Tác động của quyền tự do cư trú tới phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam

NCS. ThS. LƯU TRẦN PHƯƠNG THẢO và ThS. PHẠM THỊ NHẠN (Học viện Phụ nữ Việt Nam)

TÓM TẮT:

Tự do cư trú là quyền cơ bản của con người. Nhà nước ghi nhận và bảo vệ cho cá nhân, công dân được thực hiện quyền này một cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên, tự do cư trú có tác động rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia. Có những tác động mang tính tích cực, có những tác động mang tính tiêu cực. Bài viết đưa ra các giải pháp đồng bộ nhằm phát huy những tác động tích cực và hạn chế những tác động tiêu cực của quyền tự do cư trú đối với phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Từ khóa: Tự do cư trú, tác động của quyền tự do cư trú, tự do cư trú đối với phát triển kinh tế - xã hội.

  1. Đặt vấn đề

Việc lựa chọn sinh sống, làm việc ở khu vực nào là quyền tự do của công dân. Mỗi người xem xét sự phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân để lựa chọn nơi ở, nơi làm việc ở thành thị hay nông thôn, miền xuôi hay miền ngược. Nhà nước ghi nhận, bảo vệ quyền này của công dân và tạo điều kiện cho họ phát huy năng lực của bản thân. Quyền tự do cứ trú tác động tích cực nhưng cũng đồng thời mang lại nhiều vấn đề tiêu cực cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhiệm vụ của nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách là tìm các giải pháp nhằm phát huy những tác động tích cực và giảm thiểu những tác động tiêu cực.

  1. Nội dung cơ bản của quyền tự do cư trú

Quyền tự do cư trú là một trong những quyền cơ bản của con người, thuộc nhóm quyền dân sự và chính trị, được ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế và khu vực. Thực chất, quyền này lần đầu tiên được đề cập trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (UDHR), cụ thể: “Mọi người đều có quyền tự do đi lại và tự do cư trú trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia. Mọi người đều có quyền rời khỏi bất kỳ nước nào, kể cả nước mình, cũng như có quyền trở về nước mình”1. Quy định này sau đó lại được khẳng định và cụ thể hóa trong các điều 12 và 13 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (ICCPR).

Ở Việt Nam, quyền tự do cư trú được ghi nhận trong Hiến pháp2. Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng cụ thể hóa quy định này3. Nội dung cơ bản của quyền tự do cư trú được hiểu là:

- Con người, công dân có quyền lựa chọn nơi ở, nơi làm việc theo năng lực, sở thích của bản thân.

- Nhà nước ghi nhận và có cơ chế bảo vệ quyền tự do cư trú.

  1. Những tác động của quyền tự do cư trú tới phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam

3.1. Những tác động tích cực của quyền tự do cư trú tới phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam

Thứ nhất, tự do cư trú giúp giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Nhờ có quyền tự do cư trú, con người được lựa chọn những công việc ở những nơi phù hợp. Có những người sinh ra và lớn lên ở khu vực kinh tế chưa phát triển, họ phải di cư về những nơi có điều kiện kinh tế phát triển mới có thể tìm kiếm việc làm. Có những người phải di cư đến những nơi khác mới tìm kiếm được công việc phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân. Vì thế, có thể khẳng định, tự do cư trú tạo ra cơ hội tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập cho tất cả mọi người.

Thứ hai, tự do cư trú giúp xóa đói giảm nghèo

Khi người dân có quyền di cư đến những khu vực khác để tìm kiếm việc làm sẽ giúp họ có thu nhập, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, ở nước ta, hàng năm có một lượng lớn người di cư đi nước ngoài theo hình thức xuất khẩu lao động, cuộc sống của họ và gia đình họ có nhiều thay đổi theo hướng tích cực4. Nhiều người có kinh nghiệm quản lý, có vốn đầu tư di cư tới vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế chưa phát triển để khai thác những tiềm năng chưa được phát huy ở đây. Như vậy, có thể nói, tự do cư trú góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của nước ta.

Thứ ba, tự do cư trú giúp khai thác tiềm năng của mỗi vùng miền đất nước.

Ở nước ta mỗi vùng miền đều có những tiềm năng khác nhau cho phát triển kinh tế - xã hội. Khi con người di cư đến những nơi đó, họ luôn tìm cách khai thác tiềm năng đó để phát triển kinh tế. Vì thế, có thể khăng định việc đảm bảo quyền tự do cư trú góp phần phát huy tiềm năng của mỗi vùng miền trong cả nước.

Thứ tư, tự do cư trú giúp phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng còn khó khăn.

