Sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách với người khuyết tật

Đó là quan điểm của đa số chuyên gia lao động tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm tạo việc làm đối với người khuyết tật giữa hai nước Việt Nam – Hàn Quốc được tổ chức mới đây tại Hà Nội
Theo báo cáo của Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật tại Hội thảo, hiện nước ta có khoảng 7 triệu người khuyết tật (tính từ 5 tuổi trở lên), chiếm khoảng 7,8% tổng dân số, trong đó, số người khuyết tật trong độ tuổi lao động là 61% và số người còn khả năng lao động chiếm khoảng 40%. Nhưng hiện nay, chỉ có 30% tổng số người khuyết tật đang tham gia lao động, tạo được thu nhập cho bản thân và gia đình với các công việc chủ yếu trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp; trình độ học vấn của người khuyết tật còn thấp.

Ông Nguyễn Văn Hồi - Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh Xã hội) cho biết: Việc dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật đã được nhà nước Việt Nam quan tâm và chỉ đạo tổ chức thực hiện. Bộ luật Lao động năm 2012 đã dành một mục riêng với 3 điều quy định lao động là người khuyết tật. Luật Người khuyết tật ban hành năm 2010 đã dành riêng 1 chương với 4 điều quy định dạy nghề và việc làm. Luật Việc làm ban hành năm 2013 cũng đã quy định chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động là người khuyết tật...

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Tuy nhiên, người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn trong việc học nghề, việc làm như: thu nhập thấp hơn so với lao động bình thường, một bộ phận người khuyết tật chưa được đến trường, được học nghề...

Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam Đinh Thị Thụy cho rằng nguyên nhân do đa số các cơ sở dạy nghề các điều kiện tiếp cận cho người khuyết tật chưa được quan tâm; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc chưa thực sự hiệu quả nên không khuyến khích được các doanh nghiệp tuyển dụng và sử dụng lao động là người khuyết tật. Cũng theo bà Thụy, cơ hội tiếp cận thông tin việc làm, nghề nghiệp của người khuyết tật hiện nay còn yếu vì hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người khuyết tật còn hạn chế. Bên cạnh đó, một phần do tâm lý tự ti, mặc cảm của bản thân người khuyết tật và gia đình…

Ông Na Woon Hwan - Phó Chủ tịch Hội Phục hồi chức năng cho người khuyết tật Hàn Quốc chia sẻ: Để bảo vệ quyền lao động cơ bản của người khuyết tật, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành nhiều văn bản chính sách quy định về nghĩa vụ tuyển dụng lao động khuyết tật, chính sách cấm phân biệt trong tuyển dụng và chính sách bảo hộ lao động. Đặc biệt, tất cả các chính sách đã ban hành tại Hàn Quốc đều có chế tài xử lý mạnh. Đơn cử, tại Luật Thúc đẩy việc làm và phục hồi chức năng cho người khuyết tật, nếu cơ quan và công ty nào không tuyển dụng đủ số lao động là người khuyết tật như quy định sẽ bị xử phạt hàng tháng (nộp hơn 60% mức lương tối thiểu cho số lượng lao động là người khuyết tật còn thiếu) cho đến khi tuyển đủ số lượng.

Theo ông Nguyễn Văn Hồi - Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho rằng: Với những kinh nghiệm từ nước bạn, Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu chính sách pháp luật việc làm của Hàn Quốc để rà soát, khuyến nghị điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Trong đó, sẽ tăng cường quản lý và giám sát hợp lý đối với việc thực hiện các chính sách đối với người khuyết tật, đặc biệt là các chính sách tuyển dụng để tránh trường hợp trục lợi chính sách.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới có khoảng 10% dân số (hơn 600 triệu người) có khiếm khuyết về thể chất, cảm giác, trí tuệ hoặc tâm thần dưới các hình thức khác nhau. Trong đó có hơn 2/3 số người khuyết tật sống tại các nước đang phát triển có thu nhập thấp.

Hà Minh