Sau sụt giảm bán lẻ, thị trường hàng dệt may kỳ vọng vào những tháng cuối năm và năm 2022

Sau giai đoạn khó khăn, nhiều thương hiệu hướng tới việc tái định vị, xác định chiến lược phát triển nhanh nhạy hơn, lựa chọn sản phẩm, địa điểm kỹ càng và quản lý các chi phí chặt chẽ hơn.

Ảnh hưởng của Covid -19 khiến sức mua giảm sút

Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước.

Ảnh hưởng của Covid -19 khiến sức mua giảm sút, gây ra nhiều thách thức tới thị trường bán lẻ Việt Nam 9 tháng đầu năm 2021. Tính chung 9 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.367,7 nghìn tỷ đồng, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 8,7% (cùng kỳ năm 2020 giảm 5,1%).

Ngành may mặc không nằm ngoài bức tranh toàn cảnh chung, với lực cầu giảm sút khá nhiều. Theo đó, doanh thu bán lẻ hàng may mặc của Việt Nam trong 9 tháng 2021 đã giảm 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu bán lẻ may mặc 9 tháng 2021 của Tập đoàn Dệt May Việt Nam đạt 24,6 ngàn tỷ, giảm 12,4% so với cùng kỳ. Năm 2020 một số doanh nghiệp may đẩy mạnh được doanh số bán lẻ nhờ linh hoạt sản xuất các mặt hàng khẩu trang vải kháng khuẩn và đồ bảo hộ khi bùng dịch và đạt được doanh thu tăng trưởng cao.

Năm 2021 khi mặt hàng khẩu trang đã hạ nhiệt với nhiều nguồn cung khẩu trang y tế thay thế, dịch bùng phát cùng với tình trạng giãn cách thắt chặt hơn tại các tỉnh thành miền Nam, thị trường bán lẻ hàng may mặc lại gặp khó khăn khi không còn doanh thu hàng khẩu trang bù đắp và lực cầu quần áo suy giảm.

Trong Tập đoàn có Tổng công ty Đức Giang ghi nhận mức tăng trưởng duy nhất 105,7% về doanh thu bán lẻ 9 tháng 2021, nhờ sự quyết liệt trong công tác đầu tư trung tâm bán hàng trực tuyến có quy mô và thúc đẩy mạnh mẽ mảng kinh doanh đồng phục. Các doanh nghiệp khác đều chịu sự áp lực về doanh thu giảm 30-40% do giãn cách, cầu suy giảm.

Triển vọng những tháng cuối năm và năm 2022

Dự kiến sau thời gian giãn cách xã hội và mở cửa hoàn toàn trở lại, các nhà bán lẻ sẽ mất ít nhất 3 tháng để các cửa hàng, trung tâm mua sắm dần phục hồi thu hút lại khách hàng và mất ít nhất 1 năm để người tiêu dùng lấy lại niềm tin tiêu dùng, cũng như để thị trường hoạt động cân bằng ổn định, phục hồi trạng thái và mức doanh thu như năm 2019.

Nhìn về đường dài, mảng kinh doanh trực tuyến tại Việt Nam mới trong thời kỳ đầu phát triển và hứa hẹn nhiều dư địa trong thời gian 5 năm tới đây. Theo số liệu của Asia Plus, giá trị tiêu dùng hàng dệt may Việt Nam mỗi năm đạt khoảng 5-6 tỉ USD (gần 120.000-140.000 tỉ đồng).

Sức hút của thị trường còn đến từ sự thay đổi trong hành vi mua sắm của thế hệ Millennials (8X, 9X) và Centennials (10X). Giới trẻ ngày nay không chỉ mua sắm tại các cửa hàng thời trang truyền thống mà còn trên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo và sàn thương mại điện tử…

det may

Theo khảo sát của YoGov xuất bản vào tháng 6/2021 đánh giá sự chuyển biến của hành vi khách hàng trong đợt dịch Covid-19 cho thấy 65% khách hàng có tần suất mua sắm trực tiếp thường xuyên từ vài lần/ ngày, 1 lần/ ngày, vài lần/ tuần, 1 lần/ tuần cho đến vài lần /tháng.

Kênh mua sắm không chỉ dừng lại ở những sàn thương mại tập trung lớn như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo nữa mà còn những hình thức mua sắm trực tuyến tự phát triển theo các nhãn hàng khiến khách hàng ngày càng có nhiều sự đa dạng lựa chọn mua sắm trực tuyến theo sở thích và sự thuận tiện của mình nhiều hơn.

