Sự liên kết trường đại học - doanh nghiệp: Một tiếp cận của ngành hệ thống thông tin quản lý

NGUYỄN DUY THANH (Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nghiên cứu sự liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp giúp các trường đại học nâng cao chất lượng dạy và học, đồng thời cung cấp các kỹ năng và kiến thức cần thiết cho người học theo các yêu cầu của doanh nghiệp. Nghiên cứu này đề xuất mô hình khái niệm cho sự liên kết trường đại học - doanh nghiệp với một tiếp cận của ngành Hệ thống thông tin quản lý. Kết quả nghiên cứu chỉ ra các thành phần tiền tố của sự liên kết và sự liên kết trường đại học - doanh nghiệp có quan hệ cấu trúc với thành quả doanh nghiệp.

Từ khóa: Doanh nghiệp, sự liên kết, thành quả doanh nghiệp, trường đại học, ngành hệ thống thông tin quản lý.

1. Giới thiệu

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, nghiên cứu mối quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp giúp các trường đại học nâng cao chất lượng dạy và học, cung cấp các kỹ năng và kiến thức cần thiết cho người học theo các yêu cầu của doanh nghiệp. Theo Phạm Quang Trung (2017), còn khoảng cách rất lớn giữa các chương trình đào tạo ở các trường đại học và thực tiễn các doanh nghiệp tại Việt Nam. Thực tế có đến 94% sinh viên ra trường ở các trường đại học, đặc biệt là sinh viên các ngành Kỹ thuật, cần phải đào tạo lại mới có thể đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp [21], và chỉ có 1% sinh viên tốt nghiệp tự tạo được việc làm [22]. Ngành Hệ thống thông tin quản lý đang là một trong những ngành mới nhất trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, ngành Hệ thống thông tin quản lý chưa được quan tâm nhiều cả về nghiên cứu, đào tạo và thực tiễn. Mặc dù, có nhiều trường đại học trên cả nước đào tạo ngành Hệ thống thông tin quản lý. Tuy nhiên, ngành Hệ thống thông tin quản lý chưa phải là ngành chủ lực của các trường đại học ở Việt Nam. Ngoài ra, hầu hết sinh viên ngành Hệ thống thông tin quản lý sau khi ra trường vẫn chưa được làm các công việc phù hợp với chuyên môn hệ thống thông tin quản lý, đa số họ làm các công việc về CNTT hoặc các công việc liên quan khác. Mặt khác, việc nghiên cứu về hệ thống thông tin quản lý ở các trường đại học và các học viện gần như chưa chỉ ra được mối quan hệ với việc đào tạo ngành Hệ thống thông tin quản lý. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chưa thực sự nhận thức rõ vai trò của ngành Hệ thống thông tin quản lý, thậm chí có nhiều tổ chức còn hiểu ngành Hệ thống thông tin quản lý như là ngành CNTT.

Các nghiên cứu chỉ ra mối liên kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, đào tạo (trường đại học), và thực tiễn (doanh nghiệp) [1, 27, 34]. Đây là quan hệ đang được các nhà nghiên cứu về giáo dục hiện đại và các nhà quản lý ở các tổ chức rất quan tâm. Do đó, nghiên cứu mối quan hệ giữa nghiên cứu, đào tạo (các trường đại học và các học viện), và thực tiễn nhu cầu của các doanh nghiệp đối với ngành Hệ thống thông tin quản lý là công việc hết sức cần thiết và có ý nghĩa cả về học thuật đối với các trường đại học và các viện nghiên cứu, cũng như về thực tiễn đối với các tổ chức và doanh nghiệp.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Sự liên kết giữa các tổ chức

Liên kết giữa các tổ chức là một trong những hình thức quan trọng trong quá trình phát triển của xã hội hiện đại. Theo Saffu & Mamman (2000) thì sự liên kết giữa doanh nghiệp và tổ chức đào tạo nhằm đạt được động lực phát triển lâu dài.

Dismukes & Petkovic (1997) khẳng định rằng, các doanh nghiệp phải đối mặt với những thách thức trong cạnh tranh toàn cầu và nhấn mạnh tầm quan trọng của các hoạt động thành lập các tổ chức đào tạo là cần thiết, nhằm giúp doanh nghiệp giải quyết các vấn đề phức tạp. Heide & Stump (1995) chỉ ra các lợi ích và động lực khi bắt đầu thực hiện liên kết dựa trên giả thuyết là các mối quan hệ được hình thành, nhằm nâng cao khả năng giải quyết các vấn đề cho doanh nghiệp.

2.2. Sự liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp

Mối quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp có liên quan tới hai nhóm yếu tố chính. Cụ thể, nhóm (1) - yếu tố bối cảnh và tổ chức, ví dụ, yếu tố bối cảnh, yếu tố tổ chức... [2, 11, 19]; và nhóm (2) - yếu tố doanh nghiệp, ví dụ, đặc điểm hoạt động, nhận thức doanh nghiệp [24, 35]. Bên cạnh đó, các hình thức liên kết chính giữa trường đại học và tổ chức và doanh nghiệp có thể xác định tương ứng trong 3 nhiệm vụ, bao gồm hoạt động liên kết có liên quan đến đào tạo, liên kết có liên quan đến hoạt động nghiên cứu, và liên kết có liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ và tư vấn [13, 16].

2.3. Thành quả từ sự liên kết trường đại học - doanh nghiệp

Đối với trường đại học: tăng cường các hoạt động nghiên cứu và giảng dạy nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của các tổ chức và doanh nghiệp, tiếp cận với các kiến thức thực tiễn, tích hợp HTTT vào hệ thống đào tạo, tạo ra thu nhập tăng thêm nhờ chuyển giao công nghệ [1]. Ngoài ra, dựa vào chiến lược phát triển của doanh nghiệp, trường đại học sẽ dự báo được nhu cầu, loại lao động cần thiết, để có chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn [25].

Đối với doanh nghiệp: có nguồn nhân lực được đào tạo tốt, tiết kiệm được thời gian và chi phí đào tạo lại, để có được nhân sự phù hợp với chuyên môn và nhu cầu của doanh nghiệp, tạo ra sản phẩm và dịch vụ mới, cải thiện hiệu quả kinh doanh, tăng thu nhập cho nhân viên, nâng cao lợi nhuận doanh nghiệp,... [23]. Bên cạnh đó, việc chuyển giao công nghệ giữa trường đại học và doanh nghiệp góp phần tăng khả năng khám phá các nguyên vật liệu mới, ứng dụng phát minh sáng chế và đổi mới sáng tạo vào việc phát triển sản phẩm và dịch vụ [4].

3. Mô hình nghiên cứu

Từ các vấn đề chương trình đào tạo ở các trường đại học và thực tiễn các doanh nghiệp tại Việt Nam; cơ sở lý thuyết về mối quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp, thành quả đạt được từ quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp, và các nghiên cứu liên quan, một mô hình lý thuyết để xem xét mối quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp, với bối cảnh của ngành hệ thống thông tin quản lý được đề xuất như ở Hình 1.

Hình 1: Sự liên kết trường đại học - doanh nghiệp

Sự liên kết trường đại học - doanh nghiệp

3.1. Các tiền tố liên kết

3.1.1. Các yếu tố thúc đẩy

Yếu tố bối cảnh (Contextual factor) thể hiện mối quan hệ thân thiết sẵn có giữa hai bên - kinh nghiệm trong quá trình hợp tác, danh tiếng của đối tác, xác định mục tiêu nghiên cứu và khả năng nghiên cứu của đối tác. Trong đó, mối quan hệ thân thiết sẵn có giữa hai bên đạt được từ trong quá khứ do các thỏa thuận trước đây trong các dự án, các hoạt động của doanh nghiệp với các đơn vị khác [36]. Mục tiêu phải được định nghĩa rõ ràng và chính xác giữa các bên, thông qua đó đưa ra được các yêu cầu, tiêu chuẩn cụ thể [31]. Năng lực từng bên khi tham gia vào hợp tác liên quan đến mức độ hợp tác của các đối tác trong giai đoạn của dự án, khả năng giải quyết các vấn đề liên quan đến kỹ thuật của dự án [33].

Yếu tố tổ chức (Organizational factor) thể hiện các cam kết, thỏa thuận giữa hai bên và khả năng đàm phán, giao tiếp, truyền đạt thông tin giữa các đối tác khi thực hiện liên kết. Trong đó, Cam kết giữa hai bên, liên quan đến các cấp điều hành như cam kết tại mức điều hành cấp cao khi các nhà điều hành cấp cao tham gia hỗ trợ cho dự án [12], liên quan đến triển vọng hợp tác trong tương lai qua việc hy vọng hợp tác lâu dài với đối tác và mong muốn đầu tư lâu dài, duy trì mối liên kết với đối tác [37]. Xây dựng được một hệ thống thông tin thích hợp và truyền đạt thành công giữa các đối tác chính là nền tảng tạo nên sự thành công khi hợp tác giữa các bên [33].

