Siết chặt thuế cho thuê nhà để đảm bảo cạnh tranh kinh doanh lành mạnh

Vừa qua, Cục thuế Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đã có những động thái nhằm quản lý thuế đối với hoạt động cho thuê nhà, cho thuê văn phòng đối với người nộp thuế.

Động thái này được cho là rất tích cực của cơ quan thuế trong quản lý và thu thuế đối với hoạt động cho thuê nhà. Đây không chỉ thể hiện tinh thần tích cực và ý thức trách nhiệm cao của cơ quan thuế, mà nó còn giúp cho ngân sách thu đúng, thu đủ, thu kịp thời.

Điều quan trọng nhất là nó tạo ra sự công bằng, bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh, cũng như công bằng giữa những người nộp thuế… Bởi lẽ, khi các cá nhân, hộ kinh doanh nghiêm chỉnh kê khai nộp thuế đầy đủ sẽ tăng chi phí, trong khi một số cá nhân khác không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, không phát sinh chi phí, điều này làm cho sự cạnh tranh không lành mạnh.

Mặc khác, Hiến pháp năm 2013 đã quy định mọi công dân phải có nghĩa vụ đóng thuế theo pháp luật, do đó động thái này còn góp phần đảm bảo tính thượng tôn pháp luật. Bên cạnh đó, theo pháp luật thuế hiện hành đã qui định rất rõ người nộp thuế khi có nhà, có văn phòng cho thuê phải thực hiện nghĩa vụ thuế bao gồm:

Nếu người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có văn phòng cho thuê thì thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) với mức thuế suất là 10% và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là 20%.

Đối với người nộp thuế là cá nhân, hộ gia đình cho thuê thì phải nộp 5% thuế GTGT và 5% thuế thu nhập cá nhân (TNCN) nếu có doanh thu từ hoạt động kinh doanh, bao gồm cả cho thuê nhà và các hoạt động kinh doanh khác trên 100.000.000 đồng (điểm b khoản 2 điều 4 Thông tư 111/2013/TT-BTC được sửa đổi bổ sung tại điều 3 Thông tư 92/2015/TT-BTC).

Cá nhân, hộ gia đình có trách nhiệm đăng ký thuế và kê khai nộp thuế cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp nơi có nhà, văn phòng cho thuê, đồng thời nộp thuế theo tháng, hoặc theo quý, hoặc nộp 1 lần cho cả năm.

Luật Quản lý thuế số 38 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 đã có một bước tiến đột phá khi dành Chương II để quy định cụ thể quyền, trách nhiệm của các cơ quan, bộ ngành, tổ chức và người có liên quan để cùng phối hợp thu thuế.Theo đó, để quản lý chặt chẽ đối với hoạt động cho thuê nhà, ngành Thuế đang xây dựng và cụ thể hóa các quy trình phối kết hợp với các cơ quan, bộ ngành và tổ chức có liên quan trên cơ sở của Luật Quản lý thuế.

Bên cạnh đó, để đảm bảo tính khả thu và tính hiệu quả cao, cơ quan thuế cũng đang xem xét để có sự điều chỉnh phù hợp cho mỗi đối tượng và cơ sở thuế khác nhau. Trên cơ sở đề xuất của ngành Thuế, các cơ quan, bộ ngành có trách nhiệm phối kết hợp với ngành Thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38.

Hiện tại, Cục thuế Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đã có những đề án, kế hoạch triển khai đối với hoạt động cho thuê nhà trong năm 2021, trong đó có phối kết hợp với các sở ngành, chính quyền địa phương là điều nên làm và cần sớm triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, để hoạt động quản lý thuế đối với hoạt động cho thuê nhà có hiệu quả cao, cơ quan Thuế cần xây dựng quy chế phối hợp liên bộ dưới hình thức thông tư liên tịch để tạo cơ sở, hành lang pháp lý chung cho ngành Thuế thực hiện, đồng thời có cơ sở để các bên có liên quan tham chiếu thực hiện và hỗ trợ thu thuế được hiệu quả.

Ngoài những giải pháp của cơ quan thuế đề xuất, để thu thuế người cho thuê nhà có hiệu quả, thì ngoài biện pháp tuyên truyền và phổ biến chính sách pháp luật đến người nộp thuế, ngành Thuế cần đẩy mạnh việc đôn đốc và thanh kiểm tra, xử lý nghiêm minh đối với những cá nhân, hộ gia đình cố tình gian lận, trốn thuế để tăng thêm tính răn đe bên cạnh các biện pháp phân tích, kiểm tra tài khoản ngân hàng, phối hợp với cơ quan công an, ban quản lý chung cư, căn hộ...

Bên cạnh đó, cần sử dụng hiệu quả việc công khai các cá nhân, hộ gia đình vi phạm pháp luật thuế trên trang điện tử và các cơ quan thông tấn báo chí để vừa đạt được mục tiêu tuyên truyền pháp luật, vừa răn đe, là tiếng chuông cảnh báo cho những cá nhân đã, đang và có tư tưởng gian lận trốn thuế.

Ngoài ra, ngành Thuế cần áp dụng tối ưu công nghệ, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo vào việc tổng hợp, thống kê, phân tích và truy vết về các giao dịch ngân hàng, giao dịch điện tử về rao bán, cho thuê.

Bên cạnh những giải pháp nói trên, cần phối hợp với các tổ chức nghề nghiệp, hiệp hội kinh doanh bất động sản và các cơ quan có liên quan để xây dựng một “hệ thống cơ sở giá” cho thuê bất động sản của từng địa phương hoặc địa bàn dân cư tương tự như bảng giá tính thuế nhà đất đã được áp dụng, từ đó giúp cho người dân có cơ sở tham chiếu khi cho thuê, khi kê khai doanh thu tính thuế, đồng thời giúp ngành Thuế có sơ sở thu thuế, ấn định thuế.

Để làm tốt những điều trên thì một yếu tố rất quan trọng là  phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động chủ hộ kinh doanh cho thuê nhà đăng ký cư trú cho khách thuê.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, UBND phường xã chỉ đạo cơ quan chức năng trên địa bàn phường như: công an, địa chính, ban quản lý tòa nhà, khu chung cư, tổ trưởng tổ dân phố… để tăng cường công tác quản lý lưu trú và quản lý thuế.

Đặc biệt, đối với người nước ngoài thuê nhà trên địa bàn, chủ nhà phải thực hiện khai báo tạm trú, kê khai thuế. Trường hợp sau khi rà soát phát hiện người cho thuê nhà không thực hiện đăng ký tạm trú, không kê khai và nộp thuế, cơ quan thuế sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Phương Anh