Chỉ còn 2 ngày nữa là đến ngày Rằm tháng Bảy - lễ Vu Lan báo hiếu năm Kỷ Hợi, nhiều gia đình đã bắt đầu cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ ngay từ mùng 1/7 Âm lịch.

Năm nay, các loại hoa quả nội như na Đồng Bành của Lạng Sơn, nhãn lồng của Hưng Yên rất đắt hàng, được người tiêu dùng Hà Nội lựa chọn để dâng cúng.

Hoa quả nội hút khách

Theo quan niệm từ xưa đến nay, để cúng Rằm tháng Bảy không nhất thiết phải chọn ngày, mà cứ trước 15/7 Âm lịch có thể bắt đầu lễ cúng và thành tâm.

Thông thường, dân gian sẽ cúng trong khoảng thời gian từ ngày 10-14/7 Âm lịch. Vì vậy, những ngày này, nhu cầu mua sắm trái cây, hoa tươi tăng khiến giá bán những mặt hàng này bắt đầu tăng giá.

Miền Bắc đang vào vụ na Đồng Bành của Lạng Sơn hay nhãn lồng Hưng Yên có giá 100.000 đồng/kg, một số giống nhãn lai bán với giá 69.000 đồng/kg…

Hay na bở từ 3-4 quả/kg giá từ 90.000-120.000 đồng/kg, na dai khoảng từ 65.000-75.000 đồng; lê xanh 70.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ 80.000 đồng/kg, xoài 110.000 đồng/kg, măng cụt 120.000 đồng/kg… được bày bán tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích.

Chị Nguyễn Lan Hương, ở phố Lò Đúc, Hà Nội, cho biết năm nay nhãn mất mùa, nếu mua nhãn ngoài chợ truyền thống, giá bán cũng phải 60.000 đồng/kg, nếu mua trong siêu thị sẽ đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, được dán tem truy xuất nguồn gốc với đầy đủ thông tin, sản phẩm trồng theo quy trình VietGAP, đảm bảo chất lượng nên dù đắt vẫn yên tâm hơn.

Khảo sát tại một số siêu thị, chợ truyền thống hay các tuyến đường ở Hà Nội cho thấy, giá nhãn dao động từ 55.000-70.000 đồng/kg.

Theo các tiểu thương bán hoa quả ở chợ Kim Liên, nếu như năm trước, đầu mùa nhãn có giá từ 30.000-40.000 đồng/kg và chính vụ giảm xuống còn 12.000-15.000 đồng/kg, năm nay giá nhãn đã tăng gấp đôi.

Theo các tiểu thương buôn bán hoa quả lâu năm tại chợ Hôm-Đức Viên, nguyên nhân giá nhãn năm nay tăng cao là do thời tiết thất thường, nhãn mất mùa, nên có vào chính vụ giá cũng không giảm sâu như năm trước.

"Trung bình mỗi ngày tôi bán được từ 50-70kg. Rằm tháng Bảy Âm lịch, nhiều gia đình thường mua để thắp hương trước, từ hôm mùng 9/7 Âm lịch đến nay, số lượng bán thường tăng gấp 3 ngày thường," chị Phạm Thị Lan, tiểu thương chợ Hôm-Đức Viên cho biết.

Ngoài ra, trên thị trường, na bở dù giá cao nhưng vẫn được người tiêu dùng chọn mua. Các tiểu thương kinh doanh hoa quả cho biết, do na bở có nhược điểm khi chín dễ bị nát, khó vận chuyển, thêm vào đó, các năm trước đây thương lái không chuộng tiêu thụ na bở, giá bán lại không được cao nên các nhà vườn chặt bỏ hết để trồng na dai dẫn đến mất cân đối cung cầu các năm sau.

Không chỉ các loại trái cây tăng giá mà hoa tươi cũng trong tình trạng tương tự. Giá hoa cúc vàng Đà Lạt ở mức 6.000 đồng/bông, 1 bó hoa cúc vàng Đà Lạt 3 cành giá 25.000 đồng/bó, hoa hồng phổ biến ở mức 7.000-10.000 đồng/bông.