3.1.2. Các yếu tố cản trở

Đặc điểm hoạt động (Operating characteristics) khác nhau giữa các trường đại học và các doanh nghiệp là sự cản trở và gây khó khăn cho việc hợp tác giữa hai đối tác này. Thể hiện qua sự khác biệt giữa môi trường làm việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học của trường đại học với môi trường kinh doanh của doanh nghiệp [32]. Các trường đại học tạo và truyền bá tri thức nền tảng, trong khi doanh nghiệp tạo ra sản phẩm và dịch vụ trong môi trường cạnh tranh [38]. Các doanh nghiệp thực hiện những mục tiêu ngắn hạn, trong khi các tổ chức nghiên cứu và đào tạo lại theo các mục tiêu dài hạn [7]. Trường đại học và doanh nghiệp cũng có sự khác biệt đáng kể về văn hóa và giá trị, nên có thể tạo ra những cản trở trong khi giao tiếp [20].

Nhận thức doanh nghiệp (Perceived enterprise) về trường đại học làm giảm sự liên kết giữa doanh nghiệp và trường đại học. Thể hiện qua việc các trường đại học quan tâm đến nghiên cứu cơ bản theo khái niệm, mô hình mới, kỹ thuật đo lường, và thiết bị nghiên cứu còn lạc hậu, không phù hợp nhu cầu đổi mới của doanh nghiệp [32], làm cho doanh nghiệp không cảm nhận được lợi ích đạt được khi liên kết với trường đại học [38]. Các nhà nghiên cứu còn thiếu động cơ và kỹ năng khi nghiên cứu phát triển sản phẩm và dịch vụ theo nhu cầu của doanh nghiệp, nên các doanh nghiệp cho rằng những nghiên cứu ở các trường đại học là quá thiên về lý thuyết, không phù hợp với nhu cầu của họ [7], và kiến thức của sinh viên hay chương trình đào tạo của các trường đại học không phù hợp với nhu cầu mới doanh nghiệp [32].

3.2. Sự liên kết trường đại học - doanh nghiệp

Sự liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp bao gồm hai yếu tố là liên kết đào tạo (Training linkage) và liên kết nghiên cứu (Research linkage). Các hình thức liên kết giữa doanh nghiệp với trường đại học thường theo các dạng như liên kết đào tạo và cung cấp dịch vụ và trong các hoạt động nghiên cứu [14]. Theo đó, liên kết đào tạo giúp cho doanh nghiệp nâng cao trình độ nguồn nhân lực qua các khóa đào tạo do trường thực hiện và doanh nghiệp có thể mở rộng thương hiệu ra cộng đồng qua các hoạt động hợp tác với nhà trường, để thu hút sinh viên giỏi vào doanh nghiệp [10]. Liên kết quan trọng giữa doanh nghiệp và trường đại học chính là hợp tác nghiên cứu và quan tâm nhiều hơn đến lợi ích chung của hai bên [18], khi này kết quả nghiên cứu của trường đại học được chuyển giao và đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp [6].

3.3. Kết quả của sự liên kết

Kết quả của sự liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp là thành phần đầu ra của mô hình với yếu tố thành quả doanh nghiệp (Enterprise performance). Sự liên kết giữa doanh nghiệp và trường đại học giúp các doanh nghiệp giảm được các chi phí nghiên cứu và phát triển, và có nhiều cơ hội hơn để phát triển mối liên kết với trường đại học và bổ sung thêm được nguồn lực cho mình [15], mở rộng hình ảnh và thương hiệu của doanh nghiệp [5]. Chuyển giao công nghệ giữa trường đại học và các doanh nghiệp giúp cung cấp các chuyên gia kỹ thuật tới doanh nghiệp để phát triển công nghệ, sản phẩm và dịch vụ mới, cung cấp bản quyền của công nghệ [31], tạo nhiều điều kiện cho doanh nghiệp trong việc phát triển và thương mại hóa các công nghệ mới [26].

3.4. Mối quan hệ giữa các khái niệm

Sự tác động tích cực của các yếu tố thúc đẩy của các tiền tố tới thành phần liên kết được thể hiện qua mối quan hệ đồng biến giữa yếu tố bối cảnh với các yếu tố liên kết đào tạo và liên kết nghiên cứu. Các mối quan hệ này được thể hiện trong các nghiên cứu nền tảng về mối quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp như của Bloedon & Stokes (1994); Cyert & Goodman (1997), và được khẳng định lại trong các nghiên cứu của Valentin & cộng sự (2004); Easton (2011); Chau & cộng sự (2018). Do đó, đối với yếu tố bối cảnh, các giả thuyết sau được đề xuất:

P1a: Yếu tố bối cảnh có tác động tích cực đến liên kết đào tạo.

