Sự cần thiết của chuẩn mực kế toán với nền kinh tế

NGÔ THỊ KIỀU TRANG (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội)

TÓM TẮT:

Chuẩn mực kế toán được soạn thảo và ban hành để thống nhất các hoạt động kế toán trong một phạm vi quốc gia, trong một khu vực hay trên toàn cầu, giúp nhà đầu tư, công ty đưa ra các quyết định kinh doanh và đầu tư kịp thời, đúng đắn. Nghiên cứu trình bày đặc điểm của chuẩn mực kế toán, vai trò của chuẩn mực kế toán đối với nền kinh tế và đưa ra kết luận.

Từ khóa: Chuẩn mực, kế toán, kinh tế.

1. Giới thiệu chung

Trong nhiều trường hợp, nếu không có chuẩn mực kế toán, các công ty sẽ lập báo cáo tài chính theo nhiều phương pháp khác nhau để tạo lợi ích cho công ty. Ví dụ có công ty cho rằng, chi phí tiếp khách sẽ đưa vào chi phí quản lý doanh nghiệp vì đây là chi phí tạo ra lợi ích cho doanh nghiệp, tuy nhiên có công ty cho rằng đây là chi phí đưa vào chi phí bán hàng, vì đây là chi phí phục vụ cho việc tiêu thụ hàng hóa.

Khi không có chuẩn mực kế toán sẽ tạo cơ hội cho công ty sử dụng các kỹ thuật kế toán với mục đích làm đẹp báo cáo tài chính, tùy ý trình bày các thông tin có liên quan đến báo cáo tài chính, chỉ trình bày những thông tin có lợi cho công ty và biến lỗ thành lãi.

Vì những lý do trên, những người quan tâm đến báo cáo tài chính sẽ không thể đưa ra nhận định, so sánh báo cáo tài chính giữa các công ty để đưa ra quyết định đầu tư.

Chính vì vậy, việc sử dụng chuẩn mực kế toán áp dụng cho tất cả các công ty là rất cần thiết giúp ích cho người sử dụng báo cáo tài chính dễ dàng hơn, có thể đưa ra phân tích, so sánh báo cáo tài chính giữa các công ty để đưa ra quyết định đầu tư.

Bên cạnh đó, chuẩn mực kế toán còn đảm bảo rằng các công ty kiểm toán và các kiểm toán viên thực hiện việc kiểm toán báo cáo tài chính đã tuân thủ các chuẩn mực kế toán hay chưa.

Như vậy, việc ban hành chuẩn mực kế toán là một cách để tăng thêm lòng tin cho người sử dụng báo cáo tài chính đối với các báo cáo tài chính và ngăn ngừa nguy cơ gian lận trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính.

2. Tổng quan lý thuyết

2.1. Khái niệm chuẩn mực kế toán

Theo khoản 1 Điều 7, Luật kế toán số 88/2015/QH13 thì: “Chuẩn mực kế toán gồm những quy định và phương pháp kế toán cơ bản để lập báo cáo tài chính”.[1]

Kết cấu của một chuẩn mực kế toán gồm các phần sau:

- Mục đích của chuẩn mực

- Phạm vi của chuẩn mực

- Các định nghĩa sử dụng trong chuẩn mực

- Phần nội dung chính gồm các nguyên tắc, các phương pháp, các yêu cầu về lập và trình bày báo cáo tài chính.

Chuẩn mực kế toán là những quy định do tổ chức có trách nhiệm nghiên cứu và ban hành để làm cơ sở cho việc lập và giải thích các thông tin trình bày trên báo cáo tài chính. Chuẩn mực kế toán bao gồm những nguyên tắc chung và nguyên tắc cụ thể.

- Nguyên tắc chung là những giả thiết, khái niệm và những hướng dẫn dùng để lập BCTC. Nguyên tắc chung được hình thành do quá trình thực hành kế toán.

- Nguyên tắc cụ thể là những quy định chi tiết dùng để ghi chép các nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Nguyên tắc này được xây dựng từ các quy định của tổ chức quản lý.

