Sẽ sớm ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì xây dựng và hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, với 5 nhóm giải pháp chủ yếu, sẽ trình lên Quốc hội vào cuối năm nay.

Kinh tế - xã hội tăng trưởng tích cực trở lại

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2021, trong tháng 11, cùng với kiểm soát dịch bệnh, mở cửa từng bước nền kinh tế, các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, chuỗi sinh hoạt xã hội dần được nối lại theo hướng bình thường mới, tình hình kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực và tiếp tục khởi sắc.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số CPI tháng 11 tăng 0,32% so tháng 10; 11 tháng tăng 1,84% so cùng kỳ, thấp nhất từ 2016. Thị trường tiền tệ, tỷ giá ổn định, lãi suất tiếp tục duy trì mặt bằng thấp; tăng trưởng tín dụng đạt 9,65%. Hết tháng 11, thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 100% dự toán năm, kịp thời đáp ứng các nhiệm vụ chi và nguồn cho phòng, chống dịch cũng như cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách khác.

Sản xuất công nghiệp tháng 11 khởi sắc, hầu hết các ngành công nghiệp cấp I đều tăng so với tháng trước và tăng so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 tăng 5.5% so với tháng trước, 11 tháng tăng 3,6%. Nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển ổn định; năng suất lúa đạt 51,7 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 8 triệu tấn; hoạt động thu hoạch, khai thác, chế biến thủy sản tiếp tục phục hồi, sản lượng thủy sản tháng 11 tăng 3,2% so cùng kỳ, 11 tháng tăng 0,5%.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2021
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2021

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng tăng 22,3%, trong đó xuất khẩu tăng 17,5%; tháng 11 là tháng thứ 3 liên tiếp xuất siêu góp phần vào kết quả 11 tháng xuất siêu 225 triệu USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 11 tăng 6,2% so tháng trước, trong đó nhiều ngành dịch vụ phục hồi tích cực.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 11 tăng 44,6% và tăng 38% về vốn, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 15,2% so với tháng 10; 11 tháng có 146.100 doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 11 tăng 14,7% so tháng 10/2021; đạt 73,8% kế hoạch năm. Tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm 11 tháng tăng 11%; vốn thực hiện đạt 17,1 tỷ USD, cho thấy các doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam.

Công tác bảo đảm an sinh xã hội được chú trọng, đời sống người dân nhìn chung ổn định. Đã hỗ trợ hơn 28.400 tỷ đồng cho trên 28 triệu người (theo Nghị quyết 68). Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại được đẩy mạnh.

5 nhóm giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, dự kiến trình lên Quốc hội vào phiên họp bổ sung cuối năm 2021. 

Về nội dung cơ bản, chương trình phục hồi gồm 5 nhóm giải pháp chủ yếu gồm: Y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp/hợp tác xã/hộ gia đình, kích thích đầu tư công, cải cách hành chính.

Là cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, 5 nhóm giải pháp này đã đủ mạnh và cơ bản bao quát hết các lĩnh vực cần hỗ trợ cũng như cấu trúc của nền kinh tế, hướng tới phục hồi nhanh và phát triển sau khi kiểm soát được đại dịch.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trả lời báo chí tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/12/2021
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trả lời báo chí tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/12/2021

Liên quan đến "thời gian đủ dài" và "quy mô đủ lớn", về thời gian, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ thời gian áp dụng Chương trình khoảng 2 năm, tập trung chủ yếu năm 2022 và 2023. Tùy tình hình diễn biến của dịch bệnh và diễn biến của một số giải pháp sẽ phải kéo dài thêm. Ví dụ như các dự án đầu tư công có quy mô lớn, điển hình là cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025. Đây là dự án có tổng mức đầu tư rất lớn và trong thời gian dài, do đó rất khó có thể thực hiện trong vòng 2 năm. Như vậy, thời gian sẽ gắn với mục tiêu phát triển và chủ yếu tập trung trong năm 2022, 2023.

Trong 3 nội dung mà Thủ tướng Chính phủ nói về Chương trình phục hồi, "giải pháp đủ mạnh, thời gian đủ dài, quy mô đủ lớn" có liên quan chặt chẽ với nhau. Nếu như giải pháp đủ mạnh sẽ tốn kém chi phí, nếu kinh phí giới hạn thì thời gian sẽ phải kéo dài thêm, đây là mối quan hệ chặt chẽ giữa các yếu tố này.

Dù không chia sẻ cụ thể về quy mô của Chương trình chính sách tài khóa tiền tệ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương vẫn khẳng định công cụ để thực hiện các giải pháp của chương trình phục hồi chủ yếu tập trung vào công cụ tài khóa và tiền tệ, kết hợp với các công cụ khác như huy động các quỹ ngoài ngân sách, quỹ của doanh nghiệp, sự tham gia của khu vực tư nhân...

Thy Thảo