P1b: Yếu tố bối cảnh có tác động tích cực đến liên kết nghiên cứu.   

Bên cạnh đó, mối quan hệ đồng biến giữa yếu tố tổ chức (ORF) với các yếu tố thành phần liên kết (liên kết đào tạo và liên kết nghiên cứu) được thể hiện trong các nghiên cứu nền tảng về mối quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp như của Cyert & Goodman (1997); Davenport & cộng sự (1999), và được khẳng định lại trong các nghiên cứu liên quan như của Valentin & cộng sự (2004); Easton (2011); Ye & Shen (2015). Do đó, đối với yếu tố tổ chức, các mối quan hệ sau được đề xuất:

P2a: Yếu tố tổ chức có tác động tích cực đến liên kết đào tạo.

P2b: Yếu tố tổ chức có tác động tích cực đến liên kết nghiên cứu.        

Ngoài những tác động tích cực của các yếu tố thúc đẩy tới các yếu tố của sự liên kết, trong mô hình nghiên cứu còn sự tác động tiêu cực của các yếu tố cản trở của các tiền tố tới thành phần liên kết được thể hiện qua mối quan hệ nghịch biến giữa yếu tố đặc điểm hoạt động (OPC) với các yếu tố liên kết đào tạo (TRL) và liên kết nghiên cứu (REL). Các mối quan hệ này được thể hiện trong các nghiên cứu nền tảng về mối quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp như của Shenhar (1993); Hellepputt & cộng sự (1993), và được khẳng định lại trong các nghiên cứu liên quan như của Ervin & cộng sự (2002); Mason & Leek (2013). Do đó, đối với đặc điểm hoạt động, các mối quan hệ sau được đề xuất:

P3a: Đặc điểm hoạt động có tác động tiêu cực đến liên kết đào tạo.

P3b: Đặc điểm hoạt động có tác động tiêu cực đến liên kết nghiên cứu.        

Ngoài ra, mối quan hệ nghịch biến giữa yếu tố nhận thức doanh nghiệp (PEE) với các yếu tố thành phần liên kết (liên kết đào tạo và liên kết nghiên cứu) được thể hiện trong các nghiên cứu nền tảng về mối quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp như của Shenhar (1993); Hellepputt & cộng sự (1993), và được khẳng định lại trong các nghiên cứu của Ervin & cộng sự (2002): Mason & Leek (2013). Do đó, đối với nhận thức doanh nghiệp, các mối quan hệ sau được đề xuất:

P4a: Nhận thức doanh nghiệp có tác động tiêu cực đến liên kết đào tạo.

P4b: Nhận thức doanh nghiệp có tác động tiêu cực đến liên kết nghiên cứu.  

Mặt khác, sự tác động tích cực của các yếu tố của thành phần liên kết tới thành phần kết quả được thể hiện qua mối quan hệ đồng biến giữa các yếu tố liên kết đào tạo (TRL) và liên kết nghiên cứu (REL) với yếu tố thành quả doanh nghiệp (ENP). Các mối quan hệ này được thể hiện trong các nghiên cứu nền tảng về mối quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp như của Brown (1991); Roessner (1991); Shenhar (1993), và được khẳng định lại trong các nghiên cứu liên quan như của Dooley (2007); Malik & cộng sự (2012). Do đó, đối với thành quả doanh nghiệp, các mối quan hệ sau được đề xuất:

P5: Liên kết đào tạo có tác động tích cực đến thành quả doanh nghiệp.

P6: Liên kết nghiên cứu có tác động tích cực đến thành quả doanh nghiệp.

3.5. Ý nghĩa của mô hình nghiên cứu

Mô hình nghiên cứu đề xuất dựa trên cơ sở lý thuyết về các mối quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp, thành quả đạt được từ quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp, và các nghiên cứu liên quan. Từ đó, xây dựng một mô hình của sự liên kết về đào tạo và nghiên cứu, mô hình dựa trên cơ sở của các lý thuyết liên quan. Theo đó, mô hình lý thuyết xem xét mối quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp với bối cảnh nghiên cứu của ngành Hệ thống thông tin quản lý. Kết quả nghiên cứu góp phần bổ sung cơ sở lý thuyết cho lý thuyết về mối quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp hay tổ chức.

Đặc biệt, với bối cảnh nghiên cứu của ngành Hệ thống thông tin quản lý, kết quả kiểm định mô hình khái niệm sẽ góp phần khẳng định sự liên kết chặt chẽ giữa quá trình nghiên cứu và đào tạo ở các trường đại học có ngành Hệ thống thông tin quản lý với thực tiễn công việc ở các doanh nghiệp hay tổ chức trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay.

4. Kết luận

Nghiên cứu này xem xét sự liên kết trường đại học-doanh nghiệp. Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên xem xét và đánh giá sự liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp, ở các khía cạnh khác nhau, với bối cảnh của ngành Hệ thống thông tin quản lý. Nghiên cứu đã dựa trên cơ sở lý thuyết về mối quan hệ giữa các tổ chức, sự liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp và các nghiên cứu liên quan, đề xuất một mô hình khái niệm về các mối quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp. Các thành phần chính của mô hình nghiên cứu bao gồm các tiền tố liên kết có hai nhóm yếu tố là các yếu tố thúc đẩy với hai yếu tố là yếu tố bối cảnh và yếu tố tổ chức, và các yếu tố cản trở với hai yếu tố là đặc tính hoạt động và nhận thức doanh nghiệp; thành phần liên kết với hai yếu tố là liên kết đào tạo và liên kết nghiên cứu; và thành phần kết quả với yếu tố thành quả doanh nghiệp. Mô hình khái niệm vẫn chưa xem xét đầy đủ các thành phần của sự liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp như viện nghiên cứu, ngành công nghiệp, và các yếu tố vĩ mô. Hạn chế này mở ra các hướng nghiên cứu tiếp theo trong tương lai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chau, V., Gilman, M., & Serbanica, C. (2018). Aligning university-industry interactions: The role of boundary spanning in intellectual capital transfer. Technological Forecasting and Social Change, 123, 199-209.
  2. Barnes, T., Pashby, I., & Gibbons, A. (2002). Effective university-industry interaction: A multi-case evaluation of collaborative r&d projects. European Management Journal, 20(3), 272-285.
  3. Bloedon, R., & Stokes, D. (1994). Making university/industry collaborative research succeed. Research Technology Management, 37(2), 44-48.
  4. Bishop, K., Este, P., & Neely, A. (2011). Gaining from interactions with universities: Multiple methods for nurturing absorptive capacity. Research Policy, 40(1), 30-40.
  5. Brennan, L. (2003). The view from the ivory tower: What do university alliances offer technology firms?. Academy Management Perspectives, 17(1), 125-126.
  6. Brown, M., Berry, L., & Goel, R. (1991). Guidelines for successfully transferring government-sponsored innovations. Research Policy, 20(2), 121-143.
  7. Cyert, R., & Goodman, P. (1997). Creating effective university-industry alliances: An organizational learning perspective. Organizational Dynamics, 25(4), 45-58.
  8. Davenport, S., Davies, J., & Grimes, C. (1998). Collaborative research programmes: Building trust from difference. Technovation, 19(1), 31-40.
  9. Dismukes, J., & Petkovic, R. (1997). One point of view: University-based virtual alliances could Spur technological innovation. Research Technology Management, 40, 10-11.
  10. Dooley, L. (2007). University-industry collaboration: Grafting the entrepreneurial paradigm onto academic structures. European Journal Innovation Management, 10, 316-332.
  11. Easton, P. (2011). Hawks and baby chickens: Cultivating the sources of indigenous science education. Cultural Studies Science Education, 6(3), 705.
  12. Elmuti, D., & Kathawala, Y. (2001). An overview of strategic alliances. Management Decision, 39(3), 205-218.
  13. Este, P., & Patel, P. (2007). University-industry linkages in the UK: What are the factors underlying the variety of interactions with industry?. Research Policy, 36, 1295-1313.
  14. Fontana, R., Geuna, A., & Matt, M. (2006). Factors affecting university-industry R&D projects: The importance of searching, screening and signalling. Research Policy, 35(2), 309-323.
  15. George, G., Zahra, S., & Wood, D. (2002). The effects of business-university alliances on innovative output and financial performance: A study of publicly traded biotechnology companies. Journal business Venturing, 17(6), 577-609.
  16. Grimpe, C., & Fier, H. (2010). Informal university technology transfer: A comparison between the United States and Germany. Journal Technology Transfer, 35, 637-650.
  17. Heide, J., & Stump, R. (1995). Performance implications of buyer-supplier relationships in industrial markets: A transaction cost explanation. Journal Business Research, 32(1), 57-66.
  18. Jacob, M. (2000). From sponsorship to partnership in academy-industry relations. R&D Management, 30(3), 255-262.
  19. Kim, T. (2009). Transnational academic mobility, internationalization and interculturality in higher education. Intercultural Education, 20(5), 395-405.
  20. Kock, N., Auspitz, C., & King, B. (2000). Using the web to enable industry-university collaboration: An action research study of a course partnership. Informing Science, 3(3), 157-165.
  21. Lê Hoa (2018). Sinh viên sau khi tốt nghiệp vẫn phải đào tạo thêm, truy cập 27/01/2018 từ http://giaoduc.net
  22. Lê Văn (2017). Chỉ có 1% sinh viên tốt nghiệp tự tạo được việc làm, truy cập 23/2/2017 từ http://vietnamnet.vn.
  23. Malik, M., Danish, R., & Munir, Y. (2012). The impact of pay and promotion on job satisfaction: Evidence from higher education institutes of Pakistan. American Journal of Economics, 10(5), 6-9.
  24. Mohnen, P., & Hoareau, C. (2003). What type of enterprise forges close links with universities and government labs? Evidence from CIS 2. Managerial and Decision Economics, 24(2-3), 133-145.
  25. Nguyễn Thị Thu Hằng (2015). Mối liên kết giữa doanh nghiệp và trường đại học: So sánh nghiên cứu tại thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Lâm Đồng. Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ, 16(3Q), 33-44.
  26. Parkhe, A. (1993). Strategic alliance structuring: A game theoretic and transaction cost examination of interfirm cooperation. Academy Management Journal, 36, 794-829.
  27. Perkmann, M., & Walsh, K. (2007). University-industry relationships and open innovation: Towards a research agenda. International Journal Management Reviews, 9, 259-280.
  28. Phạm Quang Trung (2017). Khoảng cách giữa đào tạo và thực tế, truy cập 01/2/2017 từ http://daidoanket.vn
  29. Roessner, J., & Bean, A. (1991). How industry interacts with federal laboratories. Research Technology Management, 34(4), 22-25.
  30. Saffu, K., & Mamman, A. (2000). Mechanics, problems and contributions of tertiary strategic alliances: The case of 22 Australian universities. International Journal Educational Management, 13(6), 281-286.
  31. Santoro, M. (2000). Success breeds success: The linkage between relationship intensity and tangible outcomes in industry-university collaborative ventures. Journal High Technology Management Research, 11(2), 255-273.
  32. Shenhar, A. (1993). The promis Project: Industry and university learning together. International Journal Technology Management, 8(6-8), 611-621.
  33. Valentin, E. (2000). University-industry cooperation: A framework of benefits and obstacles. Industry and Higher Education, 14(3), 165-172.
  34. Ye, X., & Shen, Y. (2015). Analysis of industry-university-research cooperation organization. IEEM 2016 Proceedings.
  35. Mason, K., & Leek, S. (2012). Communication practices in a business relationship: Creating, relating and adapting communication artifacts through time. Industrial Marketing Management, 41(2), 319-332.
  36. Menguzzato, M. (1992). La cooperación: Una alternativa para la empresa de los 90. Dirección y organización: Revista de dirección, organización y administración de empresas, 4, 54-62.
  37. Montoro, M.A. (1999). Factores Organizativos Determinantes del Éxito de la Cooperación entre Empresas. PhD. Dissertation, Universidad Complutense de Madrid.
  38. Ervin, D.E., Lomax, T., Buccola, S. T., Kim, K., Minor, E., Yang, H., & Clancy, K. (2002). University-industry relationships: Framing the issues for academic research in agricultural biotechnologym, truy cập 15/04/2002 từ htttp://www.pewagbiotech.org/research

UNIVERSITY - ENTERPRISE LINKAGES: MANAGEMENT INFORMATION

SYSTEMS-DRIVEN APPROACH

• NGUYEN DUY THANH

Banking University of Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

In the context of Vietnam’s global integration process and Industry 4.0, this research on linkages between universities and enterprise is expected to help universities improve their teaching and learning quality and provide their students with knowledge that allow them to work at enterprise. This study proposes a conceptual model for university - enterprise linkages with the management information systems-driven approach. This research finds out that antecedents of linkages and university - enterprise linkages are structurally related to the perfromance of enterprises.

Keywords: Enterprise, linkage, firm performance, university, management information systems sector.