tâm mua sắm ở TP Móng Cái, Quảng Ninh tháng 7 năm 2019

Tổng cục đã trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, xử lý một số vụ việc vi phạm nghiêm trọng, liên địa bàn, có dấu hiệu tội phạm như vụ kiểm tra hàng giả, hàng cấm tại Móng Cái; kiểm tra thực phẩm nhập lậu tuyến Lào Cai - Yên Bái - Hà Nội; vụ kiểm tra mặt hàng amply giả mạo xuất xứ Hàn Quốc tại Quảng Bình.

Ngoài ra, Tổng cục còn trực tiếp kiểm tra đồng hồ giả mạo Thụy Sĩ tại Khánh Hòa và Đà Nẵng; kiểm tra điện thoại giả mạo nhãn hiệu SAMSUNG, kiểm tra hàng đường cát, vải, quần áo nhập lậu tại An Giang, Thành phố Hồ Chí Minh; vụ ấn phẩm nhập lậu tại Hà Nội; vụ sản xuất sản phẩm thời trang giả mạo thương hiệu The North Face tại Hưng Yên. Tham gia chuyên án 117-D của Bộ Công an triệt phá đường dây buôn lậu đường tại An Giang và các tỉnh lân cận...

Tổng cục QLTT xử phạt trên 82.000 vụ vi phạm
Bắt giữ tận gốc xưởng sản xuất giả mạo mặt hàng thời trang The North Face tháng 9 năm 2019

Với vai trò là lực lượng chủ công trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường nội địa, Tổng cục đã chỉ đạo các Cục QLTT địa phương kịp thời xây dựng và triển khai các phương án, kế hoạch kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm.

Mặt khác, chú trọng quản lý địa bàn, kịp thời kiểm tra, xử lý các vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội; kết hợp với  kiểm tra, xử lý vi phạm, lực lượng QLTT đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, triển khai cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng; xử lý các tổ chức, cá nhân đã thực hiện việc ký cam kết nhưng vẫn vi phạm.

Tổng cục QLTT xử phạt trên 82.000 vụ vi phạm
Thứ trưởng Đặng Hoàng An kiểm tra tình hình dịch tả lợn châu Phi tại Ninh Bình hôm 20/3/2019

Đáng chú ý, trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, ngay từ đầu tháng 3, lực lượng QLTT đã tổ chức triển khai, phối hợp thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống và ngăn chặn dịch tả lợn tại các địa phương. Bên cạnh đó, trước vụ việc sản xuất xăng giả tại tỉnh Sóc Trăng, Tổng cục đã chỉ đạo lực lượng QLTT các địa phương triển khai kiểm tra và phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng kinh doanh có vi phạm

Với vai trò là thành viên của Ban Chỉ đạo 389 cấp tỉnh, lực lượng QLTT cả nước đã tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp chặt chẽ trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tại các quận, huyện, lực lượng QLTT trên địa bàn duy trì phối hợp chặt chẽ với các ngành như: phối hợp liên ngành trong kiểm tra khoáng sản; phối hợp với Sở Y tế và Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện kiểm tra về chất lượng an toàn thực phẩm và kiểm tra về lĩnh vực giá, chất lượng hàng hóa, kiểm tra về kinh doanh hàng lậu, sản xuất kinh doanh hàng hàng giả; chú trọng việc đưa các bản tin, chuyên mục về tình hình, kết quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Mặt khác, lực lượng cũng công khai các kết quả điều tra, xử lý vụ án trọng điểm, tên địa chỉ tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng, cố tình tái phạm nhiều lần nhằm răn đe, phòng ngừa vi phạm.

Đáng lưu ý, được sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, lực lượng QLTT đã tham gia, triển khai nhiều chuyên đề, kế hoạch kiểm tra cao điểm vào các lĩnh vực mặt hàng như xăng dầu, phân bón, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, buôn lậu trên tuyến đường bộ, đường sắt...

Qua đó, các lực lượng chức năng đã triệt phá nhiều vụ việc, ổ nhóm lớn. Điển hình là vụ việc kiểm tra 18 kho hàng tại quận 6, thành phố Hồ Chí Minh trong đầu tháng 5/2019, bước đầu đã xác định được nhiều đối tượng kinh doanh hàng lậu, hàng cấm với quy mô tương đối lớn, vụ việc đang được điều tra, xác minh làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tổng cục cũng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong Bộ như Cục Hóa chất, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Vụ Thị trường trong nước... thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật.