Sơn La: Khánh thành nhà máy chế biến hoa quả tươi 3.500 tỷ

Đây là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam chế biến nước quả cam, nhãn dạng cô đặc, sử dụng các công nghệ mới và hiện đại nhất thế giới trong sản xuất nước quả. Trong giai đoạn 1, nhà máy đạt công suất chế biến 300 tấn rau quả/ngày, quy mô lớn nhất vùng Tây Bắc và nằm trong nhóm dẫn đầu các nhà máy chế biến quả tại Việt Nam.

Tập đoàn TH vừa phối hợp với UBND tỉnh Sơn La tổ chức Lễ khánh thành Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ. Nhà máy do Tập đoàn TH đầu tư trị giá 1.200 tỷ đồng, công suất đạt 300 tấn hoa quả/ngày tại Sơn La.

Được khởi công từ tháng 1/2018, Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ đi vào sản xuất giai đoạn 1 (2020-2025) với công suất chế biến 300 tấn rau, hoa quả, thảo dược; mức đầu tư 1.200 tỷ đồng, giải quyết được 15.000 hecta vùng nguyên liệu.

Giai đoạn 2 (sau năm 2025), toàn Dự án tăng mức đầu tư lên 3.500 tỷ đồng, giải quyết hơn 35.000 hecta nguyên liệu. Trước mắt nhà máy tập trung vào chế biến các loại quả như: Nhãn, ổi, xoài, cam, chanh leo, táo mèo... và sản xuất các loại nước ép rau củ quả hoàn toàn tự nhiên, an toàn.

Khánh thành nhà máy chế biến hoa quả tươi 3.500 tỷ
Đây là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam chế biến nước quả cam, nhãn dạng cô đặc

Đây là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam chế biến nước quả cam, nhãn dạng cô đặc, sử dụng các công nghệ mới và hiện đại nhất thế giới trong sản xuất nước quả: Công nghệ trích ly chuyên dụng hoàn toàn tự động, thiết bị cô đặc dạng tấm bản tiên tiến, công nghệ chế biến áp suất cao HPP.

Với công nghệ này, các sản phẩm sẽ được chế biến bằng áp suất cao trong thời gian ngắn thích hợp mà không dùng nhiệt, giúp lưu giữ được nhiều nhất màu sắc, hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng của rau, củ, trái cây tươi mà vẫn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Sau khi đi vào hoạt động, Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ sẽ tạo công ăn việc làm cho gần 200 lao động làm việc trực tiếp tại nhà máy và hàng chục ngàn lao động gián tiếp trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Tập đoàn TH dự kiến triển khai liên kết với nông dân các vùng trồng hoa quả trọng điểm ở Sơn La như các huyện trồng nhãn Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu; huyện Vân Hồ (nơi đặt nhà máy); vùng cam ngon nổi tiếng ở huyện Phù Yên, Yên Châu, Mộc Châu và mở rộng sang Cao Phong, Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình); Vân Hội (Trấn Yên – Yên Bái).

 

Thanh Xuân