Các tiểu thương kinh doanh hoa tươi cho biết, giá hoa tăng không chỉ bởi nhu cầu thị trường tăng cao mà còn do các làng trồng hoa như Tây Tựu, Mê Linh vừa trải qua một đợt nắng nóng khiến lượng hoa cung ứng giảm mạnh.

Hiệu quả của kết nối cung-cầu

Với vai trò làm cầu nối, những năm qua, thành phố Hà Nội đã làm tốt việc kết nối cung-cầu hàng hóa giữa các doanh nghiệp bán lẻ với các hợp tác xã, hộ sản xuất; hỗ trợ phát triển nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, qua đó chủ động được sản lượng sản xuất và ổn định thị trường tiêu thụ.

Nhờ đó mà đặc sản các vùng, miền được tiêu thụ tốt tại Thủ đô và người tiêu dùng biết đến. Đặc biệt, người nông dân cũng dần thay đổi thói quen sản xuất theo kiểu truyền thống sang áp dụng những tiến bộ kỹ thuật, sản xuất sạch, công nghệ cao, có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, nhất là bao bì mẫu mã đã đẹp hơn.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết đa số các hộ nông dân chỉ quan tâm đến sản xuất và bán trực tiếp cho thương lái mà chưa quan tâm đến việc thị trường đang cần gì và làm thế nào để tiêu thụ sản phẩm bền vững.

Soi dong thi truong hoa qua noi dip le Vu Lan bao hieu hinh anh 1
Gian hàng trưng bày sản phẩm của xã Chi Lăng. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
 

Nhiều hộ nông dân, hợp tác xã chưa nhận thức được việc muốn tồn tại bền vững đòi hỏi người sản xuất phải ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, qua đó nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Thơ, Giám đốc Sở Công Thương Hưng Yên, cho hay năm 2019, sản lượng nhãn dự kiến của tỉnh Hưng Yên đạt trên 30.000 tấn, bằng 70% so với năm ngoái, tuy nhiên, nhãn được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Bên cạnh đó, với việc đầu tư bao bì nhãn mác, dán tem truy xuất nguồn gốc, nhãn Hưng Yên đã từng bước nâng cao thương hiệu, giá trị và được đông đảo người tiêu dùng Thủ đô và cả nước đón nhận.

Ngoài ra, cùng với hiệu ứng từ các hoạt động xúc tiến các năm trước, vụ nhãn năm 2019 có nhiều đơn vị đã trực tiếp đến Hưng Yên để ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho các hợp tác xã và người dân trồng nhãn tại Hưng Yên. Đối với các hộ nông dân trồng nhãn, dù vụ mùa năm nay sản lượng có giảm, nhưng giá bán cao đã đem lại nguồn thu đáng kể, cải thiện đời sống cho người dân.

Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Đinh Hữu Học, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Chi Lăng, cho biết na Chi Lăng có những đặc trưng riêng biệt như mẫu mã đẹp, mắt to, vị ngọt thanh mát, cùi dầy ít hạt, có hàm lượng giá trị dinh dưỡng cao.

Vụ na năm 2019, huyện Chi Lăng không khuyến khích tăng sản lượng na, mà thay vào đó là tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị quả na Chi Lăng. Cùng với việc đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, đến nay, sản phẩm na Chi Lăng đã được người tiêu dùng đón nhận.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Văn Sửu cho hay, thời gian tới, thành phố sẽ đẩy mạnh tổ chức sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn có sự gắn kết chặt chẽ giữa 6 nhà: nhà nông-Nhà nước-nhà khoa học-doanh nghiệp-ngân hàng-nhà phân phối.

Đồng thời, thành phố sẽ chủ động nắm chắc thông tin thị trường cung cầu hàng hóa nông sản để làm cơ sở chủ động tìm đầu ra cho nông sản, ổn định giá cả, thị trường, góp phần thực hiện tốt bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố.

Trong bối cảnh trái cây ngoại đang tràn vào Việt Nam với mức giá hấp dẫn, nhiều đặc sản địa phương vẫn từng bước khẳng định được chỗ đứng và vị trí của mình tại thị trường nội địa. Đây chính là “trái ngọt” các địa phương đã nhận được khi chú trọng nâng cao chất lượng, sản xuất đúng tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc và mục tiêu cuối cùng là hướng đến người tiêu dùng.