Ở nước ta, những vùng kinh tế - xã hội còn khó khăn, kém phát triển thường là những vùng còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Người dân di cư đến những khu khu vực này để đầu tư sản xuất, kinh doanh nhằm khai thác những tiềm năng đó. Vì thế, tự do cư trú đã góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, những khu vực khó khăn và trọng yếu về chính trị, quốc phòng cũng vẫn đang cần người di cư đến để sinh sống, làm việc, phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh tổ quốc.

3.2. Những tác động tiêu cực của quyền tự do cư trú tới phát triển kinh tế - xã hội

Bên cạnh những tác động tích cực như đã phân tích ở mục 2.1, quyền tự do cư trú còn có nhiều tác động tiêu cực tới phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể:

Thứ nhất, việc di cư ồ ạt vào các những khu vực phát triển (thường là các thành phố lớn) tạo nên áp lực về mọi mặt cho các khu vực này.

Do lượng người tăng lên nên khu vực có nhiều người nơi khác di cư về sinh sống chịu áp lực về cơ sở hạ tầng như giao thông, nhà ở, trường học, bệnh viện… Nếu không giải quyết kịp thời, hệ thống hạ tầng ở đây không thể đáp ứng nhu cầu của người dân. Tình trạng ùn tắc đường, quá tải ở các bệnh viện hoặc không đủ lớp, giáo viên tại các trường học đang trở thành vấn nạn nhức nhối trong xã hội. Bên cạnh đó, công tác quản lý dân cư ở khu vực có nhiều người di cư đến cũng khó khăn5.

Thứ hai, cuộc sống của nhiều người di cư gặp khó khăn về vật chất và tinh thần.

Các khó khăn điển hình như, người di cư thường phải thuê nhà để ở. Chất lượng nhà thuê chưa đáp ứng điều kiện sinh hoạt tối thiểu, giá thuê nhà và các chi phí cho dịch vụ điện, nước thường cao. Theo quy định của pháp luật, trong các khu công nghiệp tập trung phải dành một quỹ đất để xây nhà ở cho công nhân. Nhưng thực tế, không phải khu công nghiệp nào cũng có đầy đủ khu nhà ở cho người lao động. Một ví dụ điển hình, chúng ta có thể xem xét tình hình xây dựng nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp tại thành phố Hà Nội trong Bảng 1.

Đặc biệt, nhiều người Việt Nam sang nước ngoài sinh sống xa quê hương, gia đình, sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa nên cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn trong cả cơ hội tìm kiếm việc làm và sinh hoạt.

Thứ ba, tự do cư trú tạo nên sự phát triển không đồng đều trong phạm vi cả nước.

Thông thường ở những thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh… có nhiều người di cư về sinh sống thì kinh tế - xã hội vốn đã có nền tảng phát triển và sẽ phát triển hơn. Những vùng quê, nông thôn, miền núi… nơi kinh tế vốn kém phát triển, nay nhiều người rời đi nơi khác sinh sống, làm việc sẽ càng làm cho kinh tế - xã hội ở đây khó khăn so với khu vực khác.

Thứ tư, tự do cư trú tạo nên xáo trộn về văn hóa.

Tại khu vực có nhiều người ở nơi khác di cư đến sẽ bị xáo trộn về văn hóa. Bởi vì mỗi người di cư đến từ các khu vực địa lý khác nhau và mang theo văn hóa của vùng miền họ. Điều đáng lo ngại ở đây là nhiều hủ tục từ các vùng miền khác được người dân mang theo khi di cư. Vì vậy, sự xáo trộn về văn hóa gây khó khăn cho công tác quản lý xã hội.

Thứ năm, khó thu hút được nhân tài về phát triển kinh tế - xã hội tại quê hương

Điều này được hiểu dưới hai khía cạnh: Một là, các địa phương, đặc biệt là các vùng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn ở nước ta không thu hút được những người có trình độ về làm việc; Hai là, nhiều người Việt Nam có năng lực ra nước ngoài sinh sống và làm việc. Đó là hiện tượng “chảy máu chất xám” của các địa phương khó khăn và của cả nước.

  1. Giải pháp đảm bảo quyền tự do cư trú nhằm hướng tới phát triển kinh tế - xã hội

Thứ nhất, phát triển các tiện ích phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân ở những khu vực có nhiều người di cư tới như nhà ở, trường học, bệnh viện, bến xe…

Đây vừa là giải pháp trước mắt, vừa là giải pháp lâu dài. Để có thêm các cơ sở hạ tầng có chất lượng phục vụ cuộc sống của người dân cần tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể như sau:

- Xã hội hóa việc xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu này, đặc biệt là trong việc xây dựng các đường giao thông.

- Phát triển mô hình nhà ở xã hội giá rẻ đảm bảo chất lượng có hỗ trợ vay vốn ngân hàng.

