Sóc Sơn sau những năm đổi mới

Phát huy những thành tựu to lớn của đất nước sau 20 năm đổi mới cùng với sự phát triển của thủ đô Hà Nội, với mục tiêu khai thác và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tập trung phát triển mạnh kinh tế

 

Trước đây, Sóc Sơn là huyện có  kinh tế phát triển chậm của  TP Hà Nội, đời sống nhân dân gặp không ít khó khăn. Những năm gần đây, kinh tế của Huyện đã phát triển một cách ổn định, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch mạnh từ nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ (64%- 24,4% - 11,6%) sang công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp (41,4% - 33,5% - 25,1%); kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật và xã hội đã được chú trọng đầu tư, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm một cách đáng kể, góp phần  ổn định an ninh chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn Huyện.

Giai đoạn 2000- 2005, là giai đoạn thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của Đảng bộ huyện Sóc Sơn, tuy còn gặp khó khăn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính khu vực, hạn hán kéo dài, dịch bệnh, biến động giá cả... nhưng với sự quyết tâm xây dựng Sóc Sơn trở thành Huyện mạnh về kinh tế, vững về chính trị, các cấp chính quyền và nhân dân Sóc Sơn đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu đã đề ra.

Kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao và  ổn định, tổng giá trị sản xuất chung trên địa bàn năm 2005 bằng 244,65% so với năm 2000, trong đó tổng giá trị sản xuất Huyện quản lý đạt 164,21%, tăng bình quân 10,43%/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 19,5%/năm.

Nông - lâm nghiệp - thuỷ sản tiếp tục tăng trưởng theo hướng sản xuất hàng hoá, tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất cây trồng, vật nuôi tăng cao so với giai đoạn trước. Chỉ tính riêng năm 2005, giá trị sản xuất  đạt 115,17% so với năm 2000 tốc độ tăng bình quân 2,9%/năm.

Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng đã có bước phát triển nhanh và trở thành ngành kinh tế chủ lực, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 26,32%/năm, riêng công nghiệp tăng 28,46%/năm. Tiểu thủ công nghiệp phát triển với tốc độ tăng trưởng bình quân 25,45%/năm, chiếm tỷ trọng 28,7%, giá trị sản xuất toàn Huyện tăng 9% so với năm 2000. Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn Huyện tăng nhanh với 57 doanh nghiệp công nghiệp, 42 doanh nghiệp xây dựng. Hiện tại, Huyện đang tiến hành lấp đầy Khu công nghiệp Nội Bài có diện tích 50 ha; hoàn thành quy hoạch và chuẩn bị khởi công xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Sóc Sơn; Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Mai Đình; bước đầu hình thành một số vùng kinh tế tập trung quy mô vừa và nhỏ tại các xã Phù Lỗ, Mai Đình, Trung Giã với các ngành chủ yếu như: Lắp ráp, cơ khí, thép và vật liệu xây dựng. Những dự án này, khi đi vào hoạt động sẽ thu hút một số lượng lớn lao động tại địa phương, góp phần giải quyết việc làm, tạo môi trường lành mạnh trong dân cư trên địa bàn Huyện. Tiểu thủ công nghiệp phát triển với tốc độ tăng trưởng bình quân 25,45%/năm , chiếm tỷ trọng 28,7%, giá trị sản xuất toàn Huyện, tăng 9% so với năm 2000.

Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của các ngành kinh tế khác, ngành dịch vụ cũng phát triển khá, trở thành ngành kinh tế quan trọng của Sóc Sơn. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn năm 2005 tăng 70% so với năm 2000, tốc độ tăng trưởng bình quân 11,2%/năm. Các ngành dịch vụ như: Vận tải, ngân hàng, điện lực, bưu chính viễn thông đều có bước tăng trưởng mạnh, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, văn hoá xã hội trên địa bàn.

Để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào Sóc Sơn, Huyện đã tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hoàn thành dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống điện nông thôn với tổng vốn đầu tư 81,5 tỷ đồng, phát triển dịch vụ bán điện trực tiếp đến hộ dân; đầu tư 105 tỷ đồng để cải tạo đường giao thông nông thôn, bê tông hoá đường giao thông thôn xóm, xây dựng nhiều trục giao thông liên xã, liên huyện quan trọng. Xây dựng nhiều công trình thuỷ lợi (hồ Đồng Đò, trạm bơm Cẩm Hà, hệ thống kênh mương đầu mối...) với mức đầu tư khoảng 60 tỷ đồng để thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn, đô thị của Huyện. 

Văn hoá xã hội từng bước phát triển toàn diện, bên cạnh việc dồn trí lực, vật lực cho phát triển kinh tế, các cấp chính quyền huyện Sóc Sơn luôn ưu tiên phát triển văn hoá xã hội để đưa Sóc Sơn trở thành Huyện vững mạnh toàn diện.

Sự nghiệp giáo dục đào tạo phát triển đồng đều ở tất cả các ngành học, bậc học, cơ sở vật chất, được tăng cường, chất lượng giảng dạy và học tập được nâng cao, công tác đào tạo nghề được quan tâm, trung bình hàng năm có hơn 1.800 người được đào tạo. ở Sóc Sơn, các loại hình giáo dục đào tạo phát triển đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân trong Huyện. Huyện luôn quan tâm chăm lo đến sức khoẻ của nhân dân, thường xuyên triển khai đầu tư mở rộng mạng lưới y tế, hệ thống các cơ sở khám chữa bệnh, tăng cường đội ngũ cán bộ y tế nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, ngăn chặn phòng chống dịch bệnh và hiện có 18/25 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế cơ sở. Bên cạnh việc quan tâm đến sức khoẻ của nhân dân, Sóc Sơn còn thực hiện triệt để và có hiệu quả công tác truyền thông dân số - kế hoạch hoá gia đình, lồng ghép chương trình kế hoạch hoá gia đình vào  lao động, vui chơi giải trí của nhân dân, nhờ đó mà công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình đạt kết quả tốt.

Hoạt động văn hoá thông tin - thể dục thể thao có nhiều chuyển biến, đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân được nâng cao. Huyện đã xây dựng gần 60% trung tâm văn hoá - thể thao thôn làng và nhiều công trình nhà thi đấu, sân thể thao. Để làm lành mạnh đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân, Sóc Sơn đã phát động phong trào "Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá", đã có 87,2% số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá, 93 thôn đạt làng văn hoá cấp cơ sở, 38 làng văn hoá cấp huyện, 18 làng đạt làng văn hoá cấp thành phố.

Trong những năm tới (2005-2010), các cấp chính quyền và nhân dân huyện Sóc Sơn xác định: Khai thác triệt để và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, lợi thế, tập trung thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở phát triển mạnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp hàng hoá; xây dựng nông thôn mới, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái để chuyển nhanh cơ cấu kinh tế huyện theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, đồng thời phát triển mạnh kết cấu hạ tầng tập trung như giao thông, điện nước; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng; giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc. Đặc biệt, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và quốc phòng trong mọi tình huống. Chăm lo xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, tăng cường sự hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng để phát huy nội lực và huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Mục tiêu chung, phấn đấu hết năm 2010, Sóc Sơn không còn là Huyện nghèo và từng bước trở thành vùng phát triển của Thủ đô.
  • Tags: