TÓM TẮT:

Trong thời gian qua, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, dưới áp lực cạnh tranh của các đối thủ trong và ngoài nước, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình để tiếp tục vai trò dẫn dắt nền kinh tế. Một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam là phát triển liên kết kinh doanh. Bài nghiên cứu phân tích thực trạng cũng như tác động của liên kết kinh doanh lên các cấu phần của năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, bao gồm thị phần, uy tín, năng suất lao động, và hiệu quả kinh doanh. Từ đó, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam nhận thức và định hình được ảnh hưởng của liên kết kinh doanh lên sự phát triển của mình.

Từ khóa: Liên kết kinh doanh, năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp tư nhân, Việt Nam.

1. Giới thiệu

Trong thời kỳ đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Khu vực kinh tế tư nhân mà cụ thể là các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã thay đổi mạnh mẽ, từ chỗ chỉ rải rác một số ít doanh nghiệp với nguồn lực tài chính nhỏ, không đáng kể, đã phát triển tới con số gần 600.000 doanh nghiệp vào thời điểm cuối năm 2018 với nguồn lực tài chính lên đến hàng nghìn tỷ đồng, đóng góp 40% GDP, thu hút 60% lao động, tạo ra 1,2 triệu việc làm mỗi năm [10]. Theo Niên giám thống kê 2018, tính đến ngày 31/12/2018, nguồn vốn của khu vực doanh nghiệp tư nhân lên đến 22.254 nghìn tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần nguồn vốn của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, bình quân giai đoạn 2016-2018, nguồn vốn của khu vực doanh nghiệp tư nhân tăng 96%, của khu vực doanh nghiệp FDI tăng 75%, trong khi của khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ tăng 48% [1]. Đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cho nền kinh tế là vô cùng lớn. Các doanh nghiệp tư nhân trong nước đóng góp 38,6% GDP năm 2016, 38% GDP năm 2017, và 42,1% GDP năm 2018. Kinh tế tư nhân đã liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cả về doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế. Tính đến ngày 31/12/2018, doanh thu thuần của khu vực doanh nghiệp tư nhân đạt 13.410 nghìn tỷ đồng, cao gấp 4 lần doanh thu thuần của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Lợi nhuận trước thuế của khu vực doanh nghiệp tư nhân 323 nghìn tỷ đồng, cao gấp 1,7 lần lợi nhuận trước thuế của khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, dưới áp lực cạnh tranh của cả doanh nghiệp trong và ngoài nước, các doanh nghiệp tư nhân cần nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình để tiếp tục vai trò dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam tăng trưởng tốt nhưng tỷ suất lợi nhuận trên nguồn vốn lại không cao. Trong giai đoạn 2016-2018, tỷ suất lợi nhuận trên nguồn vốn của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chỉ đạt trung bình 1,6%, trong khi, tỷ suất lợi nhuận trên nguồn vốn của các doanh nghiệp nhà nước đạt trung bình 2,3%. Các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cần phối hợp tất cả các nguồn lực để đạt được mục tiêu đảm bảo lợi thế cạnh tranh trên thị trường và những lợi thế cạnh tranh này trước hết phải được tạo ra từ thực lực của doanh nghiệp. Theo Porter (1998), năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp được hiểu là là khả năng duy trì, mở rộng thị phần và đạt được lợi nhuận cao của doanh nghiệp, nó được thể hiện qua các yếu tố như thị phần, uy tín, năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp [6]. Thực tế cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chỉ tập trung cho lợi ích riêng lẻ, chỉ quan tâm đến thương hiệu riêng, sản phẩm riêng của mình chứ không thấy rõ được lợi ích to lớn của việc liên kết lại với nhau, với các đối tác khác để tạo ra thương hiệu và sản phẩm mạnh, có sức cạnh tranh trên thị trường [9]. Chính vì lý do đó, liên kết kinh doanh có thể là một giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Bài nghiên cứu tìm hiểu tác động của liên kết kinh doanh lên các cấu phần của năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, bao gồm thị phần, uy tín, năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh, để đề xuất giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thông qua liên kết kinh doanh.

2. Tác động của liên kết kinh doanh lên thị phần của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam

Với số lượng lớn doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động hiệu quả và đóng góp một phần không nhỏ vào GDP cả nước, thị phần của các doanh nghiệp này trên thị trường Việt Nam là rất lớn, đặc biệt ở một số ngành quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Liên kết kinh doanh có tác động to lớn lên thị phần của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.

Thứ nhất, liên kết kinh doanh hỗ trợ doanh nghiệp tăng thị phần bằng cách thu hút được nhiều khách hàng hơn khi có sản phẩm và dịch vụ đa dạng, ví dụ như trường hợp của hệ thống siêu thị Vinmart. Để có thể thống lĩnh thị phần ngành Bán lẻ, bên cạnh các sản phẩm tự sản xuất, hệ thống siêu thị Vinmart đã liên kết kinh doanh với rất nhiều các doanh nghiệp cung cấp và chế biến thực phẩm khác nhau. Sản phẩm sữa và chế phẩm từ sữa bán tại các siêu thị Vinmart có sản phẩm của Công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk, Công ty CP Chuỗi thực phẩm TH, Công ty Sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy; sản phẩm thịt tươi sống có sản phẩm của Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan, Công ty CP Thực phẩm Ace, Tập đoàn Dabaco, Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Thủy sản Thái Bình Dương, Công ty CP Sài Gòn Food; sản phẩm thực phẩm khô có sản phẩm của Công ty Việt Nam Kỹ nghệ súc sản Vissan, Công ty CP Acecook Việt Nam, Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan, Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina; sản phẩm hóa mỹ phẩm có sản phẩm của Công ty CP Bột giặt LIX, Tập đoàn Unilever Việt Nam,… Với sự liên kết kinh doanh theo cả chiều rộng và chiều sâu như vậy, người tiêu dùng gần như có thể tìm thấy mọi thứ mình cần khi đến mua sắm tại hệ thống siêu thị Vinmart.

Thứ hai, liên kết kinh doanh giúp doanh nghiệp tăng thị phần bằng cách đưa sản phẩm của doanh nghiệp đến nhiều địa điểm kinh doanh hơn. Với thị phần 34,3% của ngành Sữa và chế phẩm từ sữa, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã có mặt ở gần như tất cả các cửa hàng bán lẻ trên cả nước. Từ những siêu thị lớn cho đến các cửa hàng tạp hóa vỉa hè, khách hàng rất dễ dàng mua được sản phẩm của Vinamilk. Rõ ràng, so với sản phẩm của Vinamilk, sản phẩm của các hãng sữa quy mô nhỏ hơn như Công ty CP Chuỗi thực phẩm TH, Công ty Sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy, Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu,… không có được sự “phủ sóng” rộng khắp như vậy. Tương tự như vậy, đơn vị đang thống lĩnh ngành Thực phẩm khô, Công ty CP hàng tiêu dùng Masan, cũng đã đưa sản phẩm của mình đến khắp các siêu thị và đại lý bán hàng trên cả nước thông qua các mối liên kết chặt chẽ trong kinh doanh.

Thứ ba, liên kết kinh doanh giúp cho doanh nghiệp tăng thị phần khi sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp trở nên hấp dẫn hơn đối với khách hàng nhờ có các khoản chiết khấu. Tận dụng những lợi thế của liên kết kinh doanh, doanh nghiệp có thể giảm chi phí và tăng lợi nhuận, đồng thời khách hàng có thể được hưởng nhiều ưu đãi hơn, ví dụ như liên kết kinh doanh giữa các cửa hàng bán lẻ với các ứng dụng thanh toán điện tử như VNPAY QR, Airpay, Moca, Momo,… Khi thanh toán qua các ví điện tử này, khách hàng sẽ được nhận chiết khấu thanh toán, còn doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí khi đầu tư cho các thiết bị phục vụ thu ngân.

Thứ tư, liên kết kinh doanh giúp doanh nghiệp tăng thị phần khi vừa có thể mở rộng địa bàn kinh doanh lại vừa có thể tiết kiệm chi phí. Minh chứng rõ ràng cho ảnh hưởng này được thể hiện qua liên kết kinh doanh dưới dạng nhượng quyền thương hiệu. Hình thức liên kết kinh doanh này được các cửa hàng đồ ăn, đồ uống áp dụng rất nhiều ở Việt Nam hiện nay. Doanh nghiệp lớn trong ngành kinh doanh cửa hàng cà phê là hệ thống cửa hàng Tập đoàn Jollibee đã và đang nhượng quyền kinh doanh thương hiệu Highlands Coffee cho rất nhiều cá nhân cũng như doanh nghiệp kinh doanh nhỏ lẻ. Đây là cách để Tập đoàn Jollibee mở rộng thị phần kinh doanh của thương hiệu Highlands Coffee mà không cần lo lắng về yếu tố mặt bằng kinh doanh và chi phí bán hàng. Tương tự, Tập đoàn Jollibee, Công ty TNHH Lotteria Việt Nam, Công ty TNHH Pizza Hut Việt Nam, Công ty TNHH Một thành viên Blue Exchange,… cũng là các doanh nghiệp nổi tiếng về nhượng quyền thương hiệu ở Việt Nam.

Thứ năm, đứng trước sự thay đổi của thị trường và thói quen mua sắm của khách hàng, các doanh nghiệp phải liên kết với chính đối thủ của mình để có thể cùng tồn tại. Đó là tình huống khi mà các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ăn uống, các siêu thị, cửa hàng bán lẻ,… đã và đang phải kết hợp với các ứng dụng đặt mua hàng hóa qua mạng internet. Doanh nghiệp kinh doanh theo hình thức bán lẻ truyền thống nhận thức được xu thế sử dụng công nghệ của người tiêu dùng, vì thế, nếu không thay đổi, đuổi kịp sự phát triển của công nghệ thì sẽ trở nên lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, xây dựng riêng một ứng dụng đặt hàng qua mạng internet rất tốn kém và các doanh nghiệp có quy mô nhỏ lẻ không thể đủ tiềm lực để thực hiện. Do đó, việc liên kết với các ứng dụng có sẵn danh tiếng và uy tín là một giải pháp tuyệt vời.

3. Tác động của liên kết kinh doanh lên uy tín của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam

Uy tín là một tài sản vô hình của doanh nghiệp mà rất khó để xác định và đo lường. Tài sản vô hình này rất cũng khó để bắt chước và thay thế. Vì vậy, nó được coi là có giá trị, mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp [2]. Uy tín của doanh nghiệp có thể được định nghĩa là nhận thức chung về hiệu quả kinh doanh và sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp so với các đối thủ chính [5]. Uy tín và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp có tác động hai chiều đến nhau. Một doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh tốt sẽ có uy tín cao và ngược lại, một doanh nghiệp có uy tín trên thị trường có thể đạt được hiệu quả kinh doanh tốt hơn [4].

Uy tín của doanh nghiệp Việt Nam, theo báo cáo đánh giá hàng năm của Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam [3], được đánh giá dựa trên 3 tiêu chí chính: (1) mô hình phân tích lượng hóa uy tín trên truyền thông, (2) kết quả kinh doanh và năng lực tài chính và (3) kết quả khảo sát sự hài lòng của khách hàng. Uy tín của doanh nghiệp bị tác động bởi nhiều yếu tố như là uy tín trên truyền thông, kết quả kinh doanh, năng lực tài chính; và hơn cả, đó là sự hài lòng và sự tin tưởng của khách hàng đối với chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Có rất nhiều phương pháp để nâng tầm uy tín của doanh nghiệp và liên kết kinh doanh là một phương pháp rất hiệu quả. Liên kết kinh doanh giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín thông qua mối liên hệ với các đối tác kinh doanh uy tín. Minh chứng cho ảnh hưởng của liên kết kinh doanh lên uy tín của doanh nghiệp là liên kết hợp tác giữa chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà thầu xây dựng, và công ty cung cấp vật liệu xây dựng. Một trong những chủ đầu tư dự án bất động sản uy tín nhất trên thị trường hiện nay là Công ty CP Vinhomes thường lựa chọn Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình hoặc Công ty CP Xây dựng Coteccons làm nhà thầu và Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát hoặc Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen cung cấp vật liệu xây dựng. Sự lựa chọn này giúp cho khách hàng tin tưởng và yên tâm hơn về chất lượng công trình xây dựng của Công ty CP Vinhomes, giúp nâng tầm chất lượng sản phẩm bất động sản và uy tín của Công ty CP Vinhomes, nhất là trong phân khúc bất động sản cao cấp.

Một ví dụ khác minh chứng cho ảnh hưởng của liên kết kinh doanh lên uy tín của doanh nghiệp là liên kết giữa chủ đầu tư bất động sản và ngân hàng thương mại. Khi các dự án bất động sản vẫn đang trong gia đoạn thi công, chưa bàn giao nhà và chưa hình thành tài sản về mặt pháp lý cho khách hàng (chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) thì việc khách hàng có thể vay tiền để mua căn hộ hay không phụ thuộc vào ngân hàng thương mại liên kết với chủ đầu tư dự án đó. Do đó, khi chọn mua căn hộ dự án, khách hàng có nhu cầu vay vốn sẽ rất quan tâm đến đối tác là ngân hàng của dự án đó. Các dự án của chủ đầu tư Công ty CP Vinhomes thường được hỗ trợ bởi các ngân hàng thương mại nhà nước uy tín với lãi suất thấp như là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), và Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triểnViệt Nam (BIDV). Các dự án của chủ đầu tư uy tín như Ecopark cũng sẽ liên kết với các ngân hàng thương mại có uy tín trên thị trường để nâng cao mức độ tin cậy của khách hàng.

Hơn thế nữa, doanh nghiệp đã có uy tín nhất định trên thị trường những vẫn có thể nâng cao uy tín hơn nhờ đẩy mạnh liên kết kinh doanh. Ví dụ, hệ thống siêu thị Vinmart có tiêu chí rất khắt khe trong việc lựa chọn nhà cung cấp và việc những nhà cung cấp thực phẩm sống uy tín như Công ty CP Tập đoàn Masan và Công ty CP Tập đoàn Dabaco đưa được sản phẩm vào hệ thống Siêu thị Vinmart cũng đã nâng tầm chất lượng sản phẩm của mình trong suy nghĩ của khách hàng khi vượt qua được tiêu chí tuyển chọn gắt gao này.

4. Tác động của liên kết kinh doanh lên năng suất lao động tại các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam

Năng suất lao động (NSLĐ) phản ánh năng lực tạo ra của cải trong quá trình sản xuất. Năng suất lao động được đo bằng số sản phẩm hay lượng giá trị tạo ra trong một đơn vị thời gian. Năng suất lao động thể hiện tính chất và trình độ tiến bộ của một tổ chức, đơn vị sản xuất, hay của một phương thức sản xuất; là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế.  Theo Báo cáo Năng suất lao động năm 2020 của Tổng cục Thống kê [8], năng suất lao động Việt Nam thời gian qua tiếp tục cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm, là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực Đông Nam Á. Với mức tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08%, năng suất lao động của Việt Nam ước tính đạt 102,2 triệu đồng/lao động, tăng 6% so với năm 2017. Bình quân giai đoạn 2016-2018, năng suất lao động tăng 5,77% mỗi năm, cao hơn mức tăng bình quân 4,35% mỗi năm của giai đoạn 2011-2015.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê tại Hội nghị Cải thiện năng suất lao động quốc gia 2019, năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp cao hơn 3 lần mức năng suất lao động chung của cả nước. Năng suất lao động chung của toàn bộ khu vực doanh nghiệp năm 2017 theo giá hiện hành đạt 298,7 triệu đồng/lao động, gấp 3,2 lần mức năng suất lao động chung cả nước. Trong đó, năng suất lao động doanh nghiệp nhà nước đạt 678,1 triệu đồng/lao động, gấp 7,3 lần mức năng suất lao động chung cả nước; doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 228,4 triệu đồng/lao động, gấp 2,5 lần mức năng suất lao động chung của cả nước; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 330,8 triệu đồng/lao động, gấp 3,5 lần mức năng suất lao động chung của cả nước.

Liên kết kinh doanh giữa khu vực kinh tế tư nhân với các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp FDI khiến cho năng suất lao động được cải thiện đáng kể. Tại Hội nghị “Cải thiện năng suất lao động quốc gia”, Tổng cục Thống kê đã nhận định rằng để có thể cải thiện năng suất lao động, thứ nhất, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cần đẩy mạnh tiếp cận và ứng dụng công nghệ vào sản xuất mà con đường để thực hiện được mục tiêu này một cách nhanh chóng là liên kết kinh doanh với doanh nghiệp FDI. Trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp tư nhân trong nước hiện tại còn thấp, nhiều doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, tụt hậu 2-3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới. Tỷ lệ doanh nghiệp chi cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển ở Việt Nam vẫn còn thấp. Theo Ngân hàng Thế giới năm 2015, Việt Nam chỉ có 15,7% doanh nghiệp chi tiêu cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển. Do đó, liên kết kinh doanh với doanh nghiệp FDI để cải thiện năng suất lao động thông qua sự tiếp cận, ứng dụng, và lan toả khoa học công nghệ là rất cần thiết.

Hơn thế nữa, liên kết kinh doanh giúp doanh nghiệp tư nhân nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, qua đó giúp tăng năng suất lao động. Ở Việt Nam, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp, năm 2018 đạt 21,9%. Cả nước hiện có tới 42,4 triệu lao động (chiếm khoảng 78% tổng số lao động) chưa được đào tạo để đạt trình độ chuyên môn kỹ thuật nào đó [7]. Thực trạng của thị trường lao động là sự thiếu hụt kỹ sư thực hành và công nhân kỹ thuật bậc cao. Bên cạnh đó, tình trạng thất nghiệp ở nhóm lao động trẻ hoặc không phù hợp giữa công việc và trình độ đào tạo còn khá phổ biến. Do đó, doanh nghiệp tư nhân thiếu lao động được đào tạo có kỹ năng, chuyên môn. Vì vậy, liên kết kinh doanh để học hỏi từ chuỗi giá trị do các doanh nghiệp FDI dẫn dắt là điều mà các doanh nghiệp tư nhân trong nước nên làm để nâng cao năng suất lao động.

Cuối cùng, trình độ tổ chức và quản lý doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều bất cập mà điều này các doanh nghiệp tư nhân trong nước hoàn toàn có thể học hỏi khi liên kết kinh doanh với các doanh nghiệp FDI. Nâng cao trình độ tổ chức, quản lý doanh nghiệp sẽ giúp cho doanh nghiệp quản lý hiệu quả nguồn lực lao động và qua đó, nâng cao hiệu suất sử dụng lao động của doanh nghiệp. Đây là phương pháp gián tiếp làm cải thiện năng suất lao động.

5. Tác động của liên kết kinh doanh lên hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam

Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên doanh thu thuần là một chỉ tiêu phản ánh hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Chỉ tiêu này cho thấy cứ mỗi đồng doanh thu thì sẽ mang lại bao nhiêu đồng lợi nhuận. Nếu tỷ suất lợi nhuận càng cao thì chứng tỏ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đạt hiệu quả tốt, chi phí cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp là hợp lý và ngược lại. Theo Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam, năm 2020, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên doanh thu thuần của toàn bộ khu vực doanh nghiệp trên cả nước chỉ đạt 4% trong giai đoạn 2016-2018. Tỷ lệ này của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam là tương đối thấp. Các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên doanh thu thuần trong giai đoạn 2011-2015 là 1,5%, thấp hơn trung bình của doanh nghiệp cả nước là 3,7%. Trong giai đoạn 2016-2018, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên doanh thu thuần của các doanh nghiệp tư nhân là 2,5%, thấp hơn trung bình của doanh nghiệp cả nước là 4%. Đặc biệt, tỷ lệ này ở các doanh nghiệp FDI là 6,1% trong giai đoạn 2011-2015 và 6,3% trong giai đoạn 2016-2018.

Chưa có nghiên cứu thực nghiệm nào làm rõ tác động của liên kết kinh doanh lên tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn với nhiều liên kết kinh doanh chặt chẽ có tỷ suất lợi nhuận cao hơn tỷ suất lợi nhuận trung bình ngành rất nhiều. Ví dụ, Công ty CP Vincommerce có tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên doanh thu thuần lên đến 43%. Công ty CP Vincommerce thống lĩnh ngành Bán lẻ hàng tiêu dùng với sự liên kết kinh doanh với hàng trăm nhà cung cấp hàng hóa khác nhau nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định và đa dạng hóa sản phẩm bày bán tại hệ thống siêu thị Vinmart và cửa hàng tiện lợi Vinmart+. Nhiều doanh nghiệp tư nhân trong chỉ trong vòng 2 thập niên đã tăng trưởng bền vững để trở thành tập đoàn kinh tế mạnh với hiệu quả kinh doanh cao như Công ty CP Vinhomes, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen,… Các doanh nghiệp này đều có sự liên kết chặt chẽ với nhau trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình, từ đầu vào là sản xuất vật liệu xây dựng cho đến đầu ra là phân phối sản phẩm nhà ở, cho thuê văn phòng và trung tâm thương mại.

Thị trường Việt Nam thời gian qua đã hấp thụ các sản phẩm công nghệ rất mạnh mẽ, nhờ đó mà các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm công nghệ cũng tăng trưởng và có hiệu quả kinh doanh tốt. Công ty CP Thế giới Di động, Công ty CP Kỹ thuật số FPT,… là những công ty dẫn đầu trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ thiết bị điện máy. Đây là các công ty kết nối doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nước ngoài và người tiêu dùng Việt Nam. Vì vậy, có thể nói, liên kết kinh doanh đã đem lại nguồn lợi không nhỏ cho các công ty kinh doanh sản phẩm công nghệ khi mà các công ty này nhạy bén, nắm bắt, và tận dụng được cơ hội trong liên kết kinh doanh.

6. Kết luận

Bài nghiên cứu đã đánh giá tác động của liên kết kinh doanh lên các cấu phần của năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, bao gồm thị phần, uy tín, năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh.

Liên kết kinh doanh có tác động mạnh mẽ lên thị phần của doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam. Liên kết kinh doanh hỗ trợ doanh nghiệp tăng thị phần bằng cách thu hút được nhiều khách hàng hơn khi có sản phẩm và dịch vụ đa dạng; đưa sản phẩm của doanh nghiệp đến nhiều địa điểm kinh doanh hơn; làm cho sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp trở nên hấp dẫn hơn đối với khách hàng nhờ có các khoản chiết khấu từ bên liên kết. Bên cạnh đó, đứng trước sự thay đổi của thị trường và thói quen mua sắm của khách hàng, các doanh nghiệp cần phải liên kết với chính đối thủ của mình để có thể cùng tồn tại.

Liên kết kinh doanh có thể giúp doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam nâng cao uy tín trên thị trường. Uy tín của doanh nghiệp bị tác động bởi nhiều yếu tố như là uy tín trên truyền thông, kết quả kinh doanh, năng lực tài chính, và hơn cả, đó là sự hài lòng và sự tin tưởng của khách hàng đối với chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Có rất nhiều phương pháp để nâng tầm uy tín của doanh nghiệp và liên kết kinh doanh là một phương pháp rất hiệu quả. Liên kết kinh doanh giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín thông qua mối liên hệ với các đối tác kinh doanh uy tín. Hơn thế nữa, doanh nghiệp đã có uy tín nhất định trên thị trường những vẫn có thể nâng cao uy tín hơn nhờ đẩy mạnh liên kết kinh doanh.

Liên kết kinh doanh giúp doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam cải thiện năng suất lao động. Thứ nhất, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam nên đẩy mạnh liên kết kinh doanh với doanh nghiệp FDI để cải thiện năng suất lao động thông qua sự tiếp cận, ứng dụng, và lan tỏa khoa học công nghệ. Thứ hai, liên kết kinh doanh giúp doanh nghiệp tư nhân nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, qua đó giúp tăng năng suất lao động. Cuối cùng, trình độ tổ chức và quản lý doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều bất cập mà điều này các doanh nghiệp tư nhân trong nước hoàn toàn có thể học hỏi khi liên kết kinh doanh với các doanh nghiệp FDI. Nâng cao trình độ tổ chức, quản lý doanh nghiệp, sẽ giúp cho doanh nghiệp quản lý hiệu quả nguồn lực lao động, qua đó, nâng cao hiệu suất sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Tác động của liên kết kinh doanh lên hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân Việt Nam chưa có nghiên cứu thực nghiệm nào làm rõ nhưng thực tế, các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn có liên kết kinh doanh mạnh mẽ có tỷ suất lợi nhuận cao hơn trung bình ngành rất nhiều. Về lý luận, khi mà liên kết kinh doanh giúp cho doanh nghiệp nâng cao trình độ khoa học công nghệ, gia tăng thị phần, cải thiện năng suất lao động thì kết quả sẽ dẫn đến cải thiện vấn đề hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp.

Thông qua những phân tích và nhận định trên đây, thực trạng và tác động của liên kết kinh doanh lên các cấu phần của năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã được làm rõ. Từ những kết luận của bài viết, các nghiên cứu trong tương lai có thể khai thác, thu thập số liệu sơ cấp và thứ cấp để có những bằng chứng thực nghiệm về ảnh hưởng của liên kết kinh doanh tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.

Ghi chú: Bài viết là sản phẩm thuộc đề tài NCKH cấp Nhà nước, mã số KX.01.26/16-20.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020). Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2020. Nhà xuất bản Thống kê.
  2. Brahim, H.B. and Arab, M.B. (2011). The effect of intangible resources on the economic performance of the firm. Journal of Business Studies Quarterly, 3(1), 36-59.
  3. Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam. Top 10 Vietnam Reputation Award. Truy cập ngày 12/06/2020 từ < https://toptenvietnam.vn/TopTen/Index/71?year=2019&viewType=list>
  4. Flanagan, D.J., O’Shaughnessy, K.C. and Palmer, T.B. (2011), “Re-assessing the relationship between the Fortune reputation data and financial performance: overwhelming influence or just a part of the puzzle?”, Corporate Reputation Review, 14(1), 3-14.
  5. Fombrun, C.J. (1996), Reputation: Realizing Value from the Corporate Image, Harvard Business School Press, Boston, MA.
  6. Porter, Michael E. (1998). On Competition. Harvard Business School.
  7. Tổng cục Thống kê (2019). Thông cáo báo chí tại Hội nghị “Cải thiện năng suất lao động quốc gia”. Truy cập ngày 20/6/2020 từ < https://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=382&idmid=2&ItemID=19315>
  8. Tổng cục Thống kê (2020). Báo cáo Năng suất lao động năm 2020.
  9. VCCI (2019). Chủ tịch Phạm Nhật Vượng chỉ ra một điểm sẽ khiến doanh nghiệp Việt “hỏng, không thể lớn được” và đây là lời giải của Jack Ma. Truy cập ngày 15/6/2020 từ < https://ictnews.vietnamnet.vn/khoi-nghiep/chu-tich-pham-nhat-vuong-chi-ra-mot-diem-se-khien-doanh-nghiep-viet-hong-khong-the-lon-duoc-va-day-la-loi-giai-cua-jack-ma-34401.html >
  10. Vĩnh Chi (2019). So sánh khu vực kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước: Ai đang là chủ đạo?. Truy cập ngày 18/06/2020 từ < https://vietnamfinance.vn/so-sanh-khu-vuc-kinh-te-tu-nhan-va-kinh-te-nha-nuoc-ai-dang-la-chu-dao-20180504224222929.htm>

IMPACTS OF BUSINESS LINKAGES

ON THE BUSINESS COMPETITIVENESS

OF VIETNAMESE PRIVATE ENTERPRISES

• DAO THI THU GIANG

Virex Joint Stock Company

• CAO DINH KIEN

Foreign Trade University

• HOANG HA ANH

Foreign Trade University

ABSTRACT:

Vietnamese private enterprises have achieved encouraged results in terms of both quantity and quality. However, under the competitive pressure of both domestic and foreign competitors, Vietnamese private enterprises should improve their own competitive advantages in order to promote their lead role in the national economy. Business linkage is considered an important and effective solution to improve the business competitive of Vietnamese private enterprises. This study examines the current situation and the impact of business linkages on the competitive advantages of Vietnamese private enterprises under different views including market share, reputation, productivity, and business performance. This study is expected to help Vietnamese private enterprises understand more clearly the importance of business linkages in their business development.

Keywords: Business linkages, competitiveness, private enterprises, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 19, tháng 8 năm 2020]