- Xây dựng các thêm các cơ sở giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non, cấp 1, cấp 2, cấp 3 công lập.

- Mở rộng các bệnh viện vốn có, xây dựng thêm các cơ sở 2, cơ sở 3… của các bệnh viện này ra các khu vực ngoại thành của các thành phố lớn.

- Mở rộng, nâng cấp các khu vui chơi, giải trí có sẵn hoặc xây dựng thêm ở các khu vực ngoại thành của các thành phố lớn.

Thứ hai, xây dựng cơ chế hỗ trợ bình đẳng giữa người dân chính cư và người dân ngụ cư.

Hiện nay, vẫn tồn tại một số cơ chế quản lý tạo ra sự bất bình đẳng giữa dân chính cư và dân ngụ cư. Ví dụ, việc tuyển sinh vào các trường học công lập thường ưu tiên theo thứ tự người dân có đăng ký hộ khẩu thường trú, sau đó mới xét người dân có đăng ký tạm trú tại địa phương. Điều đó tạo ra sự bất bình đẳng cho con cái của những người từ nơi khác tới sinh sống mà chưa có điều kiện, nhu cầu đăng ký hộ khẩu thường trú trên địa bàn. Vì thế, việc tạo cơ chế quản lý bình đẳng giữa dân chính cư và dân ngụ cư là điều cần thiết.

Thứ ba, phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng quê để tránh sự di cư ồ ạt về các thành phố lớn.

Đây cũng vừa là giải pháp mang tính trước mắt và lâu dài. Việc phát triển kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa sẽ tạo ra việc làm cho lao động tại chỗ. Khi có việc làm và cuộc sống ổn định, người dân thường có xu hướng gắn bó với quê hương và ít di cư sang các khu vực địa lý khác.

Thứ tư, có cơ chế hỗ trợ người tài về địa phương, về đất nước phục vụ.

Chế độ đãi ngộ phải đủ hấp dẫn thì mới thu hút được những người có năng lực. Chế độ đãi ngộ không chỉ trong tuyển dụng mà còn áp dụng cả trong quá trình công tác của họ.

  1. Kết luận

Bài viết đã phân tích, đánh giá những tác động của quyền tự do cư trú tới phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta. Để giảm thiểu những tác động tiêu cực của quyền tự do cư trú tới phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: Phát triển các tiện ích phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân ở những khu vực có người di cư tới như nhà ở, trường học, bệnh viện, bến xe, đường giao thông…; Xây dựng cơ chế hỗ trợ bình đẳng giữa những người dân chính cư và người dân ngụ cư; Phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng quê để tránh sự di cư ồ ạt về các thành phố lớn…

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

1Điều 14 Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền

2Điều 23 Hiến pháp năm 2013

3Điều 48 Bộ luật Dân sự năm 2015

4Phan Phương (2017), Tuyên Hóa: Thoát nghèo nhờ xuất khẩu lao động, Website: Quảng Bình Online, cập nhật lúc 8:43, Thứ Năm 07/12/2017; Xem: 11:59 ngày 15/04/2019, https://baoquangbinh.vn/xa-hoi-doi-song/201712/tuyen-hoa-thoat-ngheo-nho-xuat-khau-lao-dong-2151766/index.html

5Ngọc Hà – Chí Quốc (2018), Dòng di cư từ nông thôn đổ về, đô thị lớn gánh áp lực quá tải, Website: Tuoitreonline, cập nhật: 15/01/2018 13:24 GMT+7, xem: 14:59 ngày 02/3/2019, https://tuoitre.vn/dong-di-cu-tu-nong-thon-do-ve-do-thi-lon-ganh-ap-luc-qua-tai-20180115083032067.htm

6UBND Thành phố Hà Nội (2018), Báo cáo tình hình phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp; tình hình phát triển hạ tầng xã hội khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, tháng 5/2018.

IMPACTS OF THE FREEDOM OF RESIDENCE ON THE SOCIO-ECONOMIC DEVELOPMENT OF VIETNAM

Ph.D’s student, Master. LUU TRAN PHUONG THAO

Master. PHAM THI NHAN

Vietnam Women’s Academy

ABSTRACT:

Freedom of residence is a basic human right. The state recognizes and protects individuals and citizens to exercise this right in the most effective way. However, the freedom of residence has greatly impacted on the socio-economic development of a country. There are positive impacts and negative impacts of the freedom of residence. This article is to provide comprehensive solutions to promote positive impacts and limit negative impacts of the freedom of residence on the socio-economic development of the country.

Keywords: Freedom of residence, the impact of freedom of residence, freedom of residence and socio-economic development.