Sự cạnh tranh trong mua sắm bán lẻ trực tuyến vì vậy cũng sâu sắc hơn và đòi hỏi nhiều combo khuyến mãi và chương trình chăm sóc khách hàng chu đáo hơn để giữ được lượng khách hàng trung thành. 9 tháng đầu năm 2021 cũng chứng kiến nhiều doanh nghiệp may mặc bán lẻ đóng cửa các cửa hàng trực tiếp và đẩy mạnh mảng kinh doanh trực tuyến do giãn cách, tuy không ít doanh nghiệp gặp các thách thức về đứt gẫy nguồn cung hay tình trạng có đơn hàng chờ giao nhưng vận chuyển gặp khó khăn trong thời gian giãn cách.

Những diễn biến dịch bệnh phức tạp của năm 2020-2021 đã làm cho thị trường bán lẻ bị phân hóa rõ ràng hơn. Nhìn về khía cạnh tích cực, sự chuyển biến trên giúp cho các nhà bán lẻ biết rõ và tập trung hơn với kênh phân phối đang “ăn khách”, và tái sắp xếp, xác định lại đối tượng khách hàng mục tiêu của mình. Tuy vậy, cũng cần nhấn mạnh rằng, mặc dù thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng “nóng” về quy mô và đạt gần 12 tỷ USD trong năm 2020 (báo cáo từ Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương).

Tuy nhiên, Thương mại điện tử cũng chỉ chiếm khoảng 6-10% tổng doanh số bán lẻ. Điều này chứng tỏ rằng các cửa hàng truyền thống có cơ hội thúc đẩy kinh doanh lớn hơn bằng cách kết hợp kinh doanh ngoại tuyến với các chiến lược online để có thể thu hút nhiều khách đến cửa hàng của họ hơn, tức chính là vận dụng mô hình O2O (hướng khách hàng từ online đến cửa hàng offline).

Đối với mặt hàng may mặc, hiện tại vụ Xuân Hè đã đi qua, nhiều nhà bán lẻ chậm một nhịp do các mặt hàng Xuân Hè đã hết vụ, hàng tồn kho vụ Xuân Hè tăng lên. Với các tỉnh miền Bắc, vụ Thu đông đang đến gần, lúc này là lúc các doanh nghiệp sản xuất cần nhanh chóng bắt nhịp nhanh và gấp rút đưa ra các dòng sản phẩm, bộ sưu tập mới, đáp ứng nhu cầu quay trở lại của người tiêu dùng.

Sau giai đoạn khó khăn, nhiều thương hiệu hướng tới việc tái định vị, xác định chiến lược phát triển nhanh nhạy hơn, lựa chọn sản phẩm, địa điểm kỹ càng và quản lý các chi phí chặt chẽ hơn.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, trong 5 thị trường xuất khẩu dệt may lớn của Việt Nam gồm Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc:

  • Nhu cầu nhập khẩu dệt may của EU và Hàn Quốc đã trở về ngang bằng mức của năm 2019, thậm chí vượt nhẹ 1-2%. Các thị trường khác tuy chưa về mức cùng kỳ của năm 2019 nhưng đều có sự tăng trưởng ở mức 2 con số so với năm 2020.
  • Riêng thị trường Nhật Bản kim ngạch nhập khẩu dệt may vẫn dậm chân tại chỗ, tương đương cùng kỳ năm 2020.

Về cơ bản dự báo nhu cầu nhập khẩu dệt may của 5 thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Việt Nam sẽ trở về ngang bằng mức của năm 2019 trước khi xảy ra Covid-19.  

Căn cứ theo triển vọng phục hồi kinh tế thế giới cùng các yếu tố tác động, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đưa ra 3 kịch bản dự báo kim ngạch xuất khẩu của Dệt may Việt Nam năm 2022 như sau:

Kịch bản cao: Sản xuất trở lại từ quý 4/2021 đến quý 1/2022 đã có trên 80% lao động trở lại nhà máy, kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD, vượt kết quả năm 2019 ở mức 39 tỷ USD.

Kịch bản trung bình: Sản xuất trở lại từ quý 4/2021 đến quý 1/2022 đã có trên 70% lao động trở lại và mỗi quý tiếp theo tăng thêm 10% lao động, kim ngạch xuất khẩu đạt 38 tỷ USD.

Kịch bản thấp: Quý I/2022 vẫn chưa ổn định hoàn toàn, chỉ huy động được dưới 60% lao động và mỗi quý tiếp theo tăng thêm 10%, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 36 tỷ USD.

Hà An (t/h)