2.2. Đặc điểm chuẩn mực kế toán Việt Nam

2.2.1. Các chuẩn mực kế toán Việt Nam được ban hành trên cơ sở các chuẩn mực kế toán quốc tế [1]

Các chuẩn mực này được soạn thảo dựa trên các chuẩn mực kế toán quốc tế đã được ban hành nhưng có sửa đổi bổ sung một số điều. Điều này được thể hiện rõ ở khoản 2, Điều 8 Luật kế toán số 03/2003/QH11: “Bộ Tài hính quy định chuẩn mực kế toán trên cơ sở chuẩn mực kế toán quốc tế về kế toán và theo quy định của Luật này (Luật kế toán)”. [2]

Việc soạn thảo các chuẩn mực kế toán Việt Nam dựa trên các chuẩn mực kế toán quốc tế giúp cho hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam sớm đạt được công nhận của quốc tế.

2.2.2. Số lượng chuẩn mực kế toán của Việt Nam chưa tương đương với số lượng chuẩn mực kế toán quốc tế tuy được soạn thảo dựa trên chuẩn mực kế toán thế giới.

Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam gồm 26 chuẩn mực đã được Bộ Tài chính ban hành qua 5 đợt gồm 5 Quyết định và 6 Thông tư. Đợt 1: Ban hành ngày 31/12/2001 gồm 4 chuẩn mực và đợt 2 ban hành ngày 31/12/2002 gồm 6 chuẩn mực kế toán. Đợt 3 ban hành ngày 30/12/2003 gồm 6 chuẩn mực kế toán. Đợt 4 ban hành ngày 15/02/2005 gồm 6 chuẩn mực. Sau mỗi lần ban hành chuẩn mực đều có thông tư hướng dẫn đi kèm hướng dẫn cách hạch toán cụ thể trong từng trường hợp. Cho đến tháng 12/2005, Bộ Tài chính đã ban hành được hai mươi sáu chuẩn mực kế toán. [4]

Như vậy, so với số lượng 38 chuẩn mực kế toán quốc tế hiện có (bao gồm 9 IFRS và 29 IAS) thì Việt Nam còn thiếu nhiều chuẩn mực tuơng đương. Điều đó cho thấy số lượng chuẩn mực kế toán còn hạn chế cần được nghiên cứu biên soạn để phù hợp và bắt kịp với thế giới.

2.3. Nguyên tắc soạn thảo chuẩn mực kế toán Việt Nam

Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam được xây dựng theo nguyên tắc: [3]

Dựa trên cơ sở các chuẩn mực kế toán do IASC công bố.

Phù hợp với điều kiện phát triển của nền kinh tế thị trường Việt Nam, phù hợp với hệ thống luật pháp, trình độ, kinh nghiệm kế toán của Việt Nam.

Chuẩn mực kế toán Việt Nam phải đơn giản, rõ ràng và tuân thủ các quiđịnh về thể thức ban hành văn bản pháp luật Việt Nam. Bố cục chuẩn mực, mỗi chuẩn mực kế toán bao gồm 2 phần là qui định chung vànội dung chuẩn mực, cụ thể: [2]

Phần qui định chung gồm: Mục đích, nội dung cơ bản, phạm vi áp dụng và các thuật ngữ sử dụng trong chuẩn mực.

Phần nội dung: Mỗi nội dung được thành lập đoạn riêng và ghi số liên tục.

2.4. Qui trình soạn thảo và ban hành chuẩn mực kế toán

Qui trình soạn thảo chuẩn mực kế toán theo quy định của Bộ Tài chính, về cơ bản bao gồm các bước (Bộ Tài chính) [2]

Bước 1: Xây dựng nguyên tắc chung về phạm vi, đối tượng áp dụng, cơ sởvà nguyên tắc soạn thảo hệ thống chuẩn mực, danh mục hệ thống chuẩn mực và sắp xếp, phân loại các chuẩn mực.

Bước 2: Dự thảo từng chuẩn mực, thảo luận nhóm và tổ chức lấy ý kiến của chuyên gia, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan có liên quan, thành viên Ban chỉ đạo soạn thảo chuẩn mực và Hội đồng Kế toán quốc gia.

Bước 3: Sau khi có ý kiến tham gia của Hội đồng Kế toán quốc gia, hoàn thiện trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, công bố.

3. Vai trò của chuẩn mục kế toán với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam

Chuẩn mực kế toán là một hành lang pháp lý có tác dụng quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam như sau:

a) Giúp hội nhập kế toán Việt Nam với thế giới

Quá trình soạn thảo chuẩn mực kế toán do Bộ Tài chính tiến hành đã huy động sự tham gia của đông đảo các chuyên gia từ nghiên cứu lý luận đến thực tiễn và có cả sự trợ giúp của các chuyên gia nước ngoài. Những người làm trong lĩnh vực kế toán ngày càng tăng thêm về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, Việt Nam đã tạo mối quan hệ với các tổ chức quốc tế, là thành viên của Liên đoàn Kế toán Quốc tế (IFAC), Liên đoàn Kế toán các nước ASEAN (AFA). Nhiều tổ chức nghề nghiệp kế toán quốc tế lớn đang có nhiều hoạt động tích cực tại Việt Nam như ACCA, CPA Australia trong các lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cập nhật kiến thức cho những người làm kế toán, kiểm toán. Điều này giúp kế toán Việt Nam hội nhập với thế giới.

b) Tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước

Sự ra đời của chuẩn mực kế toán giúp minh bạch thông tin trên Báo cáo tài chính của doanh nghiệp, có khả năng phản ánh đúng về thực trạng của doanh nghiệp và cơ sở để so sánh tình hình tài chính giữa doanh nghiệp với nhau.

Tạo niềm tin đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước khi đánh giá về thông tin tài chính được minh bạch của các doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp muốn niêm yết trên thị trường chứng khoán cần phải công khai minh bạch thông tin và báo cáo tài chính phải trung thực. Chuẩn mực kế toán là tiêu chuẩn chung để các doanh nghiệp lập và trình bày báo cáo tài chính, là căn cứ để các nhà đầu tư quan tâm có thể kiểm tra soát xét tính trung thức của Báo cáo tài chính. Do đó, chuẩn mực kế toán tạo điều kiện thị trường chứng khoán phát triển và thu hút vốn đầu tư.

c) Quản lý tài chính ở tầm vĩ mô của Nhà nước

Hệ thống chuẩn mực kế toán có vai trò không nhỏ trong việc quản lý tài chính tầm vĩ mô của Nhà nước thông qua hệ thống các cơ quan chức năng như thuế, thanh tra tài chính. Đối với các cơ quan chức năng của Nhà nước, hệ thống chuẩn mực kế toán là một trong những cơ sở để kiểm tra, kiểm soát, đánh giá trách nhiệm của kế toán và những người có liên quan; đồng thời thông qua đó nhằm nâng cao chất lượng nghề nghiệp của chính các cơ quan quản lý này. Vì vậy, đội ngũ cán bộ thuế, thanh tra tài chính... phải thường xuyên bồi dưỡng nâng cao kiến thức nghiệp vụ kế toán thường xuyên mới đáp ứng được yêu cầu công việc.

d) Góp phần phát triển hoạt động kế toán, kiểm toán ở Việt Nam

Hiện nay, nghề kế toán là một nghề đang "hot" trong nền kinh tế phát triển, là một ngành nghề được cả xã hội và pháp luật thừa nhận. Để có thể duy trì và phát triển nghề nghiệp kế toán thì chuẩn mực kế toán giúp hướng dẫn và kiểm tra là tất yếu.

Thực tế vận dụng chuẩn mực kế toán Việt Nam vào thực tiễn cho thấy về cơ bản nội dung của các chuẩn mực kế toán Việt Nam là có sự thống nhất, không có sự xung đột với các cơ chế tài chính hiện hành, nhờ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Luật Kế toán

2. Bộ Tài chính, Chuẩn mực kế toán Việt Nam.

THE NEED FOR ACCOUNTING STANDARDS FOR THE ECONOMY

NGO THI KIEU TRANG

Hanoi University of Natural Resources and Environment

ABSTRACT:

Accounting standards are developed and issued to unify accounting activities across the global scale, enabling investors and companies to make business decisions timely and correctly. The study describes the characteristics of accounting standards, the role of accounting standards for the economy and then draws the conclusions.

Keywords: Standard, accounting, economics.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 07 tháng 06/2